Phát triển kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế cho cán bộ, công chức, viên chức

(Quanlynhanuoc.vn) – “Phát triển kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế cho cán bộ, công chức, viên chức” là chủ đề Hội thảo trực tuyến của Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức ngày 04/10.
Hình ảnh các điểm trực tuyến của Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Nội vụ, có đồng chí Vũ Đăng Minh – Chánh Văn phòng Bộ; đồng chí Chu Tuấn Tú – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế. Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện, các Phó Giám đốc: PGS.TS. Lương Thanh Cường; TS. Nguyễn Đăng Quế.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân – Trưởng Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính, chủ trì Hội thảo.

Các diễn giả, có PGS.TS. Dương Văn Quảng – nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao; PGS.TS. Đỗ Sơn Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại, Học viện Ngoại giao; PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia. Cùng đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trong lĩnh vực quan hệ quốc tế; lãnh đạo các đơn vị, khoa, ban thuộc và trực thuộc Học viện; các giảng viên, cán bộ quản lý khoa học – đào tạo trong và ngoài Học viện đã tham dự Hội thảo.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân – Trưởng khoa Văn bản và Công nghệ hành chính phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân nêu rõ, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đưa lại cho chúng ta nhiều cơ hội và thách thức đan xen, hội nhập quốc tế, đòi hỏi mỗi quốc gia đều phải tuân thủ luật chơi chung, chuẩn mực chung trong khuôn khổ của tổ chức quốc tế. Vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu của hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước cần phải nâng cao năng lực để đáp ứng được nhu cầu hội nhập, làm việc được trong môi trường quốc tế cả trước mắt cũng như lâu dài.

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thực tiễn với đội ngũ giảng viên về cơ sở lý luận và thực tiễn năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, từ đó có những định hướng, giải pháp phát triển khả năng làm việc trong môi trường quốc tế cho cán bộ, công chức, viên chức thời gian tới, phục vụ tốt hơn cho hoạt động thực tiễn, nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).

TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện tham gia ý kiến tại Hội thảo.

Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện nhấn mạnh, đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC hiện nay là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, và CBCCVC không thể đứng ngoài xu thế này, do đó, mỗi CBCCVC phải đủ năng lực, uy tín, tầm nhìn, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế theo đúng Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Hội nghị Trung ương lần thứ Bảy (Khóa XII) đã nêu.

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng đúng, đủ yêu cầu của nhiệm vụ đề ra, nhiều CBCCVC không đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế (từ ngoại ngữ, hiểu biết văn hóa sở tại cũng như lễ nghi ngoại giao…). Do đó, đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đối ngoại trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, gắn liền với quá trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa toàn bộ lĩnh vực đời sống xã hội, văn hóa, kinh tế, chính trị, ngoại giao.

Giám đốc cũng trao đổi thêm về kết quả đạt được của Học viện Hành chính Quốc gia về bồi dưỡng đối ngoại là chưa cao, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng mới dừng lại ở cập nhật nội dung về hội nhập quốc tế, chưa có chuyên đề riêng về lý luận, về mô hình quản lý, cơ chế vận hành, công cụ, phương pháp điều tiết của Nhà nước…; sự liên kết, hợp tác liên thông, phổ biến kết quả khảo sát các đoàn công tác của Học viện tại nước ngoài còn hạn chế. Năng lực sử dụng ngoại ngữ còn kém, cán bộ ngại nghiên cứu học tập.

Từ những hạn chế trên, chúng ta cần tập trung vào một số định hướng sau: bồi dưỡng kiến thức quan hệ quốc tế, đối ngoại, nghiệp vụ ngoại giao, ngoại ngữ cần được xác định là nhiệm vụ quan trọng để triển khai tổng thể tại các cơ sở đào tạo; chương trình bồi dưỡng trong lĩnh vực đối ngoại dành cho CBCCVC, nhất là cán bộ cấp chiến lược cần được điều chỉnh phù hợp cho các giai đoạn khác nhau; tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cấp chiến lược trong lĩnh vực đối ngoại, cần có chuyên gia hàng đầu về đối ngoại, với mỗi quốc gia khác nhau thì có những chuyên gia khác nhau; đổi mới phương pháp theo hướng phát huy tính tự chủ, sáng tạo, tự học của Học viện, tạo cơ sở vật chất về tư liệu, để học viên tự nghiên cứu; tạo môi trường tăng cường giao lưu trao đổi, hợp tác giữa đơn vị đào tạo, bồi dưỡng và cơ quan chuyên trách về đối ngoại trong nước và quốc tế.

PGS.TS. Dương Văn Quảng tham luận tại Hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Dương Văn Quảng – nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao chia sẻ một số kinh nghiệm về kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế, trong đó, tập trung vào việc tổ chức, tham gia chủ trì hội nghị, hội thảo quốc tế. Khi tổ chức và tham gia chủ trì một hội nghị quốc tế, ngoài việc xin đăng cai thì người chủ trì cần khẳng định vai trò thực hiện hội nghị của mình thông qua trách nhiệm điều hành, quản lý hội nghị nhằm bảo đảm hội nghị đạt kết quả như mong đợi. Có nhiều thách thức đối với người chủ trì hội nghị như: thách thức chiến lược, thách thức trong khi diễn ra hội nghị. Người chủ trì phải dự trù được những tình huống bất ngờ có thể xảy ra tại hội nghị để kịp thời đưa ra phương sách ứng phó hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ với vai trò của người chủ trì.

Bên cạnh chia sẻ kinh nghiệm chủ trì hội nghị quốc tế. PGS.TS. Dương Văn Quảng cũng đưa ra một số lưu ý ứng xử trong giao tiếp quốc tế gồm: quy tắc lễ tân ngoại giao, giao tiếp nói, gặp gỡ trao đổi, ứng xử đa dạng văn hóa giữa các nền văn hóa, phong tục, tập quán của nhiều quốc gia. Thái độ chân thành, tự nhiên, không khách khí nhưng không được tùy tiện, xuề xòa…

PGS.TS. Đỗ Sơn Hải tham luận tại Hội thảo.

PGS.TS. Đỗ Sơn Hải – Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại, Học viện Ngoại giao nêu 3 từ khóa cần có trong giao tiếp quốc tế, đó là: môi trường quốc tế; hội nhập quốc tế và người tham gia. Theo ông, “môi trường quốc tế” chính là tuân thủ quy định làm việc của nước sở tại (sân nhà) và tính cạnh tranh khi làm việc, làm việc trong môi trường quốc tế có tính cạnh tranh rất cao, vì vậy mỗi người cần chuẩn bị kiến thức và tâm lý vững chắc khi tham gia. “Hội nhập quốc tế” chính là hòa nhập vào tổ chức làm thành viên của tổ chức quốc tế đó để hiểu được bản chất, thông tin cũng như cách thức hoạt động của tổ chức đó nhằm phục vụ cho mục đích tiếp cận thông tin nhanh, chính xác, hiệu quả của bản thân. Cuối cùng là “người tham gia”, đây không chỉ đơn thuần là chỉ mang mỗi kiến thức của bản thân đến môi trường quốc tế mà mỗi người tham gia làm việc trong môi trường quốc tế như một nhà ngoại giao, do đó còn phải mang theo hình ảnh, thông điệp của đất nước thì mới được bạn bè quốc tế công nhận (đây chính là bảo vệ lợi ích quốc gia). Và điều quan trọng nhất chính là đưa các kỹ năng bào thực tế và sử dụng kỹ năng đó trong thực tế để mang lại hiệu quả cho công việc, nếu kỹ năng mà không được thực hành thì sẽ lại trở thành lý thuyết.

PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh chia sẻ những kỹ năng cơ bản cần có trong môi trường làm việc quốc tế.

Cũng với chia sẻ trên cương vị là nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, đã từng tiếp đón các đoàn chuyên gia cũng như tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế, PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh chia sẻ những kỹ năng cơ bản cần có của một người khi làm việc trong môi trường quốc tế, đó là: tự tin, tin tưởng, thích thú (3T) và chứng cứ, cân nhắc, chia sẻ (3C). Sự tự tin rất quan trọng để không rụt rè, nhút nhát, để khẳng định bản thân mình và tự chủ trước bạn bè quốc tế với mong muốn được công nhận năng lực. Từ đó sẽ có những chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm qua lại lẫn nhau với mục đích đạt hiệu quả cao trong hợp tác quốc tế. PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh cũng nhấn mạnh, tâm thế của một người làm việc trong môi trường quốc tế cũng rất quan trọng. Khi giao tiếp, với tâm thế lắng nghe, chúng ta sẽ hiểu được đối tác muốn gì, từ đó chúng ta sẽ phản hồi lại mong muốn của họ để đi đến thống nhất quan điểm một cách nhanh và hiệu quả nhất, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra của cá nhân cũng như tổ chức.

Ngoài 32 tham luận được tập hợp thành tài liệu, Hội thảo cũng được nghe nhiều ý kiến, chia sẻ của các nhà khoa học, các cán bộ, giảng viên liên quan đến nội dung: năng lực làm việc trong môi trường quốc tế; vai trò, trách nhiệm của một nhà ngoại giao khi tham gia hợp tác quốc tế; phương pháp giảng dạy thời kỳ hội nhập cần kết hợp với phương tiện công nghệ để hỗ trợ bài giảng; những hạn chế, tồn tại khi giao tiếp trong môi trường quốc tế…

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân thay mặt cán bộ, giảng viên Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính gửi lời cảm ơn lãnh đạo Học viện, các đại biểu, các nhà quản lý, nhà khoa học đã tạo điều kiện, dành sự quan tâm tham dự Hội thảo. Sự có mặt của các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội thảo có ý nghĩa quý báu trong việc mở ra những xây dựng tài liệu, giáo trình, lồng ghép kiến thức cũng như hướng đi mới trong giảng dạy cho Học viện Hành chính Quốc gia nói chung, khoa Văn bản và Công nghệ hành chính nói riêng để hướng tới thực hiện sứ mạng, nhiệm vụ của Học việnlà trung tâm quốc gia nghiên cứu, giảng dạy về hành chính, các kỹ năng làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước hiện nay.

Tin, ảnh: Thu Hương, Xuân Phú