Vai trò quyết định của nhận thức trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số

(Quanlynhanuoc.vn) – Xu hướng tất yếu phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số là nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và là con đường không thể khác, đưa đất nước đến “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”. Đảng và Nhà nước ta xác định và quán triệt việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin như một ngành mũi nhọn trong hoạt động của cơ quan nhà nước, là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, tạo khả năng “đi tắt, đón đầu” để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hội nghị trực tuyến với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các bộ, ngành, địa phương, ngày 23/7/2019 (Ảnh: TTXVN)

Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, các văn kiện của Đảng được ban hành liên tục, kịp thời nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ phát triển chính phủ điện tử (CPĐT), nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, nâng dần vị trí của Việt Nam về CPĐT theo xếp hạng của Liên hiệp quốc1.

Những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng CPĐT hướng tới chính phủ số (CPS) rất đáng khích lệ, thúc đẩy tích cực niềm tin vào tầm nhìn đến năm 2030: “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”2.

Tuy nhiên, về tổng thể việc triển khai CPĐT chưa đạt được như mong muốn đề ra. Để CPS có thể hình thành vào năm 2025 và dần hoàn thiện vào năm 2030, CPĐT phải trải qua một sự chuyển đổi có tính căn bản, toàn diện để vượt qua những thách thức, đặc biệt là những thách thức của quản lý sự thay đổi về nhận thức.

Theo các chuyên gia, hiện nay việc xây dựng CPĐT vẫn đang đứng trước những thách thức sau: (1) Hạ tầng số; (2) Nguồn nhân lực3; (3) An toàn, an ninh mạng; (4) Tầm nhìn của người lãnh đạo; (5) Thể chế và khung pháp lý cho CPS; (6) Tư duy hệ thống; (7) Nguồn lực tài chính; (8) Năng lực xã hội (tức là năng lực số của người dân)4.

Như vậy, quan điểm “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số” cần phải được quán triệt chỉ đạo và thực hiện chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Hơn nữa, nhận thức về chuyển đối số còn cần dựa trên cơ sở của tư duy hệ thống, khi đã ý thức được sự phát triển của công nghệ và cách mạng kỹ thuật số đã làm thay đổi căn bản và toàn diện bức tranh tổng thể của đời sống xã hội cũng như những quan niệm của chúng ta.

Theo báo cáo của Liên hiệp quốc năm 2020 về CPS, từ năm 2014 – 2020, vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển CPĐT duy trì được mức thăng hạng liên tục từ vị trí 99 lên 86. Đặc biệt, giai đoạn 2014 – 2016, từ vị trí 99 lên 89, từ năm 2016 – 2018 từ vị trí 89 lên 88. Sự thăng hạng bứt phá như vậy do sự vào cuộc với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước, được thể hiện ở Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về CPĐT. Từ năm 2016, chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam đã ở mức cao, đó là kết quả của sự nỗ lực rất lớn, song để đạt được mức “rất cao” còn cần có những đột phá.

Về thứ hạng chung, Việt Nam dù thăng hạng liên tục song vẫn chỉ ở mức trung bình của thế giới, châu Á và Đông Nam Á và không thay đổi vị trí so sánh tương quan. Trong khu vực Đông Nam Á, khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia đang xếp sau trong khu vực như In-đô-nê-xi-a và Cam-pu-chia đã thu hẹp đáng kể. Nhiều quốc gia có sự thăng hạng mạnh, như: In-đô-nê-xi-a tăng 19 bậc, Thái Lan tăng 16 bậc, Mi-an-ma tăng 11 bậc. Thêm nữa, 5 quốc gia xếp trên Việt Nam là Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Bru-nây, Phi-líp-pin và quốc gia ngay sau Việt Nam đều đã tuyên bố chiến lược phát triển CPS. Tức là không có sự dừng lại của các nước khác để cho Việt Nam “đi tắt, đón đầu”.

Trong khối ASEAN, Việt Nam phải nỗ lực rất lớn để vượt qua Phi-líp-pin (11 bậc) và đạt vị trí của Bru-nây (26 bậc) để lọt vào tốp 4 nước dẫn đầu. Với xu thế tốc độ thăng hạng “99 – 89 – 88 – 86” trong giai đoạn 2014 – 2020 thì khó có thể khẳng định tính khả thi của một sự “bứt tốc thần kỳ” kể cả chỉ trong ASEAN, khi Việt Nam vẫn “dậm chân tại chỗ”, đứng ở vị trí 6/11 và mục tiêu đến 2020 Việt Nam tăng 10 bậc đã không hoàn thành5. Cũng cần nhận thấy rằng, các nước ngay sau Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, đặc biệt là In-đô-nê-xi-a và Cam-pu-chia. Nếu không kịp thời có những quyết sách về CPĐT, Việt Nam hoàn toàn có thể bị các nước láng giềng vượt lên trong những năm tới. Thêm nữa, mặc dù thứ hạng luôn có cải thiện, song một vài chỉ số thành phần như chỉ số dịch vụ trực tuyến (Online Service Index), chỉ số Dữ liệu chính phủ mở (Open Government Data Index) bị thấp đã kéo điểm xếp hạng của Việt Nam xuống.

Việt Nam có vị trí thứ 86/193 với giá trị Chỉ số EGDI năm 2020 đạt 0.6667 điểm, được xếp vào nhóm các nước phát triển CPĐT có EGDI ở mức cao và cao hơn so với Chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0.5988), của khu vực châu Á (0,6373), cũng như của khu vực Đông Nam Á (0,6321)6. Tuy nhiên, điều này cũng khó cho thấy một sự lạc quan cần thiết cho sự chuyển đổi mạnh mẽ hướng tới CPS trong thập kỷ này.

Mặc dù thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng CPS về chỉ số chung tăng, nhưng chỉ số thành phần lại giảm. Bên cạnh Chỉ số EGDI, năm 2020, Liên hiệp quốc còn đánh giá thêm một số chỉ số phụ liên quan đến sự phát triển CPĐT. Chỉ số tham gia điện tử (EPI) đánh giá sự tương tác điện tử giữa chính phủ và người dân, với mục đích khuyến khích các chính phủ cung cấp cho người dân các công cụ trực tuyến để tham gia vào quá trình ra quyết định. Năm 2020, Chỉ số EPI của Việt Nam có vị trí xếp hạng là 70/193 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc, tăng hai bậc so với năm 2018. Chỉ số Dịch vụ trực tuyến địa phương (LOSI) là chỉ số phụ để đánh giá sự phát triển dịch vụ trực tuyến của một số thành phố được chọn lựa trên thế giới.

Năm 2020, có 100 thành phố được chọn lựa khảo sát, đánh giá (năm 2018 là 40 thành phố). Các thành phố khảo sát được lựa chọn dựa trên vị trí địa lý và phân bố dân cư, trong đó có 29 thành phố ở châu Á, 32 thành phố ở châu Phi, 21 thành phố ở châu Âu, 16 thành phố ở châu Mỹ và hai thành phố ở châu Đại Dương. Tuy nhiên, 14 thành phố không có cổng thông tin điện tử riêng để đánh giá, nên năm 2020 chỉ đánh giá 86 thành phố. Việt Nam có TP. Hồ Chí Minh được lựa chọn khảo sát, đánh giá, xếp hạng 42/86 thành phố được đánh giá và được xếp ở mức Chỉ số LOSI trung bình. Năm 2020 còn là năm đầu tiên Liên hiệp quốc đánh giá Chỉ số Dữ liệu chính phủ mở (OGDI). Giá trị Chỉ số OGDI của Việt Nam năm 2020 được xếp vào nhóm Chỉ số OGDI trung bình của thế giới, xếp hạng 97/193 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc7.

Cũng biết rằng, trong chuyển đối số: mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển CPS, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển8, song cần nhìn vào thực tiễn khách quan hơn với tinh thần xây dựng CPĐT là một việc lâu dài, không thể đặt ngay mục tiêu cao trong khi sự sẵn sàng về hạ tầng, nhân lực sử dụng – cả công chức lẫn người dân còn thấp.

Họp báo công bố việc tích hợp thêm 6 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, ngày 29/7/2020. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, yếu tố quyết định thành công chính là quyết tâm chính trị cao của người đứng đầu các cơ quan trung ương và địa phương, phải trực tiếp chỉ đạo quyết liệt hành động với cơ chế bảo đảm thực thi đã được thiết lập, liên kết chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, đồng thời, nhanh chóng nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đo lường, đánh giá hiệu quả, chất lượng thực thi nhiệm vụ triển khai xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử; xây dựng cơ chế theo dõi, đánh giá, giám sát trách nhiệm giải trình, ra quyết định và xử lý kịp thời các vướng mắc về thể chế, nguồn lực tài chính, giải pháp công nghệ và con người để bảo đảm thực thi hiệu quả mục tiêu xây dựng CPĐT trong giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 20259.

Hơn bao giờ hết, cần nhận thức rõ chuyển đổi số bắt đầu từ những đột phá công nghệ số, nhưng chuyển đổi số không phải chỉ là công nghệ số mà quan trọng hơn, chuyển đổi số là chấp nhận cái mới. Do đó, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, thể chế, chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ.

Các nhiệm vụ cốt yếu cho giai đoạn 2021 – 2025 là: (1) Đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển CPĐT; (2) Hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng; (3) Thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ; (4) Rà soát, sắp xếp lại và huy động mọi nguồn lực cả về tài chính và con người phục vụ chuyển đổi số.

Như vậy, cần nghiên cứu và xây dựng chiến lược quản lý để thay đổi các thói quen, như: làm việc bằng văn bản giấy tờ; cát cứ dữ liệu; lề lối, phương thức làm việc theo kiểu “xin – cho”, nhất là trong quan hệ với người dân, doanh nghiệp; làm việc “ngẫu hứng”, “phong trào”, thiếu xác định rõ lộ trình và các nhiệm vụ cụ thể để triển khai… Yếu tố căn bản nhất của mọi đổi mới (thay đổi) là sự thay đổi hành vi của con người. Để xây dựng những năng lực mới hay khiến một tổ chức hành động khác đi (chẳng hạn như thực hiện nhiệm vụ mới, ra những quyết định mới, làm việc nhanh hơn hay chậm hơn, làm việc với nhiều người khác nhau), chúng ta cần thay đổi hành vi con người. Tức là, từ phương diện nhất định là “cần con người làm điều gì đó mà họ chưa làm ngày hôm nay”10.

Quá trình thay đổi hành vi con người cần có động lực để tạo điều khác biệt. Mỗi sự chuyển đổi cơ cấu trên diện rộng cần có sự hiểu biết về cách khiến mọi người hành động khác đi. Cần có những buổi đào tạo mới nào? Cần có những hệ thống quản lý mới nào (ví dụ như các mô hình, sáng kiến và biện pháp vận hành) để giúp mọi người hành động nhất quán với sự chuyển đổi của tổ chức? Do đó, cần thiết phải triển khai song song việc đào tạo, tập huấn và tạo áp lực từ trên xuống.

Tầm nhìn “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt ra  mục tiêu cao cho chặng đường phát triển hướng tới CPS thời gian tới: Việt Nam có chỉ số phát triển CPĐT, CPS ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên hiệp quốc (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030); đột phá thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 (Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới CPS giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030); và “trở lại” thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2030 (Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030) đòi hỏi cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trên cơ sở đổi mới tư duy điều hành của nền hành chính, xóa bỏ những thói quen cũ, tạo lập những thói quen mới để tạo ra một phương thức điều hành mới, một cách làm mới trên nền tảng ứng dụng rộng rãi công nghệ số vì sự phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng và phục vụ Nhân dân.

Chú thích:
1, 8, 9. Xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam. http://egov.chinhphu.vn, ngày 02/11/2021.
2. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
3. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực (nói chung, không riêng lĩnh vực công nghệ) của Việt Nam đạt mức 3,79 điểm trên thang điểm 10, xếp hạng thứ 11 trong 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á.
4. Nhìn về 8 thách thức chính phủ số mà Việt Nam cần giải quyết. https://viettimes.vn, ngày 25/8/2020.
5. Chính phủ điện tử: Việt Nam phấn đấu hết năm 2020 tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng thế giới. https://tapchitaichinh.vn, ngày 27/8/2020.
6. Báo cáo khảo sát chính phủ điện tử năm 2020 của Liên hiệp quốc.
7. Thấy gì từ thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng chính phủ số do Liên hiệp quốc công bố? https://viettimes.vn, ngày 23/8/2020.
10. Geoff Tuff, Steven Goldbach. Thay đổi tư duy, đột phá thành công. NXB Hồng Đức, 2019.
PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh
Học viện Hành chính Quốc gia