Xây dựng và phát triển chính phủ số ở Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, đòi hỏi hệ thống quản trị quốc gia thay đổi theo hướng hiện đại. Chính phủ số là kết quả của quá trình đổi mới, cải cách phương thức quản trị đất nước, đánh dấu bước tiến bộ có tính cách mạng trong lịch sử. Xây dựng và phát triển chính phủ số là nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay. Bài viết tập trung vào phân tích một số thách thức và các vấn đề đặt ra trong xây dựng và phát triển chính phủ số hiện nay.
Ảnh minh họa (antoanthongtin.vn).
Phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số ở Việt Nam

Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” với những nội dung phát triển chính phủ số (CPS) một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị; có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) vào năm 2021 và hình thành CPS vào năm 2025. Chiến lược đã đề ra 5 nhóm mục tiêu thực hiện đến năm 2025, bao gồm: (1) Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội; (2) Huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội; (3) Vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước; (4) Giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế – xã hội; (5) Thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia, với các chỉ tiêu cần đạt là đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu cả về chỉ số tổng thể, chỉ số tham gia điện tử cũng như chỉ số dữ liệu mở.

Việc thực hiện phát triển CPĐT những năm qua đã đem lại nhiều khởi sắc trong cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến tháng 12/2020: 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), đạt tỷ lệ 100%. Nền tảng NDXP đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, đơn vị, trong đó có 85 LGSP của bộ, ngành, địa phương; 10 cơ sở dữ liệu và 8 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương. Tính đến ngày 22/7/2022, tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong tháng 7/2022 là 10.385.415; tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi khai trương đến nay là 553.969.478; tính từ đầu năm 2022, trung bình hằng ngày có khoảng 1,7 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP. Cổng Dịch vụ công quốc gia từ khi khai trương đến nay đã cung cấp 3.684 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đã có hơn 2,3 triệu tài khoản đăng ký; hơn 124,8 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 6,1 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 4,2 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 1,1 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,3 nghìn tỷ đồng; hơn 174 nghìn cuộc gọi tới tổng đài tư vấn hỗ trợ…1

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển CPĐT với việc lấy dịch vụ làm trung tâm ở nước ta vẫn còn những khó khăn, như: còn tình trạng nhiều người dân gặp khó khăn trong việc điền hồ sơtrực tuyến, chủ yếu tập trung ở đối tượng người cao tuổi và trung niên; những trang web cung cấp dịch vụ công cấp độ 3 và 4 tiềm năng (egov.hanoi.gov.vn; dichvucong.hochiminhcity.gov.vn…) chưa được phổ biến rộng rãi, ít được biết đến; chưa có sự liên kết các thủ tục hành chính trên môi trường mạng, một số thủ tục vẫn còn yêu cầu nộp bản gốc, bản giấy…

Những thách thức đặt ra

Thách thức từ bối cảnh hiện nay.

Để có thể tiếp cận xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0, một trong những yêu cầu quan trọng là áp dụng khoa học – công nghệ vào hoạt động hành chính, dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, từ đó tạo môi trường sản xuất – kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Công cuộc chuyển đổi số (CĐS) cũng đang diễn ra trên thế giới với tốc độ cao, mở cánh cửa để các nước tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một số quốc gia trên thế giới đã sớm đưa ra những chiến lược, chương trình hành động cụ thể CĐS với quyết tâm cao, trong khi Việt Nam mới bắt đầu những bước đi đầu tiên trên con đường CĐS để đưa nền kinh tế bước vào kỷ nguyên số.

Theo nghiên cứu của Microsoft tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, năm 2017, tác động mà CĐS mang lại cho GDP là khoảng 6%, năm 2019 là 25% và tới năm 2021 là 60%2. Kết quả nghiên cứu của McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của CĐS tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, với đất nước Bra-xin là 35%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%3. Từ đây, có thể thấy khả năng tác động của CĐS đối với tăng trưởng GDP là rất lớn. Tốc độ CĐS tại các khu vực và quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ và tốc độ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp. Trong đó, khu vực châu Âu được đánh giá là khu vực có tốc độ CĐS nhanh nhất, tiếp đến là Mỹ và các quốc gia tại châu Á.

Bên cạnh công cuộc CĐS đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia thì đại dịch Covid-19 diễn ra từ năm 2019 đến nay với nhiều diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã buộc các chính phủ phải thay đổi cách thức hoạt động và cung cấp dịch vụ, như: xử lý văn bản không giấy tờ, họp không gặp mặt, xử lý thủ tục hành chính không tiếp xúc; thanh toán không dùng tiền mặt… Chính phủ, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong vấn đề CĐS, tiến tới xây dựng CPS, chuyển đổi dần từ “một cửa” sang hành chính giảm giấy tờ, không giấy tờ, không hiện diện.

Nếu như trước đây, phát triển CPĐT có mục tiêu chính là phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội tốt hơn thì giai đoạn sắp tới, CPS còn đặt mục tiêu trang bị công cụ làm việc mới để cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, đó là trợ lý ảo hay những nền tảng làm việc, cộng tác trên môi trường số.

Thách thức từ phía cơ quan, người dân, doanh nghiệp.

Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới CPS giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030đã chỉ rõ: ưu tiên bố trí các nguồn lực cho xây dựng CPĐT, có giải pháp huy động, tập hợp các doanh nghiệp có các thế mạnh khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin tham gia xây dựng CPĐT, bảo đảm tận dụng tối đa lợi thế của khu vực tư nhân để nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ triển khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo mật, an ninh, an toàn thông tin và an ninh mạng. Đối với mỗi cơ quan, tổ chức, sự thay đổi chỉ có thể bắt đầu từ người đứng đầu. Thách thức lớn nhất cho cơ quan, tổ chức nhà nước là nhận thức và sự vào cuộc thực sự của người đứng đầu, là chuyện dám làm hay không dám làm. Vai trò của người đứng đầu thể hiện rất rõ trong xây dựng kế hoạch, tổ chức, phân công, đôn đốc triển khai một cách hợp lý và phải có quy định, nguyên tắc trong tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ, chất lượng trong triển khai xây dựng CPĐT.

CĐS cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu về kinh tế – xã hội phục vụ ra quyết định chính sách; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, cả trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí. Nhưng kèm theo đó cần phải có những quy định, chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh trên không gian mạng.

Các mô hình CĐS đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội. Thế mạnh của công nghệ mới đang giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Xu thế này tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển. Đối với mỗi doanh nghiệp, sự thay đổi đòi hỏi phải triển khai các giải pháp công nghệ số, có những việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ. Thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp là môi trường pháp lý để triển khai.

Về phía người dân, cũng cần phải trang bị kiến thức để sử dụng hệ thống dịch vụ công hoạt động trên nền tảng số, như: biết cách truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia để đăng ký giấy phép lái xe; thay đổi thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội… Khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của người dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí địa lý, truyền thống lịch sử, chính sách văn hóa, giáo dục… Sự chênh lệch về thu nhập cũng khiến một bộ phận dân cư bị tụt hậu trong quá trình tiếp cận các dịch vụ CPS. Đối với mỗi người dân, quá trình CĐS nền hành chính đòi hỏi thay đổi kỹ năng và thói quen. Thách thức lớn nhất cho xã hội trước mắt là phát triển kỹ năng số của người dân, sau đó là tạo thói quen và văn hóa sống trong môi trường số.

Một số vấn đề cần quan tâm trong xây dựng chính phủ số

Thứ nhất, vấn đề nhận thức và thay đổi tư duy. Xây dựng CPS không chỉ cần sự thay đổi nhận thức của người lãnh đạo Chính phủ mà lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức cũng cần thay đổi tư duy. Để giải quyết vấn đề này rất cần có định hướng nâng cao khả năng lãnh đạo CĐS đến từng cá nhân người lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp.

Thứ hai, vấn đề tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện xây dựng CPS. Cần quan tâm công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dịch vụ, thủ tục hành chính; phổ cập kiến thức và kỹ năng liên quan đến vận hành và sử dụng các dịch vụ, thủ tục hành chính của CPĐT, CPS cho CBCCVC, người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, vấn đề nguồn lực phục vụ CPS, xây dựng dữ liệu số. Cần đầu tư về nguồn lực về tài chính, nhân lực, khoa học – công nghệ, hạ tầng kỹ thuật… cơ chế kết nối các dữ liệu thông tin từ trung ương đến địa phương, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương, nhập khẩu, chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới; ứng dụng internet kết nối vạn vật (IoT), ứng dụng điện toán đám mây (Cloud Computing), xử lý dữ liệu lớn (Big Data), mạng xã hội (Social network), đô thị thông minh (Smart city); kinh phí chi cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng CPĐT hướng tới CPS…

Trong xây dựng CPS, dữ liệu số đóng vai trò quan trọng để quản lý và cung cấp dịch vụ cho người dân, như: dữ liệu đăng ký khai sinh, dữ liệu đăng ký kết hôn, dữ liệu đăng ký khai tử, dữ liệu tham gia bảo hiểm, dữ liệu về đất đai, bản đồ số… Những dữ liệu này đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, một số thủ tục khi sử dụng dữ liệu còn trục trặc trong vận hành, số lượng dữ liệu chưa lớn tính trên số lượng dân cư. Đây cũng là vấn đề then chốt cần được quan tâm nhằm thực hiện quá trình CĐS quốc gia và xây dựng CPS.

Thứ tư, khung khổ pháp lý cho CPS vận hành, duy trì, phát triển và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, của từng CBCCVC; vấn đề chia sẻ dữ liệu, khai báo, cung cấp dữ liệu, nhất là khi thực hiện thủ tục hành chính; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng… Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, đầu tư, kinh doanh… để tạo điều kiện cho phát triển sản phẩm, dịch vụ trong môi trường số; rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về dân sự, hình sự và các luật chuyên ngành về các hành vi gian lận trên không gian mạng.

Thứ năm, vấn đề phát triển nguồn nhân lực theo khung năng lực số của CBCCVC đáp ứng yêu cầu phát triển CPS. Cần đưa vào tiêu chuẩn tuyển dụng, tiêu chuẩn vị trí việc làm, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý nguồn nhân lực, những yêu cầu về năng lực, như: khả năng làm việc trong môi trường số, khả năng bảo đảm an toàn trong môi trường số, khả năng giải quyết các sự cố trong môi trường số, văn hoá ứng xử trong môi trường số…

Chú thích:
1. Báo cáo số 105/BC-BTTTT ngày 29/7/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025.
2, 3. Chuyển đổi số trên thế giới và bài học cho doanh nghiệp Việt Nam. https://digital.fpt.com.vn, ngày 27/7/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
2. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
3. Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
4. Nguyễn Thị Thu Vân. Xây dựng khung năng lực số của cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu phát triển Chính phủ số. Tạp chí Quản lý nhà nước số 312 (01/2022).
5. Mối liên hệ giữa “Chính phủ điện tử” và “Chính phủ số” phần 1https://www.socongthuongbp.gov.vn, ngày 23/11/2021.
TS. Lê Cẩm Hà
Học viện Hành chính Quốc gia