(Quanlynhanuoc.vn) – Làm thế nào để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. “Sáu dám” lần này là một nội dung mới, phù hợp với thay đổi về khoa học – công nghệ, về kinh tế – xã hội đang diễn ra và cũng làm hình thành một môi trường thảo luận dân chủ, cởi mở, khuyến khích sự mạnh dạn đổi mới sáng tạo.
Bảo vệ cán bộ hiện đang là một vấn đề cần thiết, phải xác lập được một cơ chế để vừa đấu tranh với tâm lý “ỷ lại vào tập thể, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán”; đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực; vừa dám đứng lên phê phán, nhìn thẳng vào những khuyết điểm của bản thân, của tập thể, của đồng nghiệp và của cấp trên.
Thực tế hiện nay, nhiều lãnh đạo, quản lý các cấp từ địa phương đến Trung ương bày tỏ sự lo ngại về những tình huống xảy ra, nếu để làm đúng thì chẳng biết bao giờ mới làm được và làm xong, còn nếu muốn hoàn thành tiến độ và đạt hiệu quả thì đôi khi phải quyết định linh hoạt, có phần “mạo hiểm”. Mạo hiểm là bởi các quyết định linh hoạt khi giải quyết những công việc liên quan đến lợi ích kinh tế đôi khi sẽ khiến nhiều nhà quản lý phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Vì vậy, để an toàn vượt qua nhiệm kỳ, cách tốt nhất là cứ đúng nguyên tắc, đúng pháp luật mà làm, dù chậm, thậm chí “không nhúc nhích” vẫn còn hơn là “giơ đầu chịu báng”. Vấn đề này đối với lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp gọi là “đóng băng” và trên nghị trường các nghị sĩ gọi là căn bệnh “sợ trách nhiệm” của các nhà lãnh đạo, quản lý hiện nay.
Sự kiện lô hàng 22.362 lon sữa cứu trợ kẹt tại cảng Cát Lái vẫn chưa được thông quan, dù đó là lô hàng thiết yếu và khẩn cấp, là minh chứng rõ nhất cho “vùng an toàn” của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Đã có ý kiến cho rằng, các nhà quản lý đã cứng nhắc, máy móc, thiếu chủ động. Lẽ ra họ đã có thể đề xuất lên phương án xử lý ngay cả trong trường hợp chưa đủ cơ sở pháp lý cũng như thẩm quyền giải quyết vụ việc. Có ý kiến lại cho rằng: “Không có quyền lợi nên không nhiệt tình giải quyết…”.
Đi tìm nguyên nhân của “bệnh sợ trách nhiệm” và tình trạng bảo đảm “vùng an toàn” lại phổ biến đến vậy, nhất là khi nó liên quan đến một số lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, các dự án đầu tư công… có một số vấn đề cần tháo gỡ như sau:
Thứ nhất là, câu chuyện phân cấp, phân quyền trong quản lý ngành và lãnh thổ. Đây là nội dung được bàn luận nhiều và cũng là nội dung đòi hỏi phải thực hiện rốt ráo trong hoạt động điều hành của Chính phủ. Nhưng thực tế cho thấy, vẫn còn quá nhiều bất cập nảy sinh trong lĩnh vực này. Trong đó rõ nhất là phân cấp nhưng lại không được giao quyền. Điều này đồng nghĩa với việc, ngành hoặc địa phương được giao nhiệm vụ, nhưng sẽ có một “trần” hạn chế thẩm quyền quyết định. “Trần” đó có thể là giới hạn của tài chính, của quy mô, của phạm vi trên một số lĩnh vực. Rào cản này “bó chân” các nhà quản lý, khiến họ vẫn thực hiện chức trách, nhưng kết quả cuối cùng lại vẫn phải “chờ trên quyết định”. Chặng đường đi đến đích tự nhiên thành xa xôi và tiến độ dĩ nhiên không phụ thuộc vào cấp thực thi.
Thứ hai là, câu chuyện phối hợp. Trong hoạt động quản lý, cơ chế phối hợp mang tính tất yếu, vì bộ máy vận hành là một hệ thống có mối quan hệ tương tác, do đó việc phối hợp không chỉ một chiều từ trên xuống, hay đơn giản là phối hợp đồng cấp giữa các cấp, các ngành, phổ biến hơn cả là phối hợp theo mạng lưới. Đồng nghĩa với việc, để giải quyết hiệu quả một công việc nào đó, không phải là câu chuyện đơn phương của một cơ quan, đơn vị hay cá nhân nào. Đó sẽ là sự vào cuộc của cả một mạng lưới gắn với chức trách của các bên liên quan. Nhưng thực tế cho thấy, việc phối hợp vẫn đang còn nhiều khó khăn, trở ngại.
Những câu chuyện về việc “cát cứ” địa phương, hoặc sự vận động để gia tăng thẩm quyền, nhiệm vụ, từ đó tăng sự ảnh hưởng của ngành mình cũng bị coi là “điểm trừ” của sự phối hợp. Bên cạnh đó, hiện trạng cơ quan chủ trì gần như phải quyết định mọi việc, còn cơ quan phối hợp thì thờ ơ, hững hờ theo kiểu “chắc họ chừa mình ra”…(!). Trong khi theo quy trình, để quyết định phải có đầy đủ ý kiến của các bên liên quan. Thế là, chỉ cần bị ách tắc ở 1 khâu sẽ dẫn đến “tê liệt” cả quy trình.
Thứ ba là, độ chuẩn xác, sự phù hợp và tin cậy cũng như sức thuyết phục của các công cụ quản lý, mà ở đây là công cụ chính sách và pháp luật. Xin không bàn ở đây những nguy cơ “tham nhũng chính sách, pháp luật”. Đã có khá nhiều quy định trong các bộ luật, văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng quy phạm pháp luật không bám sát thực tế, do đó, khi cần dựa vào đó như một căn cứ quan trọng để đưa ra những quyết định giải quyết công việc, các nhà thực thi đã khá lúng túng. Họ không biết phải vận dụng như thế nào mới đúng. Nhiều quy định chung chung, mơ hồ, thậm chí “hiểu thế nào cũng được”. Nhiều quy định trong hệ thống chính sách, pháp luật đã quá lỗi thời, không cập nhật với tình hình thực tế. Chưa kể tình trạng mâu thuẫn nhau trong các quy định mang tính pháp lý của các cơ quan trung ương và địa phương, hay giữa các cơ quan trung ương khi cùng quy định một vấn đề.
Thứ tư là, sự quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng đã lôi ra ánh sáng cả những “vùng cấm”, từ đó cảnh tỉnh, răn đe những công bộc định lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tư lợi của công. Nhưng cũng có không ít trường hợp vô tư, nhưng do tắc trách, hoặc do đội ngũ tham mưu yếu, hoặc do trách nhiệm chung đã vô tình gây thất thoát và họ cũng phải gánh chịu hậu quả. Cá biệt, sẽ có những trường hợp, động cơ trong sáng, nhưng nóng vội, muốn giải quyết nhanh chóng, dứt điểm nên chỉ đạo quá quyết liệt, vô tình bỏ qua quy trình, hoặc không rà soát kỹ lưỡng những quy định của các bên liên quan, thành thử: “tốt” mà vẫn có “tội”. Từ đó hình thành tư tưởng “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.
Phác sơ lược một số nguyên nhân trên để lý giải việc các nhà lãnh đạo, quản lý hiện nay đang rơi vào tình trạng “kiềng canh nóng mà thổi rau nguội” để bảo vệ “vùng an toàn” của mình. Và, tình trạng đó chắc chắn sẽ còn tiếp diễn nếu không có sự tác động để giải quyết các nguyên nhân kể trên. Mong rằng, quan điểm của Bộ Chính trị “khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo” phải được thể chế hoá thành những quy định mang tính pháp lý. Để khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra, hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại… nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng các nhà lãnh đạo, quản lý sẽ bước ra khỏi cùng an toàn của mình, làm tan “khối băng sợ trách nhiệm”, cho cỗ máy quản lý vận hành trơn tru và liên tục.
TS. Nguyễn Thị Hường
Học viện Hành chính Quốc gia