Cung ứng dịch vụ công trực tuyến trong bối cảnh chuyển đổi số

(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ số để thay đổi cách thức, phương thức làm việc và quản trị nhằm cung ứng các sản phẩm, dịch vụ và giải quyết các vấn đề của đời sống xã hội theo phương thức mới. Xu thế tất yếu này đã và đang đòi hỏi sự chuyển đổi cấp bách và thích ứng linh hoạt trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và cung ứng dịch công trực tuyến nói riêng. Để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện về thủ tục hành chính, thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể với phương châm “Lấy con người là trung tâm; cải cách dẫn dắt; công nghệ sẽ hỗ trợ, thúc đẩy”1 trong thực hiện chuyển đổi số.
Ảnh minh họa (internet)
Đặt vấn đề

Quá trình chuyển đổi số (CĐS) với cốt lõi là ứng dụng công nghệ số hiện đã và đang làm cho các vật dụng, thiết bị trở lên thông minh hơn, tạo ra nhiều dịch vụ mới… Đây là cơ hội để cơ quan nhà nước (CQNN) ứng dụng công nghệ mới nhằm tối ưu hóa quy trình, phương thức quản lý trong hoạt động cung ứng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), tăng hiệu quả hoạt động, giảm chi phí hành chính và phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, song hành với các cơ hội này là những thách thức đặt ra, đòi hỏi CQNN cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp để tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin (CNTT), khắc phục hạn chế nội tại về cơ sở pháp lý, nhân lực, cơ sở vật chất cũng như đối tượng thụ hưởng để việc cung ứng DVCTT ngày càng tốt hơn đến với người dân và DN.

Một số thách thức đặt ra trong việc nâng cao chất lượng cung ứng dịch công trực tuyến

Quá trình CĐS với những bước đột phá về công nghệ trong các lĩnh vực cũng đã và đang tạo cơ hội cho hàng triệu người dân được kết nối với các thiết bị di động, có sức mạnh tốc độ, dung lượng lớn chưa từng có, điều này tạo cơ hội cho người dân tham gia với chính quyền, theo hướng công khai, minh bạch. Tuy nhiên, quá trình CĐS cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức với cơ quan quản lý nhà nước nói chung và hoạt động cung ứng DVCTT nói riêng, cụ thể:

Thứ nhất, về tư duy và cách thức quản lý cung ứng DVCTT.

Trong xã hội hiện đại, vai trò của Chính phủ nói chung và CQNN nói riêng đã thay đổi, Nhà nước hiện đại là Nhà nước phục vụ, lấy người dân là trung tâm, loại bỏ hoàn toàn cơ chế xin – cho. Vì vậy, việc cung ứng DVCTT hiện nay cũng được thay đổi theo cách tiếp cận lấy người dân là trung tâm. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) cần phải thay đổi tư duy là người phục vụ, lấy người dân là khách hàng, thích ứng với môi trường mới, xây dựng văn hóa phục vụ của nền hành chính công.

Cần xác định mối quan hệ giữa CNTT và cải cách hành chính, trong đó, CNTT phải là phương tiện và là mục tiêu tạo sự vận hành thông suốt, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước. Cải cách hành chính đề ra mục tiêu, yêu cầu cho việc thiết lập các hệ thống CNTT, mức độ cải cách hành chính quyết định quy mô, phạm vi ứng dụng của CNTT. Quá trình thiết lập hệ thống CNTT trong CQNN phải xuất phát từ mục tiêu thiết lập trật tự, xây dựng quy trình, cơ chế,  mối quan hệ phối hợp giữa các chức năng ở các cơ quan và các cấp.

Thứ hai, về chất lượng và sự tiện lợi của DVCTT chưa đáp ứng yêu cầu.

Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả quan trọng trong triển khai xây dựng chính phủ điện tử nói chung và cung ứng DVCTT nói riêng. Ngày 09/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn nút khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia, ban đầu với 8 nhóm dịch vụ công. Đến ngày 08/3/2021 đã có hơn 2.800 dịch vụ công được tích hợp, cung ứng trên tổng số gần 6.800 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền (với hơn 116 triệu lượt truy cập; hơn 468.000 tài khoản đăng ký; hơn 42,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 940.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 67.000 giao dịch thanh toán điện tử với tổng số tiền hơn 26,7 tỷ đồng). Tiếp nhận, hỗ trợ trên 53.000 cuộc gọi, hơn 10.000 phản ánh, kiến nghị, tiết kiệm chi phí được hơn 8.100 tỷ đồng/năm2. Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; 83 DVCTT giao cho 20 bộ, ngành đến nay đã triển khai được 78/83 DVCTT; 44 DVCTT giao cho các địa phương, hiện nay có 32/63 địa phương đã triển khai thực hiện…3.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức cung ứng DVCTT cũng còn nhiều hạn chế, như: thủ tục hành chính được cung ứng trực tuyến trên môi trường điện tử mới chỉ là những thủ tục đơn giản (khai báo, trao đổi thông tin phối hợp và không hoàn thành toàn bộ quy trình trực tuyến). Tình trạng cung ứng dịch vụ công bị chồng chéo giữa các bộ, ngành, địa phương, dẫn đến một số DVCTT hoạt động chưa hiệu quả.

Nguyên nhân của thực trạng này là do các đơn vị đã lựa chọn một số thủ tục hành chính chưa phù hợp (lượng giao dịch ít, hồ sơ phức tạp, cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, hoặc kinh phí duy trì chữ ký số để khai báo mức độ 4… Mặt khác, việc lựa chọn nhà cung ứng phần mềm không đồng nhất, dẫn đến bị lỗi phần mềm, hoặc chưa có văn bản quy định nền tảng dùng chung để thống nhất về cơ sở dữ liệu hoặc các tiêu chí bắt buộc cần có trong việc cung ứng dịch vụ công mức độ 3, 4). Trong khi đó, xu thế CĐS luôn đặt ra yêu cầu cần cung ứng các DVCTT theo hướng cá nhân hóa, không phụ thuộc vào thời gian, không gian và nguồn dữ liệu, đáp ứng yêu cầu của công dân một cách tức thời (công dân, tổ chức chỉ cần sử dụng một tài khoản trực tuyến để giao dịch với tất cả các cơ quan hành chính, mọi thông tin của cá nhân được tự động xử lý, cung ứng khi thực hiện các giao dịch trực tuyến).

Thứ ba, về chất lượng đội ngũ CBCCVC vận hành hệ thống DVCTT và kỹ năng ứng dụng ứng dụng CNTT của người dân.

Hiệu quả cung ứng và sử dụng DVCTT được quyết định từ hai phía cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ. Do đó, đòi hỏi đội ngũ CBCCVC vận hành hệ thống DVCTT và người dân cần nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT. Thực tế cho thấy, một số cơ quan cung ứng DVCTT, trình độ CNTT của đội ngũ CBCCVC còn hạn chế, tại nhiều địa phương, không có cán bộ chuyên trách về CNTT tại cơ quan, đơn vị, nên chưa bảo đảm cung ứng đầy đủ DVCTT theo yêu cầu  đề ra. Mặt khác, việc cung ứng DVCTT tại các địa phương vẫn còn chạy theo số lượng, việc giải quyết thủ tục hành chính còn mang tính thủ công, đặc biệt, ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đây chính là khó khăn, trở ngại khi sử dụng DVCTT mức độ 3, 4. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, hướng dẫn  người dân sử dụng CNTT chưa được triển khai mạnh mẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tâm lý e ngại trong việc tiếp cận các thiết bị CNTT cũng như DVCTT.

Thứ tư, về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động cung ứng DVCTT chưa được đầu tư đồng bộ.

Hệ thống thông tin dữ liệu chưa được kết nối, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin, chất lượng dữ liệu và thông tin chưa được cập nhật kịp thời, chính xác. Nhiều hệ thống thông tin đã được triển khai nhưng chưa bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Bên cạnh đó, vẫn còn một số rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng CNTT gây khó khăn cho các DN trong triển khai các dự án. Điều này dẫn đến một số bộ, ngành, địa phương chưa có đầy đủ thông tin về dữ liệu số. Ngoài ra, yếu tố bảo mật thông tin cũng đang là vấn đề lớn cần quan tâm đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình cung ứng DVCTT.

Một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới

Một là, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về cung ứng DVCTT.

Cần bám sát các văn bản của trung ương về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế cũng như về xây dựng chính phủ điện tử và CĐS. Trong đó, đặc biệt là Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và tích hợp, cung ứng DVCTT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia… Trên cơ sở đó, kịp thời ban hành các văn bản, quy định, kế hoạch tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai ứng dụng CNTT một cách đồng bộ, bài bản trong hoạt động cung ứng DVCTT, như: bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh và xác thực điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia,…

Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng, triển khai các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án CĐS, trong đó lồng ghép các nội dung về chính phủ điện tử và chính quyền điện tử. Đồng thời, ban hành các quy định về trao đổi, lưu trữ, xử lý văn bản điện tử trong hoạt động của CQNN; quản lý, khai thác, sử dụng hạ tầng mạng diện rộng; quản lý, khai thác sử dụng hạ tầng dùng chung; bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT của CQNN… Cùng với đó, ban hành kế hoạch an toàn thông tin số trong hoạt động CQNN; thúc đẩy phát triển và ứng dụng phần mềm mã nguồn mở; triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong CQNN, lộ trình DVCTT; triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các địa phương…

Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC và tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT.

Cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng về ứng dụng CNTT cho CBCCVC, đặc biệt là cho đối tượng là cán bộ chủ chốt các cấp làm việc tại các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn. Kịp thời tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm dùng chung cho Ủy ban nhân dân các cấp. Nội dung đào tạo, tập huấn cần tập trung về cơ quan điện tử, chính quyền điện tử, kỹ năng sử dụng thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản, sử dụng và khai thác thông tin trên internet, an toàn thông tin mạng…

Bên cạnh đó, để tăng tỷ lệ giao dịch trực tuyến đòi hỏi nhận thức, trình độ, các kỹ năng CNTT cần có của công dân về khai thác, sử dụng DVCTT cũng phải tăng lên. Cần có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng các công dân điện tử để giúp công dân, tổ chức sẵn sàng thực hiện các thao tác khi khai thác, sử dụng DVCTT do CQNN cung ứng.

Để thực hiện nhiệm vụ này, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức qua đài, báo, cổng thông tin điện tử, các buổi nói chuyện chuyên đề, xuất bản các ấn phẩm truyền thông… Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng mẫu tờ rơi phục vụ công tác tuyên truyền về hệ thống dịch vụ công mức độ 3, 4 trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền sâu rộng về DVCTT. Trong đó, tăng cường huy động cán bộ hoặc lực lượng đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân nhập dữ liệu trực tiếp hồ sơ trực tuyến khi công dân đến nộp thủ tục tại bộ phận một cửa, hoặc triển khai các giải pháp mới như mô hình khu dân cư điện tử đưa vào chương trình học ngoại khóa trong nhà trường và cử tình nguyện viên đến tận nhà công dân hỗ trợ cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Thứ ba, triển khai cơ sở dữ liệu dùng chung, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi.

Trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng quốc gia, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, tài nguyên, DN, dân số, tài chính, bảo hiểm… và một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, như: giáo dục, y tế, giao thông; lao động, tư pháp… Qua đó, bảo đảm dữ liệu, thông tin được thống nhất, thông suốt giữa Chính phủ và chính quyền các cấp. Đồng thời, thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, DN và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tích cực triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin một cửa điện tử kết nối Cổng Dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương. Đây là hệ thống quan trọng để kết nối Chính phủ với người dân và DN, thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ.

Với các bộ, ngành, địa phương từng bước đầu tư, triển khai, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT, tập trung đầu tư vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả công việc của CBCCVC. Bảo đảm hệ thống dữ liệu dùng chung đi vào hoạt động ổn định. Kết nối mạng WAN (mạng diện rộng) của tỉnh, thành phố tới toàn bộ các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, bảo đảm tỷ lệ máy tính/cán bộ được nâng lên, hệ thống đường truyền internet được kết nối ổn định để xử lý các DVCTT một cách kịp thời, thông suốt.

Với các địa phương, cần tập trung đẩy mạnh nâng cấp Cổng Giao tiếp điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để cung ứng kịp thời thông tin chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân và là nền tảng để tích hợp các ứng dụng dùng chung của địa phương.

Thứ tư, nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, chất lượng đường truyền và an ninh mạng.

Đây là nền tảng quan trọng cần triển khai  tạo điều kiện cho các hoạt động trực tuyến. Về nâng cấp hạ tầng số, Chính phủ và các DN cần khẩn trương chuẩn bị các phương án triển khai dịch vụ 5G để theo kịp xu hướng thế giới trong điều kiện điện thoại thông minh tích hợp 5G đang được phổ biến rộng rãi với tốc độ cao gấp nhiều lần mạng 4G như hiện nay. Cùng với đó, cần bảo đảm an toàn và bí mật thông tin cá nhân trong quá trình cung ứng các DVCTT. Đối với các DVCTT, vấn đề an ninh thường mâu thuẫn với sự thuận tiện, dễ sử dụng. Nhu cầu cung ứng nhiều dịch vụ, quy trình đơn giản, thuận tiện cho người dân có thể dẫn đến mất an toàn. Chính vì vậy, CQNN cần phối hợp với các công ty xây dựng phần mềm DVCTT nghiên cứu, lựa chọn phương án để hài hòa cả hai yếu tố trên và bảo đảm các biện pháp phòng ngừa với những nguy cơ, như: bị đánh cắp dữ liệu, sai lệch kết quả, sửa đổi thông tin, giả mạo. Để phòng ngừa tất cả các nguy cơ này, các biện pháp bảo đảm an ninh cần phải được thực hiện ở tất cả các tầng truy nhập.

Triển khai các DVCTT là giải pháp giúp người dân và DN tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong ứng dụng CNTT, góp phần xây dựng chính quyền điện tử tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Kết luận

Trong thời gian qua, CQNN từ trung ương đến địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng và từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử nói chung và hệ thống cung ứng DVCTT nói riêng. Tuy nhiên, trước xu thế của CĐS với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đòi hỏi CQNN cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ và toàn diện hơn để bắt kịp và chuyển đổi linh hoạt việc cung ứng DVCTT; đồng thời, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng, nắm bắt cơ hội phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đáp ứng nhu cầu của người dân, DN.

Chú thích:
1. Đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia. http://vpcp.chinhphu.vn, ngày 09/9/2021.
2. Chính phủ điện tử góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. http://baochinhphu.vn, ngày 10/3/2021.
3. Phát triển chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4. http://egov.chinhphu.vn, ngày 08/11/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Viện Kinh tế Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quản trị nhà nước”. H. NXB Chính trị quốc gia, tháng 12/2018.
3. Đinh Nguyên Mạnh. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở Hà Nội và những vấn đề đặt ra. Tạp chí Lý luận chính trị, số 7/2015.
4. Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và tích hợp, cung ứng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
5. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
6. Đỗ Mai Thanh. Đề xuất mô hình dịch vụ hành chính công trực tuyến phù hợp với thực tế xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam. Luận văn thạc sỹ ngành Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012.

ThS. Đoàn Hồng Linh
Học viện Cảnh sát nhân dân