Vai trò của người lãnh đạo trong phát triển văn hóa công vụ của tổ chức

(Quanlynhanuoc.vn) – Người lãnh đạo có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi tổ chức, trong thực tế, cùng một tổ chức dưới sự chỉ đạo của các nhà lãnh đạo khác nhau, tổ chức đó đi theo các hướng khác nhau. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích vai trò của người lãnh đạo với sự phát triển văn hóa công vụ của tổ chức.
Ảnh minh họa (internet)

Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án văn hóa công vụ (VHCV) xác định mục tiêu nâng cao VHCV, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội.

Từ các hiểu biết về VHCV trong tổ chức như trên, có thể thấy người lãnh đạo muốn xây dựng,phát triển VHCV trong tổ chức thì bản thân họ trước tiên phải xây dựng được văn hóa cá nhân của người lãnh đạo. Văn hóa của người lãnh đạo cũng thể hiện ở tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, chuẩn mực về đạo đức, lối sống… Người lãnh đạo xây dựng cho mình được văn hóa chuẩn mực sẽ tạo nên hệ thống giá trị của cá nhân người lãnh đạo.

Giá trị của mỗi cá nhân được thể hiện thông qua nhân cách của họ. Nhân cách lại được hình thành bởi phẩm chất hay còn gọi là đạo đức, năng lực hay còn hiểu là những việc họ làm được để đóng góp cho xã hội và thái độ ứng xử của họ với con người, với xã hội… Giá trị của người lãnh đạo cũng cơ bản là giá trị của một con người, mỗi người có giá trị của họ để được xã hội và cộng đồng chấp nhận, ghi nhận và tôn trọng. Như vậy, có thể thấy giá trị của mỗi con người không thể hiện ở trình độ học vấn hay chức vụ nói cách khác có người học vấn cao, có chức quyền nhưng không trung thực, vụ lợi cá nhân mà bỏ qua lợi ích chung của tập thể, xã hội thì giá trị của họ cũng không được tôn trọng.

Mỗi người lãnh đạo trong bất kỳ vị trí nào đều có tầm ảnh hưởng tới sự phát triển của một ngành, một lĩnh vực, một địa phương và tại nơi công tác, do đó, đòi hỏi mỗi người lãnh đạo phải tự xây dựng cho mình một giá trị đạo đức để được tôn trọng, được ghi nhận. Giá trị đó, được thể hiện bằng sự chính trực, nói đi đôi với làm, trung thực và giữ chữ tín; bên cạnh đó họ còn cần biết lắng nghe đồng nghiệp, cấp dưới cũng như Nhân dân. Nếu người lãnh đạo biết cách lắng nghe và thấu hiểu, chia sẻ và có các quyết định để giải quyết những vấn đề họ nghe được giải quyết với kết quả tốt nhất.

Giá trị của người lãnh đạo không chỉ dừng lại ở việc thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, làm tròn trách nhiệm của người lãnh đạo mà còn thể hiện ở niềm tin của họ với cấp trên, cùng cấp và cấp dưới, tin tưởng để phối hợp công việc, tin tưởng để trao quyền, tin tưởng để giao nhiệm vụ, đặc biệt dẫn dắt người khác phát triển bản thân họ. Xây dựng niềm tin trong tổ chức là quan trọng và cần thiết, là trụ vững trong phát triển của VHCV. Không ai cho ta sự tin cậy và cũng không nên ngộ nhận mình đang có nó chỉ vì đang giữ vị trí lãnh đạo. Xây dựng niềm tin là một quá trình hoàn thiện và tích lũy sự tin tưởng. Niềm tin luôn đến khi thực tế có câu trả lời thông qua các hành vi, quyết định đúng đắn, vì lợi ích vì tập thể của người lãnh đạo.

Để thu hút và tạo cảm hứng cho cấp dưới của mình làm việc hiệu quả thì việc làm gương của người lãnh đạo là cần thiết. Lãnh đạo chính bản thân mình là việc làm không dễ, nhưng quan trọng, chìa khóa của lãnh đạo bản thân tốt là học cách tự quản lý. Hầu hết mọi người thường chú trọng quá nhiều vào việc ra quyết định, nhưng lại không quan tâm đúng mức đến quá trình quản lý quyết định. Vì thế, người lãnh đạo giỏi là người biết quản lý cảm xúc, biết khi nào thể hiện và khi nào trì hoãn, đôi khi họ bày tỏ cảm xúc để tìm sự thông cảm và làm lay động lòng người; cùng với nó, người lãnh đạo cũng cần quản lý và kiểm soát tốt về lời nói, thái độ, thời gian, quản lý năng lượng và các thứ tự ưu tiên trong công việc.

Người lãnh đạo làm gương cho cán bộ, công chức và viên chức trong ngành mình quản lý soi rọi và thực hiện. Trong bất kỳ tổ chức nào, cấp dưới sẽ nhìn cấp trên để xác định cho mình cách làm việc và thái độ ứng xử. Việc không ngừng hoàn thiện trau dồi bản thân chính là để xác định giá trị trên. Giá trị đặc biệt của người lãnh đạo, là khả năng khơi gợi tiềm năng của người khác, giúp họ phát triển phẩm chất và năng lực để trở thành những người có tầm ảnh hưởng tới tổ chức, tới ngành và cộng đồng xã hội.

Vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng tới phát triển VHCV của tổ chức, cách hành xử của người lãnh đạo sẽ quyết định tới môi trường và tạo dựng các giá trị văn hóa tổ chức. Nếu cách hành xử của người lãnh đạo độc đoán hoặc nói một đằng làm một nẻo, sẽ tạo nên một môi trường văn hóa bị bó chặt, cấp dưới sẽ không dám đưa ra ý kiến phản biện hay trao đổi, họ sẽ nghi ngờ và đề phòng lẫn nhau. Nếu cách hành xử của người lãnh đạo thân thiện, chính trực và tôn trọng thì sẽ hình thành môi trường văn hóa của tổ chức cởi mở, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Những gì người lãnh đạo thể hiện nói và làm nhất quán với nhau, sẽ thu được kết quả nhất quán, ngược lại, các kết quả sẽ sẽ không ổn định. Người lãnh đạo tạo ra bầu không khí và nhịp độ cho cán bộ, công chức, viên chức đơn vị. Một trong những hoạt động rất dễ thấy đó là làm việc đúng giờ, phong cách, trang phục… của người lãnh đạo sẽ hình thành nên nét VHCV của cơ quan, tổ chức.

Thái độ làm việc cũng như thái độ của người lãnh đạo cũng là tấm gương phản chiếu bầu không khí tâm lý của tổ chức. Nếu người lãnh đạo luôn có thái độ căng thẳng, quan trọng hóa vấn đề sẽ hình thành bầu không khí tâm lý nặng nề trong tổ chức. Các nhân viên theo đó cũng sẽ có nhiều áp lực và ức chế. Môi trường làm việc sẽ trở nên ngột ngạt. Dĩ nhiên không ai muốn làm việc trong môi trường như vậy. Nếu người lãnh đạo có thái độ cởi mở, tin tưởng, biết lắng nghe và thấu hiểu sẽ xây dựng được bầu không khí tâm lý thóai mái, tin tưởng và chia sẻ lẫn nhau. Cấp dưới và nhân viên sẽ cảm thấy dễ chịu, giảm ức chế trong làm việc, họ sẵn sàng đưa ra các ý kiến phản biện để đóng góp cho việc thực hiện công việc, hiệu suất lao động cũng sẽ được nâng cao. Điều đó sẽ tạo sự gắn kết giữa các thành viên với nhau và các thành viên với tổ chức. Đây chính là việc khơi dậy những tiềm năng, tạo động lực cho mối cá nhân phát triển sáng tạo và năng lực của họ trong hoạt động công vụ. Qua đó phát huy được sức mạnh tập thể, nâng cao được năng lực của tổ chức, tạo ra các giá trị hữu hình và vô hình mà nó mang lại, xây dựng một hình ảnh đẹp về VHCV của tổ chức.

Tác phong làm việc, trình độ chuyên môn của người lãnh đạo quyết định năng suất lao động và tiềm năng phát triển của tổ chức. Nếu người lãnh đạo có tác phong làm việc không khoa học, theo kiểu tùy tiện thích gì làm nấy, không coi trọng thời hạn hoàn thành công việc thì nhân viên cũng sẽ theo đó để thực hiện công việc.

Bên cạnh đó, nếu người lãnh đạo luôn có thái độ biết tuốt, luôn thể hiện mình là người giỏi nhất, nhân viên phản chiếu điều đó bằng thái độ và cách hành xử của họ với cấp trên, họ sẽ nịnh nọt, tung hô lãnh đạo và cũng không cần phải nghiêm túc học tập cầu thị. Ngược lại, nếu người lãnh đạo có tác phong làm việc nghiêm túc, thận trọng và coi trọng hiệu quả thì nhân viên sẽ cảm thấy có sự thúc đẩy phải luôn cố gắng để bắt kịp với tốc độ làm việc của lãnh đạo. Người lãnh đạo luôn cầu thị, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn và tiếp cận phương thức quản lý hiện đại cũng sẽ thúc đẩy nhân viên phải trau dồi kiến thức, nhân viên sẽ không muốn bị lãnh đạo phát hiện ra mình có trình độ chuyên môn yếu kém.

Có thể thấy rằng, tác phong và thái độ làm việc của lãnh đạo hay nói các khác văn hóa cá nhân của người lãnh đạo có ảnh hưởng tới sự phát triển VHCV của tổ chức. Trong tổ chức có VHCV lành mạnh, mọi giá trị và niềm tin được chia sẻ sẽ tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, cởi mở. Cán bộ, công chức, viên chức và cả tổ chức sẽ được khơi dậy tiềm năng bằng việc họ phải luôn trau dồi kiến thức để bắt kịp với yêu cầu cao của người lãnh đạo. Một tổ chức, đơn vị muốn phát triển bền vững là tổ chức, đơn vị đó sẽ lấy VHCV làm nền tảng cho mọi động lực trong thực thi công vụ.

Tài liệu tham khảo
1. Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước.
2. Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án văn hóa công vụ.
3. Trịnh Thanh Hà. “Xây dựng văn hóa ứng xử công vụ của công chức cơ quan hành chính nhà nước Việt Nam hiện nay”. Luận án tiến sĩ Quản lý hành chính công. Năm 2009.
4. John C. Maxwell. Nhà lãnh đạo 360. NXB Lao động – Xã hội, 2012
5. Edgar H. Schein, Organnizational Cultura and Leadeship, 2004 Jossey – Bass Publishing House
TS. Trịnh Thanh Hà
Học viện Hành chính Quốc gia