Ngoại giao kinh tế của Mỹ trong đại dịch Covid-19 và sau khủng hoảng

(Quanlynhanuoc.vn)– Bộ Ngoại giao Mỹ luôn đặt kinh tế và các lực lượng thị trường vào trung tâm của chính sách đối ngoại của Mỹ. Ngoại giao kinh tế (NGKT) có nghĩa là vừa khai thác các lực lượng kinh tế toàn cầu để thúc đẩy chính sách đối ngoại của Mỹ, vừa sử dụng các công cụ của chính sách đối ngoại để củng cố sức mạnh kinh tế. Ngoại giao kinh tế của Mỹ được tiến hành bởi các chương trình nghị sự bao gồm 4 yếu tố chính: cập nhật các ưu tiên, thúc đẩy Chương trình nghị sự về thương mại, đầu tư và ngoại giao thương mại, sử dụng các công cụ kinh tế để giải quyết các thách thức về chính sách đối ngoại và nâng cao năng lực của Bộ Ngoại giao1.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Lý Hiển Long trong cuộc gặp gỡ tại Singapore vào tháng 7/2013. Nguồn: CNA

Mỹ nhận định thịnh vượng kinh tế song hành với bảo đảm lợi ích của Mỹ trên toàn cầu, sự thành công của nền kinh tế là thiết yếu để duy trì an ninh quốc gia. Một trong các nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao Mỹ là mở rộng cơ hội kinh tế cho các doanh nghiệp Mỹ tại nước ngoài và tăng cường tạo việc làm trong nước, thúc đẩy lợi ích kinh doanh và kinh tế của Mỹ trên toàn cầu và sử dụng các biện pháp như trừng phạt và rà soát đầu tư nước ngoài để bảo vệ an ninh quốc gia. NGKT là công cụ quan trọng để Mỹ thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu, đạt mục tiêu chống đói nghèo, cô lập các phần tử cực đoan, bảo đảm an ninh của Mỹ và cải thiện các điều kiện nhân đạo. Đối tượng phục vụ của công tác NGKT là các doanh nghiệp và người lao động Mỹ.

Bối cảnh kinh tế Mỹ những năm gần đây

Những năm gần đây, xu thế suy giảm về kinh tế của Mỹ trong tương quan với các cường quốc khác đã chậm lại và nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm xuống trong khoảng 5-10 năm tới. Tỷ trọng GDP của Mỹ trong GDP toàn cầu giảm từ 23,1% (năm 2012) xuống còn 15,77% (năm 2020) và dự báo tiếp tục giảm xuống còn 14,6 % (năm 2027)2. Tháng 7/2017, Tổng thống Donald Trump đã công bố Kế hoạch kinh tế “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” với những mục tiêu rất cụ thể là duy trì tốc độ tăng trưởng 3%/năm, tạo ra 25 triệu việc làm3. Sau khi Đạo luật cải cách thuế được phê chuẩn vào tháng 12/2017, Báo cáo kinh tế thường niên của Mỹ và nhiều chuyên gia kinh tế độc lập đã dự báo kinh tế Mỹ có thể đạt được mức tăng trưởng trung bình 3% đến năm 20284. Kinh tế Mỹ quả thực đã đạt được mức tăng trưởng 4% trong quý II/20185.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm phá hỏng các kế hoạch tăng trưởng của chính quyền Donald Trump. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ giảm mạnh, chỉ còn – 3,4%6, có khoảng 25,7 triệu người thất nghiệp tại Mỹ tính đến tháng 11/20207. Đến thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, Mỹ đưa ra và triển khai chính sách kinh tế nhằm phục hồi nước Mỹ hậu đại dịch Covid-19, khởi đầu là gói kích thích kinh tế Kế hoạch cứu trợ người Mỹ (American Rescue Plan) trị giá 1.900 tỷ USD nhằm tăng tốc độ phục hồi của Mỹ thông qua các công cụ kinh tế và kiểm soát đại dịch Covid-19, tiếp sau là Kế hoạch tạo việc làm thông qua thúc đẩy phát triển hạ tầng (American Jobs Plan).

Kế hoạch đầu tư hạ tầng của chính quyền Joe Biden đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong quan điểm kinh tế của Mỹ nhằm bảo đảm vị thế của nước này trước sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc: đầu tư công của Chính phủ đóng vai trò trụ cột trong tăng trưởng. Dù vậy, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn dự báo nền kinh tế Mỹ không có nhiều tín hiệu khả quan do tiếp tục chịu tác động tiêu cực bởi diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 và chiến tranh Nga – Ukraine dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến lạm phát tăng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ đạt khoảng 2,9% trong năm 2022, giảm xuống chỉ còn 1,7% và 0,8% trong lần lượt năm 2023 và 20248. Với xu hướng tăng trưởng kinh tế hiện nay, sự chuyển biến sức mạnh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc. Trước những tác động của đại dịch, Trung Quốc đã được dự báo sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so với dự báo trước đó9.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khi nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chính sách Zero-Covid, Trung Quốc vẫn có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng sẽ khó có vị trí dẫn đầu thật sự như Mỹ10. Ngược lại, Mỹ vẫn sở hữu những lợi thế giúp Mỹ củng cố vị trí số một của mình. Về công nghệ và khoa học – kỹ thuật, hiện nay Mỹ vẫn giữ vững vị thế cường quốc về khoa học – công nghệ và Mỹ tiếp tục là quốc gia dành nhiều ngân sách cho nghiên cứu khoa học nhất thế giới trong nhiều thập niên; đã có nhiều nghiên cứu và giải thưởng tầm cỡ lớn nhất thế giới, tạo nên nhiều tài sản trí tuệ có giá trị từ khoa học. Ngoài ra, Mỹ còn nắm giữ độc quyền nhiều “bí quyết” trong các lĩnh vực then chốt nhất, như công nghệ nano, công nghệ vũ trụ, công nghệ quốc phòng, năng lượng sạch,…

Ngoại giao kinh tế của Mỹ trong đại dịch Covid-19

Tổng thống Joe Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ từ ngày 20/01/2021 trong bối cảnh quốc gia này đang phải đối mặt với nhiều bất ổn về mặt chính trị, kinh tế lẫn văn hóa. Chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden hướng đến 3 mục tiêu chính là: (1) Kiềm chế Trung Quốc về quân sự, (2) Duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, (3) Làm thay đổi nhận thức của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ11. Cụ thể, phương châm mới của chính sách đối ngoại của Chính phủ Biden “Nước Mỹ đã sẵn sàng trở lại, sẵn sàng dẫn dắt trật tự thế giới” được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều sự khác biệt so với chính sách của người tiền nhiệm.

Trong giai đoạn đầu cầm quyền, Tổng thống Biden đã lần lượt giải quyết những mâu thuẫn trong quan hệ với Trung Quốc, tăng cường sự hiện diện vốn có với vai trò lãnh đạo của Mỹ trên bàn cờ chính trị và kinh tế thế giới thông qua việc trở lại các tổ chức quốc tế mà Mỹ đã từ bỏ như WHO, COP-21; hàn gắn quan hệ với WTO; cải thiện quan hệ với các nước đồng minh nhưEU, Nhật Bản, Hàn Quốc…và thúc đẩy đàm phán các hiệp định song phương, đa phương.

Tuy nhiên, khi đại dịch diễn ra căng thẳng, NGKT Mỹ chưa thể giúp Mỹ thể hiện được nhiều vai trò của mình như mục tiêu mà chính quyền Biden đã kỳ vọng. Trong bối cảnh vaccine không được phân bổ đều đến các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương, hàng triệu người vẫn có nguy cơ tử vong do nhiều biến chủng mới của Covid-19, Mỹ đã thực hiện chính sách chủ nghĩa dân tộc vaccine, ưu tiên việc cung cấp vaccine trong nước bất chấp dư thừa vaccine.

Vào cuối tháng 9/2021, chỉ khoảng 2,5% người dân của các quốc gia thu nhập thấp được ít nhất một liều tiêm vaccine, quá khác biệt so với con số này của các quốc gia phát triển là 70%12. Ước tính vào quý IV/2021, các quốc gia phát triển đã tích trữ khoảng 870 triệu liều vaccine bổ sung, trong đó riêng Mỹ chiếm khoảng 500 triệu liều13. Mỹ đã lãng phí ít nhất 15,1 triệu liều vaccine trong khoảng tháng 3-9/202114.

Chỉ riêng các nước G7 và EU có thể lãng phí 241 triệu liều vào cuối năm 2021 trong khi đó, việc phân phối lại hiệu quả những liều thuốc này cho các nước có thu nhập thấp và trung bình có thể cứu sống gần một triệu người vào giữa năm 2022. Nhiều bang tại Mỹ đã tiêu hủy hàng trăm nghìn liều vaccine do hết hạn sử dụng hoặc gặp sự cố trong quá trình bảo quản và vận chuyển như bang Georgia (110.000 liều); bang New Jersey (khoảng hơn 70.000 liều), bang Maryland (khoảng 50.000 liều). Tại nhiều bang, lượng vaccine bị lãng phí hoặc không sử dụng được không quá 2% so với tổng liều lượng vaccine được nhận từ các chính phủ liên bang15.

Ngoại giao kinh tế của Mỹ giai đoạn hậu khủng hoảng

Bất chấp đại dịch, chính sách NGKT của Mỹ chưa bao giờ thực sự rõ ràng và cụ thể bởi nhiều lý do như những áp lực trong nước hay sự phức tạp trong đàm phán thương mại và đầu tư song phương16… Tuy nhiên, có 3 chiến lược NGKT mà Mỹ thường xuyên sử dụng là: (1) Nước Mỹ trên hết (America first), (2) Liên minh kinh tế (Alliances economics) và (3) Toàn cầu hóa 2.0 (Globalization 2.0).

Cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” hướng đến việc bảo vệ quyền lợi của công dân Mỹ và giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng toàn cầu, được Mỹ thể hiện rõ nhất thời Tổng thống Donald Trump. Nước Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Trump đã rút khỏi nhiều hiệp định song phương và đa phương, vị thế số một của Mỹ gần như bị đe dọa. Bên cạnh đó, mặc dù gần như đi ngược lại hoàn toàn với chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm, Tổng thống Biden vẫn lựa chọn chính sách “Nước Mỹ trên hết” trong bối cảnh đại dịch.

Chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện một bước theo hướng Liên minh kinh tế vào đầu năm 2022, cùng EU thiết lập Hội đồng Thương mại – Công nghệ nhằm tăng cường hợp tác thương mại và công nghệ giữa các quốc gia cùng chí hướng có chung triển vọng an ninh17. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây đã nói rằng, chính sách thương mại của Mỹ nên hướng đến “mối quan hệ bạn bè”18.

Cách tiếp cận toàn cầu hóa 2.0 đề cập đến nỗ lực thực hiện cam kết của Mỹ đối với tự do hóa thị trường thông qua các thể chế kinh tế toàn cầu. Mỹ dường như cũng đang tiếp cận NGKT theo phương hướng này dưới thời Tổng thống Biden. Với cơ chế này, Mỹ sẽ thúc đẩy mở rộng tự do hóa thương mại và đầu tư toàn cầu, đồng thời củng cố vai trò của các tổ chức quan trọng của thế giới như WTO nhằm mang lại sự công bằng cho tất cả các quốc gia.

Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPEF)19 do Mỹ dẫn đầu đã được tổ chức nhằm tìm kiếm một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở, bao trùm, kết nối, an toàn cho sự phát triển bền vững và chống lại sự thống trị kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Trong tháng 5/2022, Hội nghị lần thứ 12 của WTO được tổ chức sau vài năm bị hoãn bởi đại dịch, được cho là hội nghị thành công nhất trong lịch sử của WTO. Đồng thời, những quyết định được đưa ra trong Hội nghị cũng gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng thế giới có thể xích lại gần nhau trên các lĩnh vực quan trọng như an ninh lương thực và các cuộc khủng hoảng nhân đạo như đại dịch20.

Kết luận

Có thể nói, NGKT của Mỹ là việc sử dụng kinh tế như một công cụ để thực hiện lợi ích quốc gia, để đạt được mục tiêu của chính sách đối ngoại, trong đó bao gồm những vấn đề như tiếp cận thị trường, viễn thông, cơ sở hạ tầng năng lượng, tài nguyên tài chính và các hàng rào thuế quan/phi thuế quan21. Với mục đích thông qua kênh ngoại giao, phát huy các tiềm lực kinh tế của đất nước và mở rộng thị trường. Hai mặt song hành của công tác NGKT là tận dụng tiềm lực kinh tế trong nước để phục vụ chính sách đối ngoại của đất nước và sử dụng công cụ chính sách đối ngoại để tăng cường sức mạnh kinh tế trong nước. 

Chú thích:
1. US Department of State Diplomacy in Action. 2017. Economic Diplomacy for America. https://2009-2017.state.gov, ngày truy cập ngày 05/9/2022.
2. United States’ share of global gross domestic product (GDP) adjusted for purchasing power parity (PPP) from 2017 to 2027https://www.statista.com, truy cập ngày 11/9/2022.
3. Heather Long. Trump vows 25 million jobs, most of any president. https://money.cnn.com, truy cập ngày 11/9/2022.
4. Ken Thomas. White House says U.S. could reach 3% growth. https://www.columbian.com, truy cập ngày 11/9/2022.
5. Lucia Mutikani. S. second-quarter GDP growth raised to 4.2 percent. https://www.reuters.com, truy cập ngày 12/9/2022.
6. Annual growth of the real Gross Domestic Product (GDP) of the United States from 1990 to 2021, truy cập ngày 11/9/2022, https://www.statista.com/statistics/188165/annual-gdp-growth-of-the-united-states-since-1990.
7. Heidi Shierholz. More than 25 million workers are being hurt by the coronavirus downturnEconomic Economy Institute. https://www.epi.org; truy cập ngày 11/9/2022.
8. David Lawder và Andrea Shalal. IMF slashes U.S. growth forecast, sees ‘narrowing path’ to avoid recession. https://www.reuters.com, truy cập ngày 11/9/2022.
9. BBC News. Chinese economy to overtake US ‘by 2028’ due to Covid. https://www.bbc.com, truy cập: 11/9/2022.
10. Hoài Thu. Giấc mơ vượt Mỹ của kinh tế Trung Quốc ngày càng xa vời?https://vneconomy.vn,  truy cập ngày 11/9/2022.
11. Lộc Thị Thủy. Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden. https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 26/6/2021.
12. Lauren Wolfe. Why is the US Hoarding Hundreds of Millions of Covid Vaccines?https://washingtonmonthly.com, truy cập ngày 10/7/2022.
13. Médecins Sans Frontières (MSF). US must stop hoarding excess Covid-19 vaccine doseshttps://www.doctorswithoutborders.org, ngày 11/10/2021.
14. Joshua Eaton and Joe Murphy. America has wasted at least 15 million Covid vaccine doses since March. https://www.cnbc.com, ngày 01/9/2021.
15. Dan Levin. The US is wasting vaccine doses, even as cases rise and other countries suffer shortages. https://www.nytimes.com, ngày 01/8/2021.
16. Christopher S. Chivvis. US Strategy and Economic Statecraft: Understanding the Tradeoffs. https://carnegieendowment.org; ngày 28/4/2022.
17. European Commission. EU-US Launch Trade and Technology Council to Lead Values-Based Global Digital Transformation. https://ec.europa.eu, ngày 15/6/2022.
18. Atlantic Council (trancript) . US Treasury Secretary Janet Yellen on the Next Steps for Russian Sanctions and ‘Friend-Shoring’ Supply Chains. https://www.atlanticcouncil.org, ngày 13/4/2022.
19. US chamber of commerce. Indo-Pacific Economic Framework: Business Recommendations. https://www.uschamber.com, ngày 23/02/2022.
20. PTI. WTO agrees on all issues including fisheries subsidies.The Print. https://theprint.in, ngày 12/7/2022.
21. The American Security Project.Principles in Action – Economic Diplomacy as the New Face of American Global Leadership. https://www.americansecurityproject.org, ngày 15/6/2015.
Đặng Hoàng Linh, Nguyễn Thị Thu Hoàn, Nguyễn Thị Khánh Ly
Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao