Xây dựng quy trình tổ chức bồi dưỡng công chức, viên chức của Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Để hoạt động tổ chức bồi dưỡng công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp, phát huy hiệu quả, cần thống nhất các đầu mối quản lý và có quy trình tổ chức bồi dưỡng khoa học. Bài viết nghiên cứu sự cần thiết xây dựng quy trình tổ chức bồi dưỡng, đánh giá một số ưu điểm, hạn chế của quy trình tổ chức bồi dưỡng của Học viện Hành chính Quốc gia và đề xuất một số định hướng thời gian tới.
Bế giảng Lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp Vụ dành cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Học viện Hành chính Quốc gia (viết tắt là Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) quốc gia có nhiệm vụ tổ chức ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) về kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước. Hoạt động bồi dưỡng CBCCVC của Học viện trong thời gian qua đạt những kết quả to lớn cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi cấp bách của tình hình và thực tế hiện nay, việc đổi mới chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Học viện đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng quy trình tổ chức bồi dưỡng CBCCVC phù hợp với đổi mới về thể chế, tổ chức và nâng cao chất lượng trong công tác ĐTBD và thể hiện đầy đủ năng lực trong công tác bồi dưỡng CBCCVC của Học viện.

Ngày 23/01/2018 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện, khẳng định là trung tâm quốc gia, đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Nội vụ thực hiện các chức năng ĐTBD năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho CBCCVC; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.

Một số ưu điểm và hạn chế trong thực hiện tổ chức bồi dưỡng công chức, viên chức của Học viện hiện nay

Ưu điểm

Học viện từ khi được thành lập đến nay với chức năng, nhiệm vụ xuyên suốt là trung tâm quốc gia về ĐTBD CBCCVC với nhiệm vụ trọng tâm là công tác bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho CBCCVC trong hệ thống chính trị. Trải qua 62 năm thành lập và phát triển đến nay, nhiệm vụ bồi dưỡng công chức, viên chức của Học viện đã đóng góp to lớn cho công tác ĐTBD CBCCVC và nguồn nhân lực hành chính thể hiện trên các hoạt động. Cụ thể:

(1) Đã xây dựng và ban hành hệ thống chương trình bồi dưỡng theo ngạch công chức, viên chức bao gồm: ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp, qua các đợt chỉnh sửa, bổ sung ngày càng hoàn thiện và được các cơ sở ĐTBD của bộ, ngành, địa phương vận dụng và tổ chức thực hiện. Từ năm 2014 thực hiện sự phân công của Bộ Nội vụ Học viện xây dựng và hoàn thiện các chương trình bồi dưỡng theo chức vụ lãnh đạo, quản lý. Bao gồm: chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương, cấp sở và tương đương, cấp huyện và tương đương, cấp phòng và tương đương. Gần đây đã xây dựng và được thẩm định chờ ban hành  chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập.

(2) Đã đáp ứng được kịp thời hầu hết nhu cầu về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước cho CBCCVC trong hệ thống các cơ quan nhà nước trong thời gian qua với vai trò trung tâm hàng đầu trong hoạt động ĐTBD, CBCCVC nhà nước. Số lượng, chất lượng các lớp của các loại hình bồi dưỡng không ngừng nâng cao, tỷ lệ thực hiện vượt cao so với kế hoạch đề ra cho từng năm.

(3) Trên cơ sở các quy định của Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền Học viện đã xây dựng và ban hành quy định về nội dung chương trình, tổ chức quản lý, đánh giá, cấp chứng chỉ và phối hợp giữa các đơn vị có liên quan đến hoạt động ĐTBD CBCCVC.

(4) Quá trình tổ chức lớp bồi dưỡng được xây dựng thành quy trình các bước bảo đảm thực hiện các hoạt động mở lớp và kết thúc theo kế hoạch đã dự kiến và hạn chế thấp nhất sai sót hoặc sơ xuất trong tổ chức.

Trong 3 năm gần đây các quy định về quản lý tổ chức các lớp bồi dưỡng CBCCVC đã được chỉnh sửa, bổ sung và ban hành bảo đảm khung pháp lý cho hoạt động tổ chức bồi dưỡng. Nhất là phân công rành mạch trong mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị quản lý bồi dưỡng của Học viện với Phân viện trong tổ chức và quản lý các lớp bồi dưỡng đã có bước tiến triển bảo đảm kịp thời và hiệu quả. Sự phối hợp giữa Học viện với các bộ, ngành và địa phương trong hoạt động tổ chức bồi dưỡng được gắn kết chặt chẽ.

Một số hạn chế

Một là, Học viện chưa quan tâm xây dựng hoàn chỉnh chương trình liên thông các loại hình bồi dưỡng và kết nối với các chương trình đào tạo của Học viện. Do hạn chế về kinh phí hỗ trợ hàng năm nên chưa thường xuyên định kỳ chỉnh sửa, bổ sung kịp thời các chương trình bồi dưỡng bảo đảm phù hợp, đúng nhu cầu của người học.

Hai là, giảng viên được đào tạo bài bản, chính quy về chuyên ngành hành chính còn thiếu. Có sự mất cân đối giữa giảng viên nam và giảng viên nữ, giữa tổng số giảng viên trên tổng số CBCCVC và lao động hợp đồng, giữa số lượng giảng viên trên tổng số học viên, sinh viên. Tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sỹ, học hàm từ phó giáo sư trong tổng số giảng viên còn thấp, tỷ lệ giảng viên cao cấp, giảng viên chính trên tổng số giảng viên cũng thấp. Giảng viên có khả năng sử dụng ngoại ngữ, sử dụng phương pháp và các phương tiện dạy học hiện đại chưa chiếm đa số.

Ba là, về quy trình bồi dưỡng thiếu hợp lý, chưa nhất quán trong thực hiện. Sự đồng bộ giữa các bước trong quy trình tổ chức bồi dưỡng với quy chế tài chính thu, chi, quy trình thanh, quyết toán, quy trình đánh giá, chấm bài và quy trình phối hợp giữa các bộ phận của đơn vị trung tâm Học viện với các bộ phận của Phân viện.

Bốn là, kế hoạch ĐTBD phụ thuộc nhiều vào đối tác và khả năng triển khai của các đơn vị tổ chức bồi dưỡng, chưa được kiểm tra đôn đốc tiến độ thực hiện chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu đặt ra. Công tác quản lý giảng dạy chủ yếu mới đạt được yêu cầu kiểm soát việc thực hiện kế hoạch và lịch giảng mà chưa kiểm soát về mặt nội dung, chất lượng bài giảng.

Đồng chí Tống Đăng Hưng, Phó Trưởng Ban Quản lý bồi dưỡng Học viện Hành chính Quốc gia trao chứng chỉ tốt nghiệp cho các đồng chí học viên.
Những định hướng cần quan tâm trong xây dựng quy trình tổ chức bồi dưỡng công chức, viên chức của Học viện thời gian tới

Quy trình tổ chức bồi dưỡng cần bảo đảm tính chặt chẽ, tập trung, thống nhất.

Xây dựng quy trình để bảo đảm trình tự các bước trong tổ chức bồi dưỡng của các cấp, các đơn vị tổ chức bồi dưỡng và đơn vị có liên quan, nhưng cần bảo đảm tính chặt chẽ, tập trung, thống nhất trong hệ thống quản lý công tác bồi dưỡng của Học viện. Tính chặt chẽ giữa các bước, các khâu trong hoạt động bồi dưỡng yêu cầu các đơn vị tổ chức bồi dưỡng cần tuân thủ. Đồng thời, sự phối hợp giữa các đơn vị tổ chức bồi dưỡng, đơn vị giảng dạy và đơn vị phục vụ cần ăn khớp với nhau trong hoạt động phối hợp. Tính thống nhất, bảo đảm các chương trình bồi dưỡng khác nhau, nhưng trong quá trình tổ chức lớp đều tuân thủ theo quy trình một cách thống nhất giữa đơn vị tổ chức bồi dưỡng ở Học viện với các Phân viện trong hoạt động phối hợp bồi dưỡng. Tính tập trung, bảo đảm cho các quy trình kết nối các bộ phận với nhau một cách gắn kết. Bảo đảm cho các hoạt động trong quy trình tổ chức bồi dưỡng dù được thực hiện riêng biệt của các đơn vị tổ chức bồi dưỡng hay phối hợp các đơn vị đó với nhau cùng tổ chức vẫn mang tính tập trung cao độ. Chỉnh sửa hoặc xây dựng lại các chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của từng giai đoạn phát triển vẫn cần bảo đảm sự ổn định, tập trung và thống nhất của các quy trình trong tổ chức bồi dưỡng theo nhu cầu của người học và yêu cầu của nền hành chính trong từng thời kỳ.

Xây dựng quy trình tổ chức bồi dưỡng gắn kết với cơ cấu tổ chức bộ máy của Học viện trong giai đoạn mới.

Để thực hiện công tác bồi dưỡng CBCCVC theo hướng đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy trong thời gian sắp tới cần đổi mới quy trình tổ chức bồi dưỡng CBCCVC theo hướng phân công công việc cụ thể; bảo đảm phối hợp chặt chẽ các đơn vị có liên quan, có sự ảnh hưởng tác động đến nhau. Cần gắn chặt công tác bồi dưỡng tập trung cho các đơn vị đủ năng lực và phù hợp về chức năng, nhiệm vụ. Giao cho các đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng công chức, viên chức có sự phân công rành mạch, rõ ràng để tránh chồng chéo.

Cơ cấu tổ chức bộ máy cần tính đến xu hướng sắp xếp bộ máy của Chính phủ và sự điều chỉnh của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương để nắm vững số lượng và cơ cấu của đội ngũ công chức, viên chức tham gia bồi dưỡng hằng năm. Cơ cấu tổ chức đó tính đến phân công và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng công chức, viên chức giữa các đơn vị thuộc Học viện và các Phân viện trực thuộc. Cơ cấu tổ chức mới cũng cần phải xây dựng quy trình tổ chức bồi dưỡng phù hợp. Tuy nhiên, do thay đổi về cơ cấu tổ chức, nên hoạt động tổ chức bồi dưỡng chỉ có thể phát huy được hiệu quả của nó nếu được tiến hành theo một quy trình gồm các bước được xây dựng một cách hợp lý, đồng bộ và dễ thực hiện cho các đơn vị tổ chức bồi dưỡng. Nói cách khác, thay đổi trong cơ cấu tổ chức bộ máy và các điều chỉnh, thay đổi trong hướng dẫn thực hiện Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương là điều kiện cần quan tâm trong xây dựng và đổi mới quy trình tổ chức bồi dưỡng công chức, viên chức trong tình hình hiện nay.

Xây dựng quy trình tổ chức bồi dưỡng cần kết hợp giữa phân công, phân cấp trong tổ chức bồi dưỡng với tính đa dạng trong hình thức tổ chức bồi dưỡng.

Công tác tổ chức bồi dưỡng cần quản lý thống nhất chung trong toàn hệ thống Học viện và các Phân viện trực thuộc cả về thể chế, tổ chức bộ máy, nhân sự, chính sách, tài chính và quy trình các bước thực hiện. Đồng thời, cần có sự phân công, phân cấp trong thực hiện bồi dưỡng giữa các đơn vị có chức năng bồi dưỡng công chức, viên chức của Học viện và các Phân viện.

Học viện là trung tâm quốc gia chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng CBCCVC. Do đó, cần có sự quản lý tập trung thống nhất trong cả hệ thống Học viện kết hợp với phân công, phân cấp và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tổ chức bồi dưỡng thuộc Học viện tại Hà Nội với các Phân viện trực thuộc trong tổ chức thực hiện các lớp bồi dưỡng công chức, viên chức theo một quy trình chung thống nhất.

Nhằm hướng tới nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ làm công tác quản lý ĐTBD CBCCVC có sự hiểu biết và khả năng vận dụng các quy định pháp luật về công chức, viên chức và ĐTBD vào thực tế của từng cơ quan, đơn vị và từng lĩnh vực trên địa bàn địa phương đòi hỏi ngoài những quy trình chung đối với tổ chức ĐTBD CBCCVC cần có những quy trình chi tiết, cụ thể cho từng mảng công việc cụ thể phù hợp từng ngành, khu vực, vùng miền để dễ vận dụng và sát thực với những đòi hỏi của thực tế công tác quản lý tổ chức bồi dưỡng. Muốn vậy, cần có sự phân cấp rõ ràng để trên cơ sở đó phát huy tính chủ động, tích cực của các Phân viện trong tổ chức bồi dưỡng bám sát với những điều kiện của khu vực, địa phương. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất chung trong cả hệ thống của Học viện.

Xây dựng quy trình tổ chức ĐTBD CBCCVC của Học viện giai đoạn 2021 – 2030 được nghiên cứu triển khai trong điều kiện Học viện đang trong quá trình hợp nhất cùng Trường Đại học Nội vụ theo chủ trương của Chính phủ. Do đó, trong bối cảnh đang xây dựng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Học viện và các đơn vị thuộc, trực thuộc vừa là điều kiện thuận lợi để tham khảo, bổ sung xây dựng các quy định có liên quan đến tổ chức bồi dưỡng của Học viện với tư cách là một hệ thống, vừa là có khó khăn khi mà có nhiều bước trong tổ chức thực hiện công việc sẽ phải chờ đợi để hoàn thành. Để sớm có thể xây dựng được quy trình đưa ra ban hành và thực hiện cần có sự tham gia tích cực của các đơn vị có liên quan trong Học viện dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và các đơn vị chức năng khác. Xây dựng quy trình cũng để nhằm phục vụ tốt hơn cho giảng viên, học viên trong quá trình tham gia giảng dạy và học tập các lớp bồi dưỡng. Tăng cường thêm quan hệ phối hợp với các đơn vị tổ chức bồi dưỡng thuộc Học viện tại Hà Nội và các Phân viện trực thuộc trong tổ chức ĐTBD CBCCVC. Đóng góp làm rõ thêm cơ sở lý luận trong tổ chức thực hiện bồi dưỡng công chức, viên chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, kịp thời công tác bồi dưỡng CBCCVC của Học viện trong giai đoạn 2021 – 2030 và các năm tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII.
2. Học viện Hành chính Quốc gia 45 năm xây dựng và phát triển, Hà Nội 2004.
3. Học viện Hành chính Quốc gia, Viện Nghiên cứu hành chính, Thuật ngữ hành chính, Hà Nội, 2002.
4. GS.TSKH. Nguyễn Văn Thâm, Bài viết “Quy trình, thủ tục điều hành công việc và vấn đề nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước” trong cuốn: Một số vấn đề về Văn bản quản lý nhà nước, lưu trữ – lịch sử và quản lý hành chính. H. NXB. Chính trị – Hành chính, 2011.
5. Từ điển Tiếng Việt. H. Văn hóa – Thông tin, 1996.
6. Từ điển Tiếng Việt thông dụng. H. NXB. Giáo dục, 1976.
7. Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
8. Luật Viên chức năm 2010.
9. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
10. Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về ĐTBD CBCCVC.
11. Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về ĐTBD CBCCVC.
12. Quyết định số 4494/QĐ-HCQG ngày 30/12/2020 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia ban hành Quy chế Quản lý hoạt động bồi dưỡng của Học viện Hành chính Quốc gia.
TS. Tống Đăng Hưng
Học viện Hành chính Quốc gia