Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công ở Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Từ những lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), bài viết tập trung nghiên cứu và phân tích về những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công thông qua việc xác định những tác động đến phương thức cung ứng; việc chuẩn bị các phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cung ứng và những tác động tới các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức tham gia cung ứng với tư cách là chủ thể cung ứng dịch vụ hành chính công.
Ảnh minh họa (internet)
Tác động làm thay đổi phương thức cung ứng dịch vụ

Dịch vụ hành chính công (DVHCC) được hình thành từ nhu cầu phục vụ quản lý nhà nước và từ trách nhiệm bảo đảm các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức. Mỗi DVHCC được gắn liền với một thủ tục hành chính (TTHC), vì vậy, việc cung ứng DVHCC thường được quy định bởi trình tự thực hiện, cách thức thực hiện, các loại hồ sơ minh chứng kèm theo, các cơ quan có thẩm quyền tham gia giải quyết TTHC cùng với đó là mối quan hệ, tác động đến đối tượng thực hiện TTHC hay là người sử dụng DVHCC.

Phương thức cung ứng DVHCC là những hình thức, cách làm của các chủ thể tiến hành cung ứng dịch vụ (CƯDV) cho người dùng. Dù số lượng các dịch vụ công trực tuyến đã tăng lên nhưng không có nhiều thay đổi trong phương thức CƯDV, các công nghệ được áp dụng chủ yếu chỉ hỗ trợ chủ thể cung ứng tăng tốc độ xử lý chứ chưa đủ sức để thay đổi phương thức. Vấn đề đặt ra là chưa thể chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến được vì chưa có hình thức thay thế đủ hiệu quả để xác định những thông tin người sử dụng cung cấp hoặc thông tin trao đổi giữa các cơ quan nhà nước trao đổi trực tuyến có bảo đảm chính xác, toàn vẹn và chống lại sự từ chối của người dùng hay không, các hệ thống thông tin của Chính phủ và các cơ quan nhà nước chưa đủ các cơ sở dữ liệu lớn và các điều kiện để xử lý tự động hoàn toàn. Với các công nghệ tiêu biểu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) như: mạng internet băng thông rộng có tốc độ kết nối cao, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán biên và điện toán đám mây… sẽ giúp cho các quy trình được số hóa hoàn toàn, việc xử lý hoàn toàn trực tuyến mang lại kết quả chính xác nhất và tốc độ nhanh nhất có thể, từ đó làm thay đổi phương thức cung ứng.

Những thay đổi trong phương thức cung ứng DVHCC được chúng tôi mô tả tại bảng 1 (xem bảng 1 cuối bài):

Tác động làm thay đổi phương tiện, cơ sở vật chất để cung ứng dịch vụ

CMCN 4.0 thực chất là xu hướng số hóa các phương thức sản xuất, chế tạo truyền thống. Theo Klaus Schwab1 thì các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp này sẽ trở thành nền tảng và tạo nên mốc phát triển mới của loài người, đặc biệt là các công nghệ kỹ thuật số tạo nên nền tảng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong các công nghệ, quy trình sản xuất và CƯDV.

Karl Marx cho rằng “những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào”2. Chính vì thế, những công nghệ của CMCN 4.0 trở thành những tư liệu lao động vô cùng quan trọng, đồng thời sẽ làm thay đổi những tư liệu lao động (công cụ, phương tiện, cơ sở vật chất…) hiện có để thay thế vào đó là những nền tảng công nghệ, những hạ tầng kỹ thuật phù hợp với môi trường công nghệ số để giúp cho việc CƯDV theo phương thức trực tuyến trở thành hiện thực.

Những thay đổi phương tiện, cơ sở vật chất để cung ứng dịch vụ công được chúng tôi mô tả trong bảng 2 (xem bảng 2 cuối bài).

Tác động đến chủ thể cung ứng dịch vụ hành chính công

Các cơ quan nhà nước với tư cách là chủ thể chịu trách nhiệm cung ứng DVHCC, từ đó sẽ hình thành bộ máy và nhân sự là cán bộ, công chức (CBCC) tham gia CƯDV. Việc thu gọn bộ máy, giảm bớt số lượng CBCC tham gia CƯDV sẽ mang lại hiệu quả cao và nhiều giá trị cho xã hội. Do các công nghệ của CMCN 4.0 làm thay đổi phương thức cung ứng và tiết giảm tối đa các thủ tục hồ sơ, minh chứng và việc xử lý tự động sẽ tác động đến chủ thể CƯDV ở một số điểm sau:

– Do được xử lý tập trung trên nền tảng điện toán đám mây, liên kết dữ liệu lớn, kết nối vạn vật, xác thực thông qua định danh điện tử, xác thực thông qua các hình ảnh, video clip được gửi qua mạng nên rất nhiều dịch vụ hành chính công sẽ được trực tiếp xử lý và cung cấp trên môi trường mạng (ví dụ E-xtô-ni-a hiện này có trên 99% DVHCC được cung cấp trực tuyến)3. Vì vậy, các bộ phận một cửa, trung tâm phục vụ hành chính công sẽ giảm đi nhiều, các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước sẽ không phải tốn nhiều thời gian để trực tiếp xử lý hoặc phối hợp xử lý các DVHCC.

– Nhờ công nghệ, hầu hết các DVHCC sẽ được số hóa, khi đó CBCC sẽ được giải phóng khỏi nhiều quy trình công việc mà chỉ cần tập trung vào một số khâu trọng yếu hoặc chưa thể số hóa được. Vì vậy, nhà nước sẽ tiết giảm được đáng kể số lượng CBCC có nhiệm vụ cung ứng DVHCC. Cùng với đó sẽ chống lại được sự lạm quyền hoặc nhũng nhiễu của CBCC hoặc của các cơ quan nhà nước, giải quyết tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu.

– Các công nghệ làm cho việc số hóa DVHCC được triệt để hơn, việc liên thông và kết nối dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước và kể cả khu vực ngoài nhà nước sẽ có thể thực hiện theo thời gian thực, vì thế không những giúp đơn giản hóa các TTHC mà còn giúp loại bỏ đi nhiều TTHC nhưng vẫn phục vụ tốt cho hoạt động quản lý nhà nước (mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 sẽ giảm được khoảng 30% TTHC so với hiện nay)4.

– Chính phủ sẽ được xem như là trung tâm dịch vụ công, được đánh giá dựa trên khả năng của mình trong việc cung cấp các dịch vụ mở rộng theo các cách hiệu quả và đặc thù nhất, thúc đẩy xây dựng chính phủ phục vụ, kiến tạo phát triển5.

– Bằng sự tiến bộ của các công nghệ tiêu biểu của CMCN 4.0 sẽ làm hiệu quả quản lý nhà nước được tăng lên, linh hoạt và chặt chẽ hơn nhưng không cần phát sinh các TTHC, đồng thời cũng sẽ không cần duy trì thêm nhiều TTHC (có nghĩa là nhiều TTHC sẽ mất đi nhưng hiệu quả quản lý nhà nước lại được tăng lên đáng kể).

– Việc quản lý nhà nước sẽ không cần tập trung ở đầu vào (hồ sơ minh chứng) và quá trình cung ứng mà chỉ cần tập trung vào kết quả hoặc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, bởi nếu phần lớn các DVHCC đều được số hóa thì việc xử lý trên môi trường mạng sẽ lưu toàn bộ quá trình. Nếu các cơ quan nhà nước thấy cần phải kiểm tra lại thì đây là cơ sở và đủ căn cứ để xác định việc cung ứng DVHCC đó có bảo đảm đúng quy định pháp luật hay không.

– CMCN 4.0 sẽ chuyển mạnh từ nhà nước chỉ tập trung vào quản lý, điều hành sang một nhà nước phục vụ, kiến tạo phát triển và làm nổi bật vị trí của người dân là trung tâm của quá trình phục vụ.

Những tác động của CMCN 4.0 đến chủ thể cung ứng DVHCC có thể được mô tả (xem bảng 3 cuối bài).

Một số kết luận và khuyến nghị

Từ việc phân tích những tác động tích cực của CMCN 4.0 đến hoạt động cung ứng DVHCC, có thể rút ra một số kết luận sau:

Thứ nhất, các công nghệ tiêu biểu của CMCN 4.0 tạo ra những tác động hết sức tích cực tới các thành phần trong hoạt động cung ứng và các đối tượng tham gia vào quá trình cung ứng DVHCC.

Thứ hai, những tác động tích cực của CMCN 4.0 đến hoạt động cung ứng DVHCC sẽ mang lại hiệu quả quản lý nhà nước vượt trội và góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa vị trí của người dân là trung tâm của quá trình phục vụ.

Thứ ba, để tận dụng được những tác động tích cực của CMCN 4.0 đến hoạt động cung ứng DVHCC, Việt Nam cần thiết phải đẩy nhanh số hóa DVHCC và tận dụng tối đa công nghệ để chuyển đổi phương thức CƯDV từ phần lớn là trực tiếp sang hầu hết là trực tuyến.

Để có thể vận dụng tốt CMCN 4.0 và tạo ra sự thay đổi theo hướng tích cực và phù hợp trong cải cách hành chính ở Viêt Nam hiện nay cần lưu ý các điều kiện, đó là: (1) Nhà nước phải có thể chế, chính sách đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với thay đổi của CMCN 4.0 (khung khổ pháp lý về: trình tự, phương thức cung ứng; các điều kiện hạ tầng bắt buộc phải có, các chuẩn dữ liệu, kết nối, trao đổi; cho phép linh hoạt, phù hợp, quản lý theo đầu ra; chế độ, chính sách cho CBCC); (2) Nhà nước phải hình thành đủ các điều kiện về công nghệ (hạ tầng công nghệ, nền tảng số, nền tảng định danh và xác thực số…); (3) CBCC phải có đủ năng lực làm việc trên môi trường số, đặc biệt là trình độ về công nghệ thông tin và những hiểu biết về các công nghệ tiêu biểu của CMCN 4.0; (4) CBCC phải có đủ các phương tiện, thiết bị công nghệ cần thiết để độc lập làm việc trên môi trường số.

Chú thích:
1. Klaus Schwab. The fourth industrial revolution. World Economic Forum, Switzerland, 2016.
2. C.Mác và Ăng-ghen: Toàn tập. Tập 23. H. NXB Chính trị quốc gia, 1993, tr. 269.
3. eGovernance Academy. e-Estonia: e-Governance in Practice, e-Governance Academy Foundation, 2016.
4. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 30/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
5. Klaus Schwab. Shaping the fourth industrial revolution. World Economic Forum, Switzerland. 2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội và thách thức đối với quản lý nhà nước. https://tiasang.com.vn, ngày 03/10/2017.
2. Học viện Hành chính Quốc gia. Kỷ yếu Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 với quản trị nhà nước”. H. NXB Chính trị quốc gia, 2018.
3. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0. Hà Nội, 2019.
4. Tác động của CMCN 4.0 đến sự phát triển của nền hành chính nhà nước. Tạp chí Tổ chức nhà nước. https://tcnn.vn, ngày 08/9/2018.
5. Min Xu, Jeanne M. David, Suk Hi Kim. The Fourth Industrial Revolution: Opportunities and Challenges. Vol. 9, No 2, International Journal of Financial Research. 2019.
6. Murdiansyah Herman and M. Sayuti Enggok. The administration of development of the fourth industrial revolutoin: the transformation of managemant of the life and the nation and state, Proceedings IAPA annual conference, 2019.
ThS. Dương Quốc Chính
Học viện Hành chính Quốc gia