Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho giáo dục – đào tạo

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngân sách nhà nước là một trong những nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Chi ngân sách để phát triển giáo dục – đào tạo sẽ góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng nhu cầu về phát triển nhân lực – một nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, cần xác định tỷ lệ chi cho giáo dục – đào tạo phù hợp với chi ngân sách nhà nước ở từng địa phương. Câu hỏi đặt ra là, chi ngân sách cho giáo dục – đào tạo ở mức nào, tỷ trọng chi cho các cấp học bao nhiêu… để đạt được hiệu quả giáo dục như kỳ vọng, từ đó cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội.
Ảnh minh họa (internet)
Thực trạng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục – đào tạo trong những năm gần đây

Giáo dục được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Chính phủ Việt Nam. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Nhà nước dành ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm tỷ lệ ngân sách nhà nước (NSNN) chi cho giáo dục tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục.

Ngày 04/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT), Nghị quyết góp phần thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của nước ta. Nghị quyết khẳng định: “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư kinh phí cho giáo dục, đầu tư có trọng điểm, không dàn trải. Đa dạng các nguồn đầu tư giáo dục phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, trong đó đổi mới chính sách, cơ chế tài chính là giải pháp then chốt để thực hiện hiệu quả công cuộc đổi mới giáo dục. Các nhiệm vụ này, đã được Chính phủ cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện hiệu quả.

Đánh giá bố trí NSNN để phát triển giáo dục, Bộ GDĐT cho biết, NSNN chi cho giáo dục tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách được Quốc hội và Chính phủ duy trì, trong đó chi thường xuyên cho giáo dục, GDĐT ở trung ương bình quân khoảng 11%, địa phương khoảng 89% của tổng NSNN chi cho GDĐT. Các địa phương đã điều chỉnh cơ cấu chi NSNN cho giáo dục giữa các bậc học; xây dựng tiêu chí ưu tiên phân bổ chi đầu tư cho ngành Giáo dục tại địa phương; hoàn thiện hệ thống định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN cho giáo dục; nâng cao chất lượng thiết kế và tăng cường giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu đầu tư cho lĩnh vực giáo dục. Có thể thấy, quy mô và tốc độ tăng chi ngân sách địa phương (NSĐP) cho GDĐT có xu hướng tăng nhẹ trong giai đoạn 2011 – 20171.

Tổng chi NSĐP cho GDĐT (bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên) tăng liên tục hằng năm. Quy mô chi cho GDĐT tăng hơn 62% trong giai đoạn 2011 – 2017, đạt 227 nghìn tỷ đồng vào năm 2017. Tuy nhiên, tốc độ tăng chi NSĐP cho GDĐT có xu hướng chậm lại trong giai đoạn 2011-2017, giảm từ mức 33% năm 2012 xuống 8,6% năm 2017. Tốc độ tăng thấp nhất là năm 2014, chỉ đạt mức 4%. Cơ cấu chi ngân sách cho GDĐT phân loại theo chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên khá ổn định trong cả giai đoạn, trung bình chi đầu tư và chi thường xuyên luôn duy trì ở mức trên dưới 20% và 80%2.

Theo số liệu tính toán, quyết toán chi NSĐP nói chung phân bổ cho một học sinh, sinh viên, ngoại trừ hệ đại học có mức chi cao ở năm 2011 và có xu hướng giảm dần, còn các cấp học khác đều có xu hướng tăng lên về số tuyệt đối. Tính trung bình theo cấp học phổ thông cho thấy cao nhất là cấp trung học phổ thông, năm 2017 là 10,7 triệu đồng/một học sinh, thấp nhất là chi cho tiểu học trung bình 9,56 triệu đồng/một học sinh3. Có thể thấy, việc tăng mạnh chi NSNN cho học sinh mẫu giáo, là phù hợp với chủ trương chính quy hóa hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non và ưu tiên cho các bậc học cơ bản của Việt nam.

Theo kết quả khảo sát của đề tài nghiên cứu cấp nhà nước năm 20204 nghiên cứu cơ cấu chi trung bình NSNN trong lĩnh vực GDĐT ở các địa phương giai đoạn 2013 – 2017 cho thấy: nếu chỉ tính riêng các cấp học mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, mức chi thực tế bình quân mỗi học sinh cũng rất khác nhau giữa các vùng địa lý, kinh tế. Mức chi NSĐP/học sinh các cấp của các tỉnh miền núi phía Bắc và Đông Nam Bộ cao hơn hẳn mức trung bình cả nước. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên là những nơi có mức chi bình quân/học sinh thấp hơn mức bình quân chung của cả nước4.

Cơ cấu chi trung bình NSNN trong lĩnh vực GDĐT ở các địa phương cụ thể như sau: mầm non: 19%; tiểu học: 22,7 %; trung học cơ sở: 25,3%; trung học phổ thông: 12%; đại học: 2%; trình độ khác: là 9%5. Trong cơ cấu chi thường xuyên, tốc độ gia tăng của các khoản chi cho tiền lương và các khoản thanh toán cá nhân (chiếm hơn 80% tổng chi thường xuyên vào năm 2017, 2018, 2019). Điều này, dẫn đến việc nhiều trường phổ thông ở các địa phương hầu như không còn nguồn cho các hoạt động khác ngoài giảng dạy. Có nhiều trường phổ thông chỉ có thể chi 5 – 10% tổng chi thường xuyên của trường cho các hoạt động khác ngoài chi thanh toán cá nhân. Việc thiếu nguồn chi cho các hoạt động khác tạo ra áp lực phải huy động các nguồn ngoài ngân sách và là một nguyên nhân của việc nộp các khoản quỹ hội phụ huynh học sinh.

Việc chi thường xuyên NSNN cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dân số trong độ tuổi đến trường (từ 1 – 18 tuổi) được quy định theo vùng/định mức phân bổ (đơn vị: đồng/người dân/năm), như sau: đô thị là 2.148.100 đồng; đồng bằng là 2.527.200 đồng; miền núi, vùng đồng bằng dân tộc ở đồng bằng, vùng sâu là 3.538.100 đồng;  vùng cao, hải đảo là 5.054.400 đồng6. Số liệu này, đã thể hiện rõ nguồn đầu tư từ NSNN ưu tiên hơn cho giáo dục vùng nông thôn, miền núi, bảo đảm công bằng về điều kiện học tập trong xã hội.

Trên cơ sở định mức quy định tại điểm này, nếu tỷ lệ chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập (không kể lương và có tính chất lương) nhỏ hơn 18% so với tổng chi sự nghiệp giáo dục, sẽ được bổ sung để bảo đảm tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn) tối đa 82%, chi cho hoạt động giảng dạy và học tập tối thiểu 18% (chưa kể nguồn thu học phí). Tỷ lệ này chỉ áp dụng đối với năm 2017, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017 – 2020 giữa ngân sách trung ương và NSĐP; từng năm trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017 – 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định phù hợp với khả năng ngân sách và điều kiện thực tế của từng địa phương7.

Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho giáo dục – đào tạo

GDĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Thực hiện tốt Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chi NSNN cho GDĐT cần triển khai hiệu quả một số giải pháp sau:

Một là, xã hội hóa giáo dục. Công tác xã hội hóa giáo dục sẽ góp phần nâng tỷ lệ huy động trẻ, học sinh trong độ tuổi ra lớp, hoàn thành phổ cập giáo dục trẻ em 5 tuổi, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển loại hình trường, lớp, chương trình chất lượng cao đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, giảm gánh nặng cho NSNN. Việc sử dụng kinh phí, NSNN chi cho GDĐT trung bình của giai đoạn 2013 – 2017 cho các cơ sở GDĐT công lập ở các bậc học (chiếm khoảng 20% tổng NSNN); xã hội hóa GDĐT đã đóng góp tích cực cho GDĐT (tương đương 2% ngân sách chi cho giáo dục). Trên thực tế, một số địa phương đã phát triển các loại hình trường ngoài công lập nhằm giảm áp lực trường lớp cho hệ thống trường công lập, đáp ứng quy mô học sinh tăng nhanh, khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, đặc biệt là ở cấp mầm non.

Năm học 2017 – 2018, tổng số cơ sở giáo dục các cấp học là 43.907 trường, trong đó có 40.952 trường công lập và 2.955 trường ngoài công lập. Số trẻ em, học sinh ngoài công lập ở nhà trẻ là 85%, mẫu giáo: 13%, tiểu học: 0,7%, trung học cơ sở: 0,9%, trung học phổ thông: 7% và đại học: 13%. Mô hình trường quốc tế được phát triển mạnh ở một số thành phố lớn (đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh có 19 trường phổ thông quốc tế, trường có yếu tố nước ngoài với 1.345 giáo viên, 10.799 học sinh (trong đó có 5.080 học sinh Việt Nam)8.

Hai là, thực hiện các chính sách đổi mới cơ chế tài chính. Công tác tài chính trong các cơ sở GDĐT cần được đổi mới theo hướng: đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng nguồn tài chính; mở rộng nguồn thu, tăng thu nhập cho người lao động; trích lập các quỹ khen thưởng, phúc lợi chăm lo đời sống cho người lao động và tái đầu tư cho hoạt động đào tạo. Chính sách thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đổi với các cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo và giảm chi cho NSNN, đồng thời tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách.

Một số địa phương đã triển khai tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc, giao quyền tự chủ tài chính, bảo đảm chi thường xuyên đối với các đơn vị trường học trên địa bàn (các địa phương thực hiện tốt như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Nam Định, Thái Nguyên, Ninh Bình…). Các địa phương đã phát triển các loại hình trường ngoài công lập nhằm giảm áp lực trường lớp cho hệ thống trường công lập, đáp ứng quy mô học sinh tăng nhanh, khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, đặc biệt là ở cấp mầm non.

Ba là, điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho GDĐT theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. Trước hết, đầu tư mua giáo trình các môn học khoa học tự nhiên, công nghệ của các cấp học từ các nước có nền giáo dục hiện đại. Đầu tư có trọng tâm, ưu tiên, đặc biệt cho những ngành đào tạo khoa học cơ bản, có nhu cầu xã hội hạn chế, khả năng xã hội hóa không cao.

Bốn là, điều chỉnh cơ cấu chi giữa các bậc học, ngành học. Cần ưu tiên phát triển hài hòa tỷ lệ giữa các ngành đào tạo, thực hiện tiêu chuẩn hóa và hiện đại hóa giáo dục. Nhà nước cần dự báo, từ đó, xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực theo ngành nghề. Có thể coi đây là hoạt động cơ bản để xác định nhu cầu và bố trí vốn đầu tư cho GDĐT.

Ngoài ra, để giảm bớt áp lực chi tiêu từ NSNN, huy động được các nguồn lực phát triển và nâng cao chất lượng GDĐT, Nhà nước cần đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực GDĐT, đặc biệt trong đào tạo đại học thuộc các ngành kỹ thuật – công nghệ và dạy nghề. Trên cơ sở, bảo đảm nguyên tắc quản lý thống nhất của Nhà nước đối với GDĐT, cần đơn giản hóa những quy định về thủ tục và điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ GDĐT, đồng thời khuyến khích tính cạnh tranh, phát huy hiệu quả để hoạt động GDĐT được phát triển tốt nhất.

Chú thích:
1. Năm 2017: Chi ngân sách cho giáo dục là 248.118 tỷ đồng. http://dantri.com.vn, ngày 30/9/2018.
2. Phân tích cơ cấu chi ngân sách địa phương cho giáo dục. http://tapchitaichinh.vn, ngày 23/01/2021.
3. Tác giả tính toán từ báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước giai đoạn 2011- 2017.
4. Nguyễn Vũ Việt và cộng sự. Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam. Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, năm 2020 (mã số KHGD/16-20. ĐT. 023).
5. Báo cáo thường niên năm 2018. https://www.mof.gov.vn, ngày 10/11/2018.
6, 7. Khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH14 ngày 04/10/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017.
8. 5 năm, ngân sách cho giáo dục tăng 92.500 tỷ đồng. https://vietnamnet.vn, ngày 12/10/2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Đinh Văn Ân, Hoàng Thu Hòa. Giáo dục và đào tạo, chìa khóa của sự phát triển. H. NXB Tài chính, 2008.
2. Bộ Tài chính – Kho bạc Nhà nước. Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước các năm, từ năm 2011 đến năm 2019.
3. Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/01/1993 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
4. Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
ThS. Phạm Thị Thanh Băng
Học viện Hành chính Quốc gia