Cơ hội và thách thức khi xây dựng đại học số hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển đổi số đang trở thành một xu thế tất yếu trên toàn thế giới, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Xu thế này đang tác động trực tiếp tới lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Bối cảnh đó, đã và đang đặt ra những cơ hội và thách thức lớn đối với các trường đại học ở Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi sang mô hình đại học số nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và có tính cạnh tranh trong môi trường hội nhập.
Không gian thư viện thông minh Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: ueh.edu.vn
Đặt vấn đề

Đại học số (ĐHS) là khái niệm, mô hình mới song không còn là chủ đề xa vời nữa mà nó đang thực sự là xu thế tất yếu hiện hữu trong thực tế với sự tác động mạnh mẽ và hằng ngày của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vấn đề còn lại là các trường đại học sẽ phải có chiến lược đổi mới toàn diện hay đổi mới từng phần để chuyển đổi và thích ứng trong giai đoạn hiện nay. Xây dựng và phát triển mô hình ĐHS trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay cùng với xu thế hội nhập diễn ra mạnh mẽ đang thực sự tạo ra những cơ hội lớn song cũng mang đến những thách thức không nhỏ cho các trường đại học tại Việt Nam.

Quan niệm về mô hình “đại học số” và những đặc trưng của mô hình đại học số trên nền tảng công nghệ

ĐHS là khái niệm mới và là mô hình mới của thời đại công nghệ 4.0. Mô hình này chưa có tiền lệ mà mới được hình thành nên chưa có mô hình mẫu. Tuy nhiên, có thể hiểu một cách chung nhất: “Đại học số là mô hình đại học mới mà ở đó toàn bộ nội dung giảng dạy và hoạt động quản lý của trường Đại học được đưa lên môi trường số thông qua các nền tảng số và các phương tiện kỹ thuật số”1. Như vậy, có thể nhận thấy, yếu tố cốt lõi của ĐHS vẫn là yếu tố công nghệ, sự phát triển và hoàn thiện của ĐHS phụ thuộc vào sự phát triển, cập nhật của yếu tố công nghệ.

Tuy nhiên, điểm khác biệt của ĐHS không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác dạy và học, đưa các bài giảng lên trực tuyến mà ĐHS phải có khả năng cá thể hóa việc học tập của sinh viên để lại các “dấu chân” điện tử trên các nền tảng học tập, học liệu số. Từ đó, nhà trường và giáo viên mới tìm ra cách thức truyền đạt kiến thức, kỹ năng phù hợp nhất cho từng sinh viên. Hay nói cách khác, ĐHS lấy nền tảng là CNTT nhưng ứng dụng nó để thay đổi toàn bộ môi trường và cách thức giảng dạy, trao đổi và quản trị hoạt động của nhà trường.

Ở giai đoạn hiện nay, nền tảng CNTT  hiện đại nhất mà ĐHS có thể ứng dụng đó là IoT (mạng lưới vạn vật kết nối), điện thoại thông minh, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI)… Để hiểu hơn về các công nghệ này trong việc kiến tạo nên nền tảng của mô hình ĐHS, hãy cùng phân tích những ứng dụng mà các công nghệ này đã và đang mang lại cho các trường đại học nói chung và từng cá nhân giảng viên, sinh viên nói riêng.

Trước hết, về IoT (mạng lưới vạn vật kết nối). Đây là công nghệ cho phép mỗi đồ vật, mỗi con người được cung cấp một định danh của riêng mình và tất cả đều có khả năng truyền tải trao đổi thông tin dữ liệu qua mạng mà không cần có sự tương tác trực tiếp giữa người với người hay người với máy tính. Do vậy, với việc ứng dụng IoT tại các trường đại học, những bài giảng trong sách giáo khoa sẽ được kết nối với các trang mạng cùng những video, hình ảnh minh họa, tài liệu bổ sung. Điều này giúp nâng cao tinh thần tự tìm tòi của sinh viên và tăng tương tác giữa họ với giảng viên hoặc bạn bè. Còn giảng viên được sáng tạo hơn khi có thể tập trung nhiều hơn vào chương trình giảng dạy mà không phải bận tâm với các hoạt động giáo vụ như ở phương thức dạy học truyền thống.

Hơn nữa, IoT có thể kết nối tất cả các trường học, học viện trên thế giới để cung cấp các trải nghiệm sâu hơn cho người học; giúp sinh viên kết hợp được giữa lý thuyết và ứng dụng thực tế. Học sinh có thể học theo tốc độ của riêng mình với các phương tiện giúp giao tiếp với bạn bè và giáo viên2.

Thứ hai, với điện thoại thông minh, sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận với những bài giảng điện tử, những phần kiến thức mở rộng với vô vàn những tính năng được tích hợp. Cùng với đó, phương thức giảng dạy cũng sẽ thay đổi khi người học không cần thiết phải đến lớp mà chỉ cần có điện thoại kết nối internet là có thể theo dõi được bài giảng.

Thứ ba, với điện toán đám mây (Cloud Computing), cho phép con người lưu trữ mọi tập tin, dịch vụ và tài sản kỹ thuật số trên máy chủ ảo, đồng thời, có thể chia sẻ với các thiết bị ở bất cứ nơi đâu, bất kỳ thời gian nào. Lợi thế mạnh nhất của điện toán đám mây là mô hình dịch vụ lưu trữ quy mô lớn thông tin. Do đó, với đặc thù của các trường đại học cần sử dụng một lượng lớn cơ sở dữ liệu cho học tập và nghiên cứu thì điện toán đám mây đang là giải pháp cung cấp cho cả giảng viên, sinh viên và nhà trường một công cụ lưu trữ đầy tiềm năng. Người dùng chỉ cần sử dụng hệ thống đăng nhập đơn giản là có thể dễ dàng đưa ra yêu cầu và sử dụng hạ tầng hầu như không giới hạn. Do đó, việc ứng dụng công nghệ Cloud đã và đang làm thay đổi hình thức và phương pháp giáo dục ở nhiều trường đại học lớn trên thế giới một cách mạnh mẽ3.

Tại nhiều nước trên thế giới đã có sáng kiến sử dụng điện toán đám mây để tạo ra các khóa học trực tuyến, phòng thí nghiệm ảo và hỗ trợ rất đắc lực cho công tác quản lý giáo dục của mỗi nhà trường. Hơn nữa, cùng với điện toán đám mây, học liệu điện tử, sách điện tử ra đời còn cho phép sinh viên có thể mang theo cả “thư viện” bên mình. Sách điện tử di động có thể chứa hàng trăm cuốn sách, vô vàn câu đố, bài tập về nhà và các tệp dữ liệu liên quan. Sinh viên sẽ hào hứng hơn khi xem video, sơ đồ, hình ảnh… sách điện tử cung cấp những trải nghiệm phong phú hơn nên sẽ mở rộng cơ hội học tập hơn cho sinh viên.

Thứ tư, AI giúp giảng viên có thêm trợ lý ảo để tận tình hướng dẫn trong quá trình dạy học mà không nhất thiết phải là một giảng viên như hiện tại. Ứng dụng này giờ cũng đã hiện hữu ở các phần mềm tích hợp công nghệ AI dạy người dùng học ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung… bằng cách luyện nghe, nói, đọc viết ngay trên các ứng dụng rất tiện lợi và hiệu quả. Hơn nữa, lộ trình học của mỗi sinh viên sẽ được cá nhân hóa phù hợp với điểm mạnh, điểm yếu của từng sinh viên chứ không phải tất cả sinh viên đều phải theo học với một lộ trình chung như phương thức học tập truyền thống hiện nay.

Trong khi đó, với giảng viên, khi có ứng dụng AI, mọi thứ đều được tự động hóa. Giảng viên không cần cho làm bài kiểm tra cũng có thể biết được trình độ của mỗi sinh viên vì việc chấm bài đã có AI làm thay một cách dễ dàng và nhanh chóng. Khi có kết quả về trình độ của mỗi sinh viên, giảng viên sẽ có thể thông qua công nghệ này để thiết lập lại cách học và lộ trình học, giúp sinh viên không bị mất gốc hay rơi rớt kiến thức. Ngoài ra, cùng với sự kết hợp cùng công nghệ Cloud, với số lượng lớn dữ liệu được thu thập, các thuật toán AI còn có thể tìm ra điểm hạn chế trong quá trình giảng dạy giúp người học xử lý và cải thiện các vấn đề riêng biệt của chính mình.

Cơ hội và thách thức trong xây dựng đại học số ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Về các cơ hội

Thứ nhất, việc hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về xây dựng, phát triển ĐHS đang trở nên thuận lợi và dễ dàng đối với Việt Nam.

Trên cơ sở những thành tựu nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình ĐHS thông minh đang được xây dựng và phát triển dựa trên mô hình quản trị chia sẻ (shared governance) nhằm hình thành hệ sinh thái với 3 đặc trưng cốt lõi là: số hóa, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Những thành tựu và công nghệ này đang mở ra cơ hội cho nhiều đại học trên thế giới cũng như Việt Nam có thể phát triển vươn tầm mà không nhất thiết trải qua quy trình phát triển đã có hoặc tuân thủ theo các thông lệ truyền thống. Hay nói cách khác, các trường đại học Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách và đi tắt đón đầu về xây dựng và phát triển ĐHS.

Thứ hai, Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên cho phát triển giáo dục và chuyển đổi số trong giáo dục, trong đó giáo dục đại học là ưu tiên đặc biệt.

Mới đây, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng quán triệt thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển và nâng cao sức cạnh trạnh của nền kinh tế. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp đó, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó giáo dục và đào tạo được xác định là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu. Giáo dục đại học – với tư cách là môi trường trực tiếp đào tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội cũng được coi là một trong những trọng tâm để chuyển đổi. Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc chuyển đổi số trong giáo dục nói chung và phát triển ĐHS của các trường đại học của Việt Nam nói riêng.

Thứ ba, nhận thức, tâm lý và kỹ năng sử dụng công nghệ trong giáo dục của giảng viên và sinh viên các trường đại học đã có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Nhờ việc triển khai các hoạt động quản lý và tổ chức đào tạo trực tuyến, đào tạo qua mạng cũng như các hình thức khác liên quan đến quản lý liên kết đào tạo với nước ngoài trong những năm gần đây, các cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trang bị được nhiều kỹ năng học tập trong môi trường ứng dụng công nghệ. Đặc biệt, thời điểm giãn cách dài ngày vì Covid-19 đã tạo “cú huých” rất lớn để các trường đại học Việt Nam thúc đẩy đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến và chuyển đổi số để duy trì nhịp độ học tập cho hàng triệu học viên, sinh viên. Theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ một thời gian ngắn khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, cả nước đã có khoảng 110/240 cơ sở giáo dục đại học triển khai đào tạo trực tuyến với các cấp độ khác nhau. Nhiều trường đã triển khai thí điểm một số môn học trực tuyến kết hợp với trực tiếp4. Sự thay đổi đột ngột này được coi là cơ hội để nền giáo dục Việt Nam nói chung và các cơ sở giáo dục đại học nói riêng đẩy mạnh việc chuyển đổi số và trang bị các kỹ năng cần thiết để nghiên cứu, học tập trong môi trường số hóa giáo dục cho giảng viên và sinh viên.

Thứ tư, hạ tầng công nghệ cho ĐHS đã có sự đầu tư bước đầu.

Nói đến ĐHS không chỉ đề cập đến việc chuyển đổi về phương thức giảng dạy mà điều quan trọng nữa là phải xây dựng được một hệ thống học liệu số cùng những cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ cho công tác quản lý giáo dục trong môi trường số. Nhận thức được điều này, từ năm 2018 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục nói chung, trong đó riêng đối với các trường đại học, cao đẳng, đã số hóa thông tin của gần 400 trường với 2,5 triệu sinh viên và hơn 120.000 giảng viên. Bộ cũng đã kết nối với các nền tảng giáo dục và hệ thống báo cáo quốc gia, công bố mở hệ thống mã định danh, khi dữ liệu của hệ thống Hệ tri thức Việt số hóa cũng đã được phát triển với cơ sở dữ liệu rất lớn. Với nguồn cơ sở dữ liệu, học liệu lớn đã giúp tăng cường được hiệu quả trong đào tạo trực tuyến nói riêng và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đại học nói chung, đặc biệt trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học và học viên, sinh viên phải nghỉ học dài ngày để bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19 kể từ đầu năm 2020…5.

Một số thách thức:

Thứ nhất, môi trường công nghệ cho vận hành ĐHS chưa hoàn thiện.

Mô hình ĐHS đặt ra yêu cầu thúc đẩy việc ứng dụng CNTT toàn diện trong quản lý, giảng dạy và nghiên cứu, trở thành mục tiêu và phương tiện trong quản lý và hoạt động của các trường đại học. Trong khi đó, nền tảng công nghệ để đáp ứng các nhu cầu này tại các trường đại học ở Việt Nam còn tương đối yếu và thiếu, ngoại trừ một số rất ít các trường đang được đầu tư lớn về công nghệ để làm hình mẫu trong phát triển ĐHS như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Công nghệ Bưu chính Viễn thông6… Đa số các trường đại học ở Việt Nam mới chủ yếu dừng lại ở việc ứng dụng CNTT với những chương trình, phần mềm riêng lẻ, tách biệt.

Trong khi đó, ở môi trường của ĐHS, tất cả các công nghệ và học liệu riêng lẻ này phải tương thích, kết nối được với nhau và tích hợp được trên cùng một nền tảng. Nền tảng này sẽ cho phép các hoạt động giảng dạy, quản lý, học tập, kiểm tra, đánh giá, thi cử, quản lý người học và giảng dạy, cũng như toàn bộ việc tương tác giữa giảng viên và sinh viên và nhà trường đều có thể thực hiện được cùng trên hệ thống đó. Điều này cũng đòi hỏi đường truyền internet phải được bảo đảm ổn định để các nền tảng này hoạt động thông suốt. Đây chính là những thách thức lớn đối với đa số các trường đại học Việt Nam hiện nay khi điều kiện trang bị và ứng dụng CNTT còn nhiều hạn chế.

Thứ hai, tư duy, kỹ năng cũ trong phương thức dạy và học truyền thống của đội ngũ giảng viên và sinh viên.

Ở môi trường ĐHS, tất cả tư liệu học tập đều được đưa lên hệ sinh thái số, để sinh viên có thể lựa chọn học bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào. Điều này sẽ dần thay đổi quan niệm cũ về vai trò của người dạy và người học theo phương thức truyền thống.

Với sinh viên, mặc dù đã có sự trưởng thành và có tính tự giác và chủ động so với ở các cấp dưới, song học tập trong môi trường công nghệ số, điều này là chưa đủ, mà còn đòi hỏi ở họ các kỹ năng mềm và kỹ năng công nghệ khác mới có thể chủ động bắt kịp, làm chủ và tự tin khai thác được các tư liệu phục vụ hiệu quả cho học tập.

Còn đối với giảng viên, ĐHS cũng đòi hỏi họ phải thay đổi hoàn toàn tư duy, cách thức làm việc, phương pháp giảng dạy, thay đổi cách truyền đạt kiến thức, kỹ năng phù hợp nhất cho mỗi sinh viên để thu hút người học trong môi trường học tập thực sự thông minh. Điều này đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với bản thân mỗi giảng viên phải thích ứng và làm chủ công nghệ số để có thể: (1) Sử dụng thành thạo bảng tương tác, thiết kế và thường xuyên áp dụng bài giảng elearning trong dạy học; (2) Khai thác và đóng góp được cho kho dữ liệu dạy học mở; (3) Biết cách sử dụng các phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học; (4) Áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, đặc biệt là phương pháp dạy học tích hợp; (5) Tham gia giảng dạy học trực tuyến; tổ chức thi cuối khóa, cuối môn, kiểm tra định kỳ trên máy tính hoặc thiết bị cầm tay cá nhân mà người học không cần phải đến lớp vẫn có thể thực hiện…

Thứ ba, chương trình và quy chế đào tạo các nhà trường chưa có sự chuyển đổi mạnh mẽ.

Nói đến ĐHS không chỉ đơn thuần là các yếu tố công nghệ mà cốt lõi của giáo dục đại học vẫn phải là cung cấp các kiến thức, kỹ năng một cách hiệu quả và bắt kịp với xu thế của tri thức thế giới. Do đó, yếu tố chương trình đào tạo, quy chế và các quy tắc vận hành đối với ĐHS cũng phải được cải tiến, phát triển theo hướng thông minh. Theo đó, chương trình đào tạo phải được cập nhật thường xuyên; nội dung về kiến thức phải bảo đảm tính liên ngành và luôn được cập nhật thay đổi theo sự phát triển của khoa học – công nghệ, trang bị những kỹ năng đáp ứng đòi hỏi của nền sản xuất, kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhìn chung các chương trình đào tạo ở các trường đại học hiện nay nội dung vẫn tập trung vào cung cấp kiến thức hàn lâm, thiếu tính thực hành và ứng dụng nên vẫn còn tình trạng hằng năm sinh viên tốt nghiệp nhiều song tỷ lệ có việc làm vẫn còn thấp do không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Về phương thức đào tạo nhân lực trong thời đại 4.0 chú trọng đến phương thức đào tạo cá thể hóa, lấy người học làm trung tâm. Người học được quyền thiết kế lộ trình học tập của bản thân dựa trên mục tiêu riêng của cá nhân. Trong khi đó, hiện nay các trường đại học tại Việt Nam vẫn chủ yếu áp dụng phương thức đào tạo đại trà tập trung cung cấp kiến thức thật nhiều cho người học. Do đó, cách thức quản lý, đánh giá học viên, sinh viên trong các nhà trường cũng vẫn mang nặng phong cách hành chính truyền thống. Điều này đòi hỏi các trường cần học hỏi kinh nghiệm quản lý của các trường đại học trên thế giới và tận dụng những ưu thế của công nghệ để đổi mới quy chế đào tạo và cách thức đánh giá của mình.

Thứ tư, cơ sở học liệu số của các trường đại học chưa được đầu tư xứng tầm.

Đối với các trường đại học, hệ thống thông tin – thư viện đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ nghiên cứu, học tập của giảng viên và sinh viên. Đây cũng được coi là một trong những thành tố quan trọng làm nền tảng tạo nên ĐHS. Hệ thống thư viện số của mô hình đại học thông minh không chỉ là nơi cung cấp nguồn học liệu được số hóa phong phú, đa dạng, tiện lợi mà còn phải thực sự là trung tâm hỗ trợ, kích thích và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo trong nghiên cứu, học tập, khám phá tri thức cũng như nuôi dưỡng ý thức học tập suốt đời của giảng viên và sinh viên. Đồng thời, hệ thống thư viện số còn có vai trò góp phần lan tỏa các giá trị tinh hoa tri thức, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên.

Việc xây dựng học liệu số (sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử, phần mềm ứng dụng mô phỏng) ở các trường đại học còn phát triển tự phát, chưa hình thành hệ thống, khó kiểm soát chất lượng và nội dung học tập… Thực tế này đặt ra đòi hỏi các trường đại học cần thực sự quan tâm và có chiến lược đầu tư, phát triển hệ thống thư viện số một cách bài bản, tăng cường ứng dụng công nghệ số hóa tiên tiến và triển khai các phần mềm quản trị học liệu số thông minh, di động, thân thiện và dễ sử dụng trên nhiều nền tảng, thiết bị khác nhau.

Kết luận

Phát triển theo mô hình ĐHS là xu thế phổ biến hiện nay của các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc xây dựng các trường ĐHS đối với Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi với sự hỗ trợ, hợp tác chuyển giao mô hình và kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước. Tuy nhiên, do còn tương đối mới mẻ trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, nên việc triển khai xây dựng và phát triển mô hình này cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức mà các trường đại học ở Việt Nam cần chủ động tận dụng các cơ hội để vượt qua. Và, dù muốn hay không, ĐHS vẫn sẽ là xu thế tất yếu của một nền giáo dục mới – giáo dục 4.0.

Chú thích:
1. “Đại học số” sẽ trở thành một cuộc chơi lớn giữa các trường đại học. http://dantri.com.vn, ngày 05/3/2021.
2. BKAII. Ứng dụng của IoT – cách thức dạy và học mới ngành giáo dục. http://bkaii.com.vn, ngày 09/8/2021.
3. Giáo dục thông minh trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây. http://smartschool.edu.vn, ngày 05/8/2021.
4, 5. Trung tâm Truyền thông Giáo dục đại học tiên phong đẩy mạnh chuyển đổi số giáo dục. https://moet.gov.vn, ngày 17/04/2020.
6. Đại học số đầu tiên tại Việt Nam: quốc gia số thu nhỏ. http://portal.ptit.edu.vn, ngày 10/8/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Giáo dục đại học: Cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số. https://ictvietnam.vn, ngày 27/7/2020.
2. Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Khánh Đức (đồng chủ biên). Quản trị nhà trường thông minh 4.0 và xếp hạng đại học theo mô hình QS. H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020.
3. Nguyễn Kim Sơn. Phát triển học liệu số cho đại học thông minh, Cẩm nang Trung tâm Thông Tin – Thư viện. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019.
4. Ngô Tứ Thành. Giải pháp “Đại học số hoá”. Tạp chí Bưu chính Viễn thông & Công nghệ Thông tin, số 11, kỳ 2, 2007.
5. Thư viện số thúc đẩy nghiên cứu số – nền tảng của đại học số Đại học Quốc gia Hà Nội. https://repository.vnu.edu.vn, ngày 10/8/2021.
6. Trung tâm Thông Tin – Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội. Phát triển thư viện số Đại học Quốc gia Hà Nội (2020 – 2025) chuyển đổi từ thư viện số thành trung tâm tri thức số. Kỷ yếu Đại hội thi đua yêu nước Đại học Quốc gia Hà Nội lần thứ V (2020 – 2025), lưu hành nội bộ, Hà Nội, tháng 9/2020.
7. Trung tâm Thông tin – Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội. Kỷ yếu Hội thảo: Phát triển mô hình Trung tâm tri thức số cho các thư viện Việt Nam. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020.
8. Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP. Hồ Chí Minh. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Chuyển đổi mô hình đào tạo chất lượng cao của nhà trường thông minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. H. NXB Tài chính, 2020.
TS. Nghiêm Xuân Dũng
Học viện An ninh nhân dân