Nâng cao năng lực thu hút, chủ trì đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quốc gia tại Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính – Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhận thức rõ vai trò của khoa học – công nghệ đối với sự phát triển của đất nước, những năm qua, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính làm tốt vai trò là đầu mối quản lý hoạt động khoa học – công nghệ của Học viện Hành chính Quốc gia. Viện đã tích cực triển khai xây dựng định hướng nghiên cứu và cung cấp thông tin cho các nhà khoa học, giảng viên, viên chức trong toàn hệ thống Học viện Hành chính quốc gia tham gia đăng ký thực hiện chủ trì các nhiệm vụ khoa học – công nghệ cấp cơ sở và đặc biệt triển khai đăng ký các nhiệm vụ khoa học cấp bộ, tỉnh, cấp quốc gia.
Ảnh minh họa (internet).
Vai trò, chức năng của Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính

Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính (sau đây viết tắt là Viện Nghiên cứu) thực hiện theo Quyết định số 1218/QĐ-HCQG ngày 11/4/2018 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia (gọi tắt là Học viện) là tổ chức sự nghiệp của Học viện và là đầu mối quản lý hoạt động khoa học – công nghệ (KHCN) của Học viện với Viện Khoa học Tổ chức nhà nước – Bộ Nội vụ, Bộ KHCN  cơ quan hữu quan; thực hiện thống nhất quản lý toàn bộ hoạt động KHCN trong hệ thống Học viện. Viện Nghiên cứu có chức năng nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu khoa học (NCKH) về khoa học hành chính (KHHC), quản lý nhà nước (QLNN), chính sách công và lĩnh vực có liên quan (theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KHCN, số A-200 ngày 02/02/2021 của Bộ KHCN); nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học về cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, chính sách công, biện pháp nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy hành chính nhà nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển; giúp Giám đốc Học viện thực hiện quản lý thống nhất hoạt động NCKH của Học viện; cung ứng các dịch vụ công theo quy định của pháp luật và của Học viện.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện Nghiên cứu giữ vai trò khẳng định công tác NCKH là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của Học viện song song với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD); đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng nghiên cứu KHHC, QLNN, góp phần khẳng định Học viện là Trung tâm quốc gia về ĐTBD và nghiên cứu KHHC, QLNN.

Những kết quả đạt được trong hoạt động thu hút, chủ trì đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quốc gia tại Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính

Những năm qua, Viện Nghiên cứu đã tích cực triển khai xây dựng định hướng nghiên cứu và cung cấp thông tin cho các nhà khoa học, giảng viên, viên chức trong hệ thống Học viện để tham gia đăng ký thực hiện chủ trì các nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở và đặc biệt triển khai đăng ký các nhiệm vụ khoa học cấp bộ, tỉnh, cấp quốc gia. Với tư cách là đơn vị đầu mối quản lý hoạt động KHCN của Học viện, Viện đã giao các phòng chức năng thuộc Viện thực hiện tốt các nhiệm vụ: triển khai, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp hồ sơ và tích cực hỗ trợ các chủ nhiệm đề tài khoa học (ĐTKH) thực hiện các quy trình, thủ tục, tham gia đăng ký ĐTKH cấp cơ sở với kinh phí từ nguồn ngân sách cấp và nguồn xã hội hóa. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc đăng ký tham gia đấu thầu, tuyển chọn các ĐTKH cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh.

Giai đoạn 2016 – 2022, Viện Nghiên cứu tham mưu giúp Ban Giám đốc Học viện triển khai 285 ĐTKH cấp cơ sở, 29 ĐTKH cấp bộ, 6 ĐTKH cấp tỉnh và 5 ĐTKH cấp quốc gia (trong đó có 2 ĐTKH cấp quốc gia đang triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2025)1.

Tính riêng trong thời gian 2021 – 2022, Viện Nghiên cứu được giao trực tiếp chủ trì thực hiện đăng ký, tuyển chọn, đấu thầu ĐTKH cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh. Đồng thời, là đơn vị chủ trì: 5 đề tài cấp bộ (năm 2022), hiện đang tiến hành nghiệm thu theo tiến độ; hoàn thành thủ tục triển khai 4 đề tài cấp bộ thực hiện trong năm 2023. Viện tổ chức chủ trì 2 đề tài cấp quốc gia triển khai trong giai đoạn 2022 – 2025, gồm: (1) Đề tài “Xây dựng và hoàn thiện nền quản trị quốc gia Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả: Cơ sở lý luận, thực tiễn và định hướng chính sách”; (2) Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ hoàn thiện thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy, quy trình nghiệp vụ hành chính phù hợp với Chiến lược phát triển Chính phủ số đến năm 2030”2.

Ngoài ra, đã trực tiếp lập hồ sơ tham gia tuyển chọn thành công và tham gia chủ trì 2 đề tài cấp tỉnh tại Lạng Sơn (2021 – 2022), trong đó có 1 đề tài đã được tổ chức nghiệm thu và công nhận kết quả nghiên cứu: “Nghiên cứu giải pháp sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”; 1 đề tài đang tiếp tục triển khai thực hiện trong năm 2022 – 20233.

Các ĐTKH đã cung cấp luận cứ khoa học, luận cứ thực tiễn quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước. Đây cũng là cơ hội để viên chức, người lao động của Viện Nghiên cứu tham gia trực tiếp hoạt động NCKH, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực NCKH, đặc biệt là năng lực khai thác, thu hút và phấn đấu làm chủ trì các đề tài của các bộ, ngành, địa phương.

Với những thành công bước đầu trong công tác đấu thầu, tuyển chọn thành công các đề tài cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quốc gia, là động lực tạo đà cho các bước phát triển tiếp theo. Viên chức và người lao động Viện Nghiên cứu nỗ lực, tập trung nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tư vấn trong lĩnh vực hành chính và QLNN; nghiên cứu cung cấp các luận cứ và giải pháp khoa học về KHHC, khoa học QLNN và quản trị công, chính sách công; các nội dung về cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức… phù hợp với từng giai đoạn phát triển nhằm thực hiện tốt chức năng dự báo, tham mưu và phản biện chính sách.

Ngoài những nhiệm vụ triển khai thu hút các đề tài, đề án các cấp, Viện Nghiên cứu còn là đơn vị đầu mối chủ trì các hội thảo, tọa đàm khoa học của Học viện. Đây là diễn đàn khoa học hữu ích, là kênh thông tin khoa học trực tiếp cho giảng viên, nghiên cứu viên và các nhà khoa học trẻ tiếp nhận được để vận dụng vào hoạt động ĐTBD và NCKH. Đặc biệt, có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn, định hướng nghiên cứu và đăng ký tham gia các đề tài, đề án khoa học các cấp.

Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu không ngừng ứng dụng đổi mới, sáng tạo trong NCKH, thường xuyên cập nhật thông tin khoa học trên Cổng Thông tin điện tử của Viện Nghiên cứu. Đây là kênh thông tin chính thức công bố kết quả NCKH của Học viện, xây dựng cơ sở dữ liệu KHCN, góp phần lan tỏa thành tựu NCKH và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý KHCN của Viện Nghiên cứu trong bối cảnh chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Những hạn chế, khó khăn trong hoạt động thu hút, chủ trì đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quốc gia tại Viện Nghiên cứu

Thứ nhất, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ NCKH trong tổ chức KHCN của một bộ phận viên chức trẻ trong các đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu còn hạn chế, chưa ngang tầm nhiệm vụ, chưa thực sự tâm huyết, trách nhiệm, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch NCKH hằng năm. Do vậy, chưa chủ động trong việc đầu tư nghiên cứu khai thác các chủ đề khoa học theo định hướng nghiên cứu để triển khai đăng ký, đấu thầu và tiến tới làm chủ nhiệm các nhiệm vụ KHCN của Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương đặt hàng.

Thứ hai, Viện Nghiên cứu là tổ chức KHCN thuộc Học viện, tuy nhiên với cơ cấu tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực trực tiếp tham gia hoạt động quản lý và NCKH hiện nay, Viện Nghiên cứu còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ này chưa đủ mạnh để bảo đảm nguồn nhân lực có trình độ cao, có năng lực NCKH. Còn thiếu vắng sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực KHHC, khoa học chính sách, quản trị công; các nhà khoa học có học hàm giáo sư, phó giáo sư có kiến thức chuyên sâu, giàu kinh nghiệm trong NCKH giữ vai trò định hướng, chỉ dẫn và bồi dưỡng những kỹ năng, kinh nghiệm trong việc triển khai thu hút, chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đặc biệt, thiếu hụt đội ngũ nghiên cứu viên, trong khi các nhà khoa học trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai những nhiệm vụ KHCN các cấp.

Thứ ba, công tác quản lý khoa học còn gặp nhiều khó khăn, còn hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và khai thác sử dụng, triển khai các hoạt động nghiên cứu; còn thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị trong hệ thống Học viện với Viện Nghiên cứu ; giữa Viện Nghiên cứu với các đơn vị ngoài Học viện trong triển khai hoạt động NCKH phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới. Chưa có cơ chế, chính sách cho việc hỗ trợ triển khai, thu hút các đề tài từ nguồn lực bên ngoài Học viện; chưa có quy trình chuẩn để hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức tham gia đăng ký nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quốc gia bảo đảm thành công khi bảo vệ thuyết minh.

Thứ tư, Học viện là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Nội vụ, có Viện Nghiên cứu là đơn vị chức năng thực hiện công tác quản lý, chủ trì các nhiệm vụ KHCN của Học viện. Tuy nhiên, hằng năm chưa được các cơ quan QLNN cấp trên quan tâm ĐTBD nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư ngân sách để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ NCKH phù hợp với tính chất đặc thù, tương xứng với một trung tâm quốc gia. Nguồn kinh phí cấp cho hoạt động KHCN còn rất thấp và ngày càng giảm so với yêu cầu thực tế để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN của Học viện.

Giải pháp nâng cao năng lực thu hút, chủ trì đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp Bộ, cấp quốc gia của Viện Nghiên cứu trong giai đoạn tới

Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được trong NCKH của Viện Nghiên cứu cũng như khắc phục, vượt qua những khó khăn, thách thức góp phần nâng cao năng lực thu hút, chủ trì ĐTKH cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quốc gia, góp phần nâng cao vai trò của NCKH trong Chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần thiết phải tiến hành một cách đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

Một là, hoàn thiện tổ chức, đổi mới cơ chế, tăng cường vai trò quản lý hoạt động KHCN.

Tập trung nguồn lực kiện toàn Viện Nghiên cứu bảo đảm về nhân lực, vật lực đáp ứng các yêu cầu, hoạt động của tổ chức KHCN của Học viện theo Giấy chứng nhận đăng ký của Bộ KHCN. Xây dựng cơ chế, chính sách, tăng cường các nguồn lực tài chính cho NCKH; thực hiện đa dạng hóa các nguồn chi NCKH; tăng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước; kinh phí từ các ĐTKH các cấp; từ nguồn thu sự nghiệp của Học viện và nguồn dịch vụ, xã hội hóa về KHCN, tạo động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng, năng lực thu hút, chủ trì ĐTKH cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quốc gia. Có cơ chế, chính sách ĐTBD, sử dụng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ viên chức làm NCKH, nhất là các chuyên gia giỏi, các nhà khoa học trẻ, tài năng.

Tiếp tục rà soát, bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện các quy chế, quy định về quản lý hoạt động KHCN của Viện và Học viện phù hợp với mục tiêu phát triển KHCN trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và NCKH. Đặc biệt việc ứng dụng, khai thác các thông tin khoa học và dữ liệu khoa học trên môi trường số để triển khai quản lý và cung cấp, công bố thông tin, giúp các nhà khoa học có có sở nghiên cứu theo định hướng mới. Cùng với đó, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật, các phần mềm hiện đại có ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, nghiên cứu và công bố các kết quả NCKH trong thời kỳ chuyển đổi số.

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN.

Cần thiết có cơ chế, chính sách quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, viên chức làm công tác NCKH. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn nhân lực tham gia NCKH – tỷ lệ giảng viên, nghiên cứu viên có học vị tiến sỹ đạt 60% trở lên; số giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư  từ 23% trở lên; ít nhất 25% giảng viên có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong giảng dạy và NCKH.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, tin học, ngoại ngữ; bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ viên chức là nghiên cứu viên, giảng viên, viên chức tham gia NCKH và viên chức làm công tác quản lý hoạt động KHCN theo tiêu chuẩn ISO:9001 với một  quy trình hiệu quả, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu công việc trong thời đại công nghệ số. Có cơ chế đãi ngộ, thu hút đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học là lãnh đạo các cấp thuộc bộ, ngành Nội vụ; giảng viên, nghiên cứu viên, các nhà khoa học trẻ trong và ngoài Học viện có uy tín và năng lực tham gia tư vấn và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN của Viện và Học viện.

Ba là, xây dựng, triển khai định hướng nghiên cứu các nhiệm vụ KHCN chủ yếu.

Viện Nghiên cứu chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN theo định hướng của Bộ Nội vụ, Bộ KHCN, giúp Ban Giám đốc Học viện quản lý thống nhất, hiệu quả hoạt động NCKH. Tích cực huy động, khuyến khích các nhà khoa học tham gia tuyển chọn các đề tài cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh các năm tiếp theo; bám sát các bộ, ngành và địa phương để tiếp nhận thông tin, thường xuyên cung cấp thông tin, hỗ trợ các nhà khoa học của Học viện tham gia đề xuất định hướng nghiên cứu, tham gia tuyển chọn thực hiện các nhiệm vụ KHCN các cấp, đặc biệt là nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Bốn là, tăng cường phối hợp trong NCKH nhằm xây dựng mạng lưới KHCN.

Phối hợp trong NCKH giữa các đơn vị chuyên môn trong hệ thống Học viện, bảo đảm tính kết nối và thống nhất trong hoạt động quản lý khoa học. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn ngoài Học viện, như: các đơn vị thuộc Bộ KHCN; các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ, Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; các sở KHCN, các cơ quan trong hệ thống QLNN ở Trung ương và địa phương…  Triển khai các hoạt động nghiên cứu nhằm cung cấp kịp thời các luận cứ khoa học cho các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng hoạch định chính sách, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác QLNN về ngành và lãnh thổ. Đồng thời, góp phần xây dựng mạng lưới KHCN, góp phần mở rộng và phát triển thị trường KHCN và đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác về KHCN.

Năm là, nâng cao chất lượng sản phẩm KHCN.

Viện Nghiên cứu cần nghiên cứu rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định về thẩm định, đánh giá, nghiệm thu kết quả NCKH cấp cơ sở của Học viện. Đặc biệt, đối với đề tài cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh, sau khi đơn vị chủ trì, chủ nhiệm đề tài hoàn thành kết quả nghiên cứu, trước khi tổ chức nghiệm thu cần triển khai lấy ý kiến chuyên gia; lấy ý kiến của đơn vị quản lý chuyên môn đồng thời rà soát, đối chiếu các quy định về bảo đảm chất lượng sản phẩm KHCN của Bộ KHCN, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí, chất lượng sản phẩm nghiên cứu của nhiệm vụ KHCN các cấp.

Khuyến khích các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên, viên chức nghiên cứu, công bố kết quả công trình khoa học trên các tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu Scopus và ISI để công khai và thông tin quảng bá sản phẩm KHCN, góp phần nâng cao thương hiệu, vị thế của cá nhân, đơn vị chủ trì.

Tài liệu tham khảo:
1, 2, 3. Tác giả tổng hợp số liệu thống kê từ Phòng Quản lý khoa học – Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia từ năm 2016 – 2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 455/BC-VNC ngày 09/8/2022 của Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính về công tác nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2018 – 2022.
2. Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2010 – 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ).
3. Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của ngành Nội vụ giai đoạn 2015 – 2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 1585/QĐ-BNV ngày 16/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ).
4. Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia.
5. Quyết định số 372/QĐ-BNV ngày 02/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Chiến lược phát triển Học viện hành chính Quốc gia giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
ThS. Huỳnh Thị Kim Dung
Học viện Hành chính Quốc gia