Vai trò của Quốc hội trong quyết định các chính sách dân tộc

(Quanlynhanuoc.vn) – Vấn đề dân tộc có vị trí quan trọng trong đời sống chính trị – xã hội của các quốc gia có nhiều dân tộc. Nó ảnh hưởng đến sự ổn định, tồn tại và phát triển của Nhà nước, thể chế chính trị nếu vấn đề dân tộc ở quốc gia đó không được giải quyết đúng đắn. Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về giải quyết vấn đề dân tộc là giải phóng con người thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, thực hiện dân chủ, tự do cho các dân tộc, phát huy truyền thống đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Công tác dân tộc có vai trò rất quan trọng, nhằm giải quyết vấn đề dân tộc, vận động đoàn kết nhân dân, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, giải quyết mối quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội (KTXH), văn hoá giữa các dân tộc, giữa các vùng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển.
Ảnh: baoquocte.vn.
Một số thành tựu của Quốc hội trong chính sách dân tộc

Những năm qua, Quốc hội đã thể hiện vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của mình trong quyết định chính sách dân tộc.

Một là, các quy định tại Hiến pháp (Hiến pháp năm 2013) mà Quốc hội quyết định cho đến thời điểm hiện nay được đánh giá là khá toàn diện, đầy đủ để làm cơ sở, nền tảng cho các cơ quan nhà nước có liên quan thể chế hóa thành các công cụ pháp luật và hệ thống chính sách liên quan đến vấn đề dân tộc và công tác dân tộc ở Việt Nam.

Hai là, trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, Quốc hội đã thể chế hóa thêm một bước thành các chính sách liên quan đến dân tộc, công tác dân tộc trong các bộ luật, luật, pháp lệnh. Đây là hành lang pháp lý quan trọng quyết định, chi phối đến toàn bộ hệ thống chính sách dân tộc do cơ quan hành chính nhà nước xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện.

Ba là, Quốc hội quyết định chính sách dân tộc thông qua các nghị quyết chuyên đề về các lĩnh vực (phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; kết cấu hạ tầng, nông thôn mới; giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí; y tế, chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng dân số; đất đai, bảo vệ, phát triển rừng bảo đảm môi trường sinh thái và di canh, di cư…) có liên quan đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTSMN). Các nghị quyết này được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước và hệ thống chính trị trong việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện, giám sát đánh giá thực hiện chính sách dân tộc theo thẩm quyền.

Bốn làQuốc hội đã thực hiện quyết định chính sách dân tộc thông qua việc quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển KTXH dài hạn, hằng năm; các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia có liên quan đến đồng bào và vùng DTTS.

Năm là, Quốc hội đã thông qua và phê chuẩn, quyết định gia nhập một số điều ước quốc tế liên quan đến DTTS.

Thông qua các hình thức cho thấy nội dung hệ thống chính sách dân tộc do Quốc hội quyết định đã bao phủ gần như toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội, quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng các DTTS, gắn với bảo đảm quyền cho các DTTS. Nội dung các chính sách được ban hành ngày càng có tính khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn qua từng giai đoạn khác nhau… Tạo lập được cơ chế khuyến khích, huy động được sức mạnh, các nguồn lực to lớn (ngoài ngân sách) của cả nước, các tổ chức quốc tế và nước ngoài tham gia đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ các DTTS và vùng DTTS trên các lĩnh vực, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, đời sống xã hội… quyền làm chủ của người dân, thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong tổ chức thực hiện chính sách được tạo lập.

Một số chính sách dân tộc còn bất cập

So sánh với những nội dung đã được quy định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, nhiều vấn đề liên quan đến DTTS nhưng chưa được thể hiện hoặc thể hiện một cách chưa đầy đủ trong các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết nhất là trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ, trí thức DTTS; quan hệ dân tộc… để bảo đảm các chủ trương đường lối này được hiện thực hóa. Số lượng nội dung thể chế hóa còn ít. Hiện mới chỉ có 86 luật với 132 điều quy định một số nội dung liên quan cụ thể đến dân tộc và công tác dân tộc, trong khi đó, nhiều nội dung quy định này trong luật nhưng chưa được cụ thể hóa dưới luật để tổ chức thực hiện.

Một số vấn đề liên quan đến DTTS chưa được thể chế hóa một cách đầy đủ, toàn diện trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, từ đó thiếu cơ cở các chính sách của Chính phủ được xây dựng và thực thi. Bên cạnh đó, mặc dù Quốc hội đã xem xét quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển KTXH 10 năm và kế hoạch hằng năm, tuy nhiên, với thực trạng tình hình phát triển của đồng bào và vùng DTTS đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi các mục tiêu, chỉ tiêu cũng như nhiệm vụ giải pháp trong chiến lược, kế hoạch phát triển, dự toán ngân sách nhà nước… có những quy định cụ thể đối với DTTS và vùng DTTS.

Nhiều nội dung được thể chế hóa liên quan đến dân tộc và công tác dân tộc còn mang tính định hướng chính sách chung, khó cụ thể hóa. Phần lớn quy định cho vùng (vùng dân tộc, miền núi; vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn…) nên mang tính điều chỉnh chung, tính chất chính sách vùng nhiều hơn là cho đối tượng DTTS nên nảy sinh một số bất cập trong thực hiện.

Nhiều vấn đề mới đặt ra cho phát triển KTXH vùng dân tộc nhưng chậm được xây dựng và ban hành pháp luật, chính sách như: chính sách đặc thù đầu tư vùng dân tộc; định hướng tổ chức quy hoạch, chuyển giao kỹ thuật – công nghệ cho người dân gắn với thiết lập thị trường và mạng lưới chế biến tiêu thụ sản phẩm để thúc đẩy sản xuất hàng hóa; chính sách đặc thù giáo dục-đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc, đào tạo cán bộ và trí thức dân tộc… và cũng là những nội dung đã được đề cập trong các nghị quyết của Đảng.

Một số giải pháp, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả việc Quốc hội quyết định chính sách dân tộc

(1) Tiến hành rà soát các văn bản (theo phân loại cấp độ) có quy phạm pháp luật của Nhà nước (Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội) đối chiếu với những nội dung cơ bản về dân tộc và công tác dân tộc của Đảng, tổng hợp đánh giá những nội dung đã được thể chế hóa, những nội dung chưa được thể chế hóa hoặc thể chế hóa chưa đầy đủ: luật, pháp lệnh liên quan đến các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, tín ngưỡng, tôn giáo…; luật, pháp lệnh liên quan đến tổ chức, bộ máy nhà nước liên quan đến công tác dân tộc…

(2) Tiến hành thể chế hóa các nội dung cơ bản về dân tộc và công tác dân tộc của Đảng vào trong các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết… của Quốc hội theo hướng: sửa đổi, bổ sung, hoặc thay thế các quy định cho đúng, đầy đủ với chủ trương, đường lối của Đảng trong các văn bản pháp luật hiện hành; thể chế hóa đường lối của Đảng về “giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc” mà Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã đưa ra…

(3) Quốc hội quyết định các chỉ tiêu phát triển của DTTS hàng năm 5 năm, 10 năm và thể chế hóa các chỉ tiêu vào trong kế hoạch hàng năm, 5 năm và chiến lược phát triển KTXH 10 năm của đất nước. Trước hết, Quốc hội thực hiện nhiệm vụ quyết định chính sách dân tộc thông qua việc xem xét, quyết định các chỉ tiêu, chỉ số cụ thể liên quan đối với DTTS vào trong kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm của cả nước. Trong thời gian xa hơn là các chiến lược phát triển KTXH đất nước cho giai đoạn tiếp theo. Đối với các chương trình, đề án, dự án, chính sách lớn do Quốc hội xem xét, quyết định cũng cần phải lồng ghép chỉ tiêu phát triển liên quan đến DTTS theo từng lĩnh vực để có cơ sở và tính hướng đích của chính sách.

Xác định các chỉ tiêu định lượng về phát triển đối với dân tộc (chung với các dân tộc và có thể cụ thể đến một hoặc một nhóm các DTTS) trong phạm vi quốc gia làm cơ sở cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước, các cơ quan trong hệ thống chính trị triển khai thực hiện và Quốc hội thực hiện quyền giám sát kết quả thực hiện của Chính phủ đối với các chỉ tiêu định lượng nói trên.

Quy định trách nhiệm của các tỉnh, thành phố căn cứ vào đặc điểm, tình hình dân tộc của địa phương mình để xác định các chỉ tiêu phát triển đối với DTTS và lồng vào trong kế hoạch phát triển KTXH của địa phương.

(4) Quốc hội quyết định khung chính sách dân tộc của Nhà nước và một số chương trình, đề án, dự án chính sách lớn liên quan đến dân tộc và vùng dân tộc thiểu số. Quốc hội còn có thể ban hành khung chính sách dân tộc cho từng giai đoạn tương ứng với các kế hoạch 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, trước mắt giai đoạn 2016 – 2020 tập trung vào các nhóm vấn đề:

Quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, gắn với giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất, đất phục vụ cộng đồng và bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường, không gian sinh tồn của cộng đồng các DTTS, phát triển toàn diện, bền vững KTXH.

Tập trung phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững, tăng dần mức thu nhập cho người dân; tạo điều kiện và cơ hội giúp các DTTS hội nhập và phát triển.

Phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao mặt bằng dân trí, phát triển nguồn nhân lực; chăm lo bảo vệ sức khỏe, cải thiện, nâng cao mọi mặt chất lượng đời sống và chất lượng dân số của đồng bào các DTTS.

Chăm lo xây dựng đời sống văn hóa mới trong các vùng DTTS. Tôn trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, gắn liền với xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc, thống nhất trong đa dạng.

Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ người DTTS; xây dựng và tăng cường kỷ cương, pháp luật, pháp chế XHCN trong vùng DTTS.

(5) Quốc hội quyết định ngân sách thực hiện chính sách dân tộc. Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội thực hiện quyết định ngân sách hàng năm, trung hạn và dài hạn cho các chương trình, đề án, dự án, chính sách dân tộc. Đề thực hiện nội dung này Quốc hội sẽ thể chế rõ hơn quy định, quy trình về quyết định ngân sách thực hiện chính sách dân tộc.

(6) Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến vấn đề DTTS ở Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và với tư cách là một thành viên của tổ chức Liên hợp quốc và các tổ chức hợp tác song phương, đa phương, Việt Nam sẽ được yêu cầu cam kết, tham gia, phê chuẩn tham gia nhiều điều ước, công ước, thỏa thuận có liên quan đến lĩnh vực DTTS, nhất là liên quan đến quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và thậm chí an ninh, quốc phòng… Những vấn đề này sẽ tác động ảnh hưởng thuận/nghịch đến lợi ích quốc gia dân tộc và khối đại đoàn kết dân tộc.

TS. Nguyễn Lâm Thành
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội