Đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

(Quanlynhanuoc.vn) – Tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du và miền núi phía Bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế – xã hội giữa vùng trung du và miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Về hành chính, hiện nay, tỉnh có 9 đơn vị cấp huyện trực thuộc, với 178 đơn vị hành chính cấp xã1. Những năm qua, Thái Nguyên nỗ lực không ngừng nâng cao chỉ số cải cách hành chính, giữ vững thứ hạng đứng đầu khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Ảnh minh họa. Nguồn: thainguyendautu.vn.
Kết quả công tác cải cách hành chính của tỉnh Thái Nguyên 

Một là, cải cách thể chế.

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, bảo đảm 100% VBQPPL của Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp trước khi ban hành được các cơ quan Tư pháp thẩm định. Việc tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật được quan tâm. Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật, việc tuyên truyền được thực hiện lồng ghép với công tác cải cách hành chính phù hợp với từng nội dung và đối tượng. Thường xuyên kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa VBQPPL, thực hiện Luật Ban hành VBQPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 204/QĐ-UBND ngày 28/01/2022 về việc công bố Danh mục VBQPPL do HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành hết hiệu lực toàn bộ, hết hiệu lực một phần trong năm 2021.

Hai là, cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Tiếp tục thực hiện quy định về rà soát, đánh giá TTHC. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện rà soát, đánh giá TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý theo ngành, lĩnh vực.  Trong 6 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 17 Quyết định công bố danh mục TTHC thuộc chức năng quản lý của các sở, ngành với tổng số 770 TTHC2. Các TTHC sau khi công bố đều được cập nhật, tích hợp, công khai trên Cổng dịch vụ công (DVC) Quốc gia và công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Tiếp tục tổ chức tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh trên Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và đăng tải công khai trên Cổng DVC Quốc gia. Các đơn vị, địa phương đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; bộ phận một cửa cấp huyện được đầu tư hạ tầng phòng làm việc, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng phần mềm một cửa điện tử kết nối Cổng DVC của tỉnh, Cổng DVC Quốc gia. Về kết quả giải quyết hồ sơ TTHC: tính đến ngày 15/6/2022, tổng số hồ sơ được tiếp nhận là 427.662 hồ sơ, trong đó sở, ngành tiếp nhận 110.893 hồ sơ, UBND cấp huyện tiếp nhận 27.085 hồ sơ, UBND cấp xã tiếp nhận 289.684 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,68%3.

Ba là, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước.

Tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó. Tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức sau sắp xếp đã đi vào hoạt động và từng bước ổn định. Hiện nay, số lượng sở, ban và tương đương là: 21 cơ quan, tổ chức; số lượng phòng trực thuộc sở, ban và tương đương, chi cục thuộc sở: 130 tổ chức (giảm 35 phòng, chi cục so với thời điểm năm 2016); số lượng phòng và tương đương trực thuộc UBND, HĐND cấp huyện: 116 tổ chức. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), tổng số là 797 đơn vị (giảm 105 đơn vị so với năm 2016)4.  Đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, đồng thời thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng nguồn thu sự nghiệp. Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện giao biên chế công chức hành chính, quyết định biên chế sự nghiệp năm 2022, bảo đảm đúng số lượng biên chế được Bộ Nội vụ giao. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phân cấp quản lý nhà nước theo đúng quy định.

Bốn là, cải cách chế độ công vụ.

UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ triển khai đôn đốc thực hiện, thẩm định và trình quyết định vị trí việc làm cho các cơ quan thuộc UBND tỉnh, HĐND tỉnh và UBND huyện, thành phố; phê duyệt vị trí việc làm cho 100% ĐVSNCL thuộc và trực thuộc. Tiến hành triển khai: tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm, đề bạt công chức, viên chức; thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức… đúng thời gian, đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) luôn được quan tâm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, đã tổ chức được 43 lớp bồi dưỡng với 3.530 học viên5. Nội dung các chương trình bồi dưỡng tập trung vào bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bồi dưỡng theo vị trí việc làm, kiến thức về hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, kiến thức dân tộc… Triển khai việc biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ đối với CBCCVC và tổ chức thẩm định, phê duyệt chương trình tài liệu bồi dưỡng CBCCVC theo quy định.

Năm là, cải cách tài chính công.

Việc thu, chi ngân sách địa phương thực hiện đúng tiến độ. Kết quả thực hiện Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ và địa phương giao (hết tháng 5/2022 đạt 32% so với số kế hoạch vốn do Thủ tướng giao; đạt 20,3% so với kế hoạch địa phương giao)6. Tỉnh tiếp tục triển khai thựchiện công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất năm 2022 theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ; thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và kinh phí trong quản lý hành chính; thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với ĐVSNCL; thực hiện chuyển đổi ĐVSNCL thành công ty cổ phần; công tác cổ phần hóa doanh nghiệp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước…

Sáu là, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số

Về công tác triển khai xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số ở địa phương, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện: phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025; triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ và kỹ năng chuyển đổi số cho CBCCVC đến năm 2025. Hiện nay, 100% CBCCVC tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được cung cấp hộp thư điện tử để thực hiện trao đổi công việc; 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện và 178 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, duy trì và vận hành ổn định cổng/trang thông tin điện tử. Toàn tỉnh đã cung cấp 100% TTHC mức độ 3, 4 đủ điều kiện trên Cổng DVC của tỉnh, với 61 DVC mức độ 3 và 1.231 DVC mức độ 47. Triển khai thanh toán trực tuyến, phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt đối với DVC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đánh giá chung

(1) Mặt tích cực

Trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác CCHC của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương luôn quyết liệt, bám sát và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Chính phủ, bộ, ngành trung ương, cơ bản hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng cao. Trong đó, tỉnh tập trung triển khai xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện các quy định về sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền các cấp… Việc đổi mới và tiếp tục triển khai đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC tại các sở, ngành, UBND huyện, thành phố (UBND cấp huyện), UBND các xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) trên địa bàn tỉnh thông qua áp dụng phần mềm Chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả thực hiện đã cho thấy tính hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, là cơ sở để giúp các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp, biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm đẩy mạnh CCHC, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông cơ bản đáp ứng yêu cầu, việc áp dụng một cửa điện tử trong tiếp nhận và giải quyết TTHC đạt hiệu quả, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn cao; công tác rà soát, kiểm soát TTHC được thực hiện thường xuyên, việc tăng cường cung cấp DVC trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch, giảm thời gian, chi phí giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp…

(2) Những hạn chế, bất cập

Bên cạnh những mặt tích cực, công tác CCHC của tỉnh còn tồn tại những hạn chế, bất cập, như: một số đơn vị, địa phương chưa bám sát nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Việc triển khai nhiệm vụ kế hoạch chậm tiến độ. Tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC mức độ 4 còn thấp. Còn tình trạng hồ sơ tồn đọng, trả quá hạn. Tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ tổ chức, cá nhân của một số công chức, viên chức chưa cao; một số có biểu hiện tiêu cực trong giải quyết TTHC, nhất là trong lĩnh vực đất đai dẫn đến tỷ lệ hài lòng của cá nhân, tổ chức tại một số địa phương còn thấp; còn hiện tượng người dân phải chờ đợi lâu để nộp hồ sơ giải quyết TTHC. Tỉnh Thái Nguyên chưa thực hiện thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo tại các cơ quan, đơn vị.

Đề xuất giải pháp thực hiện cải cách hành chính trong thời gian tới

Thứ nhất, đối với các bộ, ban, ngành trung ương.

Bộ Nội vụ xem xét áp dụng phần mềm báo cáo thực hiện CCHC theo hệ thống báo cáo thống kê của ngành Nội vụ, thực hiện phân quyền đến các sở, ngành và UBND cấp huyện, bảo đảm số liệu, thông tin báo cáo từ cơ sở được kết nối tự động.

Phối hợp với Văn phòng Chính phủ xem xét, thống nhất thời điểm báo cáo kết quả CCHC và báo cáo về công tác kiểm soát TTHC, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử (trong đó có số liệu về kết quả giải quyết TTHC tại các địa phương) để thuận lợi trong tổ chức, thực hiện tại cơ sở. Sớm ban hành Đề án đo lường mức độ hài lòng về sự phục vụ hành chính giai đoạn 2022 – 2025, Đề án tăng cường năng lực đội ngũ công chức làm công tác CCHC, làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép kết nối, đồng bộ dữ liệu đăng ký kinh doanh do Bộ triển khai với hệ thống LGSP của tỉnh và đồng bộ kết quả giải quyết TTHC trên Cổng DVC trực tuyến của tỉnh.

Bộ Công an cho phép kết nối liên thông phần mềm tiếp nhận thủ tục đăng ký cư trú trên cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an với phần mềm một cửa điện tử của các địa phương, bảo đảm thống nhất, không trùng lặp, giảm thời gian nhập dữ liệu, nâng cao hiệu quả quản lý.

Thứ hai, với các sở, ban, ngành của tỉnh Thái Nguyên

(1) Triển khai thực hiện kế hoạch duy trì, cải thiện các chỉ số năm 2022, bao gồm: chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, chỉ số PAPI của tỉnh sau khi trung ương công bố. Nâng cao chất lượng xây dựng VBQPPL, kịp thời đề xuất xử lý các văn bản có nội dung trái pháp luật.

(2) Tiếp tục thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực pháp lý, bảo đảm chỉ tiêu theo Kế hoạch số 99/KH-UBND, ngày 30/7/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.

(3) Tiếp tục triển khai thực hiện các nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của bộ, ngành về sắp xếp tổ chức bộ máy các cấp. Triển khai thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ, Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với CBCCVC, người lao động do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh.

(4) Tiếp tục lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công tại các đơn vị thuộc, trực thuộc.

(5) Tiếp tục thực hiện chính quyền điện tử, chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh và hoàn thành các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và kế hoạch của UBND tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra công tác CCHC tại các đơn vị, địa phương nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.

(6) Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CBCCVC theo kế hoạch đào tạo bồi dưỡng của tỉnh. Tích cực nghiên cứu, tìm kiếm và áp dụng, nhân rộng các mô hình, sáng kiến trong CCHC; biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân điển hình làm tốt công tác CCHC. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền CCHC, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC và sự đồng thuận xã hội về thực hiện công tác CCHC tại địa phương.

Chú thích:
1. Tỉnh Thái Nguyên. https://vi.wikipedia.org/wiki, truy cập ngày 16/6/2022.
2, 3, 4, 5, 6, 7. Báo cáo số 117/BC-UBND ngày 17/6/2022 của Ủy ban nhân dân về công tác cải cách hành chính tỉnh Thái Nguyên 6 tháng đầu năm 2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (kèm theo Quyết định số 362/QĐ-BNV ngày 06/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ).
2. Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 23/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2022.
3. Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Hoàng Trang
Học viện Hành chính Quốc gia