Xây dựng chính quyền số ở Đắk Lắk và yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, công chức của tỉnh

(Quanlynhanuoc.vn) – Có thể khẳng định, trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến nay, Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh Đắk Lắk đã nhận thức sâu sắc về vai trò của chuyển đổi số và quyết tâm chọn chuyển đổi số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả hoạt động của đời sống kinh tế – xã hội, đẩy mạnh sáng tạo, phát triển đột phá, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế – xã hội của tỉnh. Để thực hiện được các mục tiêu trên, nguồn lực con người là quan trọng bậc nhất. Với một địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng và cơ hội phát triển, đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh Đắk Lắk cần phải có sự chuẩn bị để thích ứng, xây dựng và vận hành hiệu quả chuyển đổi số.
Hội thảo “Chuyển đổi số – Xu thế tất yếu của sự phát triển”, ngày 26/3/2021 tại TP. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Vấn đề xây dựng chính quyền số ở Việt Nam

Từ đầu năm 2020, khi các thành tựu của khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ, cụm từ “chuyển đổi số” đã trở nên phổ biến và được nhắc đến nhiều ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, trước tác động lớn của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp, trường học, cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước lại càng quan tâm và nhanh chóng, quyết liệt trong việc đẩy mạnh hoạt động của tổ chức mình lên môi trường mạng, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sâu rộng, các phần mềm quản lý sản xuất – kinh doanh được các doanh nghiệp đưa vào vận hành nhằm giúp họ thích nghi, tồn tại và phát triển trước những ảnh hưởng của đại dịch và bước đầu đạt được những hiệu quả vượt bậc.

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm nhận ra tác động tích cực của chuyển đổi số (CĐS) và chủ động có những hướng đi thích hợp để nắm bắt cơ hội mà CĐS mang lại. Chương trình CĐS quốc gia  đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ xác định tầm nhìn đến năm 2030 “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Như vậy, xét về mặt tổng thể CĐS ở Việt Nam tập trung vào 3 trụ cột chính gồm: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Chính phủ số tập trung vào phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, cả trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí.

Ở cấp độ phát triển của địa phương, chính quyền số (CQS) là trụ cột quan trọng bậc nhất của CĐS, là nền tảng vững chắc để xây dựng, hỗ trợ và quản lý xã hội số và kinh tế số. Trong xu hướng phát triển chung của cả nước, ở các địa phương CĐS đang dần thay đổi nhận thức của các nhà lãnh đạo, những người có khả năng quyết định hướng đi và khả năng chuyển đổi thành công của địa phương. Nhiều địa phương sau khi nhận ra tầm quan trọng của CĐS trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động ứng dụng CNTT, coi CĐS là cơ hội để thay đổi toàn diện và bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Ngày 12/10/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 1726/QĐ-BTTTT về Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia, trong đó quy định rõ chỉ số CĐS cấp tỉnh (DTI cấp tỉnh) được cấu trúc theo 3 trụ cột, trong mỗi trụ cột đều có 7 chỉ số đánh giá chính, gồm: chỉ số đánh giá về chuyển đổi nhận thức; về kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng và nền tảng số;  thông tin và dữ liệu số; hoạt động CĐS; an toàn, an ninh mạng; đào tạo và phát triển nhân lực.

Bộ tiêu chí này là cơ sở quan trọng, giúp các địa phương xác định được hướng đi và cách làm trên con đường kiến thiết, vận hành CQS để hỗ trợ và quản lý kinh tế số, xã hội số ở địa phương mình. Trong đó, việc xây dựng và vận hành CQS phải trải qua nhiều công đoạn, phát triển đa chiều và phải có bước đi cụ thể.

Xây dựng và phát triển chính quyền số phục vụ người dân và doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk

Đắk Lắk là tỉnh miền núi thuộc khu vực Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh, là địa bàn cư trú của 47 dân tộc anh em. Với mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk sớm nhận thức CĐS là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự sáng tạo, thay đổi cách thức quản lý điều hành của cơ quan nhà nước để phục vụ người dân hiệu quả, là cơ hội để bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk khóa XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025; Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 02/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk về CĐS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 10717/KH-UBND ngày 30/11/2020 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển CQS và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 07/01/2021 của UBND tỉnh về kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển CQS và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2021 là cơ sở quan trọng để triển khai các nhiệm vụ CĐS, xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh mới của tỉnh Đắk Lắk. Thông qua các văn bản này, UBND tỉnh Đắk Lắk thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng CQS nhằm nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh năm 2021, bảo đảm 100% văn bản điện tử ban hành trên Idesk được ký số. Sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông (iGate) trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.

Mục tiêu đến năm 2025 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; từ 90% trở lên hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% trở lên hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% trở lên hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; xếp hạng chỉ số CĐS tỉnh Đắk Lắk sẽ nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu của cả nước; bước đầu hình thành đô thị thông minh tại thành phố Buôn Ma Thuột. Đến năm 2030, 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 90% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Năm 2020, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Đắk Lắk đạt 41,53 điểm, xếp vị trí thứ 50/63 tỉnh, thành phố tăng 12 bậc so với năm 2019; chỉ số PCI đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố; đạt 63,22 điểm, tăng 3 bậc so với 2019; đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên (sau tỉnh Lâm Đồng); chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) xếp hạng thứ 45/63, tăng 5 bậc so với năm 2019.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh dự kiến bố trí khoảng 330 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng cơ bản, đồng thời mỗi năm bố trí khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp để triển khai nhiệm vụ CĐS. Bên cạnh việc xây dựng chính sách và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, tỉnh Đắk Lắk cũng đặt ra hai nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện: (1) Đào tạo phát triển nhân lực số; (2) Thúc đẩy ứng dụng số đối với hoạt động kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng số trong xã hội, cộng đồng dân cư.

Đắk Lắk xác định chi tiết về lộ trình xây dựng CQS từ nay đến năm 2025, định hướng năm 2030. Cụ thể: (1) Giai đoạn 2021 – 2022 sẽ là giai đoạn xây dựng những hình mẫu về CQS, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, CQS tập trung vào cung cấp dịch vụ công số; từ năm 2023 – 2024, tỉnh sẽ đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn CĐS 2021 – 2022 để nhân rộng các mô hình này trong những lĩnh vực then chốt; (2) Giai đoạn 2024 – 2025 là giai đoạn đánh giá, nhân rộng các mô hình có hiệu quả ra toàn xã hội.

Có thể khẳng định, trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến nay, Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh Đắk Lắk đã nhận thức sâu sắc về vai trò của CĐS và quyết tâm chọn CĐS để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả hoạt động của đời sống kinh tế – xã hội, đẩy mạnh sáng tạo, phát triển đột phá, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế – xã hội của tỉnh. Để thực hiện được các mục tiêu trên, nguồn lực con người là quan trọng bậc nhất. Với một địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng và cơ hội phát triển, đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) của tỉnh Đắk Lắk cần phải có sự chuẩn bị để thích ứng, xây dựng và vận hành hiệu quả CQS, đáp ứng yêu cầu của CĐS đang là vấn đề được tỉnh đặc biệt quan tâm, định hướng.

Những yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, công chức khi xây dựng chính quyền số ở Đắk Lắk

CĐS đặt ra yêu cầu mới đối với năng lực quản trị của Nhà nước mà trực tiếp là năng lực của đội ngũ CBCC. CQS phải là chính quyền thông minh vận hành thích ứng với sự phát triển của kinh tế số, xã hội số nhằm thích ứng và cung cấp cho người dân, doanh nghiệp những dịch vụ công tốt nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hơn bao giờ hết, đội ngũ CBCC phải tự nâng cao năng lực để có thể chuyển đổi và vận hành CQS đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và xã hội số. Bộ máy phải vận hành hiệu lực, hiệu quả trong bối cảnh mới của sự phát triển tất yếu.

Thứ nhất, CBCC cần thay đổi nhận thức và thói quen làm việc để thích ứng và làm chủ quá trình xây dựng CQS.

CBCC phải thay đổi nhận thức về CQS, coi CQS là xu hướng phát triển tất yếu trong tiến trình cải cách công vụ, là công cụ hữu hiệu để nâng cao chất lượng hoạt động quản lý nhà nước, thích ứng và phục vụ nhanh chóng và hiệu quả yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đứng ở góc độ khác, CQS chính là sự thay đổi của kiến trúc hạ tầng để phù hợp với cơ sở hạ tầng hiện đại. Qua những nhận thức đó, CBCC cần quyết tâm thay đổi tư duy, phương pháp làm việc. Những vấn đề về bản chất, nội hàm của CQS cần phải được hiểu một cách đầy đủ, đúng đắn để từ đó giúp CBCC xác định được vai trò, vị trí và nhiệm vụ của mình trong các bước đi của CQS.

CQS làm thay đổi môi trường làm việc, môi trường giao dịch nhằm hướng đến phục vụ tốt hơn, tạo điều kiện thuận tiện cho việc vận hành, xử lý, chia sẻ và quản lý thông tin. Trong giai đoạn đầu xây dựng và vận hành CQS không thể tránh khỏi những những khó khăn, bỡ ngỡ, đòi hỏi đội ngũ CBCC phải tích cực chủ động và linh hoạt hơn trước những thay đổi lớn về môi trường tương tác, thói quen giải quyết công việc. Bởi vì, CQS chuyển các hoạt động quản lý, điều hành lên môi trường mạng.

Thứ hai, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT trong thực thi công vụ.

Trình độ của CBCC được đánh giá là tốt khi đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ cụ thể. Xây dựng và vận hành CQS hướng đến chuyển mọi tương tác công việc lên môi trường mạng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của CNTT. Trước những thay đổi đó, CBCC phải làm chủ CNTT, vận hành các phần mềm quản trị vào thực thi công vụ một cách hiệu quả.

Như trên đã phân tích, CĐS với sự xuất hiện của các phần mềm quản trị, của trí tuệ nhân tạo và nhiều tiện ích công nghệ khác, hỗ trợ và thay thế nhiều quy trình của con người, giúp cho công việc được thực hiện nhanh hơn, ít sai sót và tiết kiệm hơn. Trong hoạt động công vụ của công chức, các yếu tố của CQS cũng đã hỗ trợ và thay thế công chức ở nhiều khâu, như: quản lý hồ sơ, chuyển giao văn bản, soạn thảo văn bản, các quy trình kiểm tra công việc, nhắc việc, công khai hồ sơ, thủ tục, truy xuất dữ liệu, đánh giá hoạt động, tự động hóa hồ sơ… Những thay đổi này đòi hỏi công chức cần phải nâng cao trình độ để trở nên linh hoạt hơn và am hiểu hơn về công nghệ. Hay nói cách khác, CBCC cần nhanh chóng tiếp cận để quản trị hệ thống, số hóa các tài liệu, hồ sơ, chủ động trong khai thác công nghệ, làm chủ và tiến tới đa dạng hóa các tính năng của phần mềm phục vụ trực tiếp công việc của mình, từ đó đơn giản hóa công việc, nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ công của Nhà nước.

Hơn cả một công dân số, CBCC thời kỳ CĐS phải chuyển mình, thích nghi với nền văn hóa kỹ thuật số. Chính quyền nhanh chóng phản hồi với sự thay đổi nhu cầu của người dân, doanh nghiệp nhờ vào khả năng kết nối và phản ứng tốt hơn của hệ thống các bộ phận trong chính quyền; công chức được khuyến khích tự giải quyết các vấn đề; công chức sẵn sàng chấp nhận rủi ro, tích cực học hỏi để vận hành và điều chỉnh hệ thống phù hợp với vị trí công việc mà mình đảm nhận.

Thứ ba, CBCC cần nỗ lực xây dựng văn hóa làm việc chuyên nghiệp.

Tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ đòi hỏi sự đầy đủ, thống nhất, rõ ràng và minh bạch trong thực hiện quy trình công việc, về trách nhiệm cá nhân, văn hóa ứng xử, tác phong làm việc. Mỗi CBCC phải thực sự là những người có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí công việc đảm nhận, có năng lực thực hiện nhiệm vụ, có ý thức, trách nhiệm, trung thực, khách quan, nắm vững các quy trình, thủ tục, thuần thục các thao tác chuyên môn, nghiệp vụ và có ý thức tuân thủ quy định của cơ quan, đơn vị và pháp luật của Nhà nước. Trong thực thi công vụ, phải bảo đảm đúng thẩm quyền, không sử dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ. CBCC phải hướng hoạt động của mình vào mục tiêu phục vụ người dân, tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực; cách giải quyết công việc hiệu quả, nhanh chóng và khoa học. Đặc biệt, ở địa phương có trình độ dân trí không đồng đều, trong thời gian đầu vận hành CQS, CBCC tỉnh Đắk Lắk cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp trong hướng dẫn người dân, hướng đến CQS thân thiện, tận tâm phục vụ Nhân dân.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 103/BC-UBND ngày 04/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổng kết thực hiện Nghị quyết số 181/2015/NQ-HĐND ngày 03/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2021.
2. CECODES, VFF-CRT, RTA & UNDP. Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2020: Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân. Hà Nội, 2021.
3. Kế hoạch số 10717/KH-UBND ngày 30/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021 – 2025.
4. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk khóa XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025.
5. Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 02/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
6. Quyết định số 749/2020/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
7. Quyết định số 1726/2020/QĐ-BTTTT ngày 12/10/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông giúp xác định rõ chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI cấp tỉnh).
ThS. Trần Thị Mai
NCS, Học viện Hành chính Quốc gia