Phát triển khu công nghiệp sinh thái – sự lựa chọn phát triển kinh tế bền vững của tỉnh Quảng Ngãi

(Quanlynhanuoc.vn) – Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển công nghiệp. Qua nhiều nhiệm kỳ, Ðảng bộ tỉnh Quảng Ngãi luôn chọn công nghiệp làm khâu đột phá về phát triển kinh tế – xã hội. Ðịnh hướng đúng, môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện, ổn định và hấp dẫn đã đưa lĩnh vực công nghiệp của tỉnh phát triển với nhịp độ cao.
Ảnh minh họa (internet).
Kinh tế Quảng Ngãi và định hướng phát triển công nghiệp bền vững

Chỉ tính riêng những năm gần đây, nhiều chính sách ưu đãi để phát triển công nghiệp đã được Quảng Ngãi triển khai, đó là: tháng 02/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cấp phép cho Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất với tổng vốn đầu tư 60 nghìn tỷ đồng. Cuối năm 2020, công trình chính thức hoàn thành, đưa toàn bộ dự án đi vào hoạt động với sản lượng thép thô tối đa 5 triệu tấn/năm, tạo việc làm ổn định cho khoảng 10 nghìn lao động. Với quy mô lớn, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất đang trở thành động lực tăng trưởng mới của tỉnh Quảng Ngãi, với giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 50.000 tỷ đồng/năm, đóng góp cho ngân sách địa phương 6.000 tỷ đồng/năm. Tháng 6/2021, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục thông qua chủ trương dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất 2 có diện tích đất gần 280 ha, nằm trên địa bàn xã Bình Đông và Bình Thuận, huyện Bình Sơn; quy mô dự án 5,6 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư 85.713 tỷ đồng (tương đương 3.718 tỷ USD), giải quyết việc làm hơn 7.500 lao động, dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Đây là dự án thu hút đầu tư giúp kế hoạch năm 2021 của tỉnh vượt hơn 1.800%1.

Cùng với khu kinh tế Dung Quất, trong những năm qua, VSIP Quảng Ngãi đã cung cấp hạ tầng sản xuất cho 30 khách hàng đến từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 900 triệu USD, trong đó 17 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 19 nghìn lao động (lao động tại địa phương chiếm đến 95%)2.

Nhờ vào chủ trương phát triển kết cấu hạ tầng, công tác thu hút đầu tư đối với lĩnh vực công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đẩy mạnh cải cách hành chính. Tính đến hết tháng 4/2021, trên địa bàn tỉnh đã có 63 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 1.993 tỷ USD, 670 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 294.950 tỷ đồng; giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ năm 2020 đạt 120.000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 10.500 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng; hằng năm giải quyết việc làm mới cho 5.050 lao động3. Giai đoạn 2015 – 2020, giá trị sản xuất ngành Công nghiệp đạt 70% tổng giá trị sản xuất của toàn tỉnh, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và nguồn thu ngân sách của địa phương.

Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý KCN và khu kinh tế được ban hành, hành lang pháp lý về KCN vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nên chỉ mới đề cập tới khái niệm chứ chưa xác định được tiêu chuẩn riêng cho Việt Nam đối với một khu công nghiệp sinh thái (KCNST). Thực tế sau nhiều năm xây dựng và phát triển khu kinh tế, KCN nhưng chúng ta cũng chưa có luật về khu chế xuất, KCN mà chỉ mới dừng lại ở nghị định, do đó, khi điều hành các KCN, các điều khoản sẽ bị áp chế bởi các điều khoản ưu tiên trong các luật có liên quan. Tuy vậy, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP đã tạo một “nền móng” hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư phát triển KCNST. Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ quản lý chuyên ngành cần ưu tiên hoàn thiện cơ chế đánh giá hiệu quả thực thi chính sách.

Khu công nghiệp sinh thái và những vấn đề liên quan

Tháng 02/1997, Hội đồng tư vấn của Tổng thống Hoa Kỳ về phát triển bền vững (President’s Council on Sustainable Development – PCSD) đã gửi bản Báo cáo kỷ yếu Hội thảo về KCNST (Eco-industrial park, EIP) được tổ chức vào cuối năm 1996 tới Tổng thống Bill Clinton (Vesela Veleva et al., 2016). Những định nghĩa đầu tiên về KCNST được định hình rất rõ với các chuyên gia hàng đầu Hoa Kỳ và thế giới về sinh thái cảnh quan. Trong đó, KCNST được giải thích là một cộng đồng doanh nghiệp có sự hợp tác với nhau và với chính quyền địa phương nhằm chia sẻ các nguồn lực (thông tin, nguyên nhiên vật liệu, nguồn nước, năng lượng, hạ tầng và cả môi trường sống tự nhiên) nhằm đạt được các mục tiêu về kinh tế, về chất lượng môi trường, về sự phát triển công bằng đối với nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp và cho cả cộng đồng địa phương4. Định nghĩa đầu tiên này cho thấy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng để đạt các mục tiêu, đặc biệt các mục tiêu về môi trường bền vững trong một KCNST. Khái niệm thứ hai ngắn gọn hơn cho rằng, KCNST là một hệ thống công nghiệp với kế hoạch trao đổi nguyên nhiên vật liệu và năng lượng nhằm giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các tài nguyên thô, giảm tối đa lượng phát xả thải và tạo lập những mối liên hệ có lợi ích, có tính sinh thái và tính xã hội bền vững5. Như vậy, điểm nhấn trong một KCNST vẫn là tiết kiệm về năng lượng, tài nguyên thô, định mức xả thải để tạo ra những điều tốt đẹp cho môi trường sinh thái nói chung.

Vấn đề trong xây dựng KCNST có thể được xây dựng mới hay được chuyển đổi từ mô hình các KCN hiện có của một vùng, miền, lãnh thổ hay quốc gia. Năm 2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đã nhắc tới khả năng chuyển đổi này trên thế giới và bài học đối với Việt Nam trong Báo cáo Chuyên đề số 6 của Viện. Báo cáo có nhắc tới tầm quan trọng của thể chế hóa khái niệm, xác định tiêu chí KCNST thông qua các văn bản pháp lý, tạo ra những cơ chế thí điểm cho giám sát và vận hành các KCN này6.

Trước đó, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO)7 cũng đã chỉ ra những yêu cầu cho khung hoạt động và vận hành chung của một KCNST trên thế giới với 5 nhóm nội dung: (1) Tuân thủ các quy định pháp luật của quốc gia và vùng; (2) Đạt được các tiêu chuẩn quản lý KCN; (3) Đạt được các hiệu quả môi trường; (4) Đạt được các tác động mong muốn về cộng đồng, xã hội; (5) Đạt được kỳ vọng hiệu quả kinh tế. UNIDO chỉ ra ba nhóm vật cản đối với KCNST là: (1) Các trở ngại về pháp lý; (2) Các trở ngại về kỹ thuật và kinh tế – xã hội; (3) Các trở ngại nội bộ về năng lực của tổ chức. Thứ nhất, trở ngại pháp lý có thể tới từ việc thiếu đi các chính sách về thúc đẩy sự phát triển của KCNST hay sự phát triển và ứng dụng các loại công nghệ sạch thế hệ mới hoặc thiếu đi tính minh bạch và công bằng khi áp dụng các quy định sẵn có. Thứ hai, những hạn chế về tài chính để thực hiện các cơ chế ngăn chặn ô nhiễm, thiếu đi các hỗ trợ cần thiết cho các giải pháp có tính đột phá về môi trường, thiếu nguồn lực cho nghiên cứu, hay thiếu hiểu biết về các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đều tạo nên các trở ngại về kỹ thuật và kinh tế – xã hội. Thứ ba, nội bộ tổ chức doanh nghiệp cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt các lao động kỹ thuật có tay nghề cao, thiếu động lực cho sự cải tiến liên tục, thiếu đi các kênh đối thoại cần thiết và sự hỗ trợ từ bên ngoài hay thiếu đi các chỉ số đánh giá và các hướng dẫn cần thiết để thực hiện8.

Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi. Ảnh: tuoitre.vn.
Sự phù hợp trong lựa chọn phát triển khu công nghiệp sinh thái của tỉnh Quảng Ngãi

Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX tiếp tục xác định phát triển công nghiệp là nhiệm vụ đột phá, phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng ngành Công nghiệp tăng bình quân từ 8 – 9%/năm. Trong đó, tỉnh chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên ngành Công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp sạch; xử lý nước thải, rác thải, các sản phẩm từ tro, xỉ của ngành Công nghiệp luyện kim; năng lượng tái tạo; ngành Công nghiệp hỗ trợ liên quan đến hóa dầu, luyện kim, cơ khí, điện – điện tử, dệt may…

Các định hướng chính của tỉnh Quảng Ngãi là:

Một là, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư vào khu kinh tế Dung Quất và các KCN của tỉnh; tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển khu kinh tế Dung Quất trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ với trọng tâm là các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo; phát triển hợp lý các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, như: may mặc, giày da, lắp ráp linh kiện điện tử để giải quyết việc làm cho người lao động; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp.

Hai là, tỉnh cần tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có chất lượng cao, công nhân kỹ thuật lành nghề, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với tinh thần Quảng Ngãi quyết tâm xây dựng là điểm đến thân thiện, kinh doanh an toàn, đầu tư hiệu quả và phát triển bền vững và xem thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh.

Ba là, phải có một mô hình KCN mới theo những tiêu chuẩn tiên tiến về mức phát thải khí nhà kính, xử lý chất thải và không gian xanh, khuyến khích công nghệ tái chế, tái sử dụng năng lượng và chất thải đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của sản xuất công nghiệp và phát triển các KCN, do đó, KCNST là một hướng đi đúng đắn hướng tới một nền sản xuất quan tâm đến môi trường – xã hội và bảo đảm phát triển bền vững.

Bốn là, phát triển mô hình KCNST gắn chặt giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường; Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng cần cam kết với các chương trình phát triển của quốc tế như phát triển kinh tế phải thực sự bền vững (bền vững về kinh tế – xã hội và môi trường) phù hợp với tiêu chuẩn của kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh hay tiêu chuẩn trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Năm là, tỉnh Quảng Ngãi cần:

(1) Nhận thức chính xác về xu thế phát triển tất yếu khách quan của các KCN trong tương lai gần là phải đáp ứng tiêu chuẩn KCNST;

(2) Nhận thức rõ nội dung, đặc điểm, mô hình, nguyên tắc và tiêu chí xây dựng KCNST;

(3) Khẩn trương nghiên cứu hành lang pháp lý, pháp luật có liên quan để nhanh chóng thiết lập lộ trình cho các bước đi tiếp theo của tỉnh, trước tiên là đưa vào các nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân làm cơ sở xây dựng và thực thi các đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh;

(4) Tiến hành khảo sát, đánh giá chính xác hiện trạng KCN hiện hữu và đưa ra các phương án xây dựng, cải thiện, bổ sung sao cho các KCN hiện hữu đáp ứng yêu cầu của KCNST;

(5) Quy hoạch các KCN mới theo tiêu chuẩn KCNST; tỉnh cần ban hành đề án quy định lộ trình cụ thể, công việc cần triển khai cho các cơ quan đơn vị;

(6) Ban hành những ưu đãi, lợi thế huy động nguồn lực trong và ngoài nước trong việc cụ thể hóa kế hoạch thành hiện thực trong việc tiên phong xây dựng KCNST.

Trên thực tế, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp chủ trương đầu tư cho 524 dự án trong giai đoạn 2016 – 2020, với tổng vốn đăng ký là 173.683 tỷ đồng (tương đương khoảng 6,947 tỷ USD). Trong đó, 123 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp – xây dựng (tỷ lệ 23%). Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp, công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 10%. Tỷ lệ lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt trên 63% tổng số lao động toàn tỉnh; trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng đạt khoảng 30 – 32%. Các KCN đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 65.000 công nhân. Riêng Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã cấp chủ trương đầu tư cho 85 dự án công nghiệp, tổng vốn đầu tư ước tính 123.981 tỷ đồng9.

Hơn nữa, triển khai Quyết định số 998/QĐ-UBND ngày 07/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc ban hành Kế hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 – 2025, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện nhằm phấn đấu đưa tỉnh Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh có công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030. Tuy nhiên, hiện nay,  Quảng Ngãi chưa có KCN thí điểm để xây dựng KCNST với hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và vận hành đạt tiêu chuẩn Việt Nam và đáp ứng tiến trình triển khai KCNST theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN toàn cầu để thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư, khai thác kinh doanh, thích ứng với xu thế hội nhập, phát triển bền vững, do vậy, cần chú trọng trước hết đến KCNST này để từ đó góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX đã đề ra.

Chú thích:
1. Báo cáo Tổng kết tình hình đầu tư phát triển khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi; kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Báo cáo tình hình thành lập và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế  9 tháng năm 2021.
3. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi khóa XIX trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
4, 5. Báo cáo kỷ yếu Hội thảo về khu công nghiệp sinh thái (Eco-industrial park, EIP) Hội đồng tư vấn của Tổng thống Hoa Kỳ về phát triển bền vững (President’s Council on Sustainable Development – PCSD), tháng 02/1997.
6. Chuyên đề số 6: Chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái: kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị chính sách cho Việt Nam. Hà Nội: CIEM.
7, 8. UNIDO, 2021. An international framework for Eco-Industrial Parks: Version 2.0, Washington. The World Bank.
9. Báo cáo số 65-BC/TU ngày 11/5/2021 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về tổng kết Kết luận số 18-KL/TU ngày 19/4/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ III khóa XIX về đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2016 – 2020.
TS. Phan Minh Đức
TS. Trần Mạnh Tuyến
Học viện Báo chí và Tuyên truyền