Công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử tại tỉnh Đắk Lắk

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử đang ngày càng được mở rộng và đa dạng về chủng loại hàng hóa dịch vụ. Mặc dù hành lang pháp lý hiện hành điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử đã tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên, do tính chất đặc thù của thương mại điện tử nên cơ quan thuế nói chung và cơ quan thuế tỉnh Đắk Lắk nói riêng đang gặp không ít khó khăn trong quá trình quản lý và thu thuế đối với lĩnh vực này. Trong phạm vi bài viết, tác giả nêu lên thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử tại tỉnh Đắk Lắk.
Ảnh minh họa (internet).
Công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử tại tỉnh Đắk Lắk

Hiện nay, Việt Nam quản lý thuế (QLT) theo cơ chế tự khai, tự nộp – người nộp thuế (NNT) tự kê khai hoạt động kinh doanh đăng ký trên tờ khai ban đầu và bổ sung khi có thay đổi. Do vậy, cơ quan thuế chỉ theo dõi được các hoạt động của NNT qua công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ. Đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vẫn chưa có một chính sách thuế và quy trình QLT riêng.

Thời gian qua, ngành Thuế tỉnh Đắk Lắk đã từng bước triển khai, rà soát và hướng dẫn các đơn vị thực hiện quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh trên TMĐT tại tỉnh Đắk Lắk. Quá trình triển khai đã đạt được những kết quả sau:

Về chỉ số TMĐT.

Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT EBI – Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), chỉ số TMĐT của tỉnh Đắk Lắk qua các năm như sau 1:

Nhìn vào Bảng chỉ số có thể thấy: trong thời gian bị đại dịch Covid – 19, toàn bộ hoạt động kinh tế – xã hội của tỉnh bị đình trệ, kinh doanh TMĐT bị tác động nghiêm trọng nhưng thương nhân đã nỗ lực chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới. Đến năm 2022, các hoạt động kinh tế – xã hội đã dần ổn định, chỉ số TMĐT của tỉnh được cải thiện.

Về công tác đăng ký, kê khai và nộp thuế tại tỉnh Đắk Lắk.

Từ tháng 10/2018 – 12/2020, đối với hộ kinh doanh (HKD) phát sinh doanh thu bán hàng trên sàn TMĐT, Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk đã tổng hợp, thống kê và phân loại NNT đã đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và chưa đăng ký thuế theo từng địa bàn, kết quả như sau2:

– Từ tháng 10/2018 – 12/2018: có 1.856 gian hàng và với doanh thu phát sinh là 31 tỷ đồng, trong đó: số gian hàng phát sinh từ 100 triệu đồng trở lên là 22 gian hàng, số tiền giao dịch bán hàng phát sinh là 9 tỷ đồng; dưới 100 triệu đồng là 1.834 gian hàng với doanh thu giao dịch là 22 tỷ đồng.

– Năm 2019: có 3.345 gian hàng và với doanh thu phát sinh là 134 tỷ đồng, trong đó: số gian hàng phát sinh từ 100 triệu đồng trở lên là 37 gian hàng, số tiền giao dịch bán hàng phát sinh là 36 tỷ đồng; dưới 100 triệu đồng là 3.308 gian hàng với doanh thu giao dịch là 98 tỷ đồng.

– Năm 2020: có 4.155 gian hàng và với doanh thu phát sinh là 136 tỷ đồng, trong đó: số gian hàng phát sinh từ 100 triệu đồng trở lên là 51 gian hàng, số tiền giao dịch bán hàng phát sinh là 44 tỷ đồng; dưới 100 triệu đồng là 4.111 gian hàng với doanh thu giao dịch là 92 tỷ đồng.

– Đối với HKD chưa đăng ký kinh doanh, chưa đăng ký kê khai và nộp thuế nhưng có phát sinh doanh thu bán hàng trên sàn TMĐT: kết quả rà soát có 20 trường hợp đã tới làm việc, đối chiếu tại cơ quan thuế, tuy nhiên, có 3 trường hợp chưa có kết quả điều chỉnh sau rà soát do HKD cung cấp giấy xác nhận ngày mở tài khoản qua ngân hàng, không chấp nhận doanh thu phát sinh trên sàn giao dịch. Cơ quan thuế quản lý đã ban hành công văn gửi các ngân hàng thương mại trên địa bàn để cung cấp thông tin giao dịch của các chủ tài khoản; 8 trường hợp đơn vị quản lý địa bàn đã hướng dẫn HKD thực hiện đăng ký kinh doanh, tiếp tục thực hiện các bước hướng dẫn, vận động HKD kê khai, nộp thuế; Cục Thuế ghi nhận 9 trường hợp đã chấp nhận và kê khai bổ sung doanh thu số tiền 2.250 triệu đồng, số thuế tăng thu 34 triệu đồng.

– Đối với HKD đã đăng ký kinh doanh, đăng ký kê khai và nộp thuế nhưng có tổng doanh thu (bao gồm cả doanh thu phát sinh từ bán hàng trên sàn TMĐT) từ 100 triệu đồng/năm trở lên có 14 trường hợp, trong đó có 6 trường hợp cơ quan thuế quản lý chưa xử lý do HKD không chấp nhận doanh thu phát sinh trên sàn giao dịch nên tiếp tục thu thập, xác minh thông tin để gửi giấy mời lần 2; 2 trường hợp trước đây đã đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và lập bộ QLT, nhưng hiện tại doanh thu chưa đến ngưỡng chịu thuế, 6 trường hợp còn lại cơ quan thuế đang tiếp tục rà soát.

Về nguồn nhân lực của cơ quan thuế.

Với tốc độ phát triển của CNTT hiện nay, hoạt động TMĐT và các hình thức kinh doanh TMĐT sẽ ngày càng phát triển và đa dạng về hình thức. Điều này, đòi hỏi cán bộ ngành thuế trong QLT đối với hoạt động TMĐT không những am hiểu về chuyên ngành thuế mà còn phải thông thạo về CNTT, internet, ngoại ngữ để có thể theo kịp và có biện pháp quản lý phù hợp. Hiện nay, chưa có công trình khảo sát thực tế về năng lực cán bộ ngành thuế nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng trong công tác quản lý hoạt động TMĐT. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, những yêu cầu trên đối với cán bộ ngành thuế là quá cao so với năng lực thực tiễn.

Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Dữ liệu thông tin HKD trên sàn TMĐT không đủ thông tin, như: số chứng minh nhân dân, mã số thuế… do đó rất khó cho việc rà soát, kiểm tra việc thực hiện đăng ký kinh doanh để rà soát, so sánh với danh sách HKD đang quản lý.

Phần lớn các HKD trên sàn TMĐT chưa đăng ký kinh doanh nên khó theo dõi, quản lý và xác định được đúng chủ thể kinh doanh. Khi thực hiện kiểm tra, xác minh các thông tin liên quan đến địa chỉ của các gian hàng do địa chỉ không tồn tại nên khó khăn trong việc gửi giấy mời, xác minh thông tin để mời HKD đối chiếu tại trụ sở cơ quan thuế.

Một số trường hợp cung cấp các hồ sơ, chứng từ xác minh việc mở tài khoản cá nhân, không ghi nhận tài khoản theo dữ liệu thông tin cơ quan thuế đối chiếu; một số trường hợp HKD chuyển nhượng gian hàng trên các sàn giao dịch TMĐT nên khi làm việc với cơ quan thuế KHD đã chứng minh sao kê ngân hàng giai đoạn trước khi chuyển nhượng không có phát sinh giao dịch bán hàng hoặc tài khoản mới mở kể từ ngày nhận chuyển nhượng, …

Việc triển khai thực hiện QLT đối với hoạt động TMĐT theo các văn bản của Tổng cục Thuế chưa hướng dẫn cách xử lý, chưa có quy trình hướng dẫn thực hiện cụ thể dẫn đến các Cục Thuế còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện.

Một số đề xuất đối với công tác quản lý thuế trong sàn thương mại điện tử
Đối với Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk.

Thời gian qua, ngành Thuế tỉnh Đắk Lắk đã từng bước triển khai, rà soát và hướng dẫn các đơn vị thực hiện nhưng còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Để giải quyết tình trạng thất thu thuế và những khó khăn, vướng mắc trong QLT đối với hoạt động kinh doanh trên TMĐT. Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk cần:

(1) Tiếp tục đôn đốc các đơn vị tập trung tuyên truyền phổ biến bảo đảm cho NNT hiểu, đồng thuận, để khuyến khích các HKD tự giác kê khai và nộp thuế. Tiếp tục rà soát, triển khai để vận động, hướng dẫn HKDđăng ký kinh doanh, kê khai và khai điều chỉnh, bổ sung theo đúng các nội dung Công văn số 1923/TCT-TTKT ngày 06/6/2022 và Công văn số 2925/TCT-TTKT ngày 10/8/2022 của Tổng cục Thuế về việc tăng cường công tác QLT đối với HKD trên sàn TMĐT.

(2) Phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn để xác minh thông tin về tài khoản giao dịch, doanh thu bán hàng trên sàn TMĐT từ năm 2018 đến nay, để có cơ sở đưa vào quản lý lập bộ và thu thuế theo quy định.

(3) Phối hợp với Cơ quan công an (phòng An ninh mạng) và Ủy ban nhân dân các xã, phường xác minh thông tin NNT để đề nghị NNT đăng ký kê khai nộp thuế theo quy định.

(4) Chỉ đạo các đoàn thanh tra, kiểm tra chủ động nắm chắc tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, qua kiểm tra cần phải xác minh hóa đơn hàng hóa mua vào và nguồn cung cấp hàng hóa để xử lý các hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn theo quy định của pháp luật.

(5) Thường xuyên chia sẻ và trao đổi thông tin với Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Đắk Lắk để nắm bắt thông tin danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT nhằm tăng cường các biện pháp QLT.

Đối với công tác QLT trong sàn TMĐT.

Một là, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật thuế.

Cần rà soát lại các văn bản pháp luật thuế hiện hành để kịp thời hoàn thiện, sửa đổi cho phù hợp với sự phát triển và tình hình hoạt động thực tế của các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT. Cụ thể là, đối với hoạt động cung cấp dịch vụ qua biên giới cho người tiêu dùng, cần có quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ phải đăng ký thuế điện tử với cơ quan thuế Việt Nam và trích tiền thuế khấu trừ khi người mua trả tiền mua dịch vụ theo chính sách thuế mà Việt Nam ban hành.

Cơ quan thuế cần nghiên cứu, nhận diện và phân nhóm NNT theo các loại hình TMĐT điển hình để tập trung nguồn lực quản lý. Trước hết, cần chú trọng vào các loại hình TMĐT đang phát triển mạnh và rủi ro cao, như: kinh doanh trò chơi trực tuyến, cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến, sàn giao dịch TMĐT, cung cấp sản phẩm số.

Cần có các thông tư liên tịch về trao đổi thông tin với các bộ, ngành (Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước) có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về TMĐT để phục vụ hiệu quả cho công tác QLT đối với lĩnh vực này. Cần có cơ chế phối hợp với các công ty viễn thông, các công ty hoạt động trong lĩnh vực CNTT, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng,… để trao đổi, thu thập thông tin của các đơn vị có hoạt động TMĐT.

Cần tập trung giải quyết các vấn đề thi hành quyền đánh thuế theo quốc gia vì TMĐT là giao dịch trong không gian ảo, là thị trường không biên giới. Do đó, cần xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, hợp tác giữa các quốc gia để tránh xung đột với các nước khác trên thế giới và tránh đánh thuế trùng đối với các giao dịch qua internet. Cần nghiên cứu bổ sung thêm điều khoản hỗ trợ thu thuế theo mẫu Hiệp định đánh thuế mới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vào mẫu Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã ký kết với 71 quốc gia và vùng lãnh thổ để bảo đảm công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực TMĐT đạt hiệu quả cao đối với các tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Hai là, công tác thanh tra, kiểm tra.

Giao dịch TMĐT B2C và C2C là hai hình thức giao dịch phổ biến hiện nay tại Việt Nam vốn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về thuế. Vì thế, cần tập trung quản lý đối với hai loại hình giao dịch này. Đối với giao dịch B2C, ưu tiên kiểm soát các giao dịch qua thị trường mở, mạng xã hội, trang mua sắm cá nhân, cửa hàng ứng dụng. Cần tập trung phân tích các đặc điểm của các loại hình giao dịch này nhằm phát hiện các phương thức trốn thuế. Đối với giao dịch C2C, cần đặc biệt quan tâm, tính toán đến hiệu quả công tác quản lý do chi phí bỏ ra trên mỗi đồng thuế thu được là rất cao.

Về phương pháp điều tra, cơ quan thuế cần nắm bắt và thu thập từ máy chủ cơ sở dữ liệu các giao dịch TMĐT: thông tin người sử dụng, thực tế mua bán sản phẩm, thông tin liên quan đến thanh toán thẻ tín dụng, hàng tồn, nội dung chuyển hàng,… Quy trình điều tra thuế đối với giao dịch TMĐT được áp dụng đồng nhất như với các giao dịch thương mại truyền thống.

Ba là, tăng cường hạ tầng CNTT hiện đại cho công tác QLT.

Cần đầu tư thiết lập hạ tầng CNTT hiện đại cho công tác QLT TMĐT nhằm xây dựng nền tảng để thực thi chính sách thuế chặt chẽ, công bằng và minh bạch, phòng ngừa trốn thuế hiệu quả, đồng thời tạo thuận lợi cho NNT nhờ các dịch vụ đa dạng. Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế online… bảo đảm 100% NNT đều có điều kiện tiếp cận các phương tiện này.

Bốn là, tăng cường năng lực cho cán bộ QLT.

Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 của Bộ Tài chính được ban hành nhằm bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư số 12/2013/TTBCT ngày 20/6/2013 và hướng dẫn Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về TMĐT, theo đó, người bán hàng trên các trang mạng xã hội như kinh doanh trên facebook bắt buộc phải kê khai và nộp thuế như thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT. Điều này, đòi hỏi cán bộ ngành thuế không chỉ tinh nhuệ về nghiệp vụ, mà cần phải được trang bị kỹ năng CNTT và am hiểu về ngoại ngữ.

Để đáp ứng được các yêu cầu trên, cơ quan thuế cần lập bộ phận chuyên trách về TMĐT để triển khai công tác QLT. Trước mắt, cần tăng thêm nguồn nhân lực để tăng cường năng lực cho bộ phận chuyên trách QLT đối với hoạt động TMĐT, và tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo về chủ đề QLT trong TMĐT, qua đó, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ QLT; đồng thời thường xuyên xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu nhằm trang bị cho công chức thuế các kiến thức về TMĐT và CNTT, đào tạo về kỹ năng khai thác dữ liệu điện tử để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra, đối với TMĐT cần quản lý nguồn thu theo từng lĩnh vực, trong đó cần tăng cường quản lý thu đối với các lĩnh vực phức tạp, các loại hình mới như thị trường mở, thương mại qua mạng xã hội (social commerce), quán cà phê internet (internet cafe), trang thông tin mua sắm cá nhân, cửa hàng ứng dụng (app store), các trang cá nhân có tầm ảnh hưởng rộng.

QLT đối với hoạt động TMĐT là tiền đề quan trọng để Việt Nam hoàn thiện hệ thống chính sách thuế hiện nay. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, đổi mới phương thức thanh tra, kiểm tra trên cơ sở ứng dụng CNTT, nâng cao năng lực cán bộ thuế là những việc làm cấp bách để ngành thuế thực thi hiệu quả công tác QLT nhằm góp phần tăng nguồn thu chủ yếu cho ngân sách nhà nước.

Chú thích:
1. Tác giả tổng hợp từ nguồn: Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử EBI – Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) qua các năm 2020, 2021, 2022.
2. Báo cáo số 87/BC-CTĐLA ngày 31/8/2022 của Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk về kết quả triển khai, rà soát công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Tài liệu tham khảo:
1. Công văn số 2925/TCT-TTKT ngày 10/8/2022 của Tổng cục Thuế về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
2. Luật Công nghệ thông tin năm 2006.
3. Luật An ninh mạng năm 2018.
4. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.
Nguyễn Phạm Anh Khoa
Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk