Năm 2022 – số người có việc làm và thu nhập của người lao động tăng

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 10/01/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2022 theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến đến các cơ quan, Cục Thống kê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến chủ trì buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: baodantoc.vn.

Báo cáo của Tổng cục cho biết, thị trường lao động quý IV năm 2022 tiếp tục phục hồi nhưng chậm dần. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân của người lao động trong quý IV năm 2022 tiếp tục tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV năm 2022 là 52,1 triệu người, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, tăng gần 0,3 triệu người so với quý trước và tăng gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý IV/2022 là 26,4%. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV/2022 là 51,0 triệu người, tăng 239,4 nghìn người so với quý trước và tăng gần 2,0 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,8 triệu người; số có việc làm ở nông thôn là 32,2 triệu người, tăng 247,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động và tỷ lệ lao động phi chính thức lại tăng lên so với quý trước. Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý IV/2022 là khoảng 898,2 nghìn người, tăng 26,5 nghìn người so với quý trước và giảm 566,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: baodantoc.vn

Tính chung cả năm, thị trường lao động Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng lên; tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động phi chính thức đều có xu hướng giảm. Điều này cho thấy, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và cả hệ thống chính trị nhằm phục hồi kinh tế, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường lao động nói riêng năm 2022 đang từng bước phục hồi.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao… nhiều đơn hàng bị cắt giảm, đặc biệt là ở các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử vào thời điểm cuối năm, thì đà phục hồi của thị trường lao động đang có xu hướng chậm lại. Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý IV/2022 là 6,8 triệu đồng, tăng 95.000 đồng so với quý trước và tăng 1,5 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,8 triệu đồng.

Nguồn: baodantoc.vn

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết, để góp phần duy trì sự ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập sâu rộng, thực chất trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chútrọng chăm lo đời sống người lao động.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến chủ trì buổi họp báo. Ảnh: HNV.

Theo đó, Tổng cục Thống kê cũng đã đề xuất một số giải pháp: (1) Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp. (2) Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực. (3) Sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. (4) Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm…

Hoàng Trang