(Quanlynhanuoc.vn) – Đảng và Nhà nước ta luôn coi việc chăm lo cuộc sống cho đồng bào có đạo nói chung và đạo Công giáo nói riêng là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng và đạo lý truyền thống của dân tộc. Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về Công giáo đã đạt được những thành công nhất định: các hoạt động của đạo Công giáo diễn ra cơ bản ổn định, tuân thủ pháp luật; quan hệ giữa chính quyền với đạo Công giáo ngày càng cởi mở hơn… Nhằm giải tỏa những nguy cơ tiềm ẩn bất ổn về tôn giáo, tạo đồng thuận trong xã hội và đoàn kết dân tộc, tôn giáo cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với đạo Công giáo hiện nay.
Đạo Công giáo (ĐCG) là một phái lớn của Thiên chúa giáo thờ Chúa Giê-su, là giáo hội được tổ chức chặt chẽ nhất từ cá thể đến tập thể, từ tập thể nhỏ đến tập thể lớn, từ địa phương đến trung ương, từ quốc gia đến toàn cầu. Đứng đầu giáo hội Công giáo là giáo triều Vatican với Giáo hoàng cai quản giáo hội Công giáo toàn cầu. Tại các nước độc lập có chủ quyền được giáo hội và thế giới công nhận thì Tòa thánh Vatican cho thành lập giáo hội riêng của nước đó gọi là giáo miền với người đại diện là Hồng y. Bên dưới giáo miền là các giáo tỉnh gồm nhiều giáo phận; các tổng giám mục phụ trách các giáo tỉnh. Giáo phận là một cộng đoàn tín hữu được giới hạn trong một địa dư nhất định và trực thuộc Tòa thánh; giám mục đứng đầu, phụ trách giáo phận có quyền quyết định mọi việc về tôn giáo ở giáo phận mình và liên hệ trực tiếp với Giáo hoàng. Dưới giáo phận là giáo xứ, mỗi giáo xứ có một linh mục chính xứ. Trong giáo xứ có những cộng đồng nhỏ, như: các họ đạo, các khu… không có tư cách pháp nhân.
Công giáo Việt Nam là một bộ phận của giáo hội Công giáo, dưới sự lãnh đạo tinh thần của các giám mục tại Việt Nam, hiệp thông với Giáo hoàng. Về số lượng người Công giáo, Việt Nam đứng thứ năm châu Á (sau Phi-líp-pin, Ấn Độ, Trung Quốc và In-đô-nê-xi-a). Công giáo có mặt tại Việt Nam từ thế kỷ XVI và được thiết lập vững chắc bởi các thừa sai Dòng Tên Bồ Đào Nha và I-ta-li-a vào đầu thế kỷ XVII. Nền tảng truyền giáo do các tu sỹ Dòng Tên xây dựng được tiếp nối bởi Hội Thừa sai Paris Pháp và Dòng Đa Minh Tây Ban Nha. Các linh mục người Việt đầu tiên được thụ phong vào năm 1668; Giám mục người Việt tiên khởi là Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng được bổ nhiệm năm 19331.
Sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, từ ngày 24/4 – 01/5/1980, tại Hà Nội đã triệu tập Đại hội toàn thể Giám mục ở Việt Nam để thống nhất thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam. Hội đồng Giám mục Việt Nam bao gồm các giám mục đang thi hành phận sự mục vụ tại các địa phận Công giáo ở Việt Nam. Hội đồng Giám mục Việt Nam được coi như là cơ quan phối hợp và hiệp thông của giáo hội Công giáo Việt Nam. Mỗi năm họp thường niên một lần và cứ 3 năm đại hội một lần. Hội đồng Giám mục Việt Nam có nhiệm vụ “cổ vũ tính liên đới để phát huy các thiện tích mà Giáo hội dâng hiến cho Chúa bằng các hình thức tông đồ và các phương pháp thích hợp với hoàn cảnh của thời đại, trong tinh thần gắn bó với dân tộc và đất nước”. Theo điều tra dân số chính thức của Nhà nước năm 2019, Công giáo là tôn giáo lớn nhất tại Việt Nam với hơn 5,86 triệu tín đồ. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu tín hữu Công giáo, thuộc về ba Giáo tỉnh là Hà Nội, Huế, và Sài Gòn2.
Ngay sau Tuyên ngôn Độc lập (ngày 02/9/1945), Đảng và Nhà nước ta đã luôn đặt vấn đề tôn giáo trong vấn đề quốc gia – dân tộc, đã xác lập luận đề có tính nguyên tắc trong chính sách tôn giáo là: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”3 và tại Điều 10 Hiến pháp năm 1946 về quyền công dân tiếp tục được nêu đầy đủ như trong bản Tuyên bố về sáu vấn đề cấp bách của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ những văn bản ban đầu, chính sách tôn giáo dần được thể chế hóa với Sắc lệnh số 234 ngày 14/6/1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng.
Đến Hiến pháp năm 1959, quyền tự do tôn giáo được ghi rõ hơn: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” (Điều 26). Ở Hiến pháp năm 1980, Điều 68, ngoài nội dung Điều 26 kể trên có thêm nội dung: “không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Đến Hiến pháp năm 2013, việc thể chế hóa thành pháp luật quyền tự do tôn giáo của công dân được thể hiện rộng rãi, toàn diện hơn nữa: Điều 24 (Chương II) Hiến pháp năm 2013, nêu rõ: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Với đường hướng đúng đắn “tôn giáo đồng hành cùng dân tộc”, “sống tốt đời, đẹp đạo”, “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, “yêu nước kính chúa”, chúng ta đang hướng tới mục tiêu “tôn giáo đồng hành với chủ nghĩa xã hội” – đây chính là nguyên tắc quan trọng trong chính sách tôn giáo của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại đa số tín đồ các tôn giáo – những công dân của đất nước Việt Nam luôn gắn bó với quê hương, đất nước, đã và đang góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quản lý nhà nước (QLNN) đối hoạt động của ĐCG là hoạt động của cơ quan QLNN (Ban Tôn giáo Chính phủ) phối hợp với các địa phương có liên quan và các ban, ngành, chức năng ở trung ương trong QLNN đối với hoạt động của Hội đồng Giám mục Việt Nam để giải quyết những vấn đề về hoạt động tôn giáo. QLNN đối với Tòa Giám mục giáo phận về các tổ chức, nhân sự do Giám mục giáo phận thành lập và bổ nhiệm. QLNN đối với hoạt động của giáo xứ về việc tách giáo xứ và thành lập giáo xứ mới; quản lý các hoạt động của Ban Chấp hành giáo xứ. Quản lý hàng giáo phẩm và giáo sỹ: về phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm Hồng y, Tổng Giám mục đến các linh mục, bề trên dòng tu ĐCG. Thuyên chuyển nơi hoạt động của các chức sắc, nhà tu hành.
Quản lý hoạt động đào tạo chức sắc của Đại chủng viện và chương trình giảng dạy tại Đại chủng viện. QLNN đối với các cơ sở vật chất: xây dựng, sửa chữa nhà thờ, nhà xứ và quyền sử dụng đất đai; xuất bản kinh sách, nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu cho sinh hoạt hành đạo theo quy định của pháp luật. QLNN đối với các sinh hoạt tôn giáo và các hoạt động từ thiện xã hội có liên quan đến Công giáo. QLNN đối với hoạt động quan hệ kinh tế đối ngoại và một số việc về hành chính đạo của ĐCG đáp ứng yêu cầu giao lưu quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và pháp luật của Việt Nam. Tham gia vào quá trình đấu tranh của nhân loại bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh, góp phần tuyên truyền đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.
Những năm qua, công tác QLNN về Công giáo đã đạt được những thành công nhất định; các hoạt động của ĐCG diễn ra cơ bản ổn định tuân thủ pháp luật. Quan hệ giữa chính quyền với ĐCG ngày càng cởi mở hơn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ĐCG cơ bản tạm dừng các hoạt động tôn giáo có đông tín đồ tham dự; khuyến cáo tín đồ không tập trung đông người. Nhiều chức sắc, chức việc và tín đồ Công giáo tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chung tay chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Chính quyền các cấp đã quan tâm hướng dẫn, giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG) chính đáng của giáo hội, tạo sự đồng thuận trong chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, yên tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Các hoạt động phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển, bổ nhiệm, bồi dưỡng chức sắc, chức việc, nhà tu hành thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc thông báo thuyên chuyển địa bàn hoạt động của chức sắc, chức việc và hoạt động xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở thờ tự… được giáo hội thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Quan hệ Việt Nam – Vatican có tiến triển, hai bên đã thống nhất chủ trương nâng cấp quan hệ từ Đặc phái viên không thường trú lên Đặc phái viên thường trú theo lộ trình chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các thông lệ ngoại giao quốc tế. Đồng thời, chủ động duy trì quan hệ đối thoại với Tòa thánh Vatican và Đặc phái viên của Tòa thánh tại Việt Nam để ổn định tình hình Công giáo Việt Nam.
Kết quả đạt được trong công tác QLNN về Công giáo thời gian qua đã bảo đảm quyền tự do TNTG của người dân, dần đưa các hoạt động Công giáo vào quản lý theo pháp luật, tạo lập mối quan hệ gắn bó, sự hiểu biết, tin tưởng giữa chính quyền và các tổ chức Công giáo, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách tôn giáo và chính sách xã hội. Tạo lập uy tín đối với quốc tế của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, quyền tự do TNTG. Phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và đóng góp của tôn giáo vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo chia rẽ đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc của các thế lực xấu.
Tuy nhiên, để chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch từ lâu xem Công giáo là một trong những mũi nhọn để công kích, chống phá. Những đối tượng phản động, cơ hội chính trị lợi dụng tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo để kích động và tiến hành các hoạt động chống chính quyền, chống chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) dưới chiêu bài “đấu tranh cho tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền”, tiến tới phủ nhận, xóa bỏ vai trò của Đảng, Nhà nước ta.
Nâng cao hiệu quả công tác QLNN đối với ĐCG
Thứ nhất, các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về TNTG đối với khu vực ĐCG. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về TNTG được quan tâm và chỉ đạo thường xuyên sẽ tạo những bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, đồng bào có đạo; củng cố niềm tin của chức sắc, tín đồ Công giáo đối với Đảng, Nhà nước ta. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về TNTG còn góp phần làm tốt công tác thông tin đối ngoại về tôn giáo, giúp cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài hiểu rõ hơn về tình hình tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng ở Việt Nam, góp phần đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo.
Thứ hai, từng bước hoàn thiện, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về TNTG và công tác tôn giáo, phù hợp với luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Việc hoàn thiện pháp luật liên quan đến tôn giáo khẳng định vai trò của Nhà nước là luôn tạo điều kiện tối ưu cho các tôn giáo thực hành đức tin của mình không bị hạn chế, tuy nhiên, phải nằm trong khuôn khổ pháp luật. Hệ thống pháp luật về TNTG ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ, phù hợp với trình độ phát triển của kinh tế – xã hội chính là bảo đảm cao nhất về pháp lý, mọi người dân có cơ hội và điều kiện ngày càng bình đẳng trong việc thực hiện quyền tự do TNTG của mình…
Đồng bộ các quy định có liên quan đến tôn giáo trong các văn bản quy phạm pháp luật; xóa các lỗ hổng về pháp lý, tạo tâm lý an lạc trong đồng bào có đạo, đồng thời, bảo đảm hiệu lực QLNN. Bổ sung các quy định cụ thể về phân công trách nhiệm, phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành trong công tác tôn giáo. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực TNTG.
Thứ ba, chủ động giải quyết các mâu thuẫn, như các vấn đề liên quan đến đất đai thờ tự, nơi sinh hoạt tôn giáo, hình thức sinh hoạt tôn giáo, yếu tố thẩm mỹ… Các cơ quan QLNN phải luôn chủ động giải quyết các mâu thuẫn này bằng pháp luật, qua phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị để vận động quần chúng là các tín đồ, chức sắc, tu sỹ tôn giáo thực hiện theo pháp luật.
Thực tiễn cho thấy, Công giáo nói riêng và tôn giáo nói chung có sự thích ứng về căn bản với Nhà nước trong một giai đoạn nhất định, song cùng với sự phát triển của xã hội có thể phát sinh sự không thích ứng mới đòi hỏi phải có những điều chỉnh. Quá trình thích ứng, tái thích ứng sâu rộng với xã hội XHCN là một tất yếu khách quan trong mối quan hệ giữa Nhà nước và ĐCG ở Việt Nam hiện nay.
Thứ tư, thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của Nhân dân, trong đó có đồng bào Công giáo, góp phần giữ vững ổn định tình hình xã hội, an ninh chính trị; củng cố khối đoàn kết dân tộc, phát huy những điểm tương đồng của công giáo và chủ nghĩa xã hội.
Công giáo cũng như các tôn giáo khác hứa hẹn xã hội hoàn thiện ở một thế giới khác, trong khi chủ nghĩa xã hội chủ trương thay đổi Nhà nước và xã hội hiện tại bằng một xã hội khác cao hơn, tiến bộ hơn, công bằng hơn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà nhà nước XHCN phủ nhận nhu cầu tâm linh của quần chúng – chừng nào đồng bào có đạo còn có nhu cầu ấy. Sự khác nhau về thế giới quan không hoàn toàn dẫn đến sự khác nhau về quan điểm chính trị. Người có, cũng như không có TNTG vẫn có thể cùng phấn đấu cho một mục tiêu chính trị nhất định.
Các cơ quan QLNN về tôn giáo phải luôn tạo điều kiện, vận động để các chức sắc công giáo thực hiện tốt vai trò dẫn dắt các tín đồ hành đạo, khơi dậy và phát huy những mặt tích cực trong hoạt động, sinh hoạt của các tôn giáo hợp pháp, từ thiện cứu giúp nhân đạo; biểu dương những nhà tu hành, những tín đồ thực hiện tốt phương châm “tốt đời, đẹp đạo”… Đồng thời, luôn cảnh giác đấu tranh, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân lợi dụng tôn giáo để gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đội lốt tôn giáo vì các mưu đồ kinh tế, chính trị, chống phá sự nghiệp cách mạng.
Thứ năm, giải quyết thật tốt công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến ĐCG không để bùng phát điểm nóng. Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác QLNN về tôn giáo, cơ quan QLNN các cấp cần chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo nói chung và ĐCG nói riêng. Cơ quan QLNN về tôn giáo phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương giải quyết các vấn đề phức tạp trong Công giáo, như: khiếu kiện đất đai, xây dựng cơ sở tôn giáo trái pháp luật; hoạt động tôn giáo lệch chuẩn, trục lợi, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh trong lĩnh vực TNTG vùng đồng bào ĐCG.
Việc thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật liên quan đến TNTG không chỉ thể hiện quyết tâm đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống để bảo đảm quyền tự do TNTG của người dân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác QLNN; mà còn hạn chế tối đa sự lạm quyền, sai quyền dẫn đến vi phạm quyền tự do TNTG của cá nhân và tổ chức có liên quan, giải tỏa những nguy cơ tiềm ẩn bất ổn về tôn giáo, tạo đồng thuận trong xã hội và đoàn kết dân tộc, tôn giáo.