Hóa đơn điện tử – công cụ thúc đẩy quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả

(Quanlynhanuoc.vn) – Quản trị quốc gia là quá trình ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định để quản lý quốc gia, giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế – xã hội. Quản trị quốc gia có hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy sự hưng thịnh của mỗi quốc gia trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả, như: thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực chất lượng cao, công cụ tài chính, khoa học – công nghệ và các nguồn lực khác. Trước sự thúc đẩy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số, hóa đơn điện tử là một ứng dụng của khoa học và công nghệ mang lại sự đổi mới, minh bạch và công bằng trong quá trình xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.
Ảnh minh hoạ (internet).
Khái niệm về quản trị quốc gia

Hiện nay có rất nhiều khái niệm về quản trị quốc gia (QTQG), trong đó Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), QTQG là “Việc thực thi quyền lực chính trị, hành chính, kinh tế để quản lý các vấn đề của quốc gia ở mọi cấp độ. Nó bao gồm các cơ chế, quy trình và thiết chế mà thông qua đó, các công dân, các nhóm biểu thị sự quan tâm và thực hiện các quyền hợp pháp, các nghĩa vụ của mình, cũng như cho thấy sự khác biệt của họ”1. Theo Ngân hàng Thế giới, QTQG là “cách thức chính quyền nắm quyền lực và thực thi thẩm quyền để tạo ra các chính sách công, cũng như cung cấp các dịch vụ và sản phẩm công”2.

Ở nước ta, khái niệm QTQG được đề cập trong một số diễn đàn và chính thức được nêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”3. Khái niệm về “quản trị nhà nước”, “quản trị quốc gia” đã được làm rõ trong  quá trình phát triển về nội hàm của các thuật ngữ từ “quản lý” sang “quản trị” gắn liền với sự phát triển từ hành chính công (hành chính nhà nước) sang quản lý công (quản lý nhà nước), quản lý công mới và quản trị nhà nước tốt đã được nhiều học giả trong nước làm rõ. Từ đó, khái niệm về QTQG thực chất là quản trị nhà nước, “là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đến các quá trình, quan hệ xã hội và hành vi hoạt động của công dân, thông qua các hoạt động: hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra và sử dụng các nguồn lực nhằm đạt được mục tiêu của nhà nước, thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, duy trì sự tồn tại và phát triển của Nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội và phục vụ đắc lực người dân”4.

Nhìn chung, mục tiêu của QTQG là hướng tới xây dựng một nền hành chính minh bạch, tinh gọn, năng động và hiệu quả hướng đến phục vụ thay vì cai trị. Điều này cho thấy, việc đổi mới QTQG theo hướng hiện đại, hiệu quả trong bối cảnh hội nhập chung toàn cầu là hết sức cần thiết và cấp bách để Việt Nam không bị lỡ “chuyến tàu” mang tên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Vai trò và lợi ích của hóa đơn điện tử trong chuyển đổi số thúc đẩy quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả

QTQG theo hướng hiện đại, hiệu quả không thể thiếu vai trò của khoa học và công nghệ trong quản lý, điều hành. Đặc biệt, việc triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) được xem là nhiệm vụ không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số (CĐS) của nền kinh tế và là một trong những yếu tố then chốt mang lại sự đổi mới, minh bạch và công bằng trong QTQG hiện đại, hiệu quả.

HĐĐT là việc chuyển giao điện tử các thông tin về hóa đơn và thanh toán, qua internet hoặc các phương tiện điện tử khác, giữa các bên tham gia vào các giao dịch thương mại, như: doanh nghiệp (DN), khu vực công và người tiêu dùng. HĐĐT có các chức năng tương tự như hóa đơn giấy, nó chứa đựng cùng một thông tin tài chính và được thiết kế như một hóa đơn thông thường khi nhìn thấy trên màn hình. Sự khác biệt giữa HĐĐT và hóa đơn giấy chính là ở việc truyền tải hóa đơn. Quy trình gửi, nhận, xử lý và chuyển hóa đơn đến các hệ thống tài chính đều diễn ra dưới dạng điện tử. HĐĐT được triển khai theo thời gian thực, khi người bán xuất hóa đơn cho người mua thì hóa đơn đó cũng được gửi ngay tới cơ quan thuế. Việc triển khai HĐĐT là phù hợp với tất cả các loại hình DN.

Trên thế giới, Phần Lan là một trong những quốc gia đầu tiên sử dụng HĐĐT tại châu Âu. Năm 2001, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Chỉ thị số 2001/115/EC yêu cầu từ ngày 01/01/2004 tất cả các nước thành viên phải chấp thuận HĐĐT và thống nhất nội dung thông tin bắt buộc mà mỗi HĐĐT phải có5. Đây là một bước khởi đầu quan trọng cho tương lai của HĐĐT. Đến nay, HĐĐT được triển khai rộng rãi ở Bắc Mỹ, Mỹ La-tinh, châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu. Bra-xin, Mê-xi-cô và Chi-lê là những quốc gia đi đầu trong quá trình triển khai HĐĐT tại Mỹ La-tinh. Theo dự báo, thị trường toàn cầu mỗi năm sẽ có khoảng 550 tỷ hóa đơn. Quy mô dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 20356.

Triển khai HĐĐT là một trong các nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy CĐS tại các DN, các cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan nhà nước. Từ năm 2010, Việt Nam đã từng bước xây dựng lộ trình cụ thể và ngày càng hoàn thiện để tạo cơ sở pháp lý cho các giao dịch điện tử nói chung và thúc đẩy quá trình triển khai sử dụng HĐĐT nói riêng. Cụ thể:

– Giai đoạn từ 2010 – 2015. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ cung ứng, theo đó lần đầu tiên khái niệm HĐĐT được đề cập đến bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011của Bộ Tài chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng HĐĐT bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, theo đó, HĐĐT được áp dụng chính thức ở nước ta không có mã xác nhận của cơ quan thuế. Quyết định số 1209/QĐ-BTC ngày 23/6/2015 của Bộ Tài chính về thí điểm sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế và đã triển khai thí điểm cho 121 DN tại Hà Nội và 116 DN tại TP. Hồ Chí Minh; theo Tổng cục Thuế, thời gian thực hiện thí điểm từ tháng 6/2015 -12/2016 đã hoàn thành tốt.

– Giai đoạn từ 2016 – 2021. Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 quy định về HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ  thay thế Nghị định số 51/NĐ-CP và được coi là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy quá trình triển khai HĐĐT ở Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu về quản lý thuế, năm 2019, Luật Quản lý thuế ra đời, theo đó, thời điểm bắt buộc triển khai HĐĐT tại Việt Nam là từ ngày 01/7/2022. Tiếp theo là Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Đến ngày 17/9/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về HĐĐT.

Trong quá trình triển khai sử dụng HĐĐT đã mang lại những lợi ích cho người sử dụng, DN và cơ quan quản lý nhà nước, đó là:

Thứ nhất, các tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ dễ dàng tra cứu và đối chiếu HĐĐT trên các thiết bị điện tử; sử dụng HĐĐT giúp DN giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế (giảm chi phí vận chuyển, không gian lưu trữ hóa đơn,…); khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy. Mặt khác, sử dụng HĐĐT tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ: sau khi nhận HĐĐT, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin về hóa đơn người bán gửi cơ quan thuế.

Thứ hai, việc thực hiện đúng các quy định về hóa đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN được thuận lợi trong quá trình tiến hành các giao dịch. Giảm thủ tục hành chính liên quan tới hóa đơn; giảm chi phí liên quan tới việc in ấn, phí gửi hóa đơn, bảo quản, lưu trữ hóa đơn và rủi ro mất hóa đơn. HĐĐT có tính bảo mật cao vì sử dụng chữ ký số của người bán nên khả năng làm giả hóa đơn là khó.

Thứ ba, đối với cơ quan quản lý nhà nước, xã hội. Sử dụng HĐĐT tạo ra một cơ sở dữ liệu dễ dàng chia sẻ, quản lý hóa đơn; bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất; bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu; tránh thất thu, gian lận thuế. Sử dụng HĐĐT là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.

Thực hiện Luật Quản lý thuế năm 2019 và Chương trình CĐS quốc gia Việt Nam đến năm 2030, Bộ Tài chính đã công bố triển khai HĐĐT giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021 – 3/2022) gồm 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ. Theo kết quả triển khai giai đoạn 1 về HĐĐT, tính đến ngày 31/3/2022 đã có gần 442.000 tổ chức, DN tại 6 tỉnh, thành phố; trên 20 nghìn cá nhân, hộ, cá nhân kinh doanh; trên 58 triệu hoá đơn đã được tiếp nhận, xử lý thông tin đăng ký HĐĐT trên hệ thống. Vào những ngày cao điểm, trong 1 phút có tới 1,7 triệu giao dịch và chỉ mất 0,01 giây cho một giao dịch cấp mã hóa đơn7. Trong thời gian triển khai giai đoạn 1, hệ thống HĐĐT chạy thông suốt và mang lại nhiều hiệu quả cho các bên liên quan.

Sau hơn 4 tháng triển khai thí điểm sử dụng HĐĐT, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố triển khai giai đoạn 1 cũng đã nhận định việc sử dụng HĐĐT giúp giảm tới 70% các bước quy trình phát hành, 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn8; giúp người mua dễ dàng tra cứu và đối chiếu HĐĐT do người bán cung cấp; hỗ trợ kiểm soát hoạt động kinh doanh hằng ngày, dễ dàng theo dõi được hóa đơn.

Tiếp nối thành công của giai đoạn 1, ngày 14/3/2022, Tổng Cục thuế đã ban hành Quyết định số 273/QĐ-TCT về kế hoạch triển khai áp dụng HĐĐT giai đoạn 2 tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Để hiện thực hóa quyết tâm “phủ sóng” HĐĐT đến 63 tỉnh, thành phố, ngày 21/4/2022, Bộ Tài chính cùng với Tổng Cục thuế đã tổ chức lễ công bố kích hoạt hệ thống HĐĐT toàn quốc với mục tiêu 100% DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP đến hết ngày 30/6/2022 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tính bao phủ toàn diện của HĐĐT. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng, cấp thiết trong các hoạt động CĐS của ngành tài chính, đáp ứng quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019, hiện đại hóa các công tác quản lý thuế góp phần quan trọng xây dựng môi trường bình đẳng, minh bạch thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội nhằm thúc đẩy xây dựng nền QTQG hiện đại, hiệu quả.

Đưa việc sử dụng hóa đơn điện tử trở thành công cụ thúc đẩy quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả

Việc sử dụng hiệu quả HĐĐT sẽ tạo nền tảng cơ sở dữ liệu vững chắc và quan trọng để thực hiện quản lý thuế trên nền tảng số, phục vụ đắc lực cho công cuộc CĐS của ngành Tài chính và cũng chính là yếu tố thúc đẩy QTQG theo hướng hiện đại trong bối cảnh CĐS. Nhằm đạt được mục tiêu đề ra cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bên, cơ quan quản lý nhà nước, nhà cung cấp dịch vụ HĐĐT và DN sử dụng HĐĐT. Vì vậy, với vai trò của mình, mỗi đối tượng cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, ban hành các chính sách, khắc phục những bất cập trong cơ chế, chính sách hiện hành cho phù hợp với bối cảnh hiện tại của đất nước nhằm xây dựng khung pháp lý đầy đủ hơn về HĐĐT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hành lang pháp lý và vai trò của HĐĐT để các DN hiểu rõ được những lợi ích của việc sử dụng HĐĐT trong công cuộc CĐS hướng tới phát triển nền kinh tế số.

Hai là, các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT cần thiết kế  giao diện thân thiện, dễ sử dụng, đầy đủ các chức năng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; thời gian xử lý giao dịch hợp lý, dễ dàng tích hợp với các ứng dụng khác, như: hệ thống kế toán, hệ thống ERP,… dùng được ở mọi lúc, mọi nơi, có tính bảo mật cao. Đội ngũ hỗ trợ có trình độ, nhiệt tình, trách nhiệm, kênh hỗ trợ 24/7 luôn sẵn sàng khi có sự cố.

Ba là, với các DN trực tiếp sử dụng HĐĐT cần trang bị hạ tầng kỹ thuật tốt (máy vi tính, đường truyền internet…); nhân viên trực tiếp sử dụng HĐĐT có hiểu biết và được tham gia các khóa đào tạo về vai trò, lợi ích của việc sử dụng HĐĐT và công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, đối với các DN chưa có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, cần có lộ trình hợp lý trong việc áp dụng HĐĐT để chủ động hơn.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ trên nhằm đưa HĐĐT trở thành công cụ thúc đẩy QTQG theo hướng hiện đại, hiệu quả và là một ứng dụng công nghệ thông tin then chốt trong quá trình CĐS, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chú thích:
1. UNDP (1997). Governance & Sustainable Human Development.
2. World Bank (2006). Making PRSP Inclusive.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 220.
4.Khái niệm, vai trò, đặc điểm của quản trị nhà nước. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 06/7/2021.
5. Council Directive 2001/115/EC on VAT Invoicing. https://www.mingo.hr, ngày 15/3/2022.
6. The E-Invoicing journey 2019 – 2025. https://www.billentis.com, ngày 20/3/2022.
7. Hóa đơn điện tử – Giải pháp ngăn chặn hành vi gian lận và trốn thuế. https://vtv.vn,  ngày 23/4/2022.
8. Sớm có Thông tư hướng dẫn chi tiết về hóa đơn điện tử. https://tapchitaichinh.vn, ngày 20/4/2022.
ThS. Phạm Huyền Trang
Học viện Hành chính Quốc gia