Về bảo đảm quyền nhà ở đối với phụ nữ di cư

(Quanlynhanuoc.vn) – Một trong những nhu cầu cơ bản của phụ nữ di cư là vấn đề nhà ở. Với đặc thù về giới và giới tính, phụ nữ di cư cần chỗ ở an toàn, bảo đảm về sinh hoạt hằng ngày hơn nam giới. Đây cũng là một trong những nội dung được Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể quan tâm, điều này thể hiện trong các quan điểm, chủ trương của Đảng và các văn bản chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, cho đến nay, điều kiện sống và sinh hoạt của phụ nữ di cư còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề nhà ở, việc tiếp cận các chính sách về nhà ở của phụ nữ di cư còn hạn chế, do đó, cần được quan tâm nhiều hơn.
Ảnh minh họa (internet)
Đặt vấn đề

Di cư vừa là vấn đề tất yếu vừa là động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia. Di cư chủ yếu là từ khu vực nông thôn ra đô thị để tìm kiếm công việc tốt hơn hay tìm kiếm cơ hội để có cuộc sống khá hơn trong quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh hiện nay.

Với xu hướng nữ hóa di cư, phụ nữ chiếm hơn một nửa số dân di cư, vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách, pháp luật để phát triển lao động nữ và bảo đảm quyền an sinh xã hội, đặc biệt là bảo đảm quyền nhà ở cho phụ nữ di cư (PNDC), từ đó, góp phần phát triển toàn diện người phụ nữ trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển lao động nữ, về bảo đảm quyền an sinh xã hội, bảo đảm quyền nhà ở cho phụ nữ di cư

Tại khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” và khoản 1 Điều 22 quy định: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp”. Khoản 1 Điều 6  Luật Bình đẳng giới năm 2006 cũng quy định: “Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”, nội hàm của nguyên tắc này bao gồm bình đẳng trong việc thụ hưởng các chính sách xã hội, an sinh xã hội.

Ðể đáp ứng những dịch vụ an sinh xã hội thiết yếu và bảo vệ quyền lợi cho lao động di cư (LĐDC), đặc biệt, đối với PNDC, Chính phủ đã đưa nhóm lao động này vào đối tượng điều chỉnh của một số đạo luật, như: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm y tế… Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011 – 2020 đã xác định LĐDC là một trong các nhóm yếu thế cần được hỗ trợ như là một nhóm đối tượng khó khăn thuộc diện nghèo đa chiều. Các quy định, chính sách đã đem lại những cải thiện đáng kể trong việc hỗ trợ LĐDC tìm kiếm việc làm và thụ hưởng các dịch vụ an sinh xã hội tại nơi nhập cư.

Trong Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2021 – 2030 cũng nêu rõ: “mọi người dân thực sự có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”, trong đó có quyền được bảo đảm mức tối thiểu về nhà ở, nhất là đối với PNDC. Quyền con người về bảo đảm mức tối thiểu về nhà ở được nêu trong Điều 11 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế – xã hội và văn hóa năm 1966. Việc thực hiện “Quyền của phụ nữ, đàn ông, thanh niên và trẻ em cần có một ngôi nhà an toàn và một cộng đồng an toàn được sống trong hòa bình và tôn trọng nhân phẩm”1. Năm 2015, Việt Nam cam kết nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, trong đó tất cả các mục tiêu đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới các quá trình di cư, những trải nghiệm của người di cư và gia đình của họ; trên cơ sở đó, xây dựng các mục tiêu cụ thể phù hợp với bối cảnh riêng và các mục tiêu phát triển của Việt Nam, như: giảm sự yếu thế, giảm sự mất công bằng giữa các dân tộc và bảo đảm sự phát triển kết cấu hạ tầng cho nhóm lao động nữ di cư nghèo,…

Điều 1 Luật Nhà ở năm 2014 là một văn bản pháp lý quan trọng, quy định đầy đủ về sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; giao dịch về nhà ở; quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam. Văn bản này cũng đã đưa ra quy định về quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở của công dân (Điều 4); Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về nhà ở (Điều 5). Luật đã dành một chương về phát triển nhà ở, trong đó có yêu cầu phát triển nhà ở phù hợp với nhu cầu của các đối tượng khác nhau và điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước, của địa phương, vùng, miền theo từng thời kỳ (Điều 14 Chương II). Luật cũng đã bàn về nhà ở xã hội, trong đó có các quy định liên quan đến đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (từ Điều 49 – 51). Điều 110 Luật Đất đai năm 2013 quy định về các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trong đó có tính đến các trường hợp hộ gia đình nghèo, hộ dân tộc thiểu số, nhà ở xã hội,…

Để cụ thể hóa các văn bản trên, trong đó có quy định bảo đảm về nhà ở cho PNDC, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, người thu nhập thấp có thể vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 4,8% theo Quyết định số 370/2018/QĐ-TTg ngày 03/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay tại Điều 1 của Quyết định này. Tiếp đó, ngày 25/01/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội khóa XIV và bổ sung 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng nhà nước chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội thuộc “Gói 3.000 tỷ đồng hỗ trợ Nhà ở xã hội”2. Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 25/2018/TT-BCT ngày 12/9/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014. Tại điểm c khoản 4 Điều 10 của Thông tư này quy định về việc bán lẻ điện cho người thuê nhà là sinh viên hoặc LĐDC (trong đó có PNDC).

Ngày 25/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo đó, tại mục 4 Điều 24 Chương III đã đề cập ưu đãi đầu tư đối với các khu công nghiệp có bố trí nhà ở và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội cho người lao động, đặc biệt những khu công nghiệp, khu kinh tế có lao động nữ đông hơn lao động nam. Văn bản này cũng đưa ra các nội dung liên quan đến việc phát triển nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế (Điều 32) cho thấy, Nhà nước khuyến khích, Ủy ban nhân dân các tỉnh có khu công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất, quy hoạch khu vực xây dựng nhà ở, các công trình văn hóa, xã hội, thể thao, bảo đảm đáp ứng nhu cầu về các dịch vụ xã hội cơ bản cho người lao động… Trên cơ sở đó, ngày 12/7/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 43/2019/TT-BTC về việc hướng dẫn thi hành quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP làm rõ về ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình văn hóa, thể thao, công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế có lao động nữ được hưởng ưu đãi theo quy định pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và pháp luật có liên quan.

Như vậy, với các chính sách, pháp luật quy định hiện nay đã tập trung vào việc bảo đảm quyền về nhà ở đối với PNDC trên quan điểm bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, thực tiễn triển khai chính sách đã có những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, cần tiếp tục hoàn thiện kịp thời để phù hợp với điều kiện mới.

Thực tiễn triển khai chính sách, pháp luật để bảo đảm quyền về nhà ở của phụ nữ di cư

Từ thực tiễn triển khai các chính sách về an sinh xã hội và bảo đảm quyền nhà ở của PNDC, trong thời gian qua, ở nước ta đã đạt được những kết quả khả quan. Tại Báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở toàn quốc năm 2019 cho thấy, hơn 13% dân số cả nước là người di cư, trong đó, nữ giới chiếm 55,5%3. Theo kết quả điều tra khác về di cư nội địa quốc gia thì tỷ lệ đăng ký thường trú, tạm trú của người di cư tương đối cao (86,5%), không có sự khác biệt giữa nam và nữ di cư4. Việt Nam cũng là nước được Liên hiệp quốc đánh giá hoàn thành sớm hơn 10 năm trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ gần 89% dân số; 100% người nghèo, người DTTS có thẻ khám, chữa bệnh miễn phí; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, phát triển5.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ giới, khi phải rời xa gia đình đi kiếm sống, PNDC phải đối diện với nhiều khó khăn và nguy cơ tiềm ẩn. Hiện nay, có 34,3% gặp khó khăn về việc làm, 42,6% nữ lao động di cư gặp khó khăn về chỗ ở, và 97,9% lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội6.

Phụ nữ mang những đặc điểm giới tính và giới rất đặc thù nên chỗ ở, chỗ sinh hoạt, điều kiện vệ sinh cần kín đáo, bảo đảm an ninh, an toàn. Kết quả Dự án điều tra cơ bản của Học viện Phụ nữ Việt Nam năm 2014 khảo sát 1.809 phụ nữ di cư từ 15 tuổi trở lên tại 8 tỉnh/thành phố cho thấy, hình thức đăng ký tạm trú chủ yếu của phụ nữ di cư là KT4 (tạm trú ngắn hạn), phần lớn họ đang thuê nhà ở trọ trong điều kiện chật chội, ẩm thấp, các điều kiện sống như nước sạch, điện sinh hoạt, nhà vệ sinh chưa đầy đủ và thiếu nhiều trang thiết bị thiết yếu cho cuộc sống7. Điều này đã ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và đe dọa không gian sống an toàn cho phụ nữ.

Bên cạnh đó, loại hình dịch vụ nhà ở cho thuê trọ phát triển khá tự do, công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ này chưa chặt chẽ, còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề quản lý chất lượng nhà trọ, giá cả thuê nhà và thực hiện giá điện, nước sạch theo quy định của nhà nước. Việc chi trả tiền thuê nhà, tiền điện, nước giá cao không kiểm soát trong các khu nhà trọ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống và tài chính, vốn đã eo hẹp của PNDC. Điều đó khiến an sinh xã hội của PNDC không được bảo đảm (có 47,5% số người di cư đang gặp khó khăn về chỗ ở)8.

Ngoài ra, PNDC ít có điều kiện tiếp cận những phương tiện truyền thông đại chúng, do đó, nhiều thông tin xã hội và pháp luật liên quan trực tiếp tới quyền lợi của họ bị bỏ qua. Một nghiên cứu thực hiện năm 2019 – 2020 về cuộc sống an sinh của lao động nữ di cư trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội cho thấy9: mặc dù đã có các chính sách, pháp luật về vấn đề nhà ở với nhiều điều khoản ưu đãi nhưng việc thực hiện các chính sách đó, việc tiếp cận nhà ở và các dịch vụ liên quan đến nơi ở của PNDC còn rất nhiều trở ngại, khiến cuộc sống của họ vốn đã bấp bênh lại phải đối diện với nguy cơ mất an toàn, không bảo đảm an sinh. Cho đến nay, cả nước đã xây dựng được 5 triệu m2 nhà ở nhưng mới chỉ đạt 41,5% nhu cầu của người dân về nhà ở xã hội10, bên cạnh đó, không có chính sách đặc thù về nhà ở cho PNDC, cũng như chưa có một thống kế chính xác về các nhóm đối tượng đã được tiếp cận chính sách nhà ở xã hội.

Khuyến nghị

Từ thực tế nêu trên cho thấy, hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước đã đề cập nhóm PNDC, thông qua các văn bản liên quan đến chủ trương của Đảng trong việc ưu tiên xây dựng và phát triển lao động nữ và các văn bản pháp luật của Nhà nước về quyền bình đẳng giữa nam và nữ; các chính sách về an sinh xã hội, trong đó yêu cầu bảo đảm quyền an sinh xã hội của người dân, nhất là bảo đảm về quyền nhà ở cho đối tượng LĐDC. Nhà nước cũng coi nhóm LĐDC, nhất là lao động nữ di cư là nhóm yếu thế cần được hỗ trợ, bảo đảm cung cấp đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản.

Bên cạnh đó, còn có các luật liên quan đến bình đẳng giới, một số nghị định của Chính phủ và thông tư của các bộ có liên quan hướng dẫn về việc tạo điều kiện sống cho LĐDC như giảm mức chi phí tiền điện, chính sách ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp bảo đảm nhà ở cho người lao động.

Tuy nhiên, trong các nội dung này, vẫn chưa có chính sách nhà ở chuyên biệt cho PNDC, do đó, đến nay, PNDC vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận nhà ở cũng như các chính sách về nhà ở. Vì vậy, để các chính sách, pháp luật về nhà ở cho PNDC được triển khai có hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu của các nhóm LĐDC, cần tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, truyền thông về chính sách nhà ở đối với các nhóm PNDC thông qua các kênh truyền thông chính thống như truyền hình, báo chí. Đồng thời truyền thông trực tiếp cho PNDC về chính sách, luật pháp, quyền và nghĩa vụ của họ nhằm tăng tính chủ động của PNDC trong việc xây dựng kế hoạch về tài chính và chuẩn bị hồ sơ để tiếp cận các chính sách nhà ở.

Thứ hai, đối với các nhóm PNDC chưa có nhu cầu hoặc chưa có khả năng mua nhà ở xã hội, cần thu hút sự tham gia của chính quyền địa phương và các chủ nhà trọ nơi các nhóm PNDC đang sinh sống xây dựng các mô hình nhà ở an toàn, bảo đảm an sinh xã hội cho PNDC.

Thứ ba, xem xét các chính sách hiện hành, bổ sung hoặc sửa đổi các điều kiện ưu tiên đối với doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội nhằm khuyến khích họ tham gia tích cực hơn trong việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người lao động. Đơn cử, trong nội dung về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở năm 2014 đưa ra đến 12 nhóm đối tượng thụ hưởng, quy định về chính sách xã hội mà quá nhiều nhóm đối tượng sẽ giàn trải, không tập trung và vì thế việc áp dụng sẽ khó có hiệu quả. Đối với văn bản này, cần tập trung vào một vài nhóm đối tượng đặc thù như công nhân, LĐDC, người nghèo đô thị.

Thứ tư, phụ nữ với những đặc thù về giới nên nhu cầu về nhà ở an toàn và vấn  đề an sinh xã hội cũng có những khác biệt so với nam giới, do vậy, cần đưa nhóm PNDC vào diện ưu tiên trong các chính sách về nhà ở.

Kết luận

Trên cơ sở quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo đảm quyền an sinh xã hội cho mọi thành viên trong xã hội, bao gồm nhóm LĐDC và PNDC, Nhà nước đã xây dựng và ban hành hệ thống văn bản chính sách về nhà ở tương đối hoàn chỉnh, trong đó đề cập các nhóm đối tượng của nhà ở xã hội, các chính sách ưu tiên về giá điện đối với nhóm người nhập cư đang thuê nhà trọ, chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Mặc dù vậy, PNDC vẫn chưa tiếp cận được các thông tin về chính sách về nhà ở, điều kiện sinh sống của họ vẫn chưa bảo đảm an sinh, an toàn. Số lượng nhà ở xã hội chưa đáp ứng đủ nhu cầu của PNDC. Do vậy, cần coi nhóm PNDC như một nhóm ưu tiên trong chính sách nhà ở, từ đó, có các biện pháp thiết thực nhằm bảo đảm quyền về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội cho PNDC.

Chú thích:
1. Dương Kim Anh, Trần Quang Tiến. Giáo trình Giới trong an sinh xã hội, dành cho sinh viên hệ Đại học. H. NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr. 245.
2. Chính phủ “cấp” 2.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội. https://luatvietnam.vn, ngày 10/4/2020.
3. Tổng cục Thống kê. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
4, 8. Điều tra di cư nội địa Việt Nam năm 2015. H. NXB Thông tấn, 2016.
5. Quan tâm hỗ trợ phụ nữ tiếp cận thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. http://danvan.vn
6. Báo cáo nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội cho phụ nữ di cư. Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 2018.
7. Học viện Phụ nữ Việt Nam. Dự án điều tra cơ bản về nhà ở của phụ nữ di cư. Hà Nội, 2014.
9. Học viện Phụ nữ Việt Nam. Nghiên cứu về cuộc sống an sinh của lao động nữ di cư trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội (2019 – 2020)/Dự án “Tổ chức bánh mỳ Thế giới”, năm 2020.
10. Thực trạng và giải pháp phát triển nhà ở xã hội tại các đô thị ở Việt Nam. https://www.tapchitaichinh.vn, ngày 12/7/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh Chương trình phát triển nhà ở xã hội đạt được hiệu quả cao.
2. Chỉ thị số 21/CT-TW ngày 20/01/2018 Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
3. Định hướng chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2021 – 2030. http://laodongxahoi.net
4. Hiến pháp năm 2013.
5. Luật Bình đẳng giới năm 2006.
6. Luật Đất đai năm 2013.
7. Luật Nhà ở năm 2014.
8. Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
9. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
10. Quyết định 370/QĐ-TTg ngày 03/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
TS. Nguyễn Thị Thu Hoài
Học viện Phụ nữ Việt Nam