Quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết ở quận Bình Tân

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, nhờ sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, Ủy ban nhân dân quận đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương đồng bộ thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi của người dân, thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng tại hộ gia đình… Từ năm 2017 – 2021, quận Bình Tân đã đạt kết quả cao trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Ảnh minh họa (internet).

Quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh có diện tích  52,02 km2, dân số là 784.173 người, mật độ dân số đạt 15.074 người/km2, giáp ranh với nhiều quận, huyện, như: Bình Chánh, Hóc Môn, quận 6, quận 8, quận 12, quận Tân Phú1. Trên địa bàn quận Bình Tân có lượng dân nhập cư rất cao, nhiều nhà trọ điều kiện sinh hoạt còn kém, một số hộ dân còn sử dụng lu, khạp chứa nước để dùng cho sinh hoạt hằng ngày, ô nhiễm môi trường phát sinh mầm bệnh sốt xuất huyết (SXH), gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch (PCD).

Công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận Bình Tân

Những năm qua, nhờ sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về tăng cường công tác PCD SXH, Ủy ban nhân dân quận đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương đồng bộ thực hiện nhiều biện pháp PCD, trong đó có nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi của người dân, thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng tại hộ gia đình… Từ năm 2017 – 2021, quận Bình Tân đã đạt kết quả cao trong công tác PCD SXH, cụ thể số ca mắc SXH năm 2017 là 480 ca, giảm 37,8 % so với cùng kỳ năm 2016 (480/772 ca); năm 2018 là 385 ca, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2017 (385/480 ca); năm 2019 là 346 ca, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm 2018 (346/385 ca); năm 2020 là 255 ca, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2019 (255/346 ca); năm 2021 là 111 ca, giảm 56,5% so với cùng kỳ năm 2020 (111/255 ca)2.

Thực hiện chỉ đạo của ngành Y tế Thành phố, Ủy ban nhân dân quận Bình Tân, ngành Y tế quận phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể quận xây dựng, tổ chức thực hiện công tác PCD SXH, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân thông qua những hình thức phong phú, như: đài phát thanh – truyền hình, loa cổ động, in tờ rơi, in thông báo, tổ chức các buổi tập huấn, họp dân, xe lưu động, tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình, cơ quan, công ty, trường học, bệnh viện; thực hiện các chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi, dọn dẹp các vật chứa nước, các vật phế thải… nhằm kiểm soát điểm nguy cơ PCD SXH.

Căn cứ tình hình thực tế và nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi, dự định của người dân trong công tác PCD SXH năm 2020 trên địa bàn quận Bình Tân, như: thái độ, chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi có mối quan hệ tác động tích cực đến ý định PCD SXH của người dân tại quận. Trong đó, nhân tố chuẩn chủ quan tác động mạnh nhất, đồng thời yếu tố ý định có tác động tích cực đến hành vi phòng bệnh SXH.

Công tác giám sát được thực hiện chủ động, thường quy qua các số liệu, thông tin về ca mắc, tử vong, điểm nguy cơ, côn trùng truyền bệnh; giám sát thường quy tại 10 phường, đặc biệt tại các phường trọng điểm; giám sát véc tơ truyền bệnh, theo dõi liên tục diễn tiến của các chỉ số côn trùng nhằm cung cấp thêm các dữ liệu để đánh giá tình hình dịch bệnh, môi trường phục vụ cho công tác dự báo để chủ động kiểm soát và giảm nhanh mật độ muỗi tại các điểm có nguy cơ cao nhằm hạn chế sự phát sinh dịch bệnh. Phát hiện và xử lý các ổ dịch phát sinh kịp thời và hiệu quả không để các ổ dịch lan rộng và kéo dài. Thực hiện công tác điều tra các ca bệnh trong vòng 24 giờ; đồng thời, nhập ca bệnh lên hệ thống GIS (hệ thống thông tin địa lý), khoanh vùng xác định sự tồn tại và phạm vi ảnh hưởng của ổ dịch.

Ngành Y tế quận đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể quận và Ủy ban nhân dân phường tăng cường truyền thông phòng bệnh SXH. Nội dung trong buổi truyền thông đều dùng hình ảnh, số liệu thực tế từng phường trên địa bàn quận, truyền thông nguy cơ tại ổ dịch đang diễn ra, sử dụng các quyết định đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế, hướng dẫn cách nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh SXH và đưa đến các cơ sở y tế gần nhất như trạm y tế, phòng khám đa khoa, bệnh viện. Truyền thông PCD SXH cho các đảng viên của quận; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, các tổ chức chính trị xã hội quận, phường; các phòng, ban, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc quận. Truyền thông về việc tư vấn sức khỏe, phát tờ rơi, không để ứ đọng nước trong nhà, thực hiện diệt lăng quăng và tổng vệ sinh môi trường trong nhà, quanh nhà đến từng hộ gia đình, từng cơ quan, trường học, bệnh viện… Hưởng ứng ngày ASEAN PCD SXH hằng năm.

Trung tâm Y tế quận Bình Tân đã thành lập đội cơ động PCD gồm các nhân viên có chuyên môn và kinh nghiệm chống dịch nhằm hỗ trợ các phường có ca bệnh SXH tăng cao, chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện khi cần thiết.

Thực hiện theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về ban hành Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bình Tân đã ứng dụng phần mềm hệ thống báo cáo, giám sát của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế vào PCD và đã đạt được kết quả, như: cập nhật thông tin các ca bệnh truyền nhiễm từ các bệnh viện, thống kê số liệu ca bệnh truyền nhiễm, tổng hợp và xuất kết quả báo cáo, hiển thị biểu đồ, bản đồ dịch theo tuần, tháng, năm về các bệnh truyền nhiễm; phần mềm hệ thống thông tin địa lý quản lý bệnh truyền nhiễm GIS, đây là phần mềm online của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, áp dụng thực hiện từ tháng 01/2017 đến nay. Việc sử dụng phần mềm giúp quản lý tất cả các ca bệnh SXH (nội trú và ngoại trú), tìm kiếm ca bệnh SXH nhanh chóng, cập nhật dữ liệu điều tra ca bệnh SXH đầy đủ, khoanh vùng xử lý tất cả các ổ dịch SXH trên địa bàn quận, thống kê số liệu ca bệnh SXH của từng khu phố theo thời gian, hiển thị biểu đồ, bản đồ dịch bệnh SXH.

Một số giải pháp quản lý nhà nước phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận Bình Tân

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức cho người dân. Từ kết quả trên cho thấy, khi cả ba yếu tố là thái độ, chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi đều ảnh hưởng đến ý định và hành vi phòng, chống bệnh SXH của người dân. Vì vậy, để cải thiện ý định và hành vi PCD SXH của người dân trên địa bàn cần tập trung vào  công tác tuyên truyền đến người dân. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thông tin PCD SXH cho tất cả các đối tượng trên địa bàn quận.

Tuyên truyền đến người dân cần sử dụng những cách thức đơn giản, đạt hiệu quả cao, như: các biện pháp phòng muỗi đốt, các biện pháp diệt lăng quăng, cách chăm sóc và theo dõi người bệnh SXH tại nhà, thông điệp về xử phạt vi phạm hành chính trong PCD SXH… Tuyên truyền qua các buổi họp tổ, họp khu phố của phường; tuyên truyền qua loa phát thanh, bảng tin của phường. Tài liệu tuyên truyền, khuyến cáo gồm: các áp phích, tờ rơi, băng rôn về các biện pháp phòng, chống bệnh SXH được trình bày, trang trí tùy thuộc vào đối tượng được tuyên truyền, khuyến cáo, nhất là phải sử dụng màu sắc và hình ảnh hấp dẫn, dễ hiểu. Người tuyên truyền, khuyến cáo phải hiểu rõ về công tác PCD SXH, giọng nói phải truyền cảm, dễ nghe, nội dung phải ngắn ngọn nhưng phải thể hiện đầy đủ các biện pháp PCD SXH để đối tượng được tuyên truyền có thể nắm bắt được nội dung nhanh chóng.

Thứ hai, nâng cao năng lực chuyên môn trong công tác PCB SXH. Thực hiện giám sát đồng bộ các ca bệnh nhằm chủ động triển khai các biện pháp PCD kịp thời, không để dịch lan rộng, kéo dài. Giám sát chỉ số muỗi, chỉ số bọ gậy tại các phường trọng điểm. Xác định thành phần loài muỗi tại tất cả các điểm điều tra. Khi có ca bệnh lập tức phải điều tra dịch tễ, các chỉ số côn trùng trong vòng 24h. Tập huấn cho toàn thể các ban, ngành các cấp, nhân viên y tế, cộng tác viên, giáo viên, học sinh nhà trường về bệnh SXH. Tập huấn giám sát, xử lý và triển khai báo cáo bệnh SXH theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm cho các đơn vị y tế trên địa bàn.

Thực hiện tập huấn về chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn công tác giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch cho nhân viên y tế. Giám sát chặt chẽ bệnh SXH đến tận khu phố, nhất là các trường hợp đi về từ vùng có dịch, hướng dẫn họ cách theo dõi, phát hiện và khai báo với cơ sở y tế nếu có biểu hiện bệnh. Khi phát hiện ca nghi ngờ mắc bệnh phải tiến hành điều tra, xử lý dịch theo quy định của Bộ Y tế. Tiến hành giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp mắc tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn. Đồng thời, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, thuốc men sẵn sàng cho việc thu dung, cấp cứu điều trị bệnh nhân. Kiện toàn đội cơ động PCD, thường xuyên diễn tập, vận hành trang thiết bị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có dịch xảy ra.

Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp các ban, ngành, đoàn thể. Lãnh đạo chính quyền trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các ban, ngành đoàn thể phối hợp với ngành Y tế triển khai đồng bộ các hoạt động PCD SXH. Thực hiện ký cam kết với trường học, công ty, xí nghiệp, hộ gia đình về PCD. Ngành Y tế phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và người dân thực hiện phun hóa chất ở nơi có mật độ muỗi cao và tham gia chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng.

Thứ tư, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành. Kiện toàn Ban Chỉ đạo PCD của quận, xây dựng kế hoạch PCD SXH chủ động tại địa phương, đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo PCD các cấp. Chỉ đạo việc phát hiện, xử lý sớm ca bệnh mắc SXH nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Người đứng đầu địa phương, đơn vị cần nâng cao trách nhiệm trong việc PCD SXH. Thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện việc PCD SXH tại địa phương, đơn vị. Chỉ đạo, thực hiện kịp thời việc cung cấp các thông tin, định hướng tuyên truyền về PCD SXH. Kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân, đơn vị thực hiện tốt và phê bình cá nhân, đơn vị không thực hiện công tác PCD  SXH.

Chú thích:
1. Quận Bình Tân. https://vi.wikipedia.org, ngày 22/02/2022.
2. Trung tâm Y tế quận Bình Tân. Báo cáo kết quả phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn quận Bình Tân từ năm 2017 – 2021.
ThS. Nguyễn Trọng Hiền
Trung tâm Y tế quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh