Phát triển du lịch biển theo hướng bền vững tại thành phố Sầm Sơn

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhiều năm trở lại đây, du lịch Sầm Sơn đã có bước phát triển mạnh mẽ. Chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao, công tác quản lý nhà nước được tăng cường. Phát triển du lịch biển theo hướng bền vững tại thành phố Sầm Sơn là cần thiết, không chỉ cho thành phố Sầm Sơn nói riêng mà còn cho các địa phương khác ở Việt Nam có cùng điều kiện tương tự.
Ảnh minh họa. Nguồn: samson.thanhhoa.gov.vn
Kết quả Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 – 2020

Được sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền thành phố, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhiều năm trở lại đây, du lịch Sầm Sơn đã có bước phát triển mạnh mẽ. Chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao, công tác quản lý nhà nước được tăng cường, không ít dự án hạ tầng du lịch và đô thị được triển khai xây dựng, tạo sức lan tỏa, sức hút mới trong phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ thành phố Sầm Sơn đã đạt được nhiều kết quả hết sức ấn tượng.

Sự phát triển du lịch (PTDL) Sầm Sơn được thể hiện qua các chỉ tiêu tăng trưởng, trong đó giai đoạn 2016 – 2019, thành phố đón 17,535 triệu lượt khách, bình quân tăng hằng năm đạt 8,1%; doanh thu du lịch đạt 14.160 tỷ đồng, bình quân tăng hằng năm đạt 21,62%. Riêng năm 2020, mặc dù chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nhưng Sầm Sơn vẫn ước đón được 3,25 triệu lượt khách, bằng 65,65% so với năm 2019, đạt 57,52% so với kế hoạch đề ra; doanh thu ước đạt 3.056 tỷ đồng, bằng 66,72% so với năm 2019, đạt 60,49% kế hoạch đề ra1. Bởi vậy, phạm vi nghiên cứu về PTDL biển theo hướng bền vững tại thành phố Sầm Sơn là cần thiết, không chỉ cho thành phố Sầm Sơn nói riêng mà còn cho các địa phương khác ở Việt Nam có cùng điều kiện tương tự.

Các tuyến du lịch chính ở thành phố Sầm Sơn hiện nay gồm: bãi biển Sầm Sơn và các điểm xung quanh Đền Độc Cước, Đền Bà Triệu, Đền Cô Tiên, Chợ Vồ trên bãi biển Sầm Sơn. Các điểm du lịch xa Sầm Sơn: Suối cá Cẩm Thủy; Bản Hiêu, suối Hiêu; vườn quốc gia Bến En; động từ thức tại Nga Sơn; Thành nhà Hồ, hồ Duồng Cốc, thác Ma Hao.

Về lượng khách du lịch đến biển Sầm Sơn giai đoạn 2016 – 2020: Sầm Sơn đón khoảng 22,53 triệu lượt khách (gấp 2,78 lần giai đoạn 2011 – 2015). Lượng khách đến thành phố Sầm Sơn ngày một tăng, cao nhất ở năm 2019 với 4.950.000 lượt khách. Riêng năm 2020, mặc dù chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nhưng Sầm Sơn vẫn ước đoán được 3,25 triệu lượt khách, bằng 65,65% so với năm 2019, đạt 57,52% so với kế hoạch đề ra2.

Về doanh thu từ du lịch biển: doanh thu cao nhất đạt được là 4.600 tỷ đồng vào năm 2019. Năm 2020, doanh thu du lịch đạt 19.212 tỷ đồng, chiếm trên 50% tổng lượt khách và doanh thu của toàn tỉnh; doanh thu ước đạt 3.056 tỷ đồng, bằng 66,72% so với năm 2019, đạt 60,49% kế hoạch đề ra3.

Đánh giá tính bền vững trong phát triển du lịch biển tại Sầm Sơn

Bền vững về mặt môi trường

Ô nhiễm đang là vấn đề đáng lo ngại của biển Sầm Sơn. Một số cảnh quan du lịch đang xuống cấp, các công trình xây dựng còn ít, các điểm tham quan mới, các sản phẩm du lịch mới đang trong quá trình triển khai. Chính vì vậy, một số cảnh quan khu du lịch tại biển Sầm Sơn bị xuống cấp, như: Chùa Lô Sơn, đền Chính Vị… đang bị xuống cấp, nhưng nhưng lại hạn chế bởi chờ nguồn vốn để tu bổ.

Nguy cơ suy kiệt và ô nhiễm tài nguyên nước ngọt. Đặc trưng của vùng biển thì giữa nước mặn và nước ngọt có một ranh giới, khi hoạt động khai thác nước dưới đất quá mức, thường ranh giới này sẽ tiến dần đến công trình khai thác, mực nước mặn xâm nhập dần, đẩy lùi mực nước ngọt vào sâu và làm nhiễm mặn các công trình khai thác trong khu vực. Mặt khác, do nước biển tràn vào hoặc do con người dẫn nước biển vào sâu trong ruộng để làm muối, dẫn đến xâm nhập mặn vào tầng chứa nước.

Bền vững về mặt xã hội

Trong những năm phát triển, du lịch biển đã có những tác động đáng kể lên phân hệ xã hội – nhân văn. Đặc biệt là đạt được một số kết quả khả quan trọng nhằm phát triển bền vững về mặt văn hóa tại địa phương, cụ thể:

(1) Bảo tồn và phát huy các hoạt động văn hóa địa phương: các giá trị văn hóa biển truyền thống về lễ hội sông nước đua thuyền, các trò chơi truyền thống như: chọi gà, đánh cờ người… được phát huy song song cùng các di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng ven biển hay văn hóa làng chài… đã được địa phương quan tâm. Tuy nhiên, cho đến nay, địa phương vẫn chưa được phát huy và lồng ghép vào kế hoạch PTDL biển bền vững.

(2) Bảo tồn và phát huy các di tích văn hóa lịch sử tại địa phương: các di tích lịch sử đã phát huy được giá trị của cụm di tích thắng cảnh tại thành phố Sầm Sơn và vùng phụ cận, tạo thành những tua du lịch văn hóa, tâm linh đặc sắc, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Thành phố Sầm Sơn đã đầu tư để tôn tạo và sửa lại các di tích văn hóa lịch sử này, nhằm phục vụ cho nhu cầu điểm đến tâm linh của cư dân địa phương và khách du lịch khắp mọi miền trên cả nước.

Bền vững về mặt kinh tế

Phát triển bền vững về kinh tế là phát triển nhanh, an toàn và chất lượng. Phát triển bền vững về kinh tế đòi hỏi sự phát triển của hệ thống kinh tế, trong đó cơ hội để tiếp xúc với những nguồn tài nguyên được tạo điều kiện thuận lợi và quyền sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động kinh tế được chia sẻ một cách bình đẳng. Yếu tố được chú trọng ở đây là tạo ra sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người, không chỉ tập trung mang lại lợi nhuận cho một số ít, trong một giới hạn cho phép của hệ sinh thái cũng như không xâm phạm những quyền cơ bản của con người.

Khía cạnh phát triển bền vững về kinh tế gồm một số nội dung cơ bản. Một là, giảm dần mức tiêu phí năng lượng và các tài nguyên khác thông qua công nghệ tiết kiệm và thay đổi lối sống. Hai là, thay đổi nhu cầu tiêu thụ không gây hại đến đa dạng sinh học và môi trường. Ba là, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn tài nguyên, mức sống, dịch vụ y tế và giáo dục. Bốn là, xóa đói, giảm nghèo tuyệt đối. Năm là, công nghệ sạch và sinh thái hóa công nghiệp (tái chế, tái sử dụng, giảm thải, tái tạo năng lượng đã sử dụng).

Đáp ứng nhu cầu khách du lịch

Số lượng khách đến thành phố Sầm Sơn có đến 73,64% thích loại hình du lịch tắm biển, 10,91% thích nghỉ dưỡng, 10,91% thích  văn hóa, tâm linh và 4,54% là các loại hình du lịch khác, như: du lịch sinh thái, du lịch thể thao4. Theo điều tra, khảo sát của tác giả về vấn đề được các du khách quan tâm và phản ánh nhiều nhất chính là rác thải tại các điểm du lịch ở Sầm Sơn. Có đến 31% trên số du khách được hỏi cùng phản ánh về ô nhiễm rác thải trên biển, trên các bãi tắm và tại các địa điểm du lịch tâm linh mà nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ sở lưu trú, các ki ốt ven bờ biển và khách du lịch đã để lại, đã làm mất mỹ quan của các bãi tắm và điểm du lịch5.

Cũng theo điều tra, khảo sát của tác giả về những vấn đề cần được cải thiện tại Sầm Sơn, tỷ lệ người được hỏi cho rằng cần được cải thiện về các vấn đề như: việc bảo vệ di tích là 42,73%, về dịch vụ (thông tin, hướng dẫn) là 34,55%, về môi trường cảnh quan là 31,82%, về vệ sinh an toàn thực phẩm là 21,82%, về huớng dẫn viên du lịch là 20,0%, về thái độ phục vụ là 14,55%, về đường giao thông là 11,82%, về dịch vụ lưu trú 10,0%, về hoạt động văn hóa là 8,18%, về dịch vụ ăn uống là 7,27%. Bởi đây là các điểm còn yếu trong hoạt động du lịch tại thành phố Sầm Sơn6.

Giải pháp phát triển du lịch biển theo hướng bền vững tại Sầm Sơn

Thứ nhất, nhóm giải pháp PTDL bền vững về kinh tế.

(1) Quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch du lịch.

Nhà nước cần quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư PTDL và chỉ cho phép đầu tư khi đã có quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, lập các dự án khả thi đầu tư PTDL cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên gia quy hoạch với các chuyên gia ở các lĩnh vực liên quan, chính quyền và cộng đồng địa phương. Quy hoạch phát triển khu du lịch phải tính tới mối liên hệ vùng với các tỉnh lân cận: Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Bình…

(2) Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù.

Tập trung xây dựng thành công các sản phẩm du lịch gồm: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái biển… Việc đa dạng các sản phẩm, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó không chỉ tăng tính hấp dẫn của thành phố Sầm Sơn, giảm thiểu sự cạnh tranh không cần thiết với các tỉnh lân cận mà còn thu hút lượng lớn các thành phần kinh tế và cộng đồng dân cư tham gia được vào hoạt động du lịch, giải quyết việc làm, góp phần không nhỏ PTDL bền vững cả về kinh tế – xã hội.

(3) Tăng cường đầu tư phát triển du lịch.

Trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cần đầu tư có trọng điểm, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, chắp vá, không đồng bộ, không đúng mục đích dẫn đến lãng phí vốn đầu tư và hiệu quả không cao. Đơn giản hóa thủ tục hành chính thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép đầu tư, xác định rõ chức năng và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc hướng dẫn, xúc tiến đầu tư.

(4) Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch và mở rộng thị trường.

Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức linh hoạt, hấp dẫn, hiệu quả, chuyển tải nhiều nhất thông tin về khu du lịch Sầm Sơn đến với thị trường khách trong và ngoài nước.

Phát hành các ấn phẩm có chất lượng và chính xác về khu du lịch để giới thiệu với khách du lịch về con người, cảnh quan, tài nguyên du lịch cũng như các thông tin cần thiết khác cho khách (điểm lưu trú, các nhà hàng, hệ thống vui chơi giải trí, giá cả sinh hoạt, đi lại, ăn uống…) và địa chỉ các điểm tư vấn cung cấp thông tin cho khách du lịch.

(5) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Thường xuyên tiến hành điều tra, đánh giá, phân loại trình độ nghiệp vụ của toàn bộ cán bộ, nhân viên trong ngành Du lịch ở khu du lịch Sầm Sơn. Ngoài ra, cũng cần có chính sách, kế hoạch đào tạo mới và tuyển dụng đôi ngũ cán bộ có năng lực cho công tác quản lý và điều hành hoạt động du lịch dưới hình thức chính quy, trong nước và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu lâu dài của ngành Du lịch.

Thường xuyên tổ chức, xây dựng các chương trình giáo dục, nâng cao hiểu biết về du lịch, cách ứng xử với du khách và bảo vệ môi trường. Việc tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ giữa các cơ sở đào tạo trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận cũng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong du lịch.

(6) Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học – công nghệ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các lĩnh vực quản lý, kinh doanh du lịch. Tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh khu du lịch, chương trình du lịch qua hệ thống các website. Ứng dụng khoa học – công nghệ vào trong quy trình phục vụ khách du lịch, nghiên cứu chiến lược thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, từng bước “hiện đại hóa” ngành Du lịch.

(7) Phát triển bền vững về tài nguyên – môi trường.

Thực hiện việc nghiên cứu, kiểm kê, đánh giá một cách có hệ thống để đề xuất một hệ thống quản lý bền vững. Bảo tồn, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch để đáp ứng nhu cầu về kinh tế – xã hội, môi trường, thẩm mỹ nhưng vẫn duy trì được bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm được đa dạng sinh học, các quá trình sinh thái cơ bản trong quá trình bảo tồn, tôn tạo và PTDL.

Thứ hai, nhóm giải pháp PTDL bền vững về xã hội.

(1) Xã hội hóa PTDL.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, sự PTDL luôn nằm trong mối quan hệ tương hỗ với các lĩnh vực các ngành kinh tế khác, vì thế, du lịch đã được Đảng và Nhà nước xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, trong giai đoạn tới cần xã hội hóa du lịch một cách toàn diện và đúng đắn, tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức về ngành Du lịch trong các cấp, các ngành, động viên mọi thành phần kinh tế và cộng đồng dân cư tham gia PTDL.

(2) Nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về PTDL bền vững.

Lồng ghép việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về PTDL vào các chương trình dự án như: bảo tồn sinh thái phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh các công tác giáo dục pháp luật nâng cao dân trí, nâng cao hiểu biết về PTDL bền vững cho cộng đồng dân cư địa phương; khuyến khích hỗ trợ vật chất đối với công tác nâng cao nhận thức về PTDL bền vững; nâng cao hiểu biết cho cộng đồng dân cư địa phương và khách du lịch trong việc bảo vệ, tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch.

Khuyến khích các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương tham gia tích cực vào các hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, đầu tư cho chương trình đào tạo nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về PTDL bền vững.

(3) Đẩy mạnh giáo dục, hướng dẫn du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa riêng.

Giáo dục du lịch, thu hút cộng đồng vào các hoạt động du lịch là mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc và giải pháp thành công PTDL. Du lịch biển thuộc loại du lịch tự nhiên, nhưng ý thức, thái độ cộng đồng về bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này cần được tuyên truyền, giáo dục tốt hơn để người dân địa phương cũng như du khách nâng cao ý thức của mình, góp phần PTDL bền vững tại Sầm Sơn.

Chú thích:
1, 2, 3. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 – 2020.
4. Khảo sát về loại hình du lịch khách muốn tham gia khi đến Sầm Sơn năm 2021 của tác giả.
5. Khảo sát về đánh giá môi trường tại Sầm Sơn của du khách năm 2021 của tác giả.
6. Khảo sát về những vấn đề cần được cải thiện tại Sầm Sơn năm 2021 của tác giả.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Trung Lương. Những vấn đề đặt ra đối với cơ cấu lại ngành Du lịch trong bối cảnh mới. Tuyển tập Hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành Du lịch”. Hà Nội, ngày 21/12/2017.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn tỉnh Thanh Hóa đến 2025, tầm nhìn 2030”. Thanh Hóa, 2015.
3. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thanh Hóa, 2016.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Quy hoạch phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2025 tầm nhìn 2030. Thanh Hóa, 2017.
TS. Lê Khánh Cường
Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội