Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhằm phục hồi kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, ổn định đời sống của người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được Quốc hội trao quyền chủ động ban hành và chỉ đạo thực thi nhiều chính sách cấp thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19, hệ thống các chính sách này được xem như phương thức hữu hiệu làm tăng sức đề kháng của các doanh nghiệp, các tổ chức và người dân trước ảnh hưởng của dịch bệnh đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, ngày 26/9/2021. Ảnh: TTXVN.
Tình hình tăng trưởng và một số hoạt động kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,17% tăng lên 2,48 % năm 2020; tỷ lệ thiếu việc làm năm 2019 là 1,5% tăng lên 2,51% năm 2020; quý I năm 2021 tỷ lệ thất nghiệp là 2,4%; tỷ lệ thiếu việc làm là 2,6% và con số này của quý II năm 2021 là 2,19% và 2,2%.

Năm 2020, nền kinh tế nước ta là một trong những nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng dương, mặc dù chỉ đạt 2,91% (thấp nhất trong giai đoạn 2011 – 2020); tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 5,64% thấp hơn mục tiêu đề ra. Cho dù đã được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2020, song vẫn chưa hồi phục được tốc độ tăng trưởng như cùng kỳ các năm 2018 và 2019 (7,05% và 6,77%).

Việc thu hút vốn đầu tư phát triển của khu vực ngoài Nhà nước và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thấp. Đầu tư của khu vực ngoài nhà nước năm 2020 chỉ tăng 3,1%, 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2020 giảm 25% so với năm 2019, sáu tháng đầu năm 2021 giảm 2,6%. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng.

Năm 2019 2020 Quý I/2021 Quý II/2021
Tỷ lệ thất nghiệp (%) 2,17 2,48 2,4 2,19
Tỷ lệ thiếu việc làm (%) 1,5 2,51 2,6 2,2

Nguồn: Website Chính Phủ

Năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 2,3% so với năm 2019; số doanh nghiệp có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể cũng như hoàn tất thủ tục giải thể tăng 13,9%. Hầu hết các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ tăng trưởng năm 2020 được đánh giá là thấp nhất trong giai đoạn (2011 – 2020). Trong lĩnh vực công nghiệp chỉ tăng 3,36%, trong đó chế biến, chế tạo tăng 5,82%; thương mại, dịch vụ tăng 2,34%, bằng khoảng 1/3 tốc độ tăng trưởng của năm 2019; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 14,68%; dịch vụ vận tải, kho bãi giảm 1,88%.

Qua 6 tháng đầu năm 2021, do tác động của các đợt giãn cách xã hội tại một số địa phương, hoạt động dịch vụ vẫn tăng trưởng thấp, chỉ đạt 3,96% so với cùng kỳ năm 2020; lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống tiếp tục giảm tới 5,12%; dịch vụ vận tải và kho bãi giảm 0,39%. Doanh thu du lịch lữ hành năm 2020 chiếm 0,3% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 59,5% so với năm 2019; 6 tháng đầu năm 2021 giảm 51,8% so với cùng kỳ năm 2020; số doanh nghiệp quy mô lớn ra khỏi thị trường gia tăng. Nhìn chung, trong 8 tháng đầu năm 2021, so với cùng kỳ, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 8% về số doanh nghiệp, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế giảm 17%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 0,6%. DN bị ảnh hưởng quy mô rộng, đặc biệt là đối với các DN nhỏ và vừa.

Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các Hợp tác xã (HTX) bị ảnh hưởng sâu sắc. Con số thống kê cho thấy, có đến hơn 90% số HTX giảm doanh thu và lợi nhuận; lao động bị cắt giảm, nghỉ việc không thu nhập lên đến 50% tổng số lao động; các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động khó khăn… Như vậy có thể thấy, tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp trong đại dịch và nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất hiện hữu.

Sự đồng hành của Chính phủ cùng doanh nghiệp và người dân

Để khắc phục hiện trạng nêu trên, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách (21 chính sách), trong đó đã đề ra hệ thống các giải pháp, các biện pháp thiết thực, kịp thời, thích ứng với điều kiện bình thường mới. Những chính sách, giải pháp đã ban hành được các bộ ngành, địa phương, cộng đồng DN và người dân đồng tình ủng hộ, đón nhận như một cứu cánh. Bởi tínhkhả thi, dễ thực hiện, có thể đánh giá được kết quả; chứa đựng sự kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách hỗ trợ cộng đồng DN hoặc an sinh xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1447/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ làm Tổ trưởng Tổ công tác.Tổ công tác có nhiệm vụ chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, có tính chất liên vùng, liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tổ công tác phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương được thành lập theo Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ để cùng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề có liên quan;…

Ngày 02/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Chương trình này đang và sẽ được triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn; trong đó, tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và các quy định thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, không cần thiết. Trọng tâm là các thủ tục hành chính đang gây trở ngại, kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh và các thủ tục hành chính khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương hoàn thành rà soát, thống kê, đánh giá và đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ.

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 quy định việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số để chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ; tích hợp các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ có nội dung thông tin trùng lặp; cung cấp các tiện ích thông minh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Đồng thời,đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết, bảo đảm nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho nhân dân.

Thực hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước là không để ai lại phía sau, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã trở thành cứu cánh không chỉ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, không làm gián đoạn lưu thông sản phẩm của các doanh nghiệp và người dân trong nền kinh tế mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội để sớm đưa đất nước thích ứng có kiểm soát với trạng thái bình thường mới.

Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
2. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
3. Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2026.
4. Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương.
5. Quyết định số 1447/QĐ-TTg ngày 30/8/2021của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
6. Tổng cục Thống kê họp báo công bố báo cáo tình hình kinh tế quý IV và cả năm 2020, ngày 27/12/2020.
7. Thông cáo báo chí tình hình kinh tế- xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2021. Gso.gov.vn.
TS. Đặng Thị Hà
Học viện Hành chính Quốc gia