(Quanlynhanuoc.vn) – Thủ tục hành chính về đất đai là nhóm dịch vụ công thiết yếu với các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, việc cung cấp dịch vụ này trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Cùng với việc tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các quy định và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, việc triển khai thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia là một bước đột phá trong việc thực hiện các thủ tục này. Đây có thể coi là bước đột phá trong việc cải cách thủ tục hành chính về đất đai, là một biện pháp góp phần vào phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam.
Thủ tục hành chính về đất đai
Dịch vụ công (DVC) về đất đai là nhóm DVC thiết yếu đối với người dân, doanh nghiệp (DN) và được Liên hiệp quốc khảo sát để xây dựng báo cáo đánh giá mức độ phát triển chính phủ điện tử các quốc gia thành viên theo chu kỳ 2 năm một lần1.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn, nhóm thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai gồm nhiều các TTHC liên quan tới cá nhân, tổ chức về đất đai, nhà ở, công trình trên đất, bao gồm những thủ tục chính như sau: (1) Đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ); giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; thay đổi về hạn chế quyền sử dụng đất; thay đổi về nghĩa vụ tài chính; thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp giấy chứng nhận; (2) Thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; (3) Đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng; (4) Thủ tục xóa đăng ký cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất…
Tuy nhiên, việc thực hiện, giải quyết TTHC về đất đai còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng đến chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam. Nhóm DVC này thường xuyên bị DN, công dân phản ánh về chất lượng, tiến độ cung cấp dịch vụ như: tỷ lệ DN gặp khó khăn về thủ tục đất đai tăng từ 61% năm 2019 lên 71% trong năm 2020. Thêm vào đó, trong số những DN có nhu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện do lo ngại thủ tục rườm rà hoặc cán bộ nhũng nhiễu cũng có tăng trong năm 2020 so với 2019, từ mức 10,9% lên mức 12,4%. Điều này cho thấy, việc thực hiện các thủ tục về đất đai vẫn còn rất khó khăn và chưa được chú trọng cải thiện trên thực tế trong năm qua2.
Những khó khăn chính gặp phải khi thực hiện TTHC về đất đai là thời gian giải quyết hồ sơ lâu hơn so với quy định (38% DN gặp vấn đề); cán bộ không hướng dẫn đầy đủ, chi tiết (18%), việc xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian (16%) và quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ không đúng quy định (12%). Kết quả điều tra cho thấy, có tới 68% DN cho biết phải hủy bỏ hoặc trì hoãn kế hoạch sản xuất – kinh doanh khi gặp các khó khăn trong quá trình làm thủ tục đất đai3.
Việc thực hiện TTHC về đất đai như đăng ký biến động đối với hộ gia đình, cá nhân tại các địa phương thường được thực hiện theo quy trình gồm 9 bước theo Quyết định số 1686/QĐ-BTNMT ngày 30/8/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường4. Như vậy, người dân phải trực tiếp đi 5 lần tới trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa cấp huyện, cơ quan thuế, ngân hàng. Ngoài ra, các cá nhân còn phản ánh về tình trạng phải đến cơ quan thuế nhiều lần với lý do là thiếu thông tin và chậm luân chuyển hồ sơ giữa chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế.
Thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính đất đai
Trước đây, để thanh toán các giao dịch thanh toán nghĩa vụ tài chính đất đai, các cá nhân đều phải đến trực tiếp các cơ quan theo quy trình nêu trên. Từ tháng 11/2020, Cổng DVC quốc gia đã thí điểm cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến (TTTT) nghĩa vụ tài chính về đất đai tại 4 tỉnh là: Bình Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tây Ninh. Khi đó, người dùng ngoài hình thức thanh toán trực tiếp như hiện tại có thể thực hiện tra cứu, thanh toán ngay trên Cổng DVC quốc gia.
(1) Quy trình thực hiện TTTT nghĩa vụ tài chính về đất đai.
TTTT nghĩa vụ tài chính về đất đai là việc nộp các khoản nghĩa vụ tài chính khi làm TTHC về đất đai trên Cổng DVC quốc gia trên cơ sở kết nối, tích hợp giữa Cổng DVC quốc gia với hệ thống, cơ sở dữ liệu ngành Thuế, kho bạc nhà nước, cổng DVC, hệ thống thông tin một cửa điện tử của các tỉnh, thành phố và các ngân hàng, trung gian thanh toán theo hướng dẫn, nghiệp vụ được thống nhất giữa Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính. Theo đó, quy trình xử lý của các cơ quan nhà nước (bộ phận một cửa, văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế) có một số thay đổi, cụ thể các bước sau:
Bước 1: ngay sau khi cơ quan thuế xác định mức của các loại nghĩa vụ tài chính về đất đai phải nộp, dữ liệu về nghĩa vụ tài chính phải thực hiện được chuyển tới Cổng DVC của tỉnh, thành phố.
Bước 2: cổng DVC tỉnh, thành phố gửi tin nhắn đến điện thoại cá nhân, người dân thông báo nghĩa vụ tài chính và hướng dẫn truy cập vào Cổng DVC quốc gia để tra cứu và TTTT.
Bước 3: tra cứu loại phí, lệ phí cần nộp được thực hiện thông qua mã hồ sơ ghi trên phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.
Bước 4: người dùng thực hiện nộp trực tuyến qua ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Bước 5: chứng từ nộp tiền được ký số bởi ngân hàng hoặc trung gian thanh toán và luân chuyển đến các cơ quan nhà nước phục vụ cho việc giải quyết TTHC tiếp theo.
Bước 6: văn phòng đăng ký đất đai căn cứ vào các chứng từ nộp tiền, trả kết quả TTHC (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay còn gọi là “sổ đỏ”, “sổ hồng”) cho người dân.
(2) Lợi ích khi TTTT nghĩa vụ tài chính về đất đai trên Cổng DVC quốc gia.
Với quy trình tra cứu, thanh toán như trên, công dân có thể giảm được 3 lần đi lại trực tiếp tới các cơ quan và thực hiện trên môi trường điện tử từ bất kỳ địa điểm và khung thời gian nào, cụ thể: (1) Không cần đến cơ quan Thuế; (2) Không cần đến ngân hàng; (3) Không cần nộp chứng từ cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; (4) Không cần tiếp xúc với bất kỳ ai; (5) Không bị giới hạn bởi khung giờ hành chính, có thể nộp tiền bất cứ lúc nào kể cả ngoài giờ hành chính hay trong những ngày nghỉ. Đây là một bước cải cách TTHC tạo thuận lợi cho công dân tham gia thực hiện TTHC về đất đai. Hơn nữa, việc này còn giúp thực hiện tốt khuyến cáo 5K trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Nhờ việc tái cấu trúc quy trình thực hiện, giảm số lần đi lại đến trực tiếp cơ quan nhà nước, thời gian đi lại giảm tối thiểu 2 ngày và giảm thời gian luân chuyển, xét duyệt hồ sơ khoảng 3 ngày. Theo đó, với khoảng 2 triệu đối tượng tác động được hưởng lợi thì dự kiến tổng chi phí tiết kiệm tối thiểu được từ việc tái cấu trúc, đơn giản hóa thủ tục là 2,45 nghìn tỷ đồng/năm.
(3) Kết quả triển khai.
Từ 4 tỉnh thí điểm vào cuối năm 2020, tới nay đã có 54/63 tỉnh, thành phố đã triển khai kết nối, cung cấp dịch vụ này5.
Từ tháng 12/2020 đến nay, đã có trên 45 nghìn giao dịch được thực hiện thành công với tổng số tiền là trên 210 tỷ đồng (xem hình 1, 2 cuối bài)6.
Kết luận
Nhóm TTHC về đất đai là nhóm DVC thiết yếu với các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên việc cung cấp dịch vụ này trong thời gian qua còn nhiều bất cập.
Với việc triển khai kết nối, cung cấp giải pháp TTTT nghĩa vụ tài chính về đất đai trên Cổng DVC quốc gia là một bước đột phá trong việc thực hiện các thủ tục này thông qua việc giảm số lần đi lại, thời gian xử lý hồ sơ TTHC, công khai minh bạch các bước xử lý, đẩy mạnh TTTT. Nếu được triển khai đồng bộ trên cả nước, giải pháp này hằng năm tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí xã hội do giảm thời gian đi lại, thực hiện TTHC. Đồng thời, hỗ trợ các cơ quan nhà nước có thể theo dõi tiến trình giải quyết hồ sơ TTHC đối với các hồ sơ trong lĩnh vực đất đai; hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị liên quan.
Việc triển khai TTTT nghĩa vụ tài chính về đất đai mới là bước đầu tiên trong quá trình cải cách toàn diện TTHC về đất đai, do vậy, các bộ, cơ quan có liên quan cần tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đơn giản quy trình thủ tục và cung cấp DVC hoàn toàn trực tuyến (hồ sơ có thể thực hiện hoàn toàn trực tuyến từ khi đăng ký cho đến khi nhận kết quả) đáp ứng yêu cầu của người dân, DN, góp phần cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động phòng, chống đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.