Bảo đảm quyền con người trên không gian mạng

(Quanlynhanuoc.vn) – Về phương diện lý luận, pháp luật luôn đi sau đời sống hiện thực, quyền con người trên không gian mạng internet là một nội dung rất mới nhưng lại có tính thời sự trong bối cảnh hiện nay, khi có đến hơn 70% dân số Việt Nam đang sử dụng mạng internet và tham gia các giao dịch dân sự trên đó. Bài viết đưa ra các sáng kiến, đề xuất giải pháp cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện, cập nhật các văn bản pháp luật để bắt kịp các xu hướng biến đổi nhanh của đời sống không gian mạng hiện nay.
Ảnh minh họa (internet)
Đặt vấn đề

Việt Nam hiện nay internet rất phát triển, với trên 70% dân số đang sử dụng mạng internet. Đây là cơ sở quan trọng cho việc phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam, nhưng đồng thời cũng hình thành một xã hội số với hàng trăm triệu giao dịch dân sự diễn ra hằng ngày và cần có những quy định pháp lý đặc thù, trong đó có các quy định về quyền con người (QCN) trên mạng internet.

Pháp luật về QCN tại Việt Nam đã khá đầy đủ và đồng bộ, tuy vậy, các quy định về QCN trên không gian mạng internet hiện nay chưa được quy định cụ thể tại Hiến pháp. Do vậy, qua bài viết này, các tác giả mong muốn đưa ra một số phân tích, đóng góp quan điểm về những QCN thiết yếu trên môi trường mạng để giúp cho môi trường xã hội số, kinh tế số tại Việt Nam phát triển nhanh và lành mạnh, tạo động lực giúp Việt Nam phát triển vượt bậc trong thời gian tới, như: quyền được định danh điện tử; quyền được cấp hồ sơ cá nhân điện tử; quyền đóng góp trên mạng internet và được ghi nhận; quyền được tiếp cận mã nguồn đối với toàn bộ hệ thống phần mềm, công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước…

Các quy định về quyền con người trên không gian mạng hiện nay

Hiện nay, với dân số là 98,17 triệu người1, trong đó có đến 69 triệu người sử dụng internet, tương đương với 70% dân số2, Việt Nam đang là nước đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng internet3. Chúng ta đang nói đến yêu cầu chuyển đổi số nhằm phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, xu hướng số hóa hay công cuộc chuyển đổi số đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực từ thương mại, tài chính – ngân hàng cho đến y tế, giáo dục, du lịch, vận chuyển hàng hóa4,… Việt Nam cũng đang phát triển Chính phủ điện tử5 và hiện đang đứng thứ 86 trong số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ về xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI)6. Chúng ta đang phát triển một xã hội số hiện đại mà ở đó mỗi ngày đang có đến hàng triệu giao dịch dân sự của người dân được thực hiện bằng hợp đồng điện tử.

Trong bối cảnh công nghệ đang mở ra tiềm năng phát triển năng suất lao động, phát triển kinh tế – xã hội rất lớn cho đất nước, nhưng nó cũng có nhiều rủi ro, nguy cơ tiềm tàng có thể gây thiệt hại lớn đến người dân và xã hội nếu chúng ta không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hành lang pháp lý, vì vậy việc hiểu rõ các vấn đề pháp lý trọng yếu về QCN trong xã hội số là một chủ đề rất đáng quan tâm nghiên cứu, để từng bước chuyển hóa thành các quy định cụ thể.

Các quy định về QCN trên môi trường mạng không được nói đến một cách cụ thể trong Hiến pháp năm 2013. Mặc dù Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng một số quyền so với quy định trước đây, ví dụ Điều 20 – 21 của Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền được bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, sức khỏe, thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác… mở rộng hơn, cụ thể hơn nhiều so với quy định trước đó của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), khi chỉ quy định về quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín. Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện cũng chưa có quy định cụ thể nào về QCN trong xã hội số hoặc liên quan đến mạng internet7.

Tuy nhiên, các nội dung về quyền của người dân khi sử dụng, phát triển kinh doanh trên mạng internet đã được quy định tại các luật: Luật Công nghệ thông tin; Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử.

Chẳng hạn, tại Luật Công nghệ thông tin năm 2006 thì tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin có các quyền: tìm kiếm, trao đổi, sử dụng thông tin trên môi trường mạng, trừ thông tin có nội dung không lành mạnh; phân phát các địa chỉ liên lạc có trên môi trường mạng khi có sự đồng ý của chủ sở hữu địa chỉ liên lạc đó; từ chối cung cấp hoặc nhận trên môi trường mạng sản phẩm, dịch vụ trái với quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về việc đó; không được cản trở hoạt động hợp pháp hoặc hỗ trợ hoạt động bất hợp pháp về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; cản trở bất hợp pháp hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền quốc gia; phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin, phá hoại thông tin trên môi trường mạng; không được cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích chống phá nhà nước, kích động bạo lực, tiết lộ bí mật nhà nước, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Luật An ninh mạng năm 2018 cũng đưa ra nhiều quy định nghiêm cấm về an ninh mạng như: không được sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi chống phá Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; không được thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia,…

Các quy định như trên là chưa đủ, Việt Nam cần tiếp tục cụ thể hóa, luật hóa QCN trên môi trường mạng internet và mạng viễn thông, hay nói cách khác là quyền của con người trên môi trường số.

Các rủi ro đối với người dân khi sử dụng mạng internet và sự hỗ trợ cần thiết từ Nhà nước

Internet ra đời đã hỗ trợ rất lớn đối với mọi mặt cuộc sống của người dân trên toàn thế giới. Giờ đây, nhờ có mạng internet kết nối tốc độ cao, mọi người dân đều có thể ngồi tại nhà để mua sắm hàng hóa trên mạng internet và được giao hàng đến tận nhà; đăng ký và tham gia các khóa học trực tuyến; thực hiện các thủ tục hành chính online với cơ quan nhà nước; làm việc và tham gia các dự án toàn cầu từ xa qua mạng; theo dõi quá trình giao nhận online; điều khiển máy hút bụi, máy giặt hoạt động tại nhà khi đang đi làm ở cơ quan; đi mua hàng hóa không cần mang theo tiền mặt thậm chí cả thẻ tín dụng mà chỉ cần quẹt thanh toán bằng điện thoại hay quét nhận dạng khuôn mặt hay mống mắt,… Tuy vậy, nó cũng đang cho thấy nhiều vấn đề về nhân quyền đáng quan ngại và các rủi ro tiềm tàng như sau:

Đó là khả năng tiếp cận internet, cơ hội phát triển giữa các vùng miền đang tạo ra nhiều thách thức về việc xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh tại Việt Nam. Hiện nay, internet đã được phủ sóng tại mọi miền trên đất nước, tuy vậy, đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo cần có các chính sách trợ giá, hỗ trợ thúc đẩy phát triển thông tin mạng internet… để từng bước làm giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.

Internet hỗ trợ giúp cho cuộc sống của mọi người được thuận lợi hơn, nhưng nó cũng là môi trường thuận lợi cho tội phạm mạng tấn công để không chỉ vi phạm quyền riêng tư của công dân mà còn thực hiện các hoạt động trộm cắp, hủy hoại tài sản… của người dân. Môi trường mạng cũng là môi trường mang đến nhiều rủi ro đối với mọi người, đặc biệt đối với trẻ em, như rủi ro bị bắt nạt trên mạng, rủi ro bị gây nghiện với internet, rủi ro phải tiếp xúc với nhiều nội dung phản cảm, không lành mạnh, rủi ro bị lừa đảo hoặc bị đánh cắp thông tin, rủi ro bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng, rủi ro bị hủy hoại danh tiếng trên mạng,…

Bảo đảm QCN là trách nhiệm chung của nhà nước và toàn xã hội nhằm ngày càng hoàn thiện và nâng cao các QCN, vì lợi ích của Nhân dân. Trong bối cảnh nền kinh tế số và môi trường mạng đang trở thành một thành phần không thể thiếu đối với mỗi người dân thì rõ ràng nhu cầu Hiến định QCN trên môi trường mạng internet là rất cần thiết.

Một số đề xuất giải pháp góp phần hoàn thiện các quy phạm pháp luật về quyền con người trên không gian mạng

Cần nghiên cứu, xem xét để bổ sung thêm các quy định mang tính Hiến định về quyền công dân trong việc tiếp cận, khai thác và sử dụng mạng internet, mạng viễn thông và các không gian mạng khác phát triển trong tương lai8, trong đó bao gồm một số quyền gợi mở như sau:

(1) Quyền tiếp cận, khai thác và sử dụng mạng internet và viễn thông cho người dân: Hiến pháp cần quy định nội dung này để bảo đảm rằng, mạng internet và viễn thông sẽ được phổ dụng đến tất cả mọi người chỉ với yêu cầu phải có máy tính hoặc điện thoại thông minh có thể kết nối mạng internet. Để bảo đảm quyền này cho công dân, nhà nước chịu trách nhiệm phát triển hạ tầng mạng internet để cung cấp sóng wifi công cộng diện rộng miễn phí hoặc quy định mức giá dịch vụ khung để các đơn vị cung cấp dịch vụ internet, viễn thông thực hiện nhằm bảo đảm quyền tiếp cận, khai thác và sử dụng internet với mức giá hợp lý có sự quản lý của Nhà nước như điện năng và nước sạch.

(2) Quyền được bảo đảm an toàn trên không gian mạng. Quy định này đưa ra có tính chất tối cao, bắt buộc các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên mạng internet phải tuân thủ các tiêu chuẩn pháp luật và kỹ thuật của Việt Nam trong việc bảo đảm an toàn cho người dân trên môi trường mạng internet, mạng viễn thông, chẳng hạn như, bắt buộc các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên mạng phải đăng ký định danh, cài đặt các hệ thống, chức năng kỹ thuật an toàn cho các giao dịch hợp đồng điện tử trên mạng internet hay yêu cầu bắt buộc các tổ chức, cá nhân này phải thông báo rõ ràng đơn vị giải quyết tranh chấp, khiếu nại trực tuyến để người dân có thể sử dụng khi có tranh chấp hợp đồng điện tử như Liên minh châu Âu đã làm9.

(3) Quyền được định danh điện tử để tham gia các giao dịch điện tử: Nhiều nước trên thế giới như: Ca-na-đa, Phần Lan, E-xtô-ni-a, Ấn Độ, Xinh-ga-po, Hàn Quốc,… đã ban hành luật về định danh điện tử và hướng dẫn định danh, xác thực điện tử làm nền tảng cho việc thiết lập và cung cấp thành công dịch vụ công trực tuyến và phát triển các hoạt động giao dịch điện tử cho người dân10. Tại Việt Nam, để thúc đẩy phát triển xã hội số, bảo vệ quyền lợi của công dân thì chúng ta cần đưa vào Hiến pháp quyền định danh điện tử, theo đó Luật Căn cước công dân, Luật Giao dịch điện tử cần được điều chỉnh, sửa đổi để bổ sung các quy định cấp căn cước công dân điện tử cho người dân để người dân sử dụng cho các giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước và các giao dịch thương mại điện tử với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam.

Đối với việc xác thực giao dịch điện tử, thì nhà nước thông qua các đơn vị hành chính công trực tuyến sẽ cung cấp giải pháp xác thực miễn phí hoặc có phí nhưng rất thấp để người dân đều có thể sử dụng, chẳng hạn Nhà nước phát triển công nghệ xác thực nhân trắc học quốc gia như một số nước trên thế giới đã bắt đầu áp dụng. Phương án hai là, Nhà nước có thể xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù để hỗ trợ các đơn vị cung cấp dịch vụ chứng nhận chữ ký số hiện nay, để cung cấp chữ ký số cá nhân cho người dân miễn phí hoặc với mức phí rất thấp để mọi người dân đều có thể sử dụng cho việc xác thực giao dịch trực tuyến hợp đồng điện tử của mình trên mạng internet11.

(4) Quyền được riêng tư trên môi trường mạng internet. Quyền riêng tư cần được quy định trong Hiến pháp là QCN mà bất cứ tổ chức, cá nhân nào khi tham gia khai thác, sử dụng mạng internet cũng phải tuân thủ. Để làm được điều này thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh hay khai thác người sử dụng trên mạng internet sẽ phải bắt buộc thiết lập cơ chế cho phép người tiêu dùng lựa chọn việc công khai hay bí mật thông tin giao dịch hợp đồng điện tử, trong trường hợp người tiêu dùng lựa chọn bí mật thông tin thì tổ chức, cá nhân này chịu trách nhiệm áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật do Nhà nước Việt Nam quy định hoặc cung cấp miễn phí các giải pháp bảo mật, mã hóa dữ liệu đạt tiêu chuẩn cao để bảo đảm quyền riêng tư của khách hàng trên mạng internet.

(5) Quyền được cấp hồ sơ cá nhân điện tử và tiện ích địa chỉ hộp thư điện tử (Email) miễn phí. Hiện nay, hầu hết mọi người dân tại Việt Nam đang phải sử dụng hộp thư email miễn phí của một số hãng công nghệ lớn trên thế giới. Vấn đề này đang gây ra quan ngại rất lớn không chỉ về việc thất thu thuế từ hoạt động quảng cáo mà còn có rủi ro mất an ninh, an toàn cá nhân cũng như an ninh quốc gia. Để thúc đẩy xã hội số phát triển tại Việt Nam, chúng ta cần nghiên cứu, xem xét đầu tư xây dựng sớm trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm thực hiện chức năng cung cấp hạ tầng số thiết yếu cho người dân.

(6) Quyền được áp dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp phù hợp cho môi trường mạng. Hiện nay việc giải quyết tranh chấp vẫn tuân theo các quy định  tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 mà không có một quy định cụ thể nào cho các tranh chấp dân sự trên mạng internet vốn đang đòi hỏi quy trình nhanh chóng, thuận tiện, ít chi phí và có nhiều tính năng hỗ trợ người dùng. Do đó, rất cần thiết phải đưa vào các quy định về việc áp dụng các biện pháp thuận lợi, phù hợp với môi trường mạng internet để giải quyết các tranh chấp trên mạng internet tốt hơn cho người dân.

(7) Quyền được đóng góp tích cực vào môi trường mạng internet và được nhà nước ghi nhận. Sự phát triển của công nghệ rất cần sự đóng góp của nhiều người, chẳng hạn như các lập trình viên tham gia phát triển phần mềm mã nguồn mở cần được khuyến khích và tạo các cơ chế đặc thù để ghi nhận các đóng góp của họ.

(8) Quyền được tiếp cận mã nguồn đối với toàn bộ hệ thống phần mềm, công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước: Các hệ thống phần mềm, hệ thống công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước chính là sử dụng thuế do người dân nộp. Do đó, Nhà nước cần có trách nhiệm trong việc công khai tài nguyên công nghệ này cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam khai thác để phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin mới bên cạnh việc phải có trách nhiệm đóng góp lại cho Nhà nước đầu tư phát triển.

(9) Thực trạng bức xúc về sự xâm phạm quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên không gian mạng hiện nay có nguyên nhân xuất phát từ các cơ chế quản lý tài khoản không chặt chẽ của mạng xã hội, sự thiếu sót của các quy định pháp luật và cả ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế của người dân. Cần có những quy định về việc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm của con người trên môi trường mạng. Cụ thể là, cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể và chi tiết các quy tắc của Luật An ninh mạng năm 2018 để ngăn chặn những hành vi xúc phạm nghiêm trọng và đưa ra thông tin bịa đặt, sai sự thật nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.

Chú thích:
1. Dân số Việt Nam. https://danso.org, ngày 13/8/2021.
2. Toàn cảnh digital tại Việt Nam – Tổng quan người dùng internet. http://ecommage.com, ngày 13/8/2021.
3, 4. Chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế số. http://moit.gov.vn, ngày 13/7/2021.
5. Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về chính phủ điện tử.
6. Liên hiệp quốc xếp hạng về Chính phủ điện tử: Việt Nam tăng 2 bậc. http://nhandan.vn, ngày 14/7/2020.
7. Hiến pháp năm 2013 không có nội dung nào quy định về quyền công dân trên môi trường mạng và Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ có Điều 119 quy định về hình thức giao dịch dân sự.
8. Điều 2.3 Luật An ninh mạng năm 2018.
9. Chỉ thị số 2013/11/EU ngày 21/05/2013 của Liên minh châu Âu về cơ chế giải quyết thay thế cho các tranh chấp tiêu dùng và Quy định số 524/2013/EU ngày 21/05/2013 của Liên minh châu Âu về biện pháp giải quyết tranh chấp trực tuyến cho các tranh chấp tiêu dùng.
10. Hoàn thiện hành lang pháp lý cho xác thực và định danh điện tử. http://vpcp.chinhphu.vn, ngày 22/3/2019.
11. Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025.
ThS. Phạm Xuân Sơn
Trung tâm Giao lưu quốc tế Hà Nội
ThS. Trần Anh Huy
Phó Chủ tịch Thường trực Trung Tâm trọng tài quốc tế Hà Nội