(Quanlynhanuoc.vn) – Thiên tai ở vùng Duyên hải Bắc Trung bộ trong những năm gần đây diễn biến hết sức phức tạp, gây ra nhiều hậu quả, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho ngư dân ở đây. Bài viết đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống thiên tai, bảo đảm đời sống cho ngư dân vùng Duyên hải Bắc Trung bộ.
Nguy cơ mất an toàn trên biển của ngư dân vùng Duyên hải Bắc Trung bộ
Hiện tượng biến đổi khí hậu đã khiến lượng mưa ở vùng Duyên hải Bắc Trung bộ ít, nắng nóng gay gắt kéo dài, có tháng thì bão, lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng. Bên cạnh đó, là tình trạng xâm nhập mặn, tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt đang xảy ra gay gắt, khốc liệt hơn1.
Theo nghiên cứu dữ liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình thời tiết mùa mưa bão ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường hơn. Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, ngập lụt có diễn biến phức tạp hơn những năm trước2. Trước những tác động ảnh hưởng của thời tiết, dòng chảy nên luồng lạch dẫn ra vào nhiều cửa biển bị bồi lấp, thay đổi bất thường, đặc biệt trong mùa mưa bão và những đợt gió mùa Đông – Bắc đã gây ra mối nguy cơ, nguy hiểm mất an toàn cho tàu thuyền ra vào các cửa biển3.
Tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu tại vùng Duyên hải Bắc Trung bộ đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của ngư dân trong khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng, vùng khơi và vùng nước cảng biển.
Vùng ven bờ, trung bình mỗi tỉnh vùng Duyên hải Bắc Trung bộ có khoảng 3.500 tàu cá (tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m là 3.000 chiếc). Số lượng lao động trực tiếp trên tàu cá có khoảng 12.000 lao động. Ngư trường hoạt động chủ yếu tại vùng ven bờ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, do tàu thuyền khai thác ở vùng này thường nhỏ, không bảo đảm các điều kiện an toàn để khai thác trên biển; bên cạnh đó là ý thức bảo đảm an toàn cho người và tàu cá của một bộ phận ngư dân còn kém, ngư dân thường tập trung tại bãi ngang không có nơi neo đậu, tránh trú an toàn nên thường gặp tai nạn, gây thiệt hại lớn về người và của khi gặp thời tiết xấu xảy ra.
Vùng lộng, trung bình mỗi tỉnh vùng Duyên hải Bắc Trung bộ có khoảng 700 chiếc tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m; ngoài ra có khoảng 200 tàu cá ngoại tỉnh tham gia hoạt động. Số lượng tổ chức cộng đồng và lao động, có 2 nghiệp đoàn nghề cá, 70 tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, với 4.500 lao động. Ngư trường hoạt động tại vùng lộng vùng biển Việt Nam, tập trung chủ yếu từ Đà Nẵng đến Quảng Ninh. Tai nạn trên biển ở vùng này chủ yếu là do sự chủ quan của các ngư dân trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn cho người và tàu cá, hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tàu cá thường bị tai nạn tại các khu vực trước cửa sông, cửa lạch khi vào bờ trú bão, do tàu thuyền cũ kỹ, lạc hậu, bị chết máy hoặc phá nước khi bão xảy ra.
Vùng khơi, trung bình mỗi tỉnh vùng Duyên hải Bắc Trung bộ có khoảng 150 chiếc tàu cá với chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, có khoảng 1.200 lao động. Ngư trường hoạt động tại vùng khơi biển Việt Nam, tập trung chủ yếu từ Đà Nẵng đến Quảng Ninh. Nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu là do thiên tai, bão, lũ; do ý thức bảo đảm an toàn cho người và tàu cá của một bộ phận ngư dân còn hạn chế. Khu vực thường xảy ra tai nạn tại vùng khơi và khu vực trước các cửa sông, cửa lạch.
Vùng nước cảng biển, trung bình mỗi tỉnh vùng Duyên hải Bắc Trung bộ có khoảng 150 chiếc tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, 650 chiếc tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m, 3.000 chiếc tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m. Tai nạn xảy ra chủ yếu ở khu vực này thường do xuất hiện thiên tai lớn như bão, áp thấp nhiệt đới hoặc do sự cố, đâm va tàu thuyền trên biển.
Nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống thiên tai cho ngư dân vùng Duyên hải Bắc Trung bộ
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ, đáp ứng, yêu cầu thực tiễn và phù hợp thông lệ quốc tế; có chế tài để thực thi hiệu quả các quy định pháp luật trong phòng, chống thiên tai, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Ban hành chính sách cụ thể thúc đẩy xã hội hóa khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống thiên tai, nhất là trong nghiên cứu ứng dụng, khoa học, đầu tư xây dựng công trình, cung cấp dịch vụ công và bảo hiểm rủi ro thiên tai. Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định đầu tư xây dựng công trình hạ tầng bảo đảm an toàn trước thiên tai.
Kiện toàn, nâng tầm hoạt động của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, tăng cường trách nhiệm cá nhân thành viên của Ban Chỉ huy trong thực hiện nhiệm vụ được phân công. Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp, trên cơ sở sắp xếp lại các tổ chức hiện có, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong tình hình mới trên nguyên tắc không tăng thêm đầu mối và biên chế. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp từ tỉnh đến cơ sở theo hướng chuyên nghiệp, thường xuyên được đào tạo, tập huấn để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.
Đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của hạ tầng kỹ thuật, củng cố, nâng cấp hệ thống kè chống sạt lỡ bờ sông, đê phá, đê biển, hồ chứa nước, khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão; kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, các công trình phòng, chống thiên tai; nâng cao khả năng tiêu thoát nước, quản lý chặt chẽ, hạn chế việc san lấp ao, hồ, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án chống ngập úng đô thị tại thành phố, dự án thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh,…
Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời, hỗ trợ ra quyết định phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, trước hết là trung tâm chỉ đạo, điều hành cấp tỉnh, cấp huyện, từng bước hiện đại hóa. Đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc, hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động khí tượng thủy văn, xây dựng hệ thống quan trắc chuyên dùng phòng, chống thiên tai.
Đầu tư trang thiết bị phù hợp với từng khu vực, nhất là tại cơ sở, bảo đảm thông tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai của cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai các cấp chính quyền đến được với người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai trong nhà trường, nhất là cấp tiểu học và trung học cơ sở. Tổ chức tập huấn, truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó các tình huống thiên tai phù hợp với đặc thù các vùng, miền.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính cho công tác phòng, chống thiên tai để chủ động trong xây dựng kế hoạch hàng năm và xử lý khi có tình huống bất thường, nhất là xử lý khẩn cấp sự cố công trình sau thiên tai; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai. Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, dự phòng ngân sách cho phòng chống thiên tai; nghiên cứu hoàn thiện các quy định liên quan đến quỹ phòng, chống thiên tai và bảo hiểm rủi ro thiên tai, quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để sử dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Ưu tiên ứng dụng khoa học – công nghệ trong quan trắc theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành, ứng phó thiên tai. Tập trung ứng dụng công nghệ viễn thám, tin học, tự động hóa, trực tuyến trong quan trắc, giám sát, quản lý, khai thác, dự báo, truyền cơ sở dữ liệu và vận hành ứng phó theo thời gian thực; ứng dụng vật liệu mới, giải pháp mới trong phòng, chống thiên tai.
Đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các địa phương, quốc gia trong khu vực. Tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.
Xây dựng công trình cấp nước, trữ nước để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Tăng cường giám sát, dự báo nguồn nước; tổ chức vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi để trữ nước ngọt; đẩy mạnh sử dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.
Đối với khu vực đồng bằng lưu vực sông cần xây dựng, rà soát, cập nhật kế hoạch quản lý lũ tổng hợp cho lưu vực sông; xử lý công trình hạ tầng (vật kiến trúc, đường giao thông) gây cản trở thoát lũ, tăng ngập lụt. Quản lý chặt chẽ quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch sử dụng đất. Nâng cao mức bảo đảm an toàn chống lũ cho hệ thống đê sông, hồ chứa nước xung yếu.
Đối với vùng ven biển và đầm phá cần tập trung nâng cao năng lực ứng phó lũ lớn, bão mạnh và siêu bão; bảo đảm an toàn đê diều, quản lý chặt chẽ quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch sử dụng đất4.
Chú thích:
1. Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 15/5/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ứng phó với tai nạn tàu, thuyền trên biển tỉnh Hà Tĩnh.
2. Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 29/02/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn.
3. Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 10/6/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016.
4. Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 14/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.