Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong cung ứng dịch vụ hành chính công ở Đan Mạch

(Quanlynhanuoc.vn) – Đan Mạch là quốc gia có nền kinh tế phát triển và có nền công vụ hiện đại. Cung ứng dịch vụ hành chính công trực tuyến ở Đan Mạch được người dân đánh giá cao, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm áp lực cho cơ quan nhà nước trong thực hiện các thủ tục hành chính
Ảnh minh họa (internet).
Những kết quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin ở Đan Mạch

Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Information and Communications Technology – ICT) trong cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong lộ trình xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT) nhằm tăng hiệu quả minh bạch trong cung ứng dịch vụ công (DVC). Việc cung ứng dịch vụ hành chính công trực tuyến (HCCTT) trong môi trường internet tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN), giảm áp lực cho cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC). Điều này giúp người dân và DN tiết kiệm thời gian và công sức trong quá trình sử dụng DVC, đặc biệt, trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.

Đan Mạch là quốc gia phát triển kinh tế và có nền công vụ hiện đại. Theo Báo cáo khảo sát CPĐT năm 2020 của Liên hiệp quốc (UN 2020), Đan Mạch là quốc gia đứng đầu về chỉ số CPĐT năm 2020, với 0,9758 điểm  trong tổng số 197 quốc gia; đồng thời, chỉ số cung ứng DVC trực tuyến trong nhóm các nước cao (ở mức 0,9706 điểm)1. Bên cạnh đó, Đan Mạch còn là quốc gia đứng đầu trong số các quốc gia thành viên liên minh châu Âu (EU) về tỷ lệ sử dụng băng thông rộng của người dân. Tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ internet cao hơn mức trung bình của các nước châu Âu. Mặt khác, cũng theo khảo sát về dịch vụ HCCTT của Đan Mạch và Ủy ban châu Âu thì Đan Mạch đứng thứ 3 trong cộng đồng EU, nằm ở trên mức trung bình trong EU (xem bảng cuối bài).

Kết quả khảo sát cho thấy, DVC trực tuyến ở nước này được người dân đánh giá cao, như điểm đánh giá DVC trực tuyến cho DN đạt tốt đa 100 điểm, trong khi mức trung bình của các nước trong EU chỉ đạt 88 điểm. Tỷ lệ người sử dụng internet cần gửi biểu mẫu tăng từ 86% năm 2018, lên 91% năm 2020, cao hơn mức trung bình các nước EU (chỉ đạt 67%)2.

Để đạt được những kết quả trên thì việc ứng dụng  ICT vào dịch vụ HCCTT, Chính phủ Đan Mạch đã thực hiện nhiều giải pháp, như: (1) Xây dựng Chiến lược quốc gia về CPĐT; (2) Thành lập cơ quan chuyên trách phối hợp chiều ngang và chiều dọc trong hệ thống cơ quan chính phủ; (3) Thực hiện các biện pháp khuyến khích và bắt buộc đối với người sử dụng (4) Áp dụng chữ ký số rộng rãi; (5) Phát triển các dịch vụ hướng tới người dùng (giải pháp web).

Thứ nhất, xây dựng Chiến lược quốc gia về CPĐT.

Để hiện đại hóa nền hành chính, Đan Mạch đã xây dựng Chiến lược quốc gia về CPĐT từ năm 1994. Việc đưa ra Chiến lược này giúp Đan Mạch chủ động nguồn lực, xác định mục tiêu cho từng giai đoạn, tránh những rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện. Chiến lược được xây dựng gồm ba giai đoạn: giai đoạn 1: hướng đến đẩy mạnh ứng dụng ICT vào hoạt động của cơ quan chính phủ; giai đoạn 2: đẩy mạnh sự liên thông về dịch vụ HCCTT giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương; giai đoạn 3: hướng đến phát triển DVC trực tuyến cho người dân và DN. Thêm vào đó, Chiến lược này không chỉ tăng sự tiện lợi mà còn tăng hiệu quả hoạt động của tổ chức và xã hội.

Thứ hai, thành lập cơ quan chuyên trách phối hợp chiều ngang và chiều dọc trong hệ thống cơ quan của Chính phủ.

Trong quá trình triển khai dịch vụ HCCTT, việc liên kết giữa các cơ quan nhà nước là rất cần thiết để liên thông các thủ tục,  như: trao đổi thông tin, giao dịch truyền thông, quy trình văn bản hành chính… Tuy nhiên, sự chồng chéo của các văn bản hay sự chậm chễ trong xử lý thông tin hành chính là điều không tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi sang ứng dụng ITC trong cung ứng DVC. Do đó, Đan Mạch coi sự đồng thuận trong thực thi các TTHC của cơ quan nhà nước là điều mấu chốt trong việc cung ứng dịch vụ HCCTT. Vì vậy, ngay từ giai đoạn đầu, Chính phủ đã thành lập Lực lượng kỹ thuật số (Digital Task Force – DTF), đây là đơn vị thúc đẩy mạnh mẽ các chiến lược số hóa của Đan Mạch. Lực lượng này tạo ra kết nối ngang giữa các cơ quan trung ương cũng như kết nối dọc giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Nói cách khác, cơ quan này thực hiện các chức năng điều phối cho tất cả các chủ thể tham gia vào CPĐT. Sự hợp tác theo chiều dọc và chiều ngang được phối hợp nhịp nhàng, đó là đặc trưng của Đan Mạch trong việc thúc đẩy ứng dụng ICT vào cung ứng dịch vụ HCCTT.

Thứ ba, thực hiện các biện pháp khuyến khích và bắt buộc đối với người sử dụng.

Để thúc đẩy sử dụng DVC trực tuyến, Chính phủ Đan Mạch thực hiện cả biện pháp khuyến khích và bắt buộc đối với người sử dụng DVC trực truyến. Các dịch vụ này cung cấp cho người dân và DN bảo đảm các tiêu chí: tiện lợi, nhanh chóng, chính xác và hiệu quả kinh tế. Ví dụ, việc nộp tờ khai thuế trực tuyến cho phép nộp hồ sơ trong 24 giờ, giúp loại bỏ các hạn chế về thời gian và địa điểm, cung cấp xác nhận ngay lập tức về số tiền hoàn thuế, cho phép hoàn thuế nhanh hơn nhiều so với khi sử dụng các phương pháp truyền thống. Thêm vào đó, Chính phủ cũng áp dụng các biện pháp bắt buộc để đạt kết quả như mong đợi. Chính phủ cũng yêu cầu tất cả các bộ phải sử dụng chữ ký số và sử dụng hóa đơn điện tử ở tất cả các tổ chức.

Thứ tư, áp dụng chữ ký số rộng rãi.

Để đạt được kết quả áp dụng chữ ký số, Chính phủ Đan Mạch đã chuyển từ chiến lược bảo mật sang áp dụng rộng rãi. Chữ ký số cung cấp hai chức năng: chức năng xác thực và chức năng chữ ký; đồng thời còn có đặc điểm: (1) Được sử dụng làm chữ ký số cho các dịch vụ ngân hàng; (2) Sử dụng mật khẩu dùng một lần; (3) Có khả năng đăng nhập từ nhiều máy tính. Với chữ ký số này, người dân có thể thực hiện các DVC với cơ quan nhà nước, các giao dịch ngân hàng, thậm chí cả một số dịch vụ tư nhân khác, như: làm tóc, khám, chữa bệnh…

Thứ năm, phát triển các dịch vụ hướng tới người dùng (giải pháp web).

Việc phát triển và cải thiện dịch vụ từ quan điểm của người sử dụng là chiến lược cơ bản và quan trọng nhất. Chính phủ Đan Mạch đã thiết lập trang web https://www.borger.dk là nền tảng mạng cung cấp các dịch vụ trực tuyến được thiết kế hoàn toàn dưới góc nhìn của người sử dụng, cung cấp cho người dân điểm giao dịch một cửa của các DVC. Trên trang https://www.borger.dk còn có trang đánh giá thường xuyên liên quan đến nội dung, thiết kế và các chức năng của cổng thông tin, từ đó, Chính phủ ngày càng hoàn thiện dịch vụ phù hợp với các nhóm tuổi, giới tính, khu vực khác nhau…

Chính phủ Đan Mạch cũng vận hành trang web https://virk.dk (cổng thông tin cho các DN có thể sử dụng để tìm kiếm thông tin về Luật DN, đăng ký thành lập DN và gửi các dữ liệu…) và xây dựng hộp thư điện tử (eBoks hoặc bưu điện kỹ thuật số cho phép công dân và DN liên hệ với Chính phủ với các mục đích báo cáo, đặt câu hỏi, lưu trữ thư …).

Một số kinh nghiệm cho Việt Nam

Từ những kết quả mà Chính phủ Đan Mạch đạt được về ứng dụng ICT trong cung ứng dịch vụ hành chính công, Việt Nam có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, cần đưa ra chiến lược cụ thể, khả thi, từ đó, cơ quan nhà nước và người dân cùng thực hiện. Chiến lược phải là toàn diện, điển hình là CPĐT, (thay vì chỉ tập trung vào cung ứng DVC), đồng thời chú trọng đến sự kết nối bên trong Chính phủ trước tiên, tiếp đó, kết nối Chính phủ với DN và Chính phủ với người dân. Kết nối bên trong Chính phủ thực chất là kết nối giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giúp liên thông các văn bản nhà nước, tiết kiệm thời gian so với việc phát hành văn bản truyền thống.

Hai là, để tạo thuận lợi cho người sử dụng, trang web cần thiết kế thân thiện, trên cơ sở khảo sát ý kiến góp ý của người dân, DN. Mặt khác, chữ ký số cần bảo đảm sử dụng rộng rãi, điều này vừa tăng tính bảo mật, vừa rất hữu ích cho các hoạt động thanh toán phí, lệ phí hay các TTHC khác mà người dân, DN thực hiện. Để làm được điều này, cần thành lập tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử, đây là tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng trong các hoạt động công cộng. Các tổ chức, cơ quan nhà nước thực hiện các giao dịch điện tử nói chung và DVC trực tuyến nói riêng nên áp dụng chữ ký điện tử. Khi triển khai, cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi cao, nhất là việc đầu tư nguồn lực (đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực này). Đồng thời, việc xác thực và mã hóa dữ liệu cần có cơ chế xác thực, cấp phép truy cập, mã hóa thông tin dữ liệu cho việc truy cập vào các trang thông tin, dịch vụ; cần phải định danh người truy cập nhằm bảo đảm an toàn cho trang thông tin điện tử trong quá trình khai thác, vận hành.

Ba là, cần khuyến khích và cưỡng chế sử dụng dịch vụ HCCTT để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt, trong nền hành chính công vụ. Điển hình, như: đẩy mạnh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết TTHC, thực hiện DVC trên Cổng DVC quốc gia, cổng DVC của Bộ Tài chính góp phần thực hiện thành công giải pháp đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt. Mặt khác, cũng cần hỗ trợ chuyển đổi số cho các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa nhằm thúc đẩy mô hình kinh doanh, quy trình sản xuất sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc sử dụng các dịch vụ số.

Chú thích:
2020 UN E – Goverment Survey. E – Goverment Development Index EGDI by region – EUROPE, p. 280.
(European Commission, 2020a). Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 Denmark. https://ec.europa.eu/digital.
Tài liệu tham khảo:
1. European Commission (2020b). Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 Denmark.
2. OECD (2010). Denmark Efficient e-Government for Smarter Public Service Delivery.
3. Peter Parycek, Olivier Glassey và cộng sự (2018), Electronic Government, LLCS Volume 11020, Springer.
4. https://publicadministration.un.org/egovkb/en-us/Data/Country-Information/id/48-Denmark.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Mai
Học viện Hành chính Quốc gia