Chuyển đổi số và điều kiện thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển đổi số là vấn đề mới ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được đánh dấu khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia vào năm 2020. Đến nay, những vấn đề lý thuyết cơ bản về chuyển đổi số vẫn chưa thực sự thống nhất trong hoạt động nghiên cứu và quản lý. Bài viết phân tích, làm sáng tỏ một số nội dung về khái niệm, ý nghĩa, xác định những điều kiện bảo đảm thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước hiện nay.
Ảnh minh họa (internet).
Chuyển đổi số

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0), chuyển đổi số (CĐS) là giải pháp không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới, ngoài các giá trị truyền thống vốn có của tổ chức. Xét ở bình diện chung, CĐS là “quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số” hoặc ngắn gọn hơn: “chuyển đổi số là chuyển đổi mô hình hoạt động dựa trên công nghệ số, dữ liệu số”1.

Thực chất CĐS là bước phát triển tiếp theo của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Thông thường, việc ứng dụng CNTT không làm thay đổi quy trình đã có hoặc mô hình đã có; khi việc ứng dụng CNTT ở mức cao dẫn đến thay đổi quy trình hoặc mô hình hoạt động thì gọi là CĐS2. Rõ ràng, có sự khác nhau giữa ứng dụng CNTT và CĐS. Theo đó, “ứng dụng công nghệ thông tin là số hóa quy trình đã có, theo mô hình hoạt động đã có, để cung cấp dịch vụ đã có; còn chuyển đổi số là số hóa toàn bộ cả một tổ chức, là thay đổi quy trình mới, mô hình tổ chức mới, phương thức cung cấp dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ mới”3.

Trên thực tế, việc xây dựng khái niệm CĐS có thể tiếp cận theo nhiều lĩnh vực, gắn với đặc điểm quản lý của từng loại tổ chức. Ở khía cạnh quản trị doanh nghiệp (DN), CĐS là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một DN, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của DN, cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Ở Việt Nam, CĐS thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình DN truyền thống sang DN số bằng cách áp dụng công nghệ mới, như: dữ liệu lớn (Big Data), internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa DN4. Theo cách tiếp cận này, CĐS cũng là một sự thay đổi cả về phương thức hoạt động và văn hóa của DN, đòi hỏi các DN phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và sẵn sàng chấp nhận các thất bại để phát triển.

Ở khía cạnh quản lý nhà nước, bộ máy chính quyền của nhiều quốc gia sau khi nhận ra tầm quan trọng của CĐS trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và bảo đảm an ninh quốc gia, đã lập tức bước vào một “cuộc đua mới” trong việc áp dụng CĐS. Theo đó, CĐS được tiếp cận là “dùng dữ liệu số và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do Nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước”5. Với cách tiếp cận này, khái niệm CĐS được các nhà nghiên cứu, nhà quản lý nhấn mạnh bằng cách phân biệt với khái niệm “số hóa”. Theo đó, số hóa là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thông thường sang hệ thống kỹ thuật số (chẳng hạn như chuyển từ tài liệu dạng giấy sang các file điện tử; chuyển từ phát sóng truyền hình tín hiệu analog sang truyền hình kỹ thuật số…). Trong khi đó, CĐS là khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, sau đó áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn. Cho nên, có thể xem số hóa như một phần của quá trình CĐS.

Như vậy, với nhiều cách tiếp cận nhưng điểm chung để nhận diện về CĐS đó là: sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào các lĩnh vực của một tổ chức; ứng dụng các công nghệ số để thay đổi căn bản cách thức tổ chức, vận hành của một tổ chức; số hóa dữ liệu và khai thác, biến đổi các dữ liệu đó để tạo ra các giá trị mới cho tổ chức. Trên phương diện nghiên cứu, căn cứ đặc điểm của hoạt động quản lý nhà nước, tác giả kế thừa những cách tiếp cận trên khi xây dựng khái niệm CĐS gắn với tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước: “CĐS là việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số nhằm tạo ra các giá trị mới hơn cả ở phương diện tổ chức, hoạt động của cơ quan nhà nước”.

Ý nghĩa của chuyển đổi số đối với hoạt động quản lý nhà nước

Thứ nhất, tiết kiệm chi phí, thời gian.

CĐS giúp cơ quan nhà nước giảm được chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian đối với quy trình thực hiện các công việc thường xuyên. Khi các quy trình giải quyết công việc được vận hành ổn định trên môi trường công nghệ số, lãnh đạo có thể ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn, nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của công chức, làm tăng hiệu quả hoạt động và nâng cao tính chuyên nghiệp của cơ quan, công chức.

CĐS góp phần giảm bớt thời gian, chi phí cho người dân khi họ có nhu cầu thực hiện dịch vụ công, giúp cho hoạt động cung ứng dịch vụ của cơ quan nhà nước không chỉ đáp ứng kịp thời nhu cầu của Nhân dân, gia tăng trách nhiệm và hiệu suất làm việc của công chức, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng. Đồng thời, thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp; đổi mới quy trình nghiệp vụ, mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Điều đó cũng đòi hỏi sự thay đổi nhận thức, hành động của các nhà lãnh đạo để luôn có sự quyết định hướng đi đúng đắn và khả năng chuyển đổi thành công của bộ máy chính quyền nhà nước.

Thứ hai, thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Với việc số hóa dữ liệu và khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa, CĐS tạo ra giá trị mới, đó có thể là quy trình mới, mô hình mới… trong hoạt động quản lý của nhà nước và của các tổ chức khác. Xã hội vận động không ngừng, cách mạng 4.0 đặt ra yêu cầu tích hợp công nghệ, khai thác dữ liệu lớn ở dạng số hóa để cơ quan chính quyền thực hiện nhiệm vụ quản trị, phát triển xã hội một cách tốt nhất. Do đó, CĐS là xu hướng khách quan và mỗi cơ quan nhà nước, mỗi tổ chức, người dân không thích nghi tất yếu sẽ bị tụt hậu, bị bỏ lại phía sau. Từ đó, CĐS quốc gia trở thành yêu cầu khách quan, được xác định gồm ba cấu phần chính, bao gồm: “chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm phát triển chính phủ số; CĐS trong hoạt động của DN nhằm phát triển kinh tế số; chuyển đổi số trong hoạt động của người dân nhằm phát triển xã hội số”7.

Khi chính phủ số, kinh tế số, xã hội số được hình thành và vận hành đồng bộ, việc quản trị và phát triển xã hội ở mỗi quốc gia sẽ thuận lợi, tiết kiệm nguồn lực mà vẫn bảo đảm hiệu lực. Sự tương tác giữa cơ quan nhà nước và người dân sẽ được thực hiện nhiều hơn, dễ dàng hơn thông qua hình thức trực tuyến. CĐS lúc đó khẳng được vai trò, có ý nghĩa thực sự to lớn và là xu hướng phát triển tất yếu.

Những điều kiện bảo đảm thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước

Một là, công nghệ số.

Công nghệ số là bước phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin, cho phép tính toán nhanh hơn, xử lý dữ liệu nhiều hơn, truyền tải dung lượng lớn hơn, với chi phí rẻ hơn. Công nghệ số là một trong các nhóm công nghệ chính của cách mạng 4.0; bốn công nghệ số tiêu biểu thúc đẩy CĐS là: (1) Trí tuệ nhân tạo (AI); (2) Internet kết nối vạn vật (IoT); (3) Dữ liệu lớn (Big Data); (4) Điện toán đám mây (Cloud)8.

Hai là, dữ liệu số.

Dữ liệu số là dữ liệu được hình thành thông qua việc số hóa tài liệu bằng ứng dụng CNTT – quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số, như: chuyển từ tài liệu dạng giấy sang các file mềm trên máy tính; ứng dụng CNTT để số hóa các tài liệu là văn bản chính sách, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn… đã ban hành và còn hiệu lực liên quan đến từng lĩnh vực quản lý, từ đó hình thành nên dữ liệu số của cơ quan.

Khi CĐS, với việc sử dụng các dịch vụ trên nền tảng số, các cơ quan, tổ chức, công dân có thể khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung (miễn phí hoặc trả phí dịch vụ truy cập) để thực hiện các giao dịch, yêu cầu hợp pháp với cơ quan nhà nước.

Ba là, công chức số.

Công chức số là những chủ thể thực hiện CĐS trong cơ quan nhà nước nhằm phát triển chính phủ số. Để thực hiện nhiệm vụ này, họ phải được trang bị kiến thức, kỹ năng số cơ bản, cần thiết và chủ động, thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng này để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên môi trường số, như: tham mưu, tổ chức thực thi nhiệm vụ, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao trên môi trường số… Quá trình CĐS đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải xây dựng đội ngũ công chức số, thay đổi thói quen làm việc của công chức trong môi trường số.

Bốn là, công dân số.

Công dân số là những người có kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết để giao dịch trên môi trường số khi tham gia các hoạt động xã hội và tham gia vào quá trình chính sách của Nhà nước, như: hình thành thói quen về giao tiếp trên môi trường mạng, mua bán trực tuyến, học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến…

Chín yếu tố cấu thành công dân số gồm: (1) Khả năng truy cập các nguồn thông tin số; (2) Khả năng giao tiếp trong môi trường số; (3) Kỹ năng số cơ bản; (4) Mua bán hàng hóa trên mạng; (5) Chuẩn mực đạo đức trong môi trường số; (6) Bảo vệ thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi trường số; (7) Quyền và trách nhiệm trong môi trường số; (8) Định danh và xác thực dữ liệu cá nhân; (9) Quyền riêng tư trong môi trường số.

Việc CĐS với ý nghĩa phát triển chính phủ số, xã hội số đã đặt ra yêu cầu đối với mỗi người dân phải tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng số cơ bản, cần thiết và không ngừng cập nhật, bổ sung để “không bị bỏ lại phía sau”. CĐS không phải là việc riêng của cơ quan nhà nước, mà còn là việc của mỗi người dân, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống xã hội. CĐS còn mang ý nghĩa của cuộc cách mạng toàn dân. Khi toàn dân cùng tham gia CĐS, họ sẽ trở thành nhân tố phát hiện ra công nghệ phù hợp, tìm ra hoặc cải tiến cách giải quyết phù hợp theo hướng tương tác tích cực giữa cơ quan nhà nước và người dân. Sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của CĐS.

Kết luận

Thực hiện CĐS không chỉ đơn thuần là dùng máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin mà là thay đổi tư duy, phương pháp, quy trình, mô hình quản lý nhà nước, quản trị xã hội, doanh nghiệp đối với sự phát triển của doanh nghiệp, tổ chức và từng người dân. CĐS là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương. CĐS mang trong mình sứ mệnh lớn lao, đó là phổ cập và cá nhân hoá các dịch vụ thiết yếu, như: dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, bảo hiểm xã hội… tới từng người dân, nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Đồng thời, tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn rộng khắp, để “không ai bị bỏ lại phía sau”…

Chú thích:
1, 3, 6, 7, 8. Bộ Thông tin và Truyền thông. Cẩm nang chuyển đổi số. H. NXB. Thông tin và Truyền thông, 2021, tr. 23, 42, 24 – 25, 30 – 32.
2. Tài liệu tuyên truyền về chuyển đổi số (ban hành kèm theo Công văn số 344/STTTT-BCVTCNTT ngày 18/3/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Lai Châu).
4, 5. Chuyển đổi số là gì và quan trọng như thế nào trong thời đại ngày nay? https://danang.gov.vn, ngày 29/4/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
2. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
3. Chính phủ số là gì? https://chuyendoiso.khanhhoa.gov.vn, ngày 12/5/2022.
TS. Ngô Sỹ Trung
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội