Năng lực làm việc của cán bộ, công chức trong môi trường quốc tế và những yêu cầu đặt ra

(Quanlynhanuoc.vn) – Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa mang đến nhiều cơ hội và thách thức đan xen cho mỗi quốc gia. Để làm việc trong môi trường quốc tế đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước phải có năng lực làm việc tốt. Đó là những đặc điểm, thuộc tính tâm lý bảo đảm cho chủ thể hoạt động thực hiện một cách chủ động, hiệu quả những nhiệm vụ được giao trong điều kiện phải xử lý hài hòa các mối quan hệ lợi ích về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh – quốc phòng… của Việt Nam với các quốc gia, các tổ chức trên thế giới, phù hợp với luật pháp. Bài viết phân tích năng lực làm việc cần có trong môi trường quốc tế và những yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, công chức.
Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về phát triển năng lực hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách dành cho công chức lãnh đạo, quản lý do Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Trường Công vụ Xinh-ga-po tổ chức, ngày 09/5/2022.
Môi trường quốc tế và năng lực làm việc của cán bộ, công chức trong môi trường quốc tế

Môi trường quốc tế (MTQT) được hiểu là tổng thể các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng… giữa nước ta với các nước và các tổ chức quốc tế; là không gian mà từng chủ thể trong quá trình hội nhập quốc tế khẳng định vị thế, năng lực cạnh tranh, bản sắc của quốc gia, dân tộc mình trước thế giới, trước các định chế quốc tế, trước các đối tác.

Năng lực và năng lực làm việc (NLLV), trên thực tế để đo NLLV của cán bộ, công chức (CBCC) có thể đo bằng: năng suất, hiệu quả, chất lượng công việc; tiến độ, thời gian giải quyết công việc; và đo bằng sự hài lòng của công chúng, bao gồm: công chúng nội bộ (tức là CBCC, viên chức, người lao động trong cơ quan) và công chúng bên ngoài (người dân, khách hàng). Nhưng để có được kết quả đó, CBCC cần phải có kiến thức mới và đủ rộng, bao gồm cả kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức về công nghệ thông tin/kiến thức số; kỹ năng thao tác công việc thành thạo, chuẩn mực trong đó bao gồm cả việc vận dụng kỹ năng số và thái độ/hành vi muốn làm, muốn hợp tác thì mới có được kết quả làm việc như mong muốn.

Từ phân tích nêu trên, có thể hiểu một cách ngắn gọn, NLLV là tổng hợp những đặc điểm, thuộc tính tâm lý, kiến thức, kỹ năng và hành vi của cá nhân phù hợp với yêu cầu hoạt động của một loại hình tổ chức nhất định nhằm bảo đảm cho hoạt động của tổ chức đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Như vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là NLLV của CBCC nhà nước trong MTQT, cần phải có những năng lực gì? Thiết nghĩ, NLLV của CBCC làm việc trong MTQT cũng không ngoài 3 nhóm năng lực chính nêu trên, bao gồm: kiến thức, kỹ năng và thái độ/hành vi nhưng các nhóm năng lực đó đối với CBCC làm việc trong MTQT, đòi hỏi phải thích ứng, phù hợp với môi trường làm việc, phải có những năng lực chuyên biệt, tác phong làm việc chuyên nghiệp, bảo đảm cho việc thực hiện công việc có tính sáng tạo, xử lý hài hòa các mối quan hệ lợi ích về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại… của đất nước trong MTQT. Bởi vì, làm việc trong MTQT, với tư cách hoạt động có khi là “chủ”, có khi lại hoán đổi thành “khách”, hơn thế nữa môi trường làm việc rất đa dạng và đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, ngoài làm việc trực tiếp, CBCC còn phải làm việc trong môi trường điện tử, môi trường số, không gian số… Làm việc trong MTQT cần phải căn cứ luật pháp quốc gia, luật pháp nước sở tại và luật pháp quốc tế mà ở đó lợi ích quốc gia, dân tộc, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đan xen khá phức tạp.

Hơn thế nữa, làm việc trong MTQT đòi hỏi sự tương tác với nhiều đối tượng khác nhau, với những con người thuộc nhiều quốc gia, tôn giáo, dân tộc và giữa các nền văn hóa khác nhau. Chính vì vậy, để thích ứng với môi trường làm việc quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng, yêu cầu mỗi CBCC cần có những năng lực phù hợp, đáp ứng xu thế của thời đại.

Những yêu cầu đặt ra với năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của cán bộ, công chức

NLLV của CBCC trong MTQT đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành luôn quan tâm. Văn kiện Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2030. Cụ thể: (1) Đối với cán bộ cấp chiến lược: thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín; trên 15% dưới 45 tuổi; từ 40 – 50% đủ khả năng làm việc trong MTQT; (2) Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương ở Trung ương: từ 20 – 25% dưới 40 tuổi; từ 50 – 60% đủ khả năng làm việc trong MTQT1. Mục tiêu này thể hiện yêu cầu cấp thiết của thực tiễn và chiến lược hết sức rõ ràng của Đảng về công tác cán bộ trong điều kiện hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng, đặc biệt là yêu cầu hội nhập quốc tế trong điều kiện mới.

Văn kiện Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) cũng chỉ rõ những mặt còn hạn chế, như: “nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế”2.Vì vậy, để làm việc được trong MTQT CBCC cần phải đáp ứng một số yêu cầu cơ bản sau:

Thứ nhất, về phẩm chất chính trị, tư tưởng.

Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế đã chỉ rõ, người làm việc trong MTQT phải có bản lĩnh chính trị vững vàng; hiểu rõ bản chất chính trị của đối tác, đối tượng, không lơ là mất cảnh giác, xa rời nguyên tắc khi hoạt động hoặc quá cứng nhắc, thiếu linh hoạt cần thiết; nhạy bén, tỉnh táo trong nhận diện những cạm bẫy được ngụy trang rất tinh vi, dưới nhiều hình thức khác nhau, nhất là những cám dỗ về tiền tài, vật chất khi phải làm việc với những đối tác quốc tế liên quan đến những dự án thuộc lợi ích tầm quốc gia; vận dụng sáng tạo, linh hoạt phương pháp và cách xử trí trước mọi tình huống trong môi trường làm việc quốc tế với phương châm: hội nhập nhưng không hòa tan, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc trong môi trường làm việc quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển; cảnh giác với những âm mưu của các thế lực thù địch thông qua hội nhập để thực hiện “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam3.

Thứ hai, về mặt kiến thức.

Làm việc trong môi trường đầy biến động, đa dạng và khá phức tạp với tính cạnh tranh cao, đòi hỏi CBCC cần có kiến thức sâu, rộng trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể:

(1) Kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về vị trí, công việc đảm nhận. Kiến thức chuyên môn sâu giúp cho CBCC có khả năng phân tích nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, trên cơ sở đó lựa chọn đối tác và phương pháp hợp tác trong hội nhập quốc tế. Vì vậy, kiến thức chuyên môn về ngành/lĩnh vực phải sâu rộng để nhận diện, phân tích những thuận lợi và khó khăn, qua đó, xác định cách thức hợp tác hiệu quả, phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra.

(2) Kiến thức về pháp luật. Làm việc trong MTQT trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng đòi hỏi CBCC không chỉ hiểu biết sâu rộng kiến thức pháp luật trong nước mà còn phải hiểu biết sâu rộng về luật pháp sở tại, luật pháp và thông lệ quốc tế.

(3) Kiến thức về kinh tế, chính trị. Để đáp ứng được yêu cầu làm việc trong MTQT, CBCC cần hiểu rõ hệ thống chính trị quốc tế, hiểu sâu sắc về chính trị quốc tế, đặc biệt là mối quan hệ giữa các nước trên thế giới và những nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, các nước ASEAN và những nước láng giềng với nước ta.

(4) Kiến thức về văn hóa, xã hội, lịch sử, đặc biệt cần phải nhạy bén với thực tế. Để làm việc trong môi trường đa văn hóa, ngoài kiến thức về văn hóa, xã hội, lịch sử trong nước, CBCC cần am hiểu văn hóa, xã hội, lịch sử của các nước khác. Cần phải có sự hiểu biết văn hóa của mỗi quốc gia, khu vực để có ứng xử phù hợp, rèn kỹ năng làm việc thích ứng với môi trường đa văn hóa.

(5) Có kiến thức về khoa học – công nghệ, làm chủ công nghệ. Trên thực tế, làm việc và trao đổi công việc bằng hình thức trực tuyến đã trở nên phổ biến và đưa lại những lợi ích nhất định. Khoảng cách địa lý không còn là vấn đề khi mà từ nước Anh, người ta vẫn có thể “họp online” với đồng nghiệp tại Việt Nam chỉ trong vài giây, bằng vài cú click chuột. Công nghệ và sự phát triển của kỷ nguyên số đã thay đổi hoàn toàn cách làm việc của các quốc gia, các tổ chức và của mỗi thành viên trong xã hội. Điều đó, yêu cầu CBCC cần phải làm chủ công nghệ nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, đặc biệt để làm việc được trong MTQT, mỗi CBCC cần liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức, đặc biệt là kiến thức về công nghệ, kiến thức về công nghệ số… để làm chủ công nghệ và văn hóa làm việc online.

(6) Kiến thức về lãnh đạo, quản lý và khả năng lãnh đạo, quản lý. Để làm việc có năng suất và hiệu quả cao và thích ứng với MTQT, ngoài những nhóm kiến thức trên, mỗi CBCC cần có kiến thức về lãnh đạo, quản lý bởi một điều đơn giản là để làm việc tốt, trước hết cá nhân CBCC cần phải có khả năng lãnh đạo, quản lý bản thân mình trước. Khả năng “lãnh đạo, quản lý” bản thân thành công cần có tầm nhìn, khát vọng, quyết đoán, gương mẫu, chính trực và tự tin. Cách suy nghĩ, cách làm, đặc biệt cách nghĩ “tôi có thể” sẽ giúp cho mỗi cá nhân dẫn đầu và truyền cảm hứng cho đồng nghiệp, cho mọi người xung quanh mình. Tuy nhiên, để đạt được điều này, mỗi cá nhân cần có những kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với môi trường làm việc của tổ chức và đặc biệt trong MTQT.

Thứ ba, về kỹ năng làm việc.

Ngoài nhóm kiến thức nêu trên, thiết nghĩ CBCC muốn làm việc được trong MTQT, yêu cầu cần phải có một số kỹ năng cần thiết, như:

(1) Kỹ năng giao tiếp, ứng xử quốc tế. Đây là kỹ năng mà mới nghe có thể nhiều CBCC cho rằng “dễ” nhưng thực chất để giao tiếp thành công trong MTQT là điều không dễ dàng bởi giao tiếp liên quan đến sự am hiểu về văn hóa, đến vốn sống của mỗi người và cả sự trải nghiệm. Khi giao tiếp, ứng xử trong MTQT, mỗi CBCC phải am hiểu văn hóa để hoạt động giao tiếp thể hiện được sự tinh tế, khéo léo, chu đáo và cẩn trọng phù hợp với văn hóa liên quốc gia. Xác định được các yếu tố “cốt lõi” trong nghi thức ngoại giao cần thiết bởi vì, làm việc trong MTQT, mỗi quốc gia có nền văn hóa đặc thù riêng. Do đó, trong quá trình làm việc, tiếp xúc với đối tác, khách hàng nước ngoài, ở một mức độ nào đó, mỗi CBCC là những “đại sứ” của đất nước, của địa phương hay của tổ chức, đơn vị mình, vì thế, mọi lời nói, cử chỉ, hành động đều cần phải cân nhắc thận trọng, cần giao tiếp, ứng xử phù hợp mới để lại ấn tượng tốt cho đối tác.

Giao tiếp, ứng xử trong MTQT, trước hết CBCC cần chú ý đến thái độ. Trong giao tiếp với đối tác nước ngoài cần chân thành, tự nhiên, thân thiện, cởi mở, lịch sự nhưng cũng không nên quá tùy tiện, xuề xòa. Luôn có thái độ vui vẻ bằng cách giữ nụ cười trên môi với nét mặt tươi vui, thể hiện sự gần gũi và tạo dựng niềm tin ban đầu với đối tác. Hơn nữa, CBCC khi giao tiếp với đối tác cần khiêm tốn, tự tin nhưng không được tự ti. Hai là, hành động, trong các buổi tiếp xúc, trao đổi, đàm phán công việc không đến muộn. Khi bắt tay, cần giữ tư thế bình đẳng, nét mặt vui tươi, biểu thị tình cảm đúng mực, chìa tay phải và nhìn thẳng vào mắt nhau; không bắt tay chéo, không bắt tay người này mà nhìn người khác. Khi trao đổi danh thiếp cho nhau, cần có thái độ trang trọng, trao nhận bằng hai tay. Khi nhận danh thiếp của đối tác, không nên bỏ túi ngay, cần đọc và hỏi cách phát âm tên của khách cho đúng để thể hiện sự quan tâm. Khi được trao danh thiếp cần trao đáp lại, nếu không có nên xin lỗi và giải thích lý do. Khi nói chuyện, không nên nói to và hoa chân múa tay trong khi nói, cần kiểm soát được giọng nói của mình, nói vừa đủ nghe. Ba là, về giọng nói, nói lịch sự, không khúm núm, không tự cao. Lời “cảm ơn”, “xin lỗi” nên có trong từ điển giao tiếp quốc tế, khi làm điều gì phiền toái đến người khác cần xin lỗi, người ta giúp một việc nhỏ cũng cần phải cảm ơn. Không nên chủ động hỏi đời tư của khách hàng, đối tác, nhất là đối với phụ nữ. Không bao giờ phê phán, chỉ trích chế độ chính trị xã hội, luật lệ, phong tục, tập quán, tôn giáo của đối tác, tuyệt đối không nhận xét, chỉ trích những người lãnh đạo nước họ.

(2) Kỹ năng đàm phán, thương lượng. Làm việc trong MTQT, CBCC không chỉ giao tiếp, ứng xử tốt, mà còn phải nắm vững, biết cách chia sẻ các giá trị chung, quảng bá những giá trị của dân tộc khi làm việc với các đối tác quốc tế. Giao tiếp không chỉ là bằng lời nói và chữ viết, cử chỉ hay ngôn ngữ cơ thể, mà còn thông qua tương tác trên nền tảng đa phương tiện, qua các ứng dụng số, mạng xã hội. Vì vậy, CBCC cần chủ động, nhanh chóng làm chủ kỹ năng đàm phán, thương lượng, giao tiếp trong kỷ nguyên số.

(3) Kỹ năng gây dựng hình ảnh và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Làm việc trong MTQT phải tuân theo những kỷ luật, tác phong nghiêm ngặt nhất định, đặc biệt đối với những phong cách đã trở thành giá trị phổ quát mang tính thông lệ quốc tế. Do đó, CBCC cần có kỷ luật cao; có khả năng làm việc độc lập, có tác phong làm việc chuyên nghiệp. Trong các cuộc đàm phán, đối tác bao giờ cũng tìm cách áp đặt các luật chơi có lợi cho họ, nên CBCC làm việc trong MTQT phải thích ứng với cường độ lao động cao, có phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế. Môi trường làm việc quốc tế luôn thay đổi, vì vậy, CBCC chuyên nghiệp phải luôn sẵn sàng thích ứng với hoàn cảnh mới, làm việc chuyên nghiệp, thể hiện hình ảnh của tổ chức và cá nhân người CBCC.

Để tạo hình ảnh và tác phong làm việc chuyên nghiệp, đòi hỏi tư duy sáng tạo, chiến thuật và cần làm chủ bản thân; mỗi CBCC phải có tư duy chiến lược, nhìn xa trông rộng, tư duy tạo ý tưởng, đánh giá, tùy biến theo bối cảnh. Ngoài tác phong làm việc chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp ứng xử tốt và có tư duy sáng tạo, CBCC sẽ có khả năng phát triển một tầm nhìn rõ ràng, vì thế các hoạt động đưa đến hiệu quả cao, từ đó xây dựng hình ảnh cho cá nhân và tổ chức.

(4) Kỹ năng ngoại ngữ. Làm việc trong MTQT ngoài nhóm kiến thức và kỹ năng nêu trên, một trong những kỹ năng mà nếu thiếu hoặc quá hạn chế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả làm việc, thậm chí ngay cả hình ảnh của tổ chức đó chính là khả năng ngoại ngữ, giao tiếp bằng tiếng nước ngoài mà chủ yếu là tiếng Anh cần phải lưu loát. CBCC không thể giao tiếp, ứng xử tốt, không thể đàm phán, thương lượng tốt và không thể làm việc chuyên nghiệp khi mà năng lực ngoại ngữ hạn chế. Ngoại ngữ là kỹ năng cần thiết, giúp CBCC có thể kết nối với mọi người với đủ màu da, quốc tịch trong môi trường làm việc quốc tế, chuyên nghiệp. Ngoại ngữ là chiếc chìa khóa mở ra kho tàng tri thức vô tận từ nhiều nguồn khác nhau, dù là sách báo, audio, video hay tài liệu online ngoại văn. Mỗi CBCC năng động sẽ cảm thấy cần cho mình ít nhất một ngoại ngữ. Trên thực tế, kỹ năng ngoại ngữ của CBCC còn những hạn chế, nên nhiều CBCC làm việc chủ yếu qua phiên dịch, nên dễ rơi vào trạng thái thụ động, tự ty trong giao tiếp, trong giải quyết công việc. Vì vậy, cần phải xây dựng chiến lược quốc gia về đào tạo ngoại ngữ cho CBCC thông qua những cách làm phù hợp, khắc phục tình trạng kỹ năng ngoại ngữ còn hạn chế, phục vụ tốt hơn CBCC làm việc trong MTQT.

Chú thích:
1, 2. Văn phòng Trung ương Đảng. Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII). Tài liệu lưu hành nội bộ. Hà Nội, 2018, tr. 58, 60.
3. Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Tập I, II.  H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021.
2. Vũ Dương Huân. Ngoại giao và công tác ngoại giao. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2015.
3. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị thứ lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
4. Tài liệu Bồi dưỡng Thứ trưởng và tương đương. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2020.
TS. Nguyễn Thị Hà
Học viện Hành chính Quốc gia
ThS. Thân Văn Sang
Cục Hải quan Hà Nam Ninh