Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số ở tỉnh Gia Lai

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số ở tỉnh Gia Lai là bước chuyển tất yếu nhằm nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng, trong đó có cả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; đồng thời là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội tại tỉnh Gia Lai.
Trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ảnh: moc.gov.vn.
Việc xây dựng kế hoạch phát triển chính quyền điện tử của tỉnh

Theo Kế hoạch số 2415/KH-UBND ngày 03/12/2020 về chuyển đổi số của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 31/12/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND) đã ban hành Quyết định số 797/QĐ-UBND và Quyết định số 798/QĐ-UBND về kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động các cơ quan nhà nước và phát triển chính quyền điện tử (CQĐT), chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Gia Lai. Trong đó, các nội dung về xây dựng và phát triển CQĐT được thực hiện như sau:

Về hạ tầng kỹ thuật CNTT, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong hệ thống hành chính cấp sở, huyện đều được trang bị máy tính để điều hành, tác nghiệp trong công việc chuyên môn. Tính chung, tỷ lệ máy tính/CBCCVC đạt trên 95%. Tất cả các đơn vị đều đã xây dựng mạng nội bộ (LAN) và các máy tính tại các phòng/ban chuyên môn thuộc các đơn vị đều được kết nối internet (trừ các máy tính được sử dụng để soạn thảo các văn bản theo chế độ mật). Hệ thống mạng diện rộng của tỉnh (WAN) cũng được triển khai kết nối từ Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh tới các sở, ngành, UBND cấp huyện, các phòng, ban cấp huyện và UBND cấp xã, đồng thời kết nối Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh. Hiện nay, hệ thống WAN hoạt động ổn định, được sử dụng để gửi, nhận văn bản điện tử giữa các đơn vị, địa phương; tổ chức hội nghị truyền hình trực tuyến; liên thông các hệ thống thông tin (một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, quản lý giao việc,…).

Công tác bảo đảm an toàn thông tin ở các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh đã được trang bị thiết bị tường lửa tích hợp khả năng chống xâm nhập, phần mềm chống virus và thiết bị lưu trữ dữ liệu dự phòng. Công tác ứng phó sự cố an toàn thông tin cũng được triển khai nghiêm túc, các nhiệm vụ triển khai theo kế hoạch, chủ động trong công tác ứng cứu sự cố mất an toàn thông tin mạng. Các đơn vị, địa phương đã triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình “4 lớp” và thường xuyên theo dõi, đôn đốc, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, khắc phục các nguy cơ lây nhiễm mã độc, tấn công mạng và các nguy cơ khác gây mất an toàn thông tin theo khuyến cáo của Cục An toàn thông tin.

Bên cạnh đó, Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh cũng đang được triển khai giải pháp giám sát an toàn thông tin (hệ thống SOC) và được kết nối về Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (thuộc Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông) để được theo dõi, cảnh báo an toàn thông tin cho các hệ thống CQĐT của tỉnh Gia Lai. Công tác ứng phó sự cố an toàn thông tin cũng được triển khai nghiêm túc; Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan thường trực Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Gia Lai – viết tắt là Đội ứng cứu) cũng đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2021, đồng thời, kiện toàn, phê duyệt lại danh sách thành viên, lập nhóm trao đổi thông tin trên zalo để chủ động trao đổi, phối hợp trong công tác ứng cứu sự cố mất an toàn thông tin mạng.

Một số kết quả đạt được

Hiện tại, tất cả các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã và một số cơ quan nhà nước khác đã sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ công việc phát huy hiệu quả. Hệ thống hoạt động ổn định, việc luân chuyển văn bản điện tử đã được thực hiện liên thông 4 cấp (từ các cơ quan trung ương gửi đến cấp tỉnh; các cơ quan ngoài tỉnh gửi đến các cơ quan trong tỉnh và từ UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện và đến UBND cấp xã). Trong năm 2021, trên hệ thống đã gửi 431.404 văn bản điện tử; đã nhận 2.019.210 văn bản điện tử, trong đó tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử: 98%; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử và song song với văn bản giấy: 2%1.

Hệ thống Một cửa đã tiếp nhận 488.852 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 98,71% trên tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trên hệ thống. Với nhiều giải pháp quyết liệt; các đơn vị, địa phương đã giảm sâu về tỷ lệ hồ sơ trễ hạn qua từng tháng; nhiều đơn vị, địa phương không có hồ sơ trễ hạn (tỷ lệ trễ hạn 0%), như: Pleiku (22/22), Ia Pa (9/9), Đak Pơ (8/8), An Khê (11/11), Chư Sê (15/15), Ayun Pa (4/8), Ia Grai (6/13), Kbang (14/14), Chư Păh (14/14), Đức Cơ (10/10), Chư Pưh (4/9), Chư Prông (16/20), Đak Đoa (17/17), Krông Pa (14/14), Kông Chro (7/14), Phú Thiện (10/10), Mang Yang (9/12).

Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai cũng đã có văn bản làm việc với các đơn vị có khả năng xây dựng hệ thống số hóa kết quả giải quyết TTHC, gồm có 20/20 sở, ban, ngành; 17/17 UBND cấp huyện; 12/12 chi cục trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông; 220/220 UBND cấp xã và 3 cơ quan ngành dọc, từ đó lựa chọn giải pháp tối ưu nhất để triển khai thử nghiệm dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh tại địa chỉ truy cập https://mail.gialai.gov.vn đã có hơn 287 cơ quan hành chính nhà nước và một số cơ quan Đảng, đoàn thể thuộc tỉnh cũng đăng ký sử dụng; hơn 12.202 CBCCVC đã được tạo lập và cấp hộp thư điện tử. Tỷ lệ CBCCVC thường xuyên sử dụng thư điện tử cho công việc đạt tỷ lệ khoảng 80%, trong đó có các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; UBND các huyện: Pleiku, An Khê, Ayun Pa, Đak Pơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Krông Pa, Mang Yang; các chi cục: Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Dân số kế hoạch hoá gia đình, Phát triển nông thôn, Thủy lợi, Chăn nuôi và Thú y.

Hệ thống Hội nghị trực tuyến đã triển khai tại 20 điểm cầu từ cấp tỉnh đến cấp huyện, từ cấp huyện đến 190/220 xã (đạt tỷ lệ 86,36%)2. Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông) đã nghiên cứu, phát triển (không sử dụng ngân sách nhà nước) hệ thống hội nghị trực tuyến sử dụng giải pháp mã nguồn mở “Gia Lai eMeeting” phục vụ nhu cầu tổ chức họp trực tuyến của các đơn vị, địa phương.

Hệ thống Cổng/Trang thông tin điện tử (Website): có 100% sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện (có tích hợp trang thành phần các đơn vị cấp xã trực thuộc) có Cổng/Trang thông tin điện tử cung cấp tương đối đầy đủ thông tin theo quy định. Đồng thời, xây dựng chuyên mục, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời trên Cổng/Trang thông tin điện tử, công khai tiến độ, kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định.

Hiện nay, toàn bộ TTHC của tỉnh (1.894 TTHC) được cung cấp theo dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ở mức độ 2; DVCTT mức độ 3: 126 TTHC và mức độ 4: 1.025 TTHC; tất cả được tích hợp tại Cổng Dịch vụ công của tỉnh tại địa chỉ: https: dichvucong.gialai.gov.vn, trong đó có 810 TTHC được DVCTT tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tính đến thời điểm báo cáo, số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết qua DVCTT mức độ 3 và 4 là hơn 18.401 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết qua DVCTT mức độ 3 và 4/tổng số hồ sơ của các DVCTT có phát sinh hồ sơ trực tuyến (theo cách tính của Bộ Nội vụ) là: 80%. Năm 2021, các đơn vị, địa phương hoàn thành đồng bộ 100% kết quả xử lý hồ sơ TTHC trên địa bàn tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; thực hiện tích hợp 100% DVCTT mức độ 3 và 4 của các sở, ngành, địa phương với Cổng Dịch vụ công của tỉnh3.

Triển khai phần mềm “Quản lý giao việc” của UBND tỉnh được tích hợp vào hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành. Trang thông tin điện tử thống kê tình hình xử lý công việc do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao được công khai tại địa chỉ: https://congkhai.gialai.gov.vn và https://qlygiaoviec.gialai.gov.vn. Triển khai các ứng dụng CNTT khác: Đề án “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030”; hệ thống, ứng dụng CNTT do các bộ, ngành trung ương triển khai (như: Ncov, Bluezone, quét mã QR, Tokhaiyte.vn, sổ sức khỏe điện tử, nền tảng quản lý tiêm chủng…); xây dựng nhiều ứng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch theo yêu cầu riêng của tỉnh. Các hệ thống thông tin phục vụ công tác chuyên môn của các ngành được các đơn vị triển khai, đưa vào sử dụng, góp phần tích cực vào công tác cải cách hành chính: hệ thống thông tin tài chính các đơn vị hành chính sự nghiệp; cơ sở dữ liệu giá; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu công tác dân tộc…

Từ năm 2020, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP), Cổng Dịch vụ công quốc gia và tiếp tục bổ sung các dịch vụ kết nối theo yêu cầu của Trung ương. Các ứng dụng trong nội bộ (hệ thống một cửa điện tử, cổng dịch vụ công,…) thông qua mạng WAN, mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của tỉnh đã được kết nối thông qua LGSP với NGSP sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Tình hình thực hiện Giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Toàn bộ trẻ em đã được cấp thẻ Bảo hiểm y tế kịp thời, bảo đảm (100%) quyền lợi được hưởng theo quy định khi đi khám chữa bệnh. Hiện tại, cơ quan Bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ qua các hình thức: giao dịch điện tử, dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công và trực tiếp tại bộ phận Một cửa. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai đề nghị các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh thực hiện việc gửi hồ sơ giao dịch điện tử (gồm hồ sơ ốm đau; thai sản; chế độ hưu trí; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…) trên hệ thống giao dịch điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Kết quả hoạt động áp dụng ISO trong hoạt động của cơ quan hành chính (được gọi là Hệ thống quản lý chất lượng – HTQLCL). Hiện nay, đã có có 272 cơ quan hành chính Nhà nước và các đơn vị ngành dọc đã xây dựng, chuyển đổi áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015. Tỉnh đã tổ chức triển khai thí điểm xây dựng và áp dụng HTQLCL điện tử (ISO điện tử) theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Thông tin và Truyền thông4.

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 129/QĐ-UBND ngày 11/3/2021 về Kế hoạch kiểm tra tình hình áp dụng duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 tại các cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2021. Đến nay, đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 22 cơ quan, đơn vị, địa phương5. Qua kiểm tra các cơ quan, địa phương đã tổ chức chuyển đổi và công bố áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Gia Lai trong thời gian tới

Một là, triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 602/QĐ-UBND ngày 17/9/2021 của UBND tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, thông tin, tuyên truyền về công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng toàn diện triển khai cải cách hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hiện nay.

Hai là, triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương ban hành. Thực hiện công tác rà soát văn bản QPPL theo quy định, kịp thời phát hiện, xử lý những văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với quy định của cơ quan nhà nước cấp trên và tình hình thực tiễn địa phương nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện, thống nhất, đồng bộ. Đăng tải kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND tỉnh ban hành lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Ba là, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hồ sơ trình công bố TTHC hoặc công bố danh mục TTHC; công bố công khai, minh bạch các TTHC và nhập, đăng tải công khai, tích hợp, khai thác và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; tổ chức tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính theo quy định.

Bốn là, thường xuyên rà soát, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ theo kế hoạch triển khai Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Năm là, rà soát, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, đồng bộ, hiệu quả ở các cơ quan nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh sau khi sắp xếp theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Sáu là, thực hiện bố trí công chức, viên chức đúng theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng với từng vị trí việc làm đã được phê duyệt. Tiếp tục phê duyệt đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện sau khi hoàn thành sắp xếp, sáp nhập. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC trên cơ sở vị trí, chức danh, yêu cầu nhiệm vụ và quy hoạch theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2022 của UBND tỉnh.

Bảy là, chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh sang tự chủ chi thường xuyên; sáp nhập một số quỹ tài chính ngoài ngân sách của tỉnh và sáp nhập một số hội có nhiệm vụ tương đồng của tỉnh theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và Chương trình hành động số 64-CTr/TU ngày 05/6/2018 của Tỉnh ủy Gia Lai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Tám là, tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tinh giản biên chế gắn với việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Chín là, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách tiền lương, các chế độ, chính sách lương theo quy định Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019 của Chính phủ và Thông tư số 04/2019/TT-BNV ngày 24/5/2018 của Bộ Nội vụ. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 2415/KHUBND ngày 03/12/2020 của UBND tỉnh Gia Lai về chuyển đổi số của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục triển khai Kiến trúc CQĐT 2.0 trên địa bàn tỉnh; bảo đảm thống nhất về kiến trúc và công nghệ trong phát triển các ứng dụng phục vụ cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh trong những giai đoạn tiếp theo.

Chú thích:
1. Văn bản số 2081/STTTT-CNTT ngày 16/11/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai về việc nghiên cứu, tham gia tư vấn xây dựng hệ thống quản lý kết quả số hóa thủ tục hành chính.
2, 3, 4, 5. Báo cáo số 179/BC-UBND ngày 23/12/2021 của UBND tỉnh Gia Lai về tình hình kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2021 và phương phướng, nhiệm vụ công tác cải cách hành chính năm 2022 của tỉnh Gia Lai.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 129/QĐ-UBND ngày 11/3/2021 của UBND tỉnh Gia Lai về kế hoạch kiểm tra tình hình áp dụng duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 tại các cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2021.
2. Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản lại biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
3. Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
Lê Huỳnh Lai
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai