Nâng cao năng lực tư duy lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là nguyên lý trong phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kết hợp giữa lý luận và thực tiễn là một nhiệm vụ cần thiết trong công tác cán bộ và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Bài viết phân tích vai trò, ý nghĩa và đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực tư duy lý luận cho cán bộ, đảng viên hiện nay.
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. (Ảnh: TTXVN)
Đặt vấn đề

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, mọi tri thức của con người là do kết quả của quá trình nhận thức. Tri thức đó có thể phản ánh đúng hiện thực khách quan, cũng có thể không đúng. Do vậy, muốn kiểm tra sự đúng – sai của tri thức phải bằng thực tiễn. Bởi lẽ, “vấn đề tìm hiểu xem tư duy của con người có thể đạt tới chân lý khách quan không, hoàn toàn không phải là một vấn đề lý luận mà là một vấn đề thực tiễn. Chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lý, nghĩa là chứng minh tính hiện thực và sức mạnh, tính trần tục của tư duy của mình. Sự tranh cãi về tính hiện thực hay tính không hiện thực của tư duy tách rời thực tiễn, là một vấn đề kinh viện thuần túy”1.

Tuy nhiên, thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, vừa có tính chất tuyệt đối, vừa có tính chất tương đối. Tính tuyệt đối của tiêu chuẩn thực tiễn thể hiện ở chỗ, thực tiễn là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để khẳng định chân lý, bác bỏ sai lầm. Bởi ngoài thực tiễn ra thì không thể có tiêu chuẩn nào để kiểm tra chân lý. Tri thức khi mà đã được thực tiễn kiểm tra xác định là đúng thì tri thức đó trở thành chân lý. Thực tiễn luôn luôn vận động, biến đổi không ngừng, do vậy, chân lý cũng không phải là bất biến mà nó phải được kiểm tra trong thực tiễn. Đề cập vấn đề này, V.I.Lênin đã khẳng định: “Quan điểm về đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức. Gạt ra bên đường những điều bịa đặt vô tận của triết học kinh viện nhà giáo, quan điểm đó tất nhiên dẫn đến chủ nghĩa duy vật. Dĩ nhiên không nên quên rằng tiêu chuẩn thực tiễn, xét về thực chất, không bao giờ có thể xác nhận hoặc bác bỏ một cách hoàn toàn một biểu tượng nào đó của con người, dù biểu tượng ấy là thế nào chăng nữa. Tiêu chuẩn đó cũng khá “không xác địnhʺ để không cho phép các hiểu biết của con người trở thành một cái “tuyệt đốiʺ; đồng thời, nó cũng khá xác định để có thể tiến hành đấu tranh quyết liệt chống tất cả các thứ chủ nghĩa duy tâm và bất khả tri. Nếu cái mà thực tiễn của chúng ta xác nhận là chân lý khách quan, duy nhất, cuối cùng, thì như thế tức là con đường duy nhất dẫn đến chân lý đó là con đường của khoa học xây dựng trên quan điểm duy vật”2.

Ý nghĩa của việc nâng cao năng lực tư duy lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay

Từ những quan điểm cốt lõi trong triết học Mác -Lênin về thực tiễn cho thấy, việc nắm vững và quán triệt quan điểm thực tiễn sẽ giúp chúng ta không ngừng đổi mới tư duy, từng bước nâng cao trình độ tư duy lý luận cho cán bộ, đảng viên (CBĐV). Cụ thể là:

Thứ nhất, nắm vững và quán triệt quan điểm thực tiễn sẽ góp phần khắc phục ảnh hưởng của lối tư duy kinh nghiệm trong một bộ phận CBĐV.

Vấn đề đổi mới tư duy được đặt lên hàng đầu, bởi lẽ chỉ trên cơ sở của những đổi mới mang tính đột phá trong tư duy mới dẫn đến những sự đổi mới căn bản trên các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Ở nước ta, “về trình độ phát triển, tư duy truyền thống của con người Việt Nam chủ yếu mới đạt ở trình độ tư duy kinh nghiệm”3. Do đó, quá trình đổi mới tư duy chính là nhằm khắc phục những hạn chế, những ảnh hưởng tiêu cực của phương pháp tư duy cũ, đó là lối tư duy vừa mang tính kinh nghiệm lại vừa mang tính giáo điều; lối tư duy cứng nhắc, chủ quan… đồng thời, phát triển phương pháp tư duy khoa học hiện đại, phương pháp tư duy biện chứng duy vật trên cơ sở kế thừa những nhân tố hợp lý của tư duy truyền thống.

Thực tế cho thấy, muốn hiểu biết một cách sâu sắc về bản chất, về tính quy luật của các sự vật, hiện tượng khách quan và định hướng cho sự phát triển của thực tiễn, không thể dừng lại ở tư duy kinh nghiệm mà phải phát triển lên trình độ tư duy lý luận. Một trong những yêu cầu quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ CBĐV ở nước ta hiện nay là “cần phải xây dựng một phương thức tư duy mới bảo đảm tính hệ thống, chặt chẽ, chính xác và đúng đắn nhằm phản ánh sâu sắc, đầy đủ, chân thực về thế giới, đồng thời thể hiện tính năng động, nhạy bén, thiết thực và hiệu quả trong nhận thức và trong chỉ đạo hoạt động thực tiễn cải tạo thế giới”4. Điều này, Ph.Ăngghen cũng đã từng nhấn mạnh, “… một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận”5.

Đặc điểm của phương thức tư duy truyền thống Việt Nam, bên cạnh những yếu tố biện chứng có tính chất tự phát thì cũng còn mang tính kinh nghiệm, giáo điều. Phương thức tư duy đó vừa có những yếu tố tiến bộ, vừa mang những hạn chế nên nó đã và đang tác động hai mặt tới con người Việt Nam nói chung cũng như đội ngũ CBĐV nói riêng. Điều này trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Có những cán bộ, những đảng viên cũ, làm được việc, có kinh nghiệm. Cố nhiên, những anh em đó rất quý báu cho Đảng. Nhưng họ lại mắc phải cái bệnh khinh lý luận. Họ quên rằng: nếu họ đã có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc tốt hơn nhiều. Họ quên rằng: kinh nghiệm của họ tuy tốt, nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi, chỉ thiên về một mặt mà thôi. Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ. Những anh em đó, cần phải nghiên cứu thêm lý luận, mới thành người cán bộ hoàn toàn” và Người yêu cầu: “mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”6. Do đó, quá trình đổi mới tư duy của đội ngũ CBĐV ở nước ta hiện nay, trước hết, đòi hỏi cần khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của phương thức tư duy cũ.

Thứ hai, nắm vững và quán triệt quan điểm thực tiễn sẽ góp phần khắc phục ảnh hưởng của lối tư duy giáo điều trong một bộ phận CBĐV hiện nay.

Đặc điểm cơ bản của lối tư duy giáo điều là tư duy máy móc, sách vở, giáo điều kinh nghiệm, tồn tại và tác động trong sự đan kết chặt chẽ với lối tư duy kinh nghiệm, chủ quan, duy ý chí và mang đậm ảnh hưởng của tư tưởng đẳng cấp, gia trưởng, phong cách tư duy phong kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Có những người xem được sách, xem nhiều sách. Siêng xem sách và xem nhiều sách là một việc đáng quý. Nhưng thế không phải đã là biết lý luận. Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách. Xem nhiều sách để mà lòe, để làm ra ta đây, thế không phải là biết lý luận. Những anh em đó cần phải ra sức thực hành mới thành người biết lý luận”7.

Lối tư duy giáo điều làm hạn chế sự phát triển tư duy biện chứng duy vật của đội ngũ CBĐV đòi hỏi phải được khắc phục, tạo tiền đề cho sự phát triển năng lực tư duy biện chứng duy vật. Đó cũng chính là những yêu cầu của nhận thức khoa học đối với đội ngũ CBĐV đáp ứng sự phát triển của đất nước.

Thứ ba, nắm vững và quán triệt quan điểm thực tiễn sẽ góp phần kế thừa những nhân tố hợp lý của tư duy truyền thống Việt Nam, nâng cao năng lực tư duy biện chứng duy vật cho đội ngũ CBĐV.

Tư duy truyền thống, bên cạnh những hạn chế, còn có những yếu tố tiến bộ, hợp lý và có thể khai thác, kế thừa trong quá trình xây dựng, hình thành tư duy mới. Chẳng hạn như: tính biện chứng sơ khai, tính linh hoạt, mềm dẻo trong những điều kiện nhất định với những tình huống cụ thể. Do đó, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tiếp thu tiến bộ của thời đại, kế thừa những nhân tố hợp lý trong tư duy truyền thống để hình thành phương thức tư duy mới.

Thực chất của việc phát triển, nâng cao năng lực tư duy biện chứng duy vật cho đội ngũ CBĐV là phát triển cho họ năng lực nhận thức và vận dụng phương pháp luận biện chứng duy vật, năng lực tư duy logic, năng lực tổng kết thực tiễn trong học tập, nghiên cứu và hoạt động thực tiễn; tổng hợp tri thức cũ, sáng tạo ra tri thức mới để hoàn thành tốt công việc. Trên cơ sở đó, giúp họ nâng cao năng lực khái quát hóa, trừu tượng hóa theo các nguyên tắc, quy luật của tư duy biện chứng, nắm vững kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và khắc phục được những sai lầm trong hoạt động thực tiễn.

Nâng cao và phát triển năng lực tư duy lý luận cho cán bộ, đảng viên

Từ quan điểm thực tiễn cho thấy, để từng bước nâng cao và không ngừng phát triển năng lực tư duy biện chứng duy vật cho đội ngũ CBĐV ở nước ta hiện nay, cần chú trọng những vấn đề chủ yếu sau:

Một là, phát triển năng lực thu nhận tri thức lý luận.

Năng lực thu nhận tri thức lý luận là khả năng tiếp thu tri thức lý luận để hình thành thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho hoạt động cũng như những kiến thức cần thiết phục vụ cho hoạt động đó. Đó là khả năng tiếp thu lý luận, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khả năng phát hiện những vấn đề mới, khả năng tổng kết thực tiễn và học tập kinh nghiệm thực tiễn.

Hai là, phát triển năng lực khái quát tri thức lý luận.

Đó là khả năng liên kết tri thức ở các lĩnh vực, các ngành, nghề khác nhau thành một chỉnh thể mang tính hệ thống và khái quát hóa cao, bao quát nhiều vấn đề trên nhiều lĩnh vực và phạm vi rộng lớn. Mặt khác, trên cơ sở nhận thức rõ sự tương đồng và dị biệt giữa các loại tri thức, khi vận dụng vào thực tiễn vừa bảo đảm nguyên tắc, vừa mang tính linh hoạt, mềm dẻo.

Ba là, phát triển năng lực vận dụng tri thức vào thực tiễn.

Đây là khả năng biến những tri thức đã thu nhận và khái quát thành các chủ trương, chương trình, kế hoạch hành động làm biến đổi hiện thực khách quan;  là khả năng áp dụng lý luận vào thực tiễn, liên hệ lý luận với thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn, là việc cụ thể hóa đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách thiết thực, sáng tạo.

Bốn là, phát triển năng lực đánh giá, sáng tạo tri thức.

Đó là phát triển khả năng phân tích, so sánh, đối chiếu, đánh giá để không ngừng bổ sung, phát triển tri thức, hình thành những tri thức mới ngày càng phù hợp và phản ánh đúng sự vận động, phát triển của thực tiễn. Điều này thể hiện khả năng tư duy lý luận của đội ngũ CBĐV. Trên cơ sở thu nhận tri thức, vận dụng sáng tạo tri thức vào thực tiễn, đồng thời tổng kết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn để góp phần bổ sung, phát triển hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Kết luận

Có thể khẳng định, năng lực tư duy biện chứng duy vật là khả năng tư duy khoa học, biện chứng về những vấn đề chung, bản chất, toàn diện, nắm bắt đối tượng trong tính chỉnh thể của sự tồn tại, vận động và phát triển. Đó là khả năng sáng tạo trong việc sử dụng các khái niệm, phạm trù để phân tích, so sánh, tổng hợp, trừu tượng hóa, khái quát hóa đem lại những tri thức mới mang tính chính xác, sâu sắc, hệ thống, phù hợp với tính quy định vốn có của hiện thực khách quan. Hơn nữa, năng lực tư duy biện chứng duy vật còn thể hiện khả năng vận dụng lý luận vào cuộc sống, cụ thể hóa lý luận, dựa vào lý luận mà xây dựng các giải pháp, các phương án giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn một cách tối ưu.  Việc khắc phục những hạn chế của lối tư duy cũ và từng bước phát triển phương thức tư duy hiện đại – tư duy biện chứng duy vật cho đội ngũ CBĐV có ý nghĩa quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước hiện nay.

Chú thích:
1. C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, Tập 42. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2002, tr. 375.
2. V.I.Lênin. Toàn tập, Tập 18. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2005, tr. 167 – 168.
3, 4. Nguyễn Ngọc Hà (Chủ biên). Đặc điểm tư duy và lối sống của con người Việt Nam hiện nay. H. NXB Khoa học Xã hội, 2011, tr. 192, 201.
5. C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 20. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 1994, tr. 489
6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 274 – 275.
7. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 274

TS. Lê Hồng Phong
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh