Xây dựng chính quyền số hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) Trong bối cảnh phát triển mới – nơi diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng hội nhập quốc tế đã và đang mang lại nhiều cơ hội mới nhưng cũng có nhiều thách thức mới phi truyền thống cho các quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, với việc đẩy mạnh tự động hóa, công nghệ số trong các hoạt động kinh tế – xã hội, dẫn đến “mọi thứ ngày càng được số hóa và kết nối nhiều hơn qua internet và công nghệ số được dùng trong mọi mặt của xã hội và kinh tế”1. Đây là xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau và trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội.
Ảnh minh họa (internet).

Theo dự báo của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế, đến năm 2022, số tiền đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số (CĐS) của toàn thế giới có thể đạt con số 1,97 nghìn tỷ USD, trở thành một trong những xu hướng có khả năng thay đổi cán cân thương mại thế giới2. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 tác động tới tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Các chuỗi cung – cầu trên thế giới bị đứt gãy; nhiều hoạt động phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) bị tác động nghiêm trọng, thậm chí đảo ngược. Tuy nhiên, đối với CĐS, Covid-19 được xem là “cú huých trăm năm”, thúc đẩy quá trình CĐS nhanh hơn, toàn diện hơn.

Nhận thức được cơ hội và thách thức đối với đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Nghị quyết đã xác định các mục tiêu cho từng thời điểm, năm 2025, năm 2030 để hướng tới tầm nhìn đến năm 2045: “Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất các các lĩnh vực kinh tế – xã hội, môi trường, quốc phòng – an ninh”.

Nghị quyết số 50-NQ/CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019; Quyết định số 794/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình đã xác định tầm nhìn đến năm 2030: “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”.

Với chương trình CĐS, Việt Nam hướng tới khơi dậy khát vọng “xây dựng Việt Nam hùng cường” thông qua thông điệp “Make in Vietnam”3. Chương trình này là cơ sở để các địa phương, ngành, lĩnh vực xác lập mục tiêu, giải pháp để CĐS phù hợp với điều kiện thực tiễn. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động, xây dựng chương trình, kế hoạch CĐS cho ngành, địa phương mình.

Thuật ngữ “chính quyền số” (CQS) bắt nguồn từ thuật ngữ “chính phủ số” – được xác định là một trong ba trụ cột của CĐS quốc gia cùng với kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, chính phủ số được xác định là khâu then chốt, đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, quản lý và phát triển kinh tế số, xã hội số. Vai trò của chính phủ số xuất phát từ vai trò của Nhà nước đối với sự phát triển KTXH. Trong bất cứ xã hội nào thì Nhà nước đều đảm nhận vai trò “không thể chuyển nhượng” chính là định hướng, quản lý, phát triển KTXH và phát triển quốc gia. Do đó, sự phát triển của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đều bắt nguồn từ hiệu quả quản trị của Nhà nước, của các cấp chính quyền. Vì vậy, trong kỷ nguyên số, chính phủ số đóng vai trò trung tâm, định hướng, dẫn dắt, quản lý và phát triển kinh tế số, xã hội số như một tất yếu.

Theo cách hiểu đơn giản, chính phủ số là khái niệm dùng để chỉ phương thức hoạt động của chính phủ (rộng ra là toàn bộ các cơ quan công quyền) dựa trên việc ứng dụng các công nghệ số (CNS), giải pháp thông minh trong các hoạt động quản trị của mình trên môi trường số. Theo nghĩa khác, chính phủ số cũng dần được sử dụng để nói về một chính phủ (hay một chính quyền) được tổ chức hoạt động hiệu lực, hiệu quả chủ yếu dựa vào việc ứng dụng CNS, các giải pháp thông minh; tương tác, lắng nghe hiệu quả, nhịp nhàng với người dân và doanh nghiệp. Từ thuật ngữ chính phủ số, CQS có thể hiểu là chính quyền hoạt động chủ yếu dựa vào việc ứng dụng CNS để không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong các hoạt động quản trị. Nói cách khác, CQS là khái niệm để chỉ phương thức hoạt động của chính quyền trong môi trường số.

CQS có các đặc điểm cơ bản:

Một là, CNS, các giải pháp thông minh dần hiện hữu trên hầu hết các hoạt động của các cấp chính quyền. CNS là các giải pháp, quy trình xử lý các tín hiệu số (các dữ liệu thông tin được định dạng kỹ thuật số); cho phép tính toán nhanh hơn, xử lý dữ liệu nhiều hơn, truyền tải dung lượng lớn hơn với chi phí rẻ hơn (so với công nghệ thông tin). Theo nghĩa khác, CNS còn được hiểu là các công nghệ như: công nghệ thông tin và truyền thông (ITC), bao gồm internet, các công nghệ chính như: Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (A.I – Artificial Intelligence), Kết nối vạn vật (IoT – Internet of things), Điện toán đám mây (cloud computing), Công nghệ di động… và các công nghệ phân tích dữ liệu được ứng dụng trong các hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công của các cấp chính quyền.

Hai là, phần lớn thông tin trong hoạt động quản lý của chính quyền tồn tại dưới dạng kỹ thuật số (tín hiệu số, thông tin được số hóa). Các thông tin được phân định, chỉnh lý và định dạng kỹ thuật số để hình thành hệ thống dữ liệu số toàn diện về KTXH. Hệ thống dữ liệu số ngày càng được thu thập kịp thời, toàn diện, phản ánh chuẩn xác tình hình KTXH và được xử lý khoa học để phục vụ các hoạt động quản trị của chính quyền chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Trong CQS, dữ liệu thông tin phục vụ các hoạt động quản lý của chính quyền các cấp được cung cấp, chia sẻ trên môi trường số. Các cơ quan có liên quan, trách nhiệm về một vấn đề có thể cùng xử lý, giải quyết trong cùng một thời điểm bằng việc tiếp nhận trực tiếp thông tin trên cơ sở dữ liệu dùng chung và tham gia xử lý, giải quyết bằng việc “xác tín” trên các ứng dụng CNS. Quá trình này hoàn toàn khác với phương thức hoạt động trước đây của chính quyền: tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin quản lý tồn tại dưới dạng vật lý (giấy tờ, hồ sơ, tập tin văn bản…) được trao đổi giữa các cơ quan, các cấp chính quyền với nhiều phương thức.

Ba là, “môi trường tác nghiệp” chính của CQS là internet, các công nghệ nền tảng của chính phủ số. Khác với truyền thống, hoạt động của các cơ quan nhà nước; của cán bộ, công chức, viên chức diễn ra chủ yếu trên môi trường mạng. Sự tương tác giữa chính quyền; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp diễn ra trên môi trường internet, công nghệ nền tảng số.

Bốn là, CQS giúp cho hoạt động của chính quyền thực chất, hiệu quả hơn. Thông qua việc ứng dụng CNS và các giải pháp thông minh, các hoạt động của chính quyền trở nên thông minh, hiệu quả hơn. Các hoạt động định hướng, quản lý và kiểm soát xã hội chuẩn xác, hiệu quả dựa trên việc phân tích dữ liệu, dự báo mô phỏng một cách khoa học. Các hoạt động KTXH được kiểm soát kịp thời, hiệu quả hơn (như việc lắp đặt camera cảm biến…); các vấn đề KTXH cũng được phát hiện và xử lý hiệu quả hơn. Cùng với đó, mối quan hệ bên trong của các cấp chính quyền được liên thông, thống nhất đồng bộ thông qua các công nghệ nền tảng, CNS. Việc xử lý, chuyển giao công việc giữa các cơ quan, tổ chức; cán bộ, công chức, viên chức trong các cấp chính quyền được thực hiện bằng việc “xác tín” trên các ứng dụng CNS.

Năm là, mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp gắn kết hơn. Thông qua các ứng dụng CNS và trí tuệ nhân tạo, chính quyền các cấp lắng nghe được nhiều hơn khi mỗi người dân, doanh nghiệp là một “công nghệ cảm biến”. Bên cạnh đó, chính quyền cùng người dân, doanh nghiệp sẽ “đồng điệu” hơn khi các vấn đề chính sách công; các nhu cầu, bức xúc của cộng đồng được phát hiện, xử lý, phản hồi bằng các cơ chế, chính sách kịp thời.

Để xây dựng CQS, chính quyền các cấp cần trải qua các bước:

(1) Số hóa để chuyển đổi các dữ liệu thông tin KTXH; thông tin liên quan đến hoạt động quản lý của các cấp chính quyền đang được lưu giữ, phản ánh trên các dạng thức vật lý thành định dạng kỹ thuật số (tín hiệu số);

(2) Số hóa quy trình, thủ tục trong thực hiện các hoạt động quản trị của các cấp chính quyền. Bước này có vị trí quan trọng khi từng bước thay đổi quy trình, thủ tục truyền thống (chú trọng hồ sơ, giấy tờ) sang phương thức thực hiện quy trình, thủ tục bằng việc “xác tín” trên môi trường số;

(3) Phát triển và đẩy mạnh ứng dụng CNS, các giải pháp thông minh trong các hoạt động quản lý của chính quyền các cấp;

(4) Vận hành, quản lý, kiểm soát các hoạt động CQS;

(5) Phối hợp cùng các bên liên quan không ngừng đổi mới, hoàn thiện CNS trong các hoạt động quản lý của các cấp chính quyền.

Đồng thời, để xây dựng CQS, Nhà nước cần quan tâm và đồng bộ hóa trong xây dựng hệ sinh thái CQS. Hệ sinh thái này bao gồm các thành tố cơ bản: (1) Thể chế, chính sách (môi trường pháp lý để xây dựng và vận hành CQS); (2) Hạ tầng số (môi trường, điều kiện để xây dựng và vận hành CQS); (3) Cán bộ, công chức, viên chức số (chủ thể chính trong CQS); (4) Cư dân số và doanh nghiệp số.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng CQS, cần tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, cần xác lập mục tiêu xây dựng CQS cụ thể cùng với phương án triển khai và hệ thống giải pháp toàn diện, khả thi. Cần xây dựng hướng xử lý, khắc phục và các phương án dự phòng cho các rủi ro, đặc biệt là các vấn đề, sự cố về công nghệ; an toàn thông tin và bảo mật thông tin cá nhân.

Chính quyền các cấp cần bảo đảm các điều kiện: (1) Xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ sinh thái CQS; (2) Nguồn lực phục vụ xây dựng CQS (tài chính, cơ sở hạ tầng…); (3) Không ngừng nâng cao tính chủ động và năng lực của chính quyền để chuyển đổi, thích ứng với CQS. Trong đó, tiếp tục quan tâm đến nâng cao năng lực dự báo, kiểm soát trong môi trường số, năng lực phản ứng chính sách của các cấp chính quyền.

Thứ hai, tập trung xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế, cơ chế, chính sách để triển khai các hoạt động cụ thể trong lộ trình xây dựng chính phủ số. Để xây dựng CQS, cần vận dụng mô hình xây dựng cơ chế, chính sách “sandbox” để quản lý, kiểm soát hiệu quả tiến trình xây dựng CQS. Bên cạnh đó, cần quan tâm các cơ chế, thủ tục hành chính về mối quan hệ giữa các cơ quan trong các cấp chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp.

Rà soát, đánh giá khả năng triển khai CQS của các cấp chính quyền, phân loại theo từng nhóm ngành, địa phương và mức độ khi triển khai CQS.

Thứ ba, nâng cấp các ứng dụng CNS, các giải pháp thông minh phục vụ xây dựng CQS. Trong bước này có thể tổ chức các cuộc thi, lựa chọn và “đặt hàng” các doanh nghiệp công nghệ nghiên cứu, triển khai ứng dụng các CNS, giải pháp thông minh. Bên cạnh đó, triển khai phủ sóng mạng 5G, phát triển trí tuệ nhân tạo, CNS hướng tới phục vụ xây dựng CQS.

Để xây dựng thành công CQS, chính quyền các cấp cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ giải pháp, trong đó cần quan tâm xác lập lộ trình khoa học, hiệu quả giữa xây dựng CQS với phát triển KTXH. Các mục tiêu đã đề ra cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tạo ra một phương thức điều hành mới, một cách làm mới nhằm góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KTXH bền vững.

Chú thích:
1. Hồ Tú Bảo. Nhân lực lao động thời chuyển đổi số. Kỷ yếu “Quản trị nhân sự trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Câu trả lời cho phát triển doanh nghiệp”. H, 2018.
2. Bài học chuyển đổi số thành công từ Thái Lan. https://laptrinhx.com, ngày 08/5/2019.
3. “Make in Vietnam” để Việt Nam hùng cường thịnh vượng. https://baophapluat.vn, ngày 23/12/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
2. Nghị quyết số 50-NQ/CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52 – NQ/TW ngày 27/9/2019.
3. Quyết định số 794/2020/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
TS. Bùi Ngọc Hiền
Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh