(Quanlynhanuoc.vn) – Năm 2021, mặc dù trong bối cảnh vô cùng khó khăn, phải thực hiện nhiệm vụ kép, vừa bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Bình Định vẫn đạt nhiều kết quả khởi sắc trong phát triển kinh tế – xã hội. Nhân dịp năm mới Xuân Nhâm Dần 2022, Tạp chí Quản lý nhà nước có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Phi Long – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về phát triển kinh tế – xã hội trong năm qua và những kế hoạch trong những năm tiếp theo.
Phóng viên (PV): Thưa ông, 2021 là một năm vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với cương vị của người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh, ông có nhận xét, đánh giá gì về các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh?
Ông Nguyễn Phi Long: Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp đã gây ảnh hưởng tiêu cực lớn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh và đời sống của đại bộ phận người dân trong tỉnh.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc mời gọi, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài bị gián đoạn; số lượng các đơn hàng sụt giảm, chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, một số ngành hàng gặp khó khăn về giá bán, thu hẹp quy mô sản xuất… Hoạt động du lịch suy giảm đáng kể, lượng khách du lịch đến tỉnh giảm 45,2%, doanh thu du lịch giảm 30,1% so với cùng kỳ.
Song, với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các cấp, các ngành khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi, triển khai đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh, nhất là thực hiện mục tiêu: “vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội” nên đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Có thể khẳng định, năm 2021, Bình Định đã kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất – kinh doanh sớm phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới. Tỉnh đã tổ chức Hội nghị hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc của DN; kịp thời giải quyết các kiến nghị theo thẩm quyền và đề xuất, kiến nghị các nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN, nhất là đối với các DN sản xuất, chế biến các sản phẩm thuộc các nhóm ngành quan trọng, chủ lực của tỉnh.
Trong thu hút đầu tư, tỉnh đã quyết định đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn, cắt giảm 7 ngày so với quy định (từ 32 ngày xuống còn 25 ngày), tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho DN, nhà đầu tư đến với Bình Định.
Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ để trồng trọt, bảo quản chế biến nông sản, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp; thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP).
Về hoạt động thương mại, đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình kích thích tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch, dịch vụ…, nhằm từng bước khôi phục, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia ít chịu ảnh hưởng dịch bệnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa qua cảng biển, thúc đẩy phát triển hoạt động logistics. Đặc biệt, tỉnh đã chủ động điều hành công tác thu – chi ngân sách nhà nước; rà soát cắt giảm các khoản chi không thật sự cần thiết để tập trung nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và tăng chi đầu tư phát triển.
Từ kết quả trên có thể thấy, tỉnh đã cơ bản bảo đảm các mục tiêu đề ra, đặc biệt là thu ngân sách nhà nước ước đạt 13.707,3 tỷ đồng, vượt 29,8% dự toán năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ; an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng – an ninh được củng cố; đời sống Nhân dân cơ bản ổn định; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được tăng cường; niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng được nâng lên sẽ tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh những năm tới.
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn có những tồn tại, hạn chế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Phi Long: Mặc dù đã nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, tuy nhiên, Bình Định vẫn còn có một số tồn tại hạn chế, như: chưa có nhiều dự án quy mô lớn, chưa tạo bước đột phá và chuyển biến trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Công tác thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn, trong năm 2021, chỉ thu hút được 4 dự án đầu tư nước ngoài. Một số dự án đã đăng ký đầu tư nhưng chậm triển khai hoặc triển khai chưa đúng tiến độ như đã cam kết.
Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ; giá của nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản giảm, khó tiêu thụ, giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao.
Tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà ở trái phép và khai thác tài nguyên, khoáng sản còn xảy ra ở một số địa phương; ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác, sản xuất, vận chuyển vật liệu xây dựng, chế biến thủy sản tại một số nơi, nhất là khu vực nông thôn và các cơ sở sản xuất vẫn còn nhiều tồn tại.
Hoạt động thương mại, dịch vụ thiếu sôi động; các lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa, dịch vụ du lịch, lưu trú, ẩm thực gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động giáo dục, văn hóa, thể dục – thể thao, lao động, việc làm… bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và thu nhập của người dân.
Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, thực thi công vụ của một số cá nhân, cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi thực hiện còn chưa nghiêm; công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhất là trên lĩnh vực đất đai có một số hồ sơ trễ hẹn; công tác cải cách hành chính chưa thực sự chuyển biến tích cực. Trật tự, an toàn xã hội và an ninh nông thôn ở một số địa phương tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Nguyên nhân của tồn tại hạn chế trên là do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, gây gián đoạn và đình trệ các hoạt động sản xuất – kinh doanh, dịch vụ, đứt gãy lưu thông hàng hóa; một số DN phải giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô… Bên cạnh đó, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của một số sở, ban, ngành và địa phương có lúc, có nơi còn chủ quan, bị động, lúng túng, chưa đồng bộ trong xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất.
PV: Trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025), tỉnh đang tập trung vào những nội dung căn bản nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Phi Long: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế tập trung vào 5 trụ cột chính, gồm: công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.
Phát triển công nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tạo động lực phát triển nhanh nền kinh tế của tỉnh. Trong đó, tập trung nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng và đưa khu công nghiệp – đô thị Becamex đi vào hoạt động; tích cực thu hút các nhà đầu tư lấp đầy các khu công nghiệp hiện có và có kế hoạch phát triển các khu công nghiệp mới. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các DN đầu đàn về công nghệ thông tin, như: TMA, FPT…, phát triển; tham gia chuỗi công viên phần mềm Quang Trung; thu hút các DN khởi nghiệp (start up) đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) gắn với khởi nghiệp sáng tạo và ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông, lâm, thủy sản, hình thành các cụm sản xuất nông – công nghiệp ở nông thôn.
Phát triển du lịch, tiến hành đồng bộ từ quy hoạch địa điểm, quy hoạch sản phẩm đến đầu tư, quản lý hoạt động du lịch hướng đến phát triển bền vững. Xây dựng Bình Định thành điểm du lịch “3 tốt” và “3 không”. Tích cực quảng bá du lịch trong nước và ngoài nước, lấy điểm nhấn là: “Quy Nhơn – thành phố du lịch sạch ASEAN”, “Quy Nhơn – điểm đến du lịch”; có chính sách ưu đãi để thu hút những DN lữ hành quốc tế.
Phát triển dịch vụ cảng và logistics, bao gồm cảng biển và cảng hàng không. Tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn hiện có gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất; đồng thời, nghiên cứu xác định địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng. Khai thác tốt vận tải hàng không; xúc tiến việc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp sản xuất gia công hàng điện tử – viễn thông gần sân bay nhằm tận dụng lợi thế vận tải hàng không của cảng hàng không Phù Cát.
Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng, thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trang trại trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với nông hộ tham gia chuỗi sản xuất và tiêu thụ; hiện đại hóa nghề cá, nhất là nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ; nâng cao chất lượng rừng trồng. Xây dựng và hiện đại hóa trung tâm hậu cần nghề cá Tam Quan và Đề Gi. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa, tiếp tục phát triển khu đô thị mới Nhơn Hội và các đô thị trên địa bàn; quy hoạch phát triển các khu đô thị mới và mở rộng giao thông (khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Becamex Bình Định, đường ven biển, đường nối sân bay Phù Cát – Nhơn Hội…), quy hoạch đường sắt nội đô nối Cát Tiên với trung tâm Quy Nhơn.
Đồng thời, tỉnh đề ra 3 khâu đột phá là: (1) Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Định. (2) Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao; thực hiện chính sách thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. (3) Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía bắc nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh.
PV: Xin ông cho biết, việc thực hiện các nội dung của 5 trụ cột chính nêu trên, tỉnh đã đạt được kết quả như thế nào?
Ông Nguyễn Phi Long: Ngay từ đầu năm, tỉnh đã có sự chỉ đạo, điều hành, trong đó tập trung vào 5 trụ cột chính trong phát triển kinh tế, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên kết quả đạt được chưa cao, nhưng về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra.
Cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp, tiến độ giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện dự án khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex Bình Định được đẩy mạnh. Đến nay, tại khu kinh tế Nhơn Hội đã cấp mới 11 dự án, với số vốn đăng ký 8.156 tỷ đồng; lũy kế đến nay, có 117 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 116.693 tỷ đồng; vốn thực hiện đạt khoảng 28.485 tỷ đồng, trong đó, có 15 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng số đăng ký đầu tư 610 triệu USD. Tại các khu công nghiệp đã cấp mới 16 dự án, với tổng vốn đăng ký là 1.994 tỷ đồng; lũy kế đến nay có 277 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 15.853 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 9.724 tỷ đồng, trong đó có 24 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 205 triệu USD. Toàn tỉnh có 44/61 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, với tổng số vốn đầu tư 2.843 tỷ đồng, vốn thực hiện 1.516,7 tỷ đồng. Các cụm công nghiệp đã thu hút được khoảng 371 dự án đăng ký đầu tư sản xuất, với diện tích đất thuê 545,3 ha, trong đó có 268 dự án đi vào hoạt động, góp phần giải quyết lượng lớn nhu cầu lao động tại các địa phương, nhất là lao động nông thôn.
Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai đến các DN, cơ sở, hộ sản xuất… Hiện nay, đã có 125 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh.
Về lĩnh vực du lịch đang tích cực tổ chức chương trình kích cầu du lịch nội địa. Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt là quảng bá thương hiệu Quy Nhơn – thành phố Du lịch sạch ASEAN 2020.
PV: Năm 2021 đã khép lại, năm 2022 bắt đầu với nhiều hy vọng. Dự báo đây sẽ là năm của những chương trình, kế hoạch, dự án phục hồi đưa kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển?
Ông Nguyễn Phi Long: Đúng là như vậy, với kỳ vọng tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2022, tỉnh đặt ra mục tiêu: thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh cho DN; tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng – an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã có một số giải pháp sau:
Một là, tập trung nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; xây dựng và chuẩn bị các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế phòng, chống dịch tại địa phương; triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo phương châm nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, bình tĩnh, kịp thời với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.
Hai là, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất – kinh doanh của các DN; kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để DN bảo đảm an toàn hoạt động sản xuất – kinh doanh và phòng, chống dịch bệnh. Rà soát các cơ chế, chính sách hiện có, bổ sung một số cơ chế, chính sách mới cùng với triển khai thực hiện các chính sách của trung ương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh, nhất là đối với các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của tỉnh.
Ba là, duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để khuyến khích các vùng sản xuất chuyên canh, chăn nuôi quy mô lớn, vùng nông nghiệp công nghệ cao theo các chuỗi liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; ưu tiên nguồn lực và huy động toàn xã hội tham gia thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng và lợi thế, phấn đấu tăng giá trị gia tăng ngành dịch vụ. Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực du lịch. Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, kết hợp chặt chẽ với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư để mở rộng địa bàn, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào hoạt động các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Quy Nhơn và trong khu kinh tế Nhơn Hội; khai thác tốt các đường bay tại Sân bay Phù Cát. Đẩy mạnh triển khai chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, “Người Bình Định đi du lịch Bình Định”.
Tiếp tục đầu tư hạ tầng và nâng cao sản lượng hàng hóa cảng biển, nâng cao chất lượng vận tải, bảo đảm phục vụ lưu thông hàng hóa và nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Năm là, phát triển các thành phần kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư và hợp tác phát triển. Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao. Khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước phát triển và thu hút các DN ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển kinh doanh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, trong đó chú trọng các dự án công nghiệp, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Sáu là, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực văn hóa – xã hội. Chú trọng phát triển các hoạt động văn hóa – xã hội, nhất là các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Điều hành linh hoạt hoạt động dạy và học phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Củng cố, kiện toàn mạng lưới khám, chữa bệnh từ cơ sở, bảo đảm năng lực tiếp nhận, thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ở các tuyến; tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn tiêm chủng. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần ổn định đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh.