Phát triển công nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển bền vững là cụm từ xuất hiện khá nhiều trong các diễn đàn, hội nghị kinh tế, nhất là trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”1. Để thực hiện thắng lợi quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định đưa nước ta trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI, việc bảo đảm phát triển bền vững đất nước nói chung và công nghiệp nói riêng đòi hỏi phải quyết tâm và có lộ trình, bước đi phù hợp.
Ảnh minh họa (internet)
Phát triển công nghiệp bền vững – yếu tố quan trọng tạo sức bật của nền kinh tế

Phát triển bền vững (PTBV) là thuật ngữ dùng để chỉ sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, hay nói cách khác, đó là sự phát triển đi lên đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không tổn hại đến tương lai. Với cách hiểu chung nhất như vậy, phát triển công nghiệp (PTCN) bền vững là quá trình sản xuất, kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp, bảo đảm mức thu nhập thường xuyên, không bị gián đoạn, xáo trộn bởi những tác động ở bên ngoài, các ngành công nghiệp (NCN) luôn có sự phát triển liên tục, đóng góp nhất định vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

Đảng ta luôn xác định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của PTCN nói chung và PTBV nói riêng trong hệ thống kinh tế cả nước; khẳng định PTCN là yếu tố theo chốt, là nhân tố cơ bản của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế, tạo ra bước đột phá trong tỷ trọng cơ cấu kinh tế của cả nước. PTCN bền vững là quan điểm, chủ trương nhất quán xuyên suốt của Đảng ta, song ở mỗi giai đoạn, thời điểm yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra những điều kiện, nhân tố mới có cả thuận lợi và khó khăn, việc xác định, ưu tiên những NCN nào phát triển trước được đặt ra cấp bách hơn. Sự ưu tiên phát triển đó, diễn ra dưới hình thức, phương pháp nào thì PTCN bền vững vẫn là đường hướng chính trị chủ đạo, chi phối, quy định hoạt động, phát triển của các NCN cụ thể, đặt trong mối quan hệ tổng thể của sự phát triển ổn định, bền vững của cả nước.

Thực trạng phát triển công nghiệp bền vững ở nước ta thời gian

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ và các cơ quan, ban ngành từ trung ương đến địa phương, PTCN bền vững ở các địa phương đã được chú trọng và có những đóng góp nhất định vào bức tranh tổng thể tăng trưởng kinh tế GDP của cả nước; công nghiệp là một trong 3 trụ cột quan trọng của nền kinh tế đất nước, tạo ra dấu ấn đột phá cho sự phát triển bền vững của các địa phương. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, phát triển công nghiệp bền vững ở nước ta vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao, thu hút được nhiều nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển; công nghiệp đã hỗ trợ rất lớn cho phát triển nông nghiệp, xuất khẩu hàng hoá, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Năng lực cạnh tranh toàn cầu của NCN Việt Nam bước đầu đã tăng lên, PTCN từng bước đi vào chiều sâu. Từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, đến nay Việt Nam đã thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế trên trường quốc tế ngày càng cải thiện và được đánh giá cao. Việt Nam trở thành đối tác, hợp tác tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên; cơ cấu các NCN chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo. Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2021, một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, chiếm vị trí vững chắc trên thị trường thế giới; năng lực cạnh tranh toàn cầu của NCN tăng lên (theo UNIDO, xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của NCN Việt Nam tăng từ vị trí 58 năm 2015 lên thứ 42 vào năm 2019)2.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được PTCN bền vững ở nước ta còn một số hạn chế:

Thứ nhất, khả năng chịu đựng của một số NCN trước những diễn biến phức tạp của tình hình, nhất là dịch bệnh còn yếu, chưa đáp ứng được với kỳ vọng, mong đợi của Nhà nước và người dân.

Thứ hai, nguồn nhân lực chất lượng cao cho PTCN bền vững còn thiếu, đặc biệt là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của người đứng đầu doanh nghiệp (DN), nhà máy, xí nghiệp còn yếu gây thất thoát, lãng phí tài sản, hoạt động cầm chừng, không tạo ra bước đột phá cho nên kinh tế đất nước.

Thứ ba, khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp, không nghĩ đến lợi ích lâu dài, chạy theo lợi nhuận trước mắt; một số NCN nặng như luyện kim, cơ khí, chế tạo máy, sản xuất ô tô, thiết bị máy móc hiện đại vẫn phụ thuộc vào bên ngoài, nhập khẩu ở các nước phát triển, như: Nhật Bản, Pháp, Anh, Đức, Mỹ… Từ đó, dẫn đến chi phí đầu ra cho sản xuất phục vụ thị trường nội địa trong nước cao, không thu hút được người dân.

Một số giải pháp phát triển công nghiệp bền vững

Một là, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ PTCN bền vững.

Đây là giải pháp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng để PTCN bền vững hiện nay. Nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tố trung tâm, cơ bản của mọi sự phát triển, không có nguồn lực con người với trình độ tay nghề cao thì không thực hiện được sự phát triển của các ngành, lĩnh vực. Đối với PTCNbền vững, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo ra bước đột phá, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất, sáng chế, sáng tạo và vận hành sản xuất; đó là nguồn nhân lực trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, phân phối, tạo ra sự gắn kết, liên doanh, liên kết cho sự PTCN bền vững. Với những NCN nặng như năng lượng, luyện kim, điện tử viễn thông, cơ khí, nguồn nhân lực cao sẽ góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ cho sản xuất vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa có thể sản xuất sang thị trường khu vực và thế giới. Trên thực tế, những NCN này vẫn phải nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài, mời các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài tư vấn, tham gia thiết kế cùng. Theo tinh thần đó, thời gian tới NCN nặng cần phải đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường phối hợp với các trường đại học uy tín chuyên đào tạo kỹ sư, như: trường đại học Bách khoa Hà Nội, trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh; trường đại học xây dựng; Đại học quốc gia Hà Nội… để tuyển dụng, đào tạo vào làm việc, yêu cầu cao cho người lao động trước khi vào làm việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí do đơn vị quy định; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với nhu cầu của thị trường và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như điều kiện của mỗi địa phương.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật để PTCN bền vững.

Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật để khơi thông điểm nghẽn, có ý nghĩa rất thiết thực đối với các DN, xí nghiệp và nhà đầu tư để PTCN bền vững. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương cắt, giảm thủ tục hành chính, khâu trung gian không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc, gây cản trở, ách tắc cho sự phát triển của một số lĩnh vực, NCN. Vì vậy, người đứng đầu cơ quan, ban, ngành có thẩm quyền cần lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc cải cách thủ tục hành chính ở ngành mình, địa phương mình, tạo hành lang pháp lý thông thoáng tốt nhất cho công nghiệp phát triển theo hướng bền vững; rà soát, đánh giá các loại văn bản, quy định có liên quan đến PTCN còn hiệu lực, phù hợp với thực tiễn đang đặt ra không, nếu phù hợp thì tiếp tục nghiên cứu bổ sung, không phù hợp phải loại bỏ, ban hành văn bản mới; lắng nghe, ý kiến phản hồi từ DN, người hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực công nghiệp để thay đổi, cải cách các thủ tục hành chính; các thủ tục hành chính khi được ban hành phải lấy doanh nghiệp, nhà sản xuất làm trung tâm, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển KTXH địa phương, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật.

Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN công nghiệp, ứng dụng công nghệ số vào PTCN bền vững.

Hiện nay, ở nước ta có khá nhiều DN có vị thế, uy tín trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và có khả năng cạnh tranh với những doanh nghiệp có tên tuổi, hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, số lượng DN công nghiệp có uy tín, thương hiệu như vậy không nhiều. Thời gian tới, cần phải chú trọng đến nâng cao năng lực cạnh tranh của DN công nghiệp, tạo ra nhiều DN có uy tín, thương hiệu, đem lại lợi ích cho đất nước nhiều hơn nữa. Muốn vậy, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong quản lý, điều hành chung nền kinh tế đất nước; phân cấp, phân quyền cho địa phương, các sở, ban, ngành của địa phương chịu trách nhiệm kiểm soát về chất lượng hàng hoá, sản phẩm, môi trường sản xuất – kinh doanh. Khuyến khích sự phát triển vươn lên chính đánh của mỗi DN công nghiệp nhưng không phải bằng mọi giá, chạy theo lợi nhuận, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong Nhân dân.

PTCN bền vững cần được áp dụng, triển khai chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN công nghiệp và các ngành nghề, lĩnh vực của công nghiệp; đẩy mạnh xây dựng các dây chuyềnsản xuất, cung ứng sản phẩm theo hướng hiện đại, giảm sức lao động, tăng lên tính chuyên môn, kỹ thuật của người lao động trong từng công đoạn; xây dựng nhà máy thông minh, DN thông minh, tất cả đều được tự động hóa, mã hóa chỉ cần sự điều khiển của con người trong mọi công đoạn, chu trình đều vận hành được ngay và tiết kiệm nhiên liệu, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp.

Bốn là, tăng cường liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, thị trường tiềm năng để PTCN bền vững.

DN nước ngoài, thị trường tiềm năng ở Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều là những khu vực đem lại rất nhiều thời cơ, vận hội để NCN phát triển theo hướng bền vững. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng tính chủ động trong hợp tác, liên doanh, liên kết ở những ngành, lĩnh vực có thế mạnh, có sự hiểu biết về mọi mặt để tránh bị phụ thuộc, lợi dụng nhau trong quá trình thực hiện; xác định rõ lộ trình, bước đi ở những nội dung hợp tác, liên doanh, liên kết, thường xuyên có sự trao đổi thông tin qua lại, nắm bắt được tiến độ, chất lượng của lĩnh vực, hoạt động liên doanh, liên kết.

Đối với những đối tác truyền thống, lâu năm, tin cậy, cần tăng cường hợp tác về vốn, công nghệ, trao đổi, hợp tác về nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng công trình, dự án để khai thác một số nguồn lực là thế mạnh của Việt Nam; tranh thủ sự giúp đỡ về vốn, khoa học – công nghệ của những đối tác lâu dài, tin cậy để từng bước PTCN Việt Nam.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.104, tr.93 – 94.
2. Tổng cục Thống kê. Báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2021.
Thượng tá. ThS. Ngô Minh Tuấn
PGS.TS. Đỗ Huy Hà
TS. Phạm Duyên Minh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng