Phụ nữ Việt Nam luôn tỏa sáng phẩm chất: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”

(Quanlynhanuoc.vn) – Phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử luôn có vai trò đặc biệt, có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Dù vị trí công việc gì, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, phụ nữ Việt Nam vẫn luôn luôn tỏa sáng phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng. 
Các nữ quân nhân Việt Nam tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc. Ảnh: thanhnien.vn.
Phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” tiếp tục toả sáng

Phụ nữ là một thành tố quan trọng để thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Mỗi phụ nữ là hạt nhân thực hiện an sinh xã hội từ sự lan tỏa tấm lòng yêu thương, giúp đỡ những người cơ nhỡ, tạo công ăn, việc làm, xóa đói, giảm nghèo… Hình ảnh người phụ nữ với 8 chữ vàng đó càng được tôn vinh hơn trong thời gian đại dịch, thiên tai hoành hành, chị em phụ nữ đã khắc phục những khó khăn, vất vả, dành hết tình cảm thương yêu để chăm lo mọi công việc trong phòng, chống đại dịch. Đó là những nữ cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên y tế nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, hy sinh, mất mát, tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe, tính mạng cho người dân. Những điều đó càng khẳng định rõ hơn vai trò của chị em phụ nữ vừa gánh vác việc gia đình, vừa là thành viên của xã hội, đóng góp tích cực vào các nhiệm vụ, kết quả chung của đất nước.

Trong phát triển kinh tế đất nước, đã xuất hiện nhiều mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi được nhân rộng ở các địa phương. Số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ngày càng tăng, có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Năm 2022, có 2 đại biểu nữ trong Top 10 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu xuất sắc nhất, 3 doanh nhân nữ trong 6 doanh nhân có thành tích xuất sắc trong hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-191.

Trong nghiên cứu khoa học, đội ngũ nữ trí thức ngày càng thể hiện được tài năng, trí tuệ và sức sáng tạo, có nhiều cống hiến cho xã hội, được Đảng, Nhà nước, Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Từ năm 2015 đến nay, đã có 3 nhà khoa học nữ của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới (trong đó năm 2022 có 1 người)2.

Đối với lĩnh vực văn hóa – thể thao, lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành vé tham dự vòng chung kết Word Cup bóng đá nữ 2023. Các nữ vận động viên Việt Nam đã đóng góp nhiều thành tích quan trọng tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) với 103 huy chương vàng, 119 huy chương bạc và đồng, chiếm gần 50% trong tổng số huy chương của đoàn Việt Nam. Đặc biệt, phụ nữ đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; trực tiếp tham gia xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân; bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc; tham gia hiệu quả, trách nhiệm trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc…

Đảng và Nhà nước luôn ghi nhận, tôn vinh vị thế, vai trò của phụ nữ Việt Nam

Ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của các thế hệ phụ nữ, cùng gắn với 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, ngày nay, phụ nữ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho, đó là: “Đoàn kết – Đổi mới – Bình đẳng – Hội nhập”3. Đảng và Nhà nước ta quan tâm đặc biệt đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, như: có nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phụ nữ trong tạo việc làm, khởi nghiệp…  Với những chính sách này, Việt Nam đã tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn đồng hành cùng các cấp chính quyền, các cấp hội trong cả nước tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Chủ động triển khai, vận động phụ nữ tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Chính phủ, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp phát động phong trào…, mang lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ, như: phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”…

Với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước, thông qua việc chủ động giám sát, phản biện xã hội và đề xuất với Chính phủ và các cấp chính quyền nhiều chính sách về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, đến nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt cao, xếp thứ 62/190 quốc gia trên thế giới và thứ 2 trong khu vực ASEAN về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan nghị viện/quốc hội (theo đánh giá của Liên đoàn nghị viện quốc tế). 50% bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt; lãnh đạo nữ chủ chốt tham gia vào các cơ quan nhà nước ở trung ương đạt trên 23%, đối với cấp tỉnh là 37,5%, đối với cấp huyện là 39,6% 4.

Một thành tích đáng kể cần phải nhắc tới, đó là việc đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 –2030…

Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Để phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, cần chú trọng, tạo mọi điều kiện để phụ nữ phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của mình, cần phải tiếp tục đề cao địa vị phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng thời, xác định công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình; của bản thân phụ nữ.

Cần chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò công dân, người lao động, người vợ, người mẹ, người bà, người thầy đầu tiên của con người. Trong thời gian tới, cần có nhiều giải pháp, như: tổng rà soát lại các thể chế và cơ chế chính sách để xác định rõ chỉ tiêu, có căn cứ pháp lý để tổ chức thực hiện; tiếp tục nâng cao trách nhiệm, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đề ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ để phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 60% cơ quan hành chính nhà nước có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ5.

Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu quan tâm đến sự tiến bộ của phụ nữ, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và từ đó bố trí lãnh đạo nữ đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.

Quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước; xây dựng kế hoạch để thực hiện Chương trình: “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 – 2030”; cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ nữ các cấp. Tăng cường các giải pháp để bảo đảm các chỉ tiêu, mục tiêu về công tác cán bộ nữ; xây dựng cơ chế đặc thù cho cán bộ ở các thành phố lớn, nhất là những nơi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; xây dựng chính sách mở rộng kết nối giữa hệ thống các doanh nghiệp dẫn đầu với các doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Nghiên cứu, xây dựng chính sách để bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó có chính sách về lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học… Duy trì các cuộc đối thoại với phụ nữ để giải quyết hiệu quả các vấn đề theo tinh thần phân cấp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách, tình thế, vừa giải quyết các vấn đề chiến lược, lâu dài. Đồng thời, hoàn thiện chính sách về bảo hiểm y tế, thực hiện các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe, tăng cường sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh thường gặp ở phụ nữ. Bảo đảm phương tiện, điều kiện làm việc, có ưu tiên cho phụ nữ.

Chú thích:
1, 2, 4, 5. Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề: “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế – xã hội, tổ chức tại Hà Nội, ngày 15/10/2022.
3. Khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII: Phụ nữ Việt Nam: “Đoàn kết – Đổi mới – Bình đẳng – Hội nhập”. https://tuyengiao.vn, ngày 07/3/2017.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Bình đẳng giới năm 2006.
2. Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ
3. Thủ tướng: Nghiên cứu các chính sách đặc thù dành riêng cho phụ nữ. https://baochinhphu.vn, ngày 15/10/2022.
Thúy Vân – Hồng Ngọc