Quyết định “Ta lại trở về Tân Trào” lãnh đạo toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022), chúng ta cùng nghiên cứu quyết định “Ta lại trở về Tân Trào” năm 1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lãnh đạo toàn quốc kháng chiến, mở ra thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Phân tích nội dung của quyết định này góp phần khẳng định kinh nghiệm lãnh đạo quý báu và đúc rút bài học vận dụng vào thực tiễn phát triển của cách mạng Việt Nam.
Hồ Chủ tịch trên đường đi chiến dịch Biên giới – 1950. Nguồn: TTXVN.

Nhằm bảo toàn lực lượng cách mạng, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, sau một thời gian chuẩn bị mọi mặt rất khẩn trương, ngày 02/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định trở lại ATK (An toàn khu) – căn cứ địa Việt Bắc, lãnh đạo toàn quốc kháng chiến. Sự kiện lịch sử đó có ý nghĩa to lớn, mang tầm vóc lịch sử, mở ra thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng rời Thủ đô Hà Nội trở lại căn cứ địa Việt Bắc, được hình thành vào thời điểm mang tính bước ngoặt của lịch sử cách mạng Việt Nam. Quyết định lịch sử đó dựa trên việc nắm bắt được những quy luật vận động của chiến tranh cách mạng, của những điều kiện chủ quan và khách quan, được chuẩn bị chủ động, kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, từ khi nền độc lập dân tộc vừa giành được.

Tháng 8/1945, khi thời cơ ngàn năm có một, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã thể hiện ý chí, quyết tâm và khát vọng giành quyền độc lập, khi truyền đi nguồn xung lực cách mạng: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”1. Ngay thời khắc lịch sử khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội giành thắng lợi, chính quyền về tay Nhân dân thì tại đại bản doanh Tân Trào (Trái tim của Khu giải phóng Việt Bắc), lãnh tụ Hồ Chí Minh đã họp cùng các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thái, Hoàng Hữu Kháng và nữ đồng chí Châu. Người đã căn dặn và trù liệu tình hình: “Bây giờ ta có chính quyền, chắc các cô, các chú cũng muốn về Hà Nội. Nhưng chưa được đâu! Lênin đã nói: Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn. Bởi vậy, một số các cô, các chú còn ở lại địa phương đây, giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tươi đẹp hơn, ấm no, văn minh hơn… Biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa”2.

Đúng như dự báo chiến lược của Người, nền độc lập dân tộc giành lại chưa được bao lâu, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đem quân trở lại xâm lược Nam Bộ, Nhân dân ta phải bước vào một cuộc chiến đấu mới, đầy khó khăn, thử thách, để bảo vệ nền độc lập dân tộc, quyền dân tộc tự quyết, bảo vệ nền cộng hòa dân chủ non trẻ, đối phó thắng lợi với thù trong, giặc ngoài, chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

Giữa lúc vận mệnh dân tộc quốc gia như “ngàn cân treo sợi tóc”, lịch sử đất nước, nền độc lập dân tộc vừa giành được đã đặt lên vai Hồ Chí Minh trọng trách vô cùng to lớn, nặng nề. Trong bối cảnh ấy, Người vừa là ngọn cờ đoàn kết tập hợp lực lượng toàn dân tộc, vừa là lãnh tụ dẫn đường quốc dân ra mặt trận, cùng Trung ương Đảng gánh vác trách nhiệm trước Nhân dân, trước dân tộc. Người từng nói: “Vì yêu mến và tin cậy tôi mà đồng bào giao vận mệnh nước nhà, dân tộc cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bến bờ hạnh phúc của nhân dân”3.

Trong 447 ngày độc lập đầu tiên, kể từ ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập (ngày 02/9/1945), cho đến ngày ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (ngày 19/12/1946) đã diễn ra biết bao hoạt động phong phú, sôi động để đối phó với thù trong, giặc ngoài. Với trí tuệ kiệt xuất, nghị lực phi thường, phong cách ngoại giao xuất chúng, nghệ thuật lãnh đạo tài tình, Người đã cùng Trung ương Đảng sáng suốt, bình tĩnh, linh hoạt, khôn khéo trong những chủ trương, chiến lược, sách lược “hòa để tiến”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”: lúc thì kiên trì sách lược mềm dẻo hòa hoãn với Quốc dân Đảng Trung Hoa để rảnh tay đối phó với thực dân Pháp, khi thì tạm thời hòa hoãn với Pháp để đuổi 20 vạn quân Tưởng về nước, kéo dài thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến. Trong việc thực hiện sáng tạo Chỉ thị “Tình hình và chủ trương” của Đảng: “không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu”4, đã thể hiện tinh thần chủ động thực thi sách lược lêninit trong lợi dụng mâu thuẫn hàng ngũ địch để phân hóa kẻ thù khi tiến hành cách mạng. Điều này được thể hiện bằng Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946 (Hiệp định sơ bộ Pháp – Việt, công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do nằm trong khối liên hiệp Pháp); Tạm ước ngày 14/9/1946 (Tạm ước quan hệ Việt Nam – Pháp).

Trong thời gian này, Người đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, với hình ảnh tiêu biểu là Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) được thành lập ngày 29/5/1946 theo sáng kiến của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua ghềnh thác hiểm nguy, chuẩn bị thời gian và các điều kiện nhân vật lực để sẵn sàng bước vào kháng chiến lâu dài mà ta biết không thể tránh khỏi. Trong công việc khẩn cấp lúc bấy giờ (ngày 05/11/1946), với tinh thần lạc quan và tin tưởng thắng lợi của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dù phải rút ra khỏi các thành phố, ta cũng không cần. Ta sẽ giữ tất cả các thôn quê… Ta có địa thế tốt, lực lượng nhiều hơn, nhất định kháng chiến được mấy năm, đến thắng lợi”5. Bởi đó là cuộc “chiến đấu vì chính nghĩa” và “ngoài điều kiện nhân hòa chúng ta còn có điều kiện địa lợi và thiên thời”. Cho đến thời điểm đầu năm 1947, ATK Việt Bắc đã là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện để lập căn cứ địa: “một địa điểm có dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, có thể thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài”6, để “khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”7, rất phù hợp cho tiến hành đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính” đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạch định. Trước đó, vào tháng 11/1946, khi thực dân Pháp gây hấn ở Hải Phòng và Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp (Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia): “Nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền Bắc thì Hà Nội giữ được bao lâu?”; đồng chí Võ Nguyên Giáp thưa rằng: “Giữ được một tháng, các thành phố khác ít khó khăn hơn, vùng nông thôn nhất định ta giữ được”8. Nghe xong, Người quyết định: “Ta lại trở về Tân Trào”.

Ngày 19/12/1946, trước âm mưu và hành động quyết cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã thực thi những giải pháp ngoại giao hòa bình đầy thiện chí, thể hiện sự nhân nhượng đã tới giới hạn cuối cùng để cứu vãn nền hòa bình cho đất nước và mối bang giao hai nước Việt – Pháp, nhưng vẫn bị nhà cầm quyền thực dân Pháp khước từ. Để bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa giành được, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi lịch sử: Toàn quốc kháng chiến.

Chúng ta bước vào cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp trong một tương quan lực lượng chênh lệch, nói riêng “về trình độ tổ chức, trang bị kỹ thuật, thì đây là một khoảng cách có tính thời đại”9. Nhưng khi buộc phải tiến hành chiến tranh – một cuộc chiến tranh chính nghĩa, vệ quốc vĩ đại, để bảo đảm chắc thắng trong tương quan lực lượng như một cuộc chiến đấu “giữa hổ và voi” trong rừng rậm (như báo chí thế giới từng viết) – mà quân đội ta như con Hổ oai hùng thì để chuẩn bị cho quyết định trở lại ATK Việt Bắc theo trù tính chiến lược trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi kiểm tra một số vùng ở tỉnh Hà Đông, Sơn Tây. Giữa bộn bề công việc kháng chiến và kiến quốc cấp bách, Người đã vào thăm Ninh Bình, Thanh Hóa. Những nơi này, Người bày tỏ niềm tin dù “kháng chiến rất cực khổ, rất gay go, rất khó khăn, nhưng sẽ thắng lợi”10. Song để sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng, đòi hỏi tinh thần hy sinh, phấn đấu của toàn dân tộc, của mỗi địa phương, ở ý chí và quyết tâm “kháng chiến khắp mọi mặt, kiến thiết khắp mọi mặt”11.

Trong tình thế khẩn trương, “nước sôi lửa nóng” của chiến tranh, Người giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên chiến khu Việt Bắc, tìm địa điểm, chuẩn bị cho việc di chuyển cơ quan của Đảng và Chính phủ; đồng thời, chuyển ngay một số trang thiết bị kỹ thuật về khu căn cứ địa. Người cũng chỉ thị cho đồng chí Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính phải nhanh chóng thu mua muối, bí mật chuyển lên các kho ở Việt Bắc, chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Việc xây dựng các cơ sở vững chắc ở các vùng nông thôn, đặc biệt là vùng rừng núi (như các tỉnh ở chiến khu Việt Bắc) được đẩy mạnh. Nhà máy, kho tàng, đạn dược, lương thực… dần được chuyển từ thành phố về các cơ sở này, trong một thế trận lòng dân, thế trận chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân vững chắc.

Ngay từ đầu năm 1947, bộ phận đầu não của cuộc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo từ vùng phụ cận Hà Nội trở về Việt Bắc, nơi có thế trận lòng dân vững chắc, địa thế hiểm yếu, với những căn cứ kháng chiến tin cậy và đã được thử thách trong nhiều năm. Tháng 3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến làm việc một thời gian ở Cổ Tiết, Tam Nông và Chu Hóa, Lâm Thao (Phú Thọ). Đúng vào ngày 02/4/1947 năm Đinh Hợi lịch sử, sau hành trình dài rời Hà Nội, Người đã đặt chân đến làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Đây là nơi ở, làm việc đầu tiên khi Người trở lại chiến khu Việt Bắc mở đầu hành trình gần 6 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc tại trên 20 địa điểm khác nhau trên đất Tuyên Quang. Cũng đã có 14/15 bộ và cơ quan ngang bộ, 65 cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc tại Tuyên Quang. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chuẩn bị họp bàn cùng Thường vụ Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương về các chủ trương lớn, các kế hoạch cơ bản để lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến: kế hoạch xây dựng lực lượng quân sự; kế hoạch tác chiến ở các hướng lớn như Đông Bắc, Tây Bắc, Trung du, Chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ Xuân – Hè 1954, Người cũng về ở và làm việc tại ATK Định Hóa (Thái Nguyên).

Quyết định trở lại căn cứ địa Việt Bắc lãnh đạo toàn quốc kháng chiến là sự tiếp tục thể hiện trên thực tế đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”, với một niềm tin sắt đá kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công.

Quyết định cũng biểu trưng cho tinh thần tự tôn dân tộc qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đồng thời là sự tiếp nối thể hiện tinh thần của Quốc dân Đại hội Tân Trào: “một dân tộc quyết tâm và nhất trí đòi quyền độc lập thì nhất định được độc lập. Chúng ta sẽ thắng lợi”12; của quyết tâm giữ trọn lời thề trong lễ Tuyên ngôn Độc lập (ngày 02/9/1945): “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Bởi nền độc lập dân tộc đã giành được sau hơn 80 năm dưới ách nô lệ của thực dân Pháp là kết quả của các cuộc đấu tranh anh dũng của Nhân dân ta “là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hai mươi triệu Nhân dân Việt Nam”13.

Trên hành trình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những đã sáng suốt hoạch định đường lối, phương châm kháng chiến đúng đắn, sáng tạo mà về sau này, thế giới đánh giá đó là “một trong những đường lối chiến đấu hoàn hảo nhất của thời đại chúng ta”14, mà còn hun đúc ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn quân, toàn dân ta. Người đã bồi dưỡng lực lượng kháng chiến và tổ chức lãnh đạo toàn dân tộc tập trung hết thảy nhân lực, vật lực, tài lực vào công cuộc kháng chiến, làm cho thực lực kháng chiến ngày càng đầy đủ, ngày càng mạnh mẽ với hình ảnh sinh động là căn cứ địa Việt Bắc – trái tim là Thủ đô kháng chiến, để đi tới thắng lợi cuối cùng.

Quyết định đó được củng cố với niềm tin son sắt: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”15. Vì thế, quyết định lịch sử trở lại Tuyên Quang – căn cứ địa Việt Bắc của Bác Hồ cách đây 75 năm trước càng trở nên giá trị, mang tầm vóc lịch sử – vì đã mở ra “đường tới Điện Biên Phủ” – đường về thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong suốt hành trình đi đến quyết định lịch sử, Người luôn thể hiện tư duy, nhãn quan chính trị sắc bén, tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh, trí tuệ thiên tài. Điều này về sau đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Kháng chiến là cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, mà linh hồn là Hồ Chủ tịch. Hồ Chủ tịch ở trong tâm trí của người chiến sĩ trên mặt trận, của người du kích ở vùng sau lưng địch, của người công nhân trong công binh xưởng, của người nông dân trên đồng ruộng. Hồ Chủ tịch ở bên cạnh đồng bào cả nước, bất cứ ở đâu, từ núi rừng Việt Bắc đến Đồng Tháp Mười”16 và như Đảng ta đã khẳng định: “Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta”17, mà quyết định lịch sử trở về lại căn cứ địa Việt Bắc của Bác Hồ và Trung ương Đảng, cùng các cơ quan đầu não kháng chiến cách đây 75 năm là một nốt nhạc vút cao trong khúc tráng ca thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong bản trường ca chiến thắng hào hùng của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Chú thích:
1, 6. Võ Nguyên Giáp. Những chặng đường lịch sử. H. NXB Chính trị quốc gia, 2001, tr. 196, 185.
2. Hồ Chí Minh. Biên niên tiểu sử. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016, tr. 235.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB quốc gia, 2011, tr. 156.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia, 2000, tr. 46.
5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 484 – 485.
6. Võ Nguyên Giáp. Những chặng đường lịch sử. H. NXB Văn học, 1977, tr. 38.
7. Lịch sử Đảng, số 11. H. 1997, tr. 25 – 26.
8. Võ Nguyên Giáp. Chiến đấu trong vòng vây. H. NXB Quân đội nhân dân và NXB Thanh niên, 1995, tr. 35.
10, 11. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 73, 73.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia, 2000, tr. 561.
13. Trần Dân Tiên. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. H. NXB Văn học, 1970, 110.
14. Xã luận báo Chiến đấu, nước Cộng hòa Nhân dân Công Gô, số ra ngày 12/9/1969.
15. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 239.
16. Phạm Văn Đồng. Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ. NXB Văn học, 1973, tr. 245 -246.
17. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày09/9/1969.
PGS.TS. Đỗ Xuân Tuất
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh