(Quanlynhanuoc.vn) – Với xu thế tất yếu và sự vận động của dòng tiền trong thanh toán điện tử, thanh toán di động… đã tạo điều kiện cho cơ quan thuế nâng cao hiệu quả quản lý thuế thông qua việc minh bạch hóa thu nhập của người nộp thuế. Điều này góp phần ngăn chặn, chống gian lận, trốn thuế của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, hiện tượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa gian lận chứng từ thanh toán qua ngân hàng ngày càng tinh vi với kỹ thuật số hóa và giao dịch thông qua công nghệ. Vì vậy, việc tìm giải pháp quản lý dòng tiền của các doanh nghiệp nhỏ và vừa qua việc sử dụng thanh toán điện tử để chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước, nâng cao nghiệp vụ quản lý thuế trên ứng dụng công nghệ số 4.0 là cấp thiết.
Thanh toán điện tử
Thanh toán điện tử (TTĐT) được hiểu là hình thức thanh toán trực tuyến, tiến hành ngay trên mạng internet chỉ với một vài thao tác đơn giản. Theo đó, khi tiến hành TTĐT, người dùng có thể dễ dàng lựa chọn thao tác chuyển, nạp hay rút tiền tùy ý; thay vì sử dụng tiền mặt, dòng tiền giờ đây có thể lưu chuyển nhanh chóng thông qua các tài khoản trực tuyến1.
TTĐT giúp hoàn thiện và phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Xét trên nhiều phương diện, thanh toán trực tuyến là nền tảng của các hệ thống TMĐT. Việc phát triển thanh toán trực tuyến sẽ hoàn thiện hóa TMĐT, để TMĐT hoạt động theo đúng nghĩa của nó – các giao dịch hoàn toàn qua mạng internet, người mua chỉ cần thao tác trên máy tính để mua hàng, các doanh nghiệp (DN) có những hệ thống xử lý tự động.
Thanh toán trong TMĐT với ưu điểm đẩy mạnh quá trình lưu thông tiền tệ và hàng hóa, sớm thu hồi vốn để đầu tư tiếp tục sản xuất. TTĐT giúp thực hiện thanh toán nhanh, an toàn, bảo đảm quyền lợi cho các bên tham gia thanh toán, hạn chế rủi ro so với thanh toán bằng tiền mặt, tạo lập thói quen mới trong dân chúng về thanh toán hiện đại.
Ngoài ra, TTĐT tạo ra một loại tiền mới, tiền số hóa, không chỉ thỏa mãn các tài khoản tại ngân hàng mà hoàn toàn có thể dùng để mua hàng hóa thông thường. Tiền số hóa không chiếm một không gian hữu hình nào mà có thể chuyển một nửa vòng trái đất chỉ trong chớp mắt bằng thời gian của ánh sáng.
Các hình thức thanh toán điện tử phổ biến nhất hiện nay
Thanh toán bằng ví điện tử. Hình thức thanh toán hóa đơn bằng ví điện tử được sử dụng rộng rãi trong thời đại ngày nay. Chỉ với một vài thao tác đơn giản là bạn có thể thanh toán tới bất kỳ nơi nào chấp nhận thanh toán. Một số ví điện tử phổ biến hiện nay, như: Momo, Zalo Pay, SmartPay, Shopee Pay… Hầu hết việc đăng ký tài khoản, dịch vụ ví điện tử tại Việt Nam đều miễn phí bằng cách cài đặt ứng dụng và liên kết ngân hàng để chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc nộp tiền mặt là đã có thể thanh toán.
Thanh toán qua Mobile Banking. Hiện nay, hơn 80% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại thông minh mỗi ngày, đây chính là nền tảng để các ngân hàng phát triển mô hình Mobile Banking. Nắm bắt cơ hội này, đa số các ngân hàng đã ra mắt ứng dụng Mobile Banking, từ đó người dân có thể thuận tiện giao dịch chỉ với một chiếc điện thoại được cài đặt sẵn ứng dụng của ngân hàng và có kết nối mạng.
Thanh toán bằng thẻ. Thanh toán hóa đơn bằng thẻ đã không còn xa lạ và có rất nhiều nơi chấp nhận thanh toán bằng thẻ. Có hai loại thẻ chính được sử dụng trong thanh toán: (1) Thanh toán bằng thẻ ghi nợ nội địa là loại thẻ có phạm vi sử dụng trong quốc gia mà nó được phát hành. Thẻ được liên kết với tài khoản ngân hàng của người sử dụng và cần phải nạp tiền vào tài khoản ngân hàng mới có thể sử dụng được thẻ; (2) Thanh toán bằng thẻ tín dụng là thẻ thanh toán trước trả tiền sau. Ngân hàng sẽ cấp một hạn mức tín dụng nhất định cho chủ thẻ chi tiêu theo yêu cầu. Sau đó, chủ thẻ phải hoàn trả số tiền đã sử dụng trong thời hạn thanh toán nếu không sẽ bị tính thêm lãi suất.
Thanh toán bằng séc trực tuyến. Séc trực tuyến hay séc điện tử là hình thức thanh toán hóa đơn cho phép người dùng thanh toán qua internet thay vì dùng séc bằng giấy như trước. Người thanh toán sẽ chuyển tờ séc điện tử tới ngân hàng, sau khi ngân hàng kiểm tra tính hợp lệ của tờ séc sẽ tiến hành chuyển tiền cho người được thanh toán. Toàn bộ quá trình thanh toán được thực hiện trực tuyến nên tiết kiệm thời gian, chi phí hơn so với séc bằng giấy. Các chuyên gia ước tính chi phí sử dụng séc điện tử chỉ bằng 1/3 so với chi phí sử dụng séc bằng giấy.
Thanh toán bằng chuyển khoản ngân hàng. Chuyển khoản ngân hàng là hình thức thanh toán hóa đơn được người tiêu dùng ưa chuộng trong nhiều năm gần đây. Họ có thể chuyển tiền tới đối tác thông qua ATM hoặc thao tác ngay trên điện thoại, máy tính. Đa phần các DN đều sử dụng phương thức thanh toán này trong các giao dịch kinh tế. Thêm vào đó, chuyển khoản là một trong hai hình thức thanh toán được chấp nhận trên hóa đơn.
Thanh toán qua cổng TTĐT. Cổng TTĐT là dịch vụ mà khách hàng có thể thanh toán tại các website TMĐT. Theo đó, nó cho phép kết nối an toàn giữa tài khoản khách hàng sử dụng (thẻ, ví điện tử,…) với tài khoản website bán hàng, giúp người sử dụng dịch vụ có thể chuyển – nhận tiền một cách an toàn và nhanh chóng, như: nộp thuế điện tử qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tại website https://nopthue.gdt.gov.vn.
Thực trạng thanh toán điện tử ở Việt Nam
Thứ nhất, chuyển tiền ra nước ngoài qua máy POS (Point of Sale).
POS là máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn dịch vụ. Theo quy định, máy POS phải được các ngân hàng trong nước chấp thuận và kết nối với các trung tâm thanh toán để quản lý dòng tiền. Ngoài ra, máy POS hợp pháp cũng chỉ chấp thuận một số ít thẻ quốc tế tại Việt Nam để kiểm soát dòng tiền ngoại tệ ra vào, tránh chuyển ngoại tệ bất hợp pháp ra nước ngoài.
Hiện nay, cơ quan nhà nước đã phát hiện nhiều trường hợp chuyển tiền ra nước ngoài thông qua hệ thống máy POS khi khách hàng mua hàng hóa dịch vụ. Ðáng chú ý, các giao dịch này đều được thực hiện bằng máy POS đưa trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam chỉ với một chiếc sim điện thoại 3G, không cần thông qua hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ở nước ta, các địa phương có hoạt động du lịch sôi động, số lượng du khách nhiều, nhất là du khách Trung Quốc, đều có nguy cơ bị các đối tượng lợi dụng thanh toán “chui” qua máy POS khiến địa phương thất thu thuế, việc kiểm soát hoạt động cơ sở kinh doanh trở nên khó khăn hơn.
Hoạt động thanh toán tiền trái phép qua hệ thống máy POS ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ quốc gia, vi phạm quy định về quản lý ngoại hối của Nhà nước do đồng tiền niêm yết, giao dịch và thanh toán đều bằng ngoại tệ; không quản lý các giao dịch thanh toán được thực hiện tại Việt Nam; không bảo vệ được người tiêu dùng và người bán hàng; gây thất thoát thuế do các giao dịch hoàn toàn xử lý tại nước ngoài. Nói cách khác, đây là hình thức xuất khẩu tại chỗ nhưng không thu được tiền thuế về cho đất nước.
Thứ hai, gian lận về chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
Để hạn chế tình trạng mua, bán hóa đơn giữa các DN, Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điểu của Luật Thuế GTGT. Theo đó, Thông tư đã hướng dẫn về điều kiện để khấu trừ, hoàn thuế GTGT, cụ thể: đối với các hóa đơn có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Do đó, kể từ khi Thông tư số 129/2008/TT-BTC có hiệu lực, các DN mua bán hóa đơn đã hoạt động tinh vi hơn bằng hàng loạt các phương thức tạo chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Cụ thể:
– Tạo chứng từ thanh toán qua ngân hàng thông qua việc nộp tiền mặt vào tài khoản của người mua hóa đơn, sau đó người mua hóa đơn chuyển trả vào tài khoản cho người bán hóa đơn thông qua ngân hàng.
– Tạo chứng từ thanh toán qua ngân hàng giả mạo, một số DN không thực hiện việc thanh toán qua ngân hàng mà giả mạo chữ ký và con dấu của ngân hàng để lập ủy nhiệm chi và xác nhận đã thanh toán để có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
Các DN thực hiện việc mua bán lòng vòng qua nhiều khâu trung gian. Do đó, chỉ xác minh qua một hoặc hai khâu trung gian sẽ không phát hiện được thủ đoạn của các DN vì tại các DN trung gian có đầy đủ hóa đơn đầu ra, đầu vào và các chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
Thông qua những phương thức nêu trên, DN đã lợi dụng việc chuyển tiền thanh toán qua ngân hàng nhằm thực hiện hành vi mua, bán hóa đơn GTGT, trốn thuế và chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước.
Thứ ba, đối với cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội hay các trang TMĐT nhưng nhận tiền mặt, nhận thanh toán qua tài khoản ngân hàng mà không kê khai doanh thu hoặc kê khai không đúng quy định.
Hiện nay, nhiều DN có những sai phạm liên quan đến việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên các trang TMĐT, mạng xã hội nước ngoài, như: cung cấp hàng hóa, dịch vụ nhưng người bán hàng lại thu tiền mặt (qua các đơn vị giao nhận) hoặc thực hiện thanh toán qua tài khoản không đăng ký với cơ quan thuế và không kê khai doanh thu để nộp thuế. Ngoài ra, những năm gần đây, tại Việt Nam đã hình thành nhiều DN cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, có phát sinh thu nhập từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube… Các khoản thu nhập này được chuyển về Việt Nam cho DN thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, nhưng các DN này khi kê khai các khoản thu nhập với cơ quan thuế thì kê khai sai mức thuế suất. Cụ thể: (1) Đối với thuế GTGT, nhiều DN đang kê khai là dịch vụ xuất khẩu được áp mức thuế suất 0%, trong khi thuế suất đúng là 10% do thuộc lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam; (2) Đối với thuế thu nhập DN, nhiều DN dịch vụ quảng cáo hiện đang kê khai là hoạt động sản xuất phần mềm với mức ưu đãi thuế thu nhập DN 10%, trong khi thuế suất đúng phải áp dụng thuế suất phổ thông với mức 20% kể từ năm 2016.
Giải pháp quản lý thanh toán điện tử đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Một là, đối với nguồn tiền chuyển ra nước ngoài qua máy POS.
Các đơn vị chức năng cần phối hợp, tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch, hệ thống cửa hàng và các giao dịch, thanh toán hàng hóa, dịch vụ không đúng quy định của pháp luật nhằm kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế. Máy tính tiền có kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan thuế là thiết bị điện tử đồng bộ, hay một hệ thống nhiều thiết bị điện tử được kết nối với nhau bằng một phần mềm bán hàng, như: tính tiền, lưu trữ các thao tác bán hàng, số liệu bán hàng, in hóa đơn, tra cứu giao dịch, báo cáo giao dịch và được kết nối chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế theo định dạng chuẩn bằng phương thức điện tử. Đây được xem là một trong những giải pháp mang lại “lợi ích kép” cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế, đặc biệt là nhóm đối tượng kinh doanh nhỏ không bị áp đặt thuế, ấn định doanh thu mà sẽ nộp thuế theo doanh thu thực tế. Qua đó đem lại sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh với nhau. Nó không những giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền làm cơ sở trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hai là, đối với gian lận về chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
Hiện nay, Luật Thuế GTGT quy định đối với các khoản thanh toán có tổng giá trị từ 20 triệu đồng trở lên để được khấu trừ thuế GTGT thì các tổ chức phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN sử dụng kẽ hở đó để mua bán hóa đơn hay trốn tránh việc xuất hóa đơn cho khách hàng. Vì vậy, để hạn chế những rủi ro trốn thuế, Chính phủ cần có lộ trình cụ thể để tiến tới việc thanh toán không sử dụng tiền mặt với tất cả giao dịch bán ra và mua vào, không giới hạn tổng giá trị thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên phải thông qua ngân hàng theo Luật Thuế GTGT quy định. Việc áp dụng quy định này sẽ hỗ trợ cơ quan thuế trong việc kiểm soát doanh thu và chi phí của các tổ chức có hoạt động sản xuất – kinh doanh, tăng cường tính nghiêm minh trong công tác quản lý thuế.
Việc quy định DN thanh toán không sử dụng tiền mặt là khả thi, do các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, như: thẻ tín dụng, thẻ ATM, ví điện tử, thanh toán qua trung gian thứ 3 ngày càng phổ biến và được nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng. Hiện nay, phần lớn các DN đều chi trả các khoản lương, trợ cấp thông qua ngân hàng. Đồng thời, khi DN mua hàng hóa, dịch vụ và chi trả các khoản khác cho cá nhân, thì cá nhân đó phải có tài khoản ngân hàng mới nhận được tiền thanh toán. Từ đó, người dân sẽ có động lực mở tài khoản ngân hàng thanh toán cho DN và ngược lại.
Ba là, đối với cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội hay các trang TMĐT nhưng nhận tiền mặt, nhận thanh toán qua tài khoản ngân hàng mà không kê khai doanh thu hoặc kê khai không đúng quy định.
Đối với tổ chức kinh doanh TMĐT thực hiện thanh toán qua ngân hàng nhưng không đăng ký với cơ quan thuế, cơ quan thuế kiểm tra các trang web bán hàng, các địa chỉ bán hàng trên các trang mạng xã hội để xác định các tài khoản nhận thanh toán tiền mua hàng nhưng không được đăng ký. Khi xác định được các tài khoản mở tại ngân hàng nhận thanh toán tiền thì tiến hành xác minh tại ngân hàng để xác định doanh thu bán hàng không thực hiện kê khai nộp thuế để xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
Đối với hành vi sai phạm thu tiền mặt thông qua các đơn vị giao nhận hàng hóa thì thực hiện tiến hành thanh tra, kiểm tra hoặc xác minh tại các đơn vị ký hợp đồng nhận vận chuyển giao hàng hóa có thu hộ tiền cho người bán, từ đó xác định số lượng hàng hóa bán, số tiền doanh thu thu hộ để xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh thu không thực hiện kê khai nộp thuế.
Đối với các DN cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, có phát sinh thu nhập từ các trang mạng xã hội, như: Google, Facebook, Youtube… chưa thực hiện kê khai nộp thuế hoặc kê khai nộp thuế không đúng quy định thì cơ quan thuế sẽ siết chặt quản lý dòng tiền của các hoạt động TMĐT xuyên biên giới với các DN này. Theo đó, cơ quan thuế sẽ tiến hành xác minh tại tất cả các ngân hàng trên cả nước để xác định các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có phát sinh thu nhập từ các trang mạng xã hội nước ngoài chưa thực hiện kê khai nộp thuế hoặc kê khai nộp thuế không đúng quy định, từ đó thực hiện thanh tra, kiểm tra để xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
Kết luận
Khi hoạt động kinh doanh giữa các DN ngày càng phát triển và quốc tế hóa, việc thực hiện giao dịch nhanh và hiệu quả sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu. Một số khó khăn, thách thức đặt ra trong công tác quản lý thuế đối với thanh toán tín dụng, thanh toán di động hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Quản lý thuế vẫn phụ thuộc vào quản lý hóa đơn và kê khai thuế. Việc quản lý thuế theo dòng tiền đối với các giao dịch TTĐT và thanh toán di động vẫn còn nhiều hạn chế, cần được khắc phục tương xứng như giải pháp nêu ra. Công tác rà soát các giao dịch thanh toán điện thoại mới chỉ được thực hiện tại một số cục thuế và chưa đồng bộ; việc truy vấn dữ liệu thực hiện chưa được số hóa động bộ, vẫn còn áp dụng một phần thủ công, gây tốn thời gian và nguồn lực. Bên cạnh đó, cần áp dụng rộng rãi và triệt để phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch của các chủ thể và DN, cần phối hợp, kết nối hệ thống máy tính tiền với cơ quan thuế để kiểm soát dữ liệu quản lý dòng tiền nhằm quản lý DN, chống thất thu thuế.