(Quanlynhanuoc.vn) – Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 Đại hội XIII của Đảng đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao tình hình, sự thay đổi chính sách của các nước để kịp thời ban hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các giải pháp vĩ mô phù hợp. Chính vì vậy, năm 2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 –2022.
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê tại buổi Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý IV và năm 2022, ngày 29/12/2022, kinh tế – xã hội nước ta năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, mưa bão, hạn hán… đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.
Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021 – 2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao tình hình, sự thay đổi chính sách của các nước để kịp thời ban hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các giải pháp vĩ mô phù hợp. Đồng thời, triển khai tích cực, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó, nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn năm trước khi có dịch Covid-19. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong năm 2022 như sau:
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 ước tính tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại. Cụ thể:
Một là, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 duy trì tăng trưởng ổn định (tăng 3,36%, đóng góp 5,11%), giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với năm trước, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm sont, hoạt động khai thác gỗ triển khai tích cực. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá do nhu cầu và giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm nuôi tăng. Tuy nhiên, khai thác thủy sản biển gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu ở mức cao.
Hai là, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2022 ước tính tăng 7,69% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Cùng với đó, ngành sản xuất và phân phối điện; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải; ngành khai khoáng… có đóng góp trong mức tăng chung.
Ba là, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2022 đạt 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021; 143,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5%, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 51,5%). Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp cũng cho thấy phần lớn doanh nghiệp đã bắt đầu ổn định trở lại. Đặc biệt, về lĩnh vực khoa học và công nghệ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (theo công bố tại Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2022 Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng 20 bậc), xếp vị trí 48/132 quốc gia. Việt Nam cùng với I-ran (hạng 53) và Phi-lip-pin (hạng 59) là 3 nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất.
Bốn là, khôi phục mạnh mẽ khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tính chung năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm trước; vận chuyển hành khách tăng 52,8% và luân chuyển tăng 78,3% so với năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 23,7% và luân chuyển tăng 29,4% so với năm trước; khách quốc tế đến nước ta đạt 3.661,2 nghìn lượt người, gấp 23,3 lần so với năm trước nhưng vẫn giảm 79,7% so với năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Năm là, năm 2022, áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh lãi suất để phù hợp với bối cảnh quốc tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định, bảo đảm quyền lợi của khách hàng; thị trường chứng khoán trong nước sụt giảm trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Sáu là, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước. Mức tăng này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất – kinh doanh. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ năm 2018 đến nay.
Bảy là, thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước tăng 13,8% so với năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 8,1% so với năm 2021, bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Tám là, năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD.
Chín là, năm 2022, kinh tế nước ta phục hồi nhanh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao, cùng với tác động của giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới đã đẩy giá sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước tăng. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý IV và năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.