Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ở cấp xã hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) Đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn là người dân tộc thiểu số có vai trò rất quan trọng trong hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số. Họ là những hạt nhân tiêu biểu trong việc phát huy sức mạnh đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là người trực tiếp tổ chức đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Vì vậy, để xây dựng chính quyền cấp cơ sở vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ở cấp xã có đủ số lượng, cao về chất lượng, cơ cấu hợp lý, năng động, sáng tạo.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: dienbien.edu.vn).
Một số văn bản liên quan đến phát triển đội ngũ cán bộ, công chức dân tộc thiểu số

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cấp xã là gần gũi nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi việc đều xong xuôi”1. Với vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã người dân tộc thiểu số (DTTS), trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và “có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD), sử dụng đội ngũ cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số; sử dụng có hiệu quả số học sinh, sinh viên đã được đào tạo từ các trường, số thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự là con em đồng bào dân tộc thiểu số làm nguồn cán bộ bổ sung cho cơ sở… Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán, chủ chốt, nhất là HĐND và UBND xã, xã đội, công an xã…”2.

Quán triệt chủ trương của Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhằm phát triển đội ngũ CBCC cấp xã là người DTTS: Quyết định số 34/2006/QĐ-TTg ngày 08/02/2006 về phê duyệt Đề án ĐTBD CBCC xã, phường, thị trấn người DTTS giai đoạn 2006 – 2010; Quyết định số 106/2007/QĐ-TTg ngày 13/7/2007 về việc xây dựng Đề án Một số giải pháp tăng cường công tác ĐTBD và tạo nguồn đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc (giai đoạn 2007 – 2010); Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 về phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ CBCC, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới; Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 phê duyệt Đề án Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với CBCC, viên chức giai đoạn 2018 – 2025;…

Nhằm triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã có nhiều chính sách cụ thể trong việc xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS bằng các đề án, kế hoạch cụ thể, như: Đề án “Đào tạo 100 cán bộ trẻ sau đại học giai đoạn 2012 – 2015, định hướng đến 2020” của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái; Đề án “Mô hình chi bộ cụm bản gắn với phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng bản, cụm bản phát triển toàn diện; tổ chức điều động, luân chuyển cán bộ trưởng, phó phòng các sở, ngành tỉnh và huyện tăng cường cán bộ cho cấp xã” của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La; Đề án “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên giai đoạn 2011 – 2015” của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lai Châu; Đề án “Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2005 – 2010 và Đề án “Quy hoạch đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ chuyên môn và kỹ thuật tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 – 2015”; Quyết định số 2185/QĐ-UBND ngày 07/9/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt Đề án ĐTBD CBCC xã, phường, thị trấn người DTTS tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2007 – 2010; Nghị quyết số 06/2008/NQ-HĐND ngày 08/4/2008 của HĐND Quảng Trị về chính sách và kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở người DTTS từ năm 2008 – 2010, chiến lược đến năm 2020. Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14/01/2005 của Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk về lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS đến năm 2010; Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 20/10/2008 Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng về đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Đề án số 09-ĐA/BTCTU về củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo đến năm 2020 của tỉnh Sóc Trăng…

Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số hiện nay

Do có những kế hoạch và đề án cụ thể nên thời gian qua, đội ngũ CBCC, viên chức DTTS cấp xã đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Theo số liệu Báo cáo số 840/BC-HĐDT13 ngày 05/11/2014 của Hội đồng Dân tộc về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo, sử dụng đối với đội ngũ CBCC, viên chức người DTTS đến năm 2014 cho thấy: đội ngũ công chức cấp xã cả nước có 111.496 người, trong đó, số CBCC DTTS số là 17.728 người, chiếm 15,9%… Đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp xã, cả nước có 145.112 người, trong đó, số cán bộ người DTTS là 27.571 người (chiếm 19%).

Trong Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về tổng kết chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 đã có những ghi nhận về hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS và miền núi ngày càng được kiện toàn, chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở ngày một nâng lên. Đến nay, cả nước có 68.781 biên chế là người DTTS, chiếm 11,68% tổng số biên chế cả nước. Đối với ĐTBD kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ: 22.229 lượt người được ĐTBD kiến thức quản lý nhà nước và 10.516 lượt người được ĐTBD kiến thức về tin học văn phòng. Công chức, viên chức người DTTS được ưu tiên trong quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm vào hệ thống cơ quan nhà nước”. Bên cạnh đó, số lượng cấp uỷ và đại biểu HĐND cấp xã cũng có tỷ lệ đáng ghi nhận. Cũng theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, khóa 2015 – 2020 tỷ lệ cán bộ tham gia cấp ủy cả nước có 3.610 người (chiếm 11,11%), đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có 64.718 người (chiếm 22,14%).

Có được những kết quả trên là do có chủ trương đúng đắn của Đảng trong xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành điều chỉnh khá toàn diện, bước đầu đáp ứng được một phần nhu cầu khách quan trong thực tiễn đào tạo, quản lý, sử dụng CBCC người DTTS. Cấp ủy chính quyền các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho CBCC cấp xã người DTTS tham gia các khóa ĐTBD nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và kỹ năng quản lý, điều hành. Số CBCC cấp xã người DTTS được cử đi ĐTBD sau khi hoàn thành các khóa học đã từng bước được xem xét, bố trí vào các vị trí công việc, chức danh phù hợp, đúng trình độ năng lực, phát huy được kiến thức trang bị, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tế và nhiệm vụ công tác đặt ra.

Công tác tuyển dụng được thực hiện đúng các quy định pháp luật hiện hành, bảo đảm công khai, chặt chẽ và phù hợp với tình hình thực tế; một số cơ quan, đơn vị đã thực hiện việc ưu tiên cho đối tượng dự tuyển là người DTTS bảo đảm đúng quy định của Luật CBCC trong các kỳ thi, xét tuyển công chức. Hầu hết các cấp ủy đã chú ý về tiêu chuẩn, cơ cấu, chức danh, chức vụ được bầu và phê chuẩn, quy trình, thủ tục ứng cử, đề cử, bầu cử, phê chuẩn theo quy định của Đảng và Nhà nước. Công tác giới thiệu nhân sự ứng cử, quy trình, thủ tục bầu cử các chức danh được tiến hành đúng theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Công tác bổ nhiệm CBCC lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan và công khai, minh bạch, tạo động lực để người có trình độ, năng lực phấn đấu vươn lên, góp phần đổi mới công tác cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS. Vì vậy, ngày càng có nhiều người được bố trí sử dụng làm cán bộ chủ chốt (bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND xã).

Công tác quản lý, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS đã từng bước được chuẩn hóa, nâng cao về chất lượng, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của thực tiễn của vùng DTTS. Các cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chủ động xây dựng, bổ sung quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý, bảo đảm về cơ cấu, có sự đổi mới, có tính kế thừa và phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đội ngũ CBCC người DTTS ở cấp xã cũng còn những hạn chế, yếu kém nhất định. Công tác đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ, tuyển dụng công chức qua thi tuyển còn gặp nhiều khó khăn; hệ thống chính trị ở cơ sở ở một số vùng đồng bào DTTS còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tỷ lệ CBCC người DTTS có xu hướng giảm, chưa đạt được tỷ lệ theo quy định tại Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ CBCC, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới, trong đó quy định đến năm 2020: đối với xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) có tỷ lệ CBCC, viên chức người DTTS tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp xã tối thiểu là 10 – 50% trên tổng biên chế được giao, tùy thuộc vào tỷ lệ người DTTS trên tổng dân số của xã…

Bên cạnh tỷ lệ còn thấp thì đội ngũ cán bộ DTTS chưa qua ĐTBD còn chiếm tỷ lệ khá lớn, nhất là cán bộ cơ sở. “Đội ngũ công chức cấp xã cả nước có 111.496 người. Trong đó, số công chức người DTTS là 17.728 người (chiếm 15,90%), số công chức nữ là 28.097 người (chiếm 25,20%). Về trình độ chuyên môn: có 8.507 công chức (chiếm 7,63%) chưa qua đào tạo chuyên môn; công chức có trình độ sơ cấp là 2.409 người (chiếm 2,16%); trung cấp là 66.251 người (chiếm 59,42%); cao đẳng là 6.790 người (chiếm 6,09%) và trình độ đại học là 27.539 người (chiếm 24,7%). Về trình độ lý luận chính trị, số công chức chưa qua đào tạo là 46.082 người (chiếm 41,33%); trình độ sơ cấp là 23.481 người (chiếm 21,06%); trung cấp là 41.119 người (chiếm 36,88%) và trình độ cao cấp là 814 người (chiếm 0,73%)”3.

Những hạn chế, yếu kém trên được xác định có nhiều nguyên nhân, đó là: (1) Trình độ dân trí vùng DTTS chưa phát triển, bên cạnh đó các yếu tố về địa lý, văn hóa, phong tục tập quán… do lịch sử để lại. (2) Công tác ĐTBD đối với đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS chưa thực sự gắn với nhu cầu thực tế. Chưa có quy định cụ thể về ưu tiên tuyển dụng đặc cách vào ngạch công chức đối với các DTTS rất ít người. Trong khi đó, vẫn còn khá lớn sinh viên được cử đi đào tạo theo chế độ cử tuyển hoặc tạo nguồn sau khi tốt nghiệp không được bố trí, tuyển dụng gây áp lực lớn về công tác tuyển dụng trong các cơ quan, đơn vị ở các địa phương. (3) Việc ĐTBD CBCC cấp xã người DTTS ở nhiều nơi chưa gắn với quy hoạch và yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương. Công tác ĐTBD chưa gắn với nhu cầu sử dụng. (4) Công tác quy hoạch, bổ nhiệm CBCC cấp xã người DTTS giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý nhìn chung rất hạn chế, chưa thực sự được quan tâm. Bên cạnh đó, “Các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác CBCC người DTTS còn chậm được cụ thể hóa, chưa thống nhất và thiếu đồng bộ… Công tác ĐTBD, quy hoạch, đề bạt, bố trí, sử dụng, luân chuyển CBCC cấp xã người DTTS còn bất cập…”4.

Một số kiến nghị, giải pháp thực hiện

Để phát phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong xây dựng và phát triển đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS; phát triển kinh tế – xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS và miền núi, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ người DTTS nói chung, CBCC cấp xã nói riêng, nhất là thực hiện tốt Quyết định số 402/QĐ-TTg về phát triển đội ngũ cán bộ DTTS trong thời kỳ mới, theo đó, đối với xã, phường, thị trấn có tỷ lệ CBCC, viên chức DTTS tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp xã tối thiểu là 10 – 50% trên tổng biên chế được giao, tùy thuộc vào tỷ lệ người DTTS trên tổng dân số của xã. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để đào tạo học sinh, sinh viên DTTS liên thông từ bậc phổ thông dân tộc nội trú, dự bị đại học đến đại học và sau đại học.

Hai là, hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS. Theo đó, tiếp tục triển khai Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện đúng, đầy đủ, có hiệu quả các chế độ, chính sách ưu tiên đối với CBCC cấp xã người DTTS. Nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách có tính đặc thù trong tuyển dụng; ĐTBD; tiêu chuẩn, điều kiện trong quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với CBCC cấp xã người DTTS. Nghiên cứu, quy định chế độ, chính sách thu hút nhân tài, trọng dụng, đãi ngộ, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội phù hợp đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ và hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan đến cử tuyển và hệ thống giáo dục với tính liên tục, liên thông giữa các bậc học. Thực hiện quy hoạch, đào tạo, phân luồng, hướng nghiệp học sinh DTTS sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và các cấp học khác để tạo nguồn CBCC cấp xã người DTTS gắn với nhu cầu sử dụng của địa phương, đặc biệt chú trọng các vị trí cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở ở những vùng có đông đồng bào DTTS.

Điều chỉnh, quy định cụ thể chỉ tiêu tuyển sinh người DTTS của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề ở vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để tạo nguồn CBCC cấp xã người DTTS. Tạo sự thống nhất giữa cơ quan có thẩm quyền cử với cơ quan có trách nhiệm đào tạo, cơ quan có trách nhiệm xem xét, tuyển dụng theo vị trí việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường bảo đảm việc triển khai có hiệu quả. Lồng ghép giữa đào tạo văn hóa với đào tạo kiến thức chuyên biệt quản lý, lãnh đạo đối với các đối tượng dự nguồn CBCC cấp xã DTTS. Đổi mới nội dung chương trình đào tạo nguồn các bộ vừa bảo đảm tính thống nhất quốc gia, vừa phù hợp với đặc thù vùng DTTS.

Bốn là, triển khai có hiệu quả các chính sách về thu hút, trọng dụng, tạo nguồn, ĐTBD CBCC cấp xã người DTTS. Điều chỉnh và ban hành kịp thời các chính sách về chế độ đãi ngộ cho phù hợp đối với đội ngũ CBCC cấp xã người DTTS, nhất là ở các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tổng kết để kịp thời đề ra các giải pháp để không ngừng nâng cao trình độ, năng lực cho CBCC cấp xã người DTTS, phù hợp với từng địa bàn vùng DTTS.

Năm là, cấp ủy các địa phương nhất là Ban Thường vụ và người chủ trì cấp ủy cơ sở cần nâng cao nhận thức về công tác CBCC cấp xã người DTTS. Nghiêm túc rà soát, đánh giá đúng thực trạng công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng CBCC cấp xã người DTTS, chú trọng cả số lượng hợp lý (theo tỷ lệ dân số) và bảo đảm chất lượng. Theo đó, công tác CBCC cấp xã người DTTS phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và đặc điểm xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, cần chăm lo phát triển đội ngũ đảng viên người DTTS ở các thành phần dân tộc; tìm các nhân tố tích cực trong số thanh niên người DTTS đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quân sự và thông qua các phong trào thi đua ở cơ sở, ngành, địa bàn vùng DTTS.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 371.
2. Quyết định số 122/2003/QĐ-TTg ngày 12/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác dân tộc.
3. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từ sau Hội nghị Trung ương 5 khóa IX và một số kiến nghị. https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 20/11/2021.
4. Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương tại Hội thảo: “Tăng cường công tác cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số” do Đảng Đoàn Quốc hội và Ban Tổ chức Trung ương tổ chức tại Hà Nội, tháng 6/2017.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019.
3. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
4. Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030.
5. Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.
6. Thông tư liên tịch 02/2014/TTLT-BNV-UBDT ngày 11/9/2014 của Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thi hành chính sách cán bộ, công, viên chức người dân tộc thiểu số quy định tại Điều 11 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc.
ThS. Phạm Thị Kim Cương
Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc