Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với giảng viên trẻ các nhà trường quân đội hiện nay  

(Quanlynhanuoc.vn) – Để đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao về đào tạo học viên trong các nhà trường quân đội, nhân tố giữ vai trò quyết định trực tiếp hàng đầu chính là đội ngũ giảng viên, đặc biệt đối với giảng viên trẻ. Theo đó, giảng viên trẻ ở các nhà trường quân đội phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nỗ lực phấn đấu và rèn luyện, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp quan trọng hiện nay.
Giờ lên lớp của giảng viên trẻ thuộc Đoàn cơ sở khối khoa, Học viện Hậu cần. Ảnh: hocvienhaucan.edu.vn.
Giảng viên trẻ trong các nhà trường quân đội ra sức “Học tập Bác”

Học tập Bác Hồ là điều không khó, ai cũng có thể học. Thế nhưng, không phải là học một cách chung chung, mà mỗi người với mỗi cương vị, chức trách cần cụ thể hóa thành các nội dung học tập khác nhau. Trong đó, cần chú ý học tập những nội dung cốt lõi, mang tính định hướng cho toàn bộ hành động. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Học tập Bác”: “Là học tư tưởng, thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng, đạo đức cách mạng và phong cách của người chiến sĩ cộng sản chân chính”1. Mục đích của “Học tập Bác” là hướng đến giúp mỗi giảng viên trẻ (GVT) ở các nhà trường quân đội (NTQĐ) tự mình tìm ra được giải pháp hay, phù hợp trong nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học (NCKH); tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống. Bởi lẽ: “Ai cũng tìm thấy ở đó những chuẩn mực đạo đức cần học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trở thành nhu cầu, lẽ sống tự nhiên, mong muốn vươn lên, hoàn thiện chính bản thân mình”2, mỗi người theo phạm vi hoạt động, lĩnh vực công tác của mình luôn cần phải cố gắng tìm thấy những giá trị thích hợp, đáp ứng những đòi hỏi về phẩm chất và năng lực cần thiết nhằm hoàn thiện bản thân.

GVT ở các NTQĐ vừa là người truyền thụ tri thức, vừa là quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, vừa là công dân và vừa là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, đối với họ yêu cầu về phẩm chất và năng lực bao giờ cũng có tính đặc thù do môi trường công tác đó quy định, đó là đòi hỏi cao sự phát triển hài hòa “cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị”3, trong đó “đức” phải là phẩm chất xuyên suốt, giữ vai trò nền gốc trong nhân cách nhà giáo – chiến sĩ, định hướng cho toàn bộ quá trình phát triển nhân cách của họ.

Học tập Bác” để mỗi GVT xây dựng thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp đúng đắn. Đối với GVT trong các NTQĐ, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp càng phải được đề cao. Bởi nếu không có sự tận tâm với nghề, trách nhiệm với học viên thì khó có thể tìm thấy sự say mê, toàn tâm toàn ý với công việc, tự giác nỗ lực, phấn đấu vươn lên để nâng cao trình độ chuyên môn. Trong quá trình công tác, GVT ở các NTQĐ cần luôn ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “…lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, là nguồn hạnh phúc của mọi người và cho cả thế hệ mai sau”4, chính lòng yêu nghề, làm việc hết mình bằng cả sự chân thành và tâm huyết với con đường mà mình đã lựa chọn là động lực để mọi GVT phấn đấu vươn lên, rèn luyện hoàn thiện bản thân.GVT ở các NTQĐ cần xây dựng cho mình một tinh thần tích cực, hết lòng vì sự tiến bộ của lớp lớp học viên, vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo của Quân đội. Đó là một sự cống hiến thầm lặng mang lại ý nghĩa cao cả, mặc dù “tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng Huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”5.

“Học tập Bác” là học tinh thần tự giác, trách nhiệm trong tự học nhằm nâng cao trình độ mọi mặt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “…những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu”6, bởi nếu đã lạc hậu chắc chắn sẽ không theo kịp với sự vận động, phát triển, tiến bộ của thực tiễn. Mỗi GVT trong NTQĐ phải thường xuyên tự đánh giá về kiến thức chuyên ngành, liên ngành và phương pháp giảng dạy của mình, có ý thức, trách nhiệm cao trong rút kinh nghiệm và bổ sung những phần còn yếu, còn thiếu cho phù hợp. Đồng thời, phải nêu cao ý thức tự giác trong việc học, say mê, sáng tạo trong NCKH để không ngừng nâng cao tri thức và hiểu biết, trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ.

“Học tập Bác” để nâng cao đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị. Đạo đức cách mạng giữ vai trò định hướng tự giác hóa quá trình phát triển năng lực toàn diện, hoàn thiện nhân cách nhà giáo của đội ngũ GVT ở các NTQĐ. Yêu cầu đó càng trở nên đặc biệt quan trọng đối với giảng viên nói chung, GVT ở các NTQĐ nói riêng. Trên thực tế, một người có “chí khí cao thượng”, “tiên ưu hậu lạc”, tâm huyết với nghề nghiệp thì nhất định người đó sẽ cố gắng, ra sức học tập, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để có được kiến thức chuyên môn chuyên sâu, năng lực sư phạm tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngược lại, giảng viên nào có năng lực chuyên môn tốt mà không có đạo đức thì tài năng đó cũng không được trọng dụng, có thể mai một, dễ sa vào những cám dỗ nguy hiểm nhưháo danh, tức là ưa hình thức, hay khoe khoang bằng cấp, học vị nhưng chất lượng chuyên môn thì chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định. C. Mác đã từng nói: “những ai bị lôi cuốn bởi con quỷ háo danh thì lý trí không còn có thể kiềm chế được nữa”7, con quỷ vô hình nhưng là kẻ dẫn dắt GVT sa vào chủ nghĩa cá nhân, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sai lệch trong suy nghĩ, không chuẩn mực trong hành động, mà biểu hiện rõ nhất là so đo thiệt hơn trong mọi hoạt động công tác, ngại khó, ngại khổ, đánh mất chính mình trong giảng dạy, NCKH; thậm chí còn dẫn đến suy giảm bản lĩnh chính trị, không đủ tỉnh táo, tinh thần cảnh giác cách mạng.

Theo đó, “Học tập Bác” chính là cơ sở để đội ngũ GVT ở các NTQĐ củng cố thế giới quan, nhân sinh quan, nâng cao bản lĩnh cách mạng chiến thắng những cám dỗ tầm thường để giữ vững lương tâm, danh dự nhà giáo. Đồng thời, đó cũng chính là cái “dũng” trong đạo đức của quân nhân cách mạng, nhà giáo – chiến sỹ: tự giác học tập nhằm chiếm lĩnh tri thức khoa học; dũng khí vượt qua khó khăn trong công việc và cuộc sống để hoàn thành nhiệm vụ; dũng khí dám sửa chữa sai lầm, khuyết điểm để tự hoàn thiện mình; dũng khí thẳng thắn từ chối những nguồn lợi không chính đáng để bảo vệ, giữ vững phẩm giá, nhân cách…

Muốn làm được những điều đó, GVT cần phải phát huy sức mạnh từ bên trong, luôn xác định điều kiện tiên quyết giữ “vai trò quyết định trong chống chủ nghĩa cá nhân là nội lực của mỗi con người được bảo đảm bằng nền tảng đạo đức đủ sức làm chủ bản thân, kiểm soát được ham muốn, cám dỗ, khiến hành vi không vượt qua được lằn ranh của pháp luật và đạo đức xã hội; dùng lý trí chế ước cảm xúc, dùng lương tri tự “thẩm định” cái được làm và cái không được làm, tự “phán xử” chính mình khi vấp phải khuyết điểm dù nhỏ nhất”8; không ai hoàn thiện, quan trọng là ta có thực sự “tự soi” để thấy được những hạn chế, khuyết điểm của mình; từ đó, đề cao trách nhiệm, quyết tâm “tự sửa” để ngày một hoàn thiện nhân cách nhà giáo. Đối với mỗi GVT, cần phải ra sức học tập nhằm “tìm thấy” trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh những chuẩn mực đạo đức, phong cách công tác phù hợp với chuyên môn. Việc học phải trở thành hành động tự giác, động lực thôi thúc từ bên trong trở thành thói quen, nếp nghĩ của mỗi GVT trong mọi hoạt động công tác – đó chính là cơ sở để GVT ở các NTQĐ khắc phục mọi khó khăn trong công tác, phấn đấu vươn lên hoàn thiện chính bản thân mình.

Giảng viên trẻ trong các nhà trường quân đội nỗ lực phấn đấu và rèn luyện “Làm theo Bác”

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn mọi cán bộ, đảng viên cần chú trọng thực hiện là tạo ra sự gắn kết, thống nhất giữa nói và làm. Nói thì hay, làm thì dở; nói một đằng, làm một nẻo thì rất khó mang lại hiệu quả cao trong hành động. Học Bác, hiểu những điều Bác dạy, “tìm thấy” những giá trị trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác phù hợp với bản thân chính là điều kiện tiên quyết để GVT có nhận thức toàn diện, chuẩn mực, hài hòa trong ứng xử. Tuy nhiên, nếu như GVT chỉ dừng lại ở việc học Bác thì chưa đủ, nó chỉ đưa lại sự hiểu biết về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Điều quan trọng hơn là từ những điều đã học được trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác phải chuyển hóa từ nhận thức đến hành động, trên tất cả các mặt, các lĩnh vực, đặc biệt trong công tác. Hay nói cách khác, phải luôn gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa “Học tập Bác” và “Làm theo Bác”.

Theo đó, GVT ở các NTQĐ cần hiểu rằng, “Làm theo Bác: là thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ “học tập” sang “làm theo”, hiện thực hóa bằng những chương trình hành động cụ thể, việc làm cụ thể, thiết thực”9. Tư tưởng, tấm gương, đạo đức của Bác chỉ phát huy hiệu quả khi được thấm sâu trong suy nghĩ và trở thành hành động tự giác của mỗi người. Học tập Bác để có “tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn”, trên cơ sở đó biến các nội dung học được trở thành những chỉ đạo cho hoạt động thực tiễn đạt được kết quả cao nhất. Để làm theo Bác đạt được hiệu quả cao, GVT ở các NTQĐ cần quan tâm, luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị theo cương vị, chức trách được giao. Hằng năm, khi xây dựng kế hoạch, đăng ký, xác định nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần phải hết sức cụ thể, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao; trong đăng ký cần chỉ rõ các chỉ tiêu cần đạt được về tự học, giảng dạy, NCKH, đấu tranh tư tưởng lý luận… Đồng thời, xác định đúng biện pháp để quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu đó trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, NCKH và một số công tác khác khi được giao.

“Làm theo Bác” trong hoàn thiện phương pháp sư phạm, nâng cao tác phong làm việc. Đội ngũ GVT là những người đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện năng lực sư phạm, theo đó cùng với nâng cao trình độ chuyên môn thì vấn đề trau dồi, rèn luyện phương pháp sư phạm luôn cần phải được GVT phát huy tốt nhất tính tích cực. Theo đó, đội ngũ GVT cần học tập những phương pháp giảng hay, những cách thức giải quyết một chuyên đề khoa học của những giảng viên có kinh nghiệm; tiếp thu các phương pháp giảng dạy hiện đại, từ đó vận dụng sáng tạo, phù hợp với bản thân để ngày một hoàn thiện năng lực sư phạm, đáp ứng yêu cầu giảng dạy ở từng nhà trường.

Trong quá trình giảng dạy, GVT trong NTQĐ phải luôn bám sát đặc điểm đối tượng để xác định phương pháp giảng dạy phù hợp, giảng dạy phải có căn cứ, có cơ sở khoa học; không phải cứ nói “trên trời dưới đất, nào là khách quan, chủ quan, nào là tích cực, tiêu cực, không đâu vào đâu cả”10; giảng dạy cần phải hướng đến “dễ hiểu, nói sao để người ta hiểu được, hiểu để làm”11. Theo đó, đội ngũ GVT ở các NTQĐ cần học tập phong cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích, đủ thông tin cần thiết với nghề nghiệp chuyên môn của đối tượng đào tạo. Cùng với đó, ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ vào xây dựng nhà trường thông minh, kết hợp sử dụng sáng tạo các phương tiện kỹ thuật dạy học để mang lại hiệu quả cao nhất cho các bài giảng. Đội ngũ GVT ở các NTQĐ cần phải nắm bắt, làm chủ và sử dụng có hiệu quả phương tiện kỹ thuật dạy học, gắn lý luận với thực tiễn, học với hành, nhà trường – đơn vị – chiến trường.

Cùng với giảng dạy, GVT ở các NTQĐ cần chú trọng thực hiện tốt công tác NCKH và xem đây là một nhiệm vụ không thể thiếu trong nâng cao trình độ chuyên môn. Theo đó, GVT cần chủ động, tích cực và cần phải xây dựng một kế hoạch nghiên cứu hợp lý; phải thấy rõ động lực trong việc NCKH là nhằm mục đích phục vụ tốt nhất cho nâng cao trình độ chuyên môn, từ đó có quyết tâm vượt qua những rào cản tâm lý cản trở thực hiện công tác.

Giảng viên trẻ trong các nhà trường quân đội tự giác nêu gương trong mọi hoạt động, công tác

Nêu gương là thực hiện đồng thời, gắn kết việc “Học tập Bác” với “Làm theo Bác” . Phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa 3 nhiệm vụ này, trong đó học tập là cơ sở cho làm theo đạt được hiệu quả cao, nêu gương chính là điều kiện để bảo đảm tính thuyết phục của học tập làm theo. Đối với đội ngũ giảng viên nói chung, GVT ở các NTQĐ nói riêng không chỉ đảm nhiệm trang bị tri thức mà còn tham gia vào quá trình phát triển, hoàn thiện nhân cách người học. Mỗi khi đứng trên bục giảng, mỗi GVT luôn phải đối diện với nhiều “cặp mắt” đang hướng về họ, sự vững vàng về tri thức là nhân tố bảo đảm cho họ tự tin trong thể hiện các phương pháp giảng dạy, hoàn thành được mục tiêu, yêu cầu của bài giảng. Song để có thể “thuyết phục” được người học thì đó phải là sự kết hợp tổng hòa giữa tri thức, đạo đức và sự mô phạm trong ứng xử cũng như sinh hoạt. Để làm được điều đó, mỗi GVT phải luôn chú trọng nêu gương trong mọi hoạt động tự học, giảng dạy, NCKH và tác phong công tác, hài hòa trong cuộc sống.

Nêu gương một biện pháp hữu hiệu nhất kiến tạo uy tín của đội ngũ GVT ở các NTQĐ. Uy tín của giảng viên được tạo lập từ vốn tri thức rộng, nhân cách đạo đức trong sáng, năng lực giảng dạy tốt. Tất cả những yếu tố đó tác động vào người học, cảm hóa người học khiến học viên có tình cảm tốt đẹp, trên cơ sở đó tiếp thu một cách tự giác những tri thức người giảng viên truyền thụ. Uy tín vững chắc chính là một sự biểu hiện phẩm giá con người, khi được lan tỏa phẩm giá nhân cách GVT sẽ được củng cố ngày càng bền vững trong tâm trí người học. Đó chính là phần thưởng xứng đáng nhất đối với những người đứng trên bục giảng. Học viên, họ chỉ thực sự tin yêu và mến phục những nhân cách sư phạm đẹp, những người giảng viên có cả đức và tài; mẫu mực trong công tác và trong ứng xử với đồng chí, đồng nghiệp, học viên và Nhân dân; luôn thấy rõ trách nhiệm bản thân, gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật Quân đội; giữ gìn phẩm chất, danh dự, lương tâm của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với học viên, lấy sự tiến bộ, trưởng thành của học viên làm mục tiêu phấn đấu.

Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Để hiện thực hóa điều đó, công tác giáo dục – đào tạo phải thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Cùng với đó, trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại đòi hỏi các NTQĐ cần liên tục bám sát sự phát triển của thực tiễn, đặc điểm riêng từng môi trường, đối tượng đào tạo; “lấy nhà trường làm nền tảng”, “thầy cô giáo làm động lực”12, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục – đào tạo, xây dựng hệ thống NTQĐ tinh, gọn, mạnh, chuyên sâu, hiện đại; tạo sự chuyển biến vững chắc, thực chất về chất lượng, hiệu quả, vì “Tất cả những điều đó để đạt được mục tiêu cuối cùng là phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước, cho sự nghiệp trồng người, phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”13.

Chú thích:
1, 2, 9. Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2022, tr. 334, 334, 335.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 270.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 687.
5, 10, 11. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 402 – 403, 161, 159.
6, 8. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 274, 274.
7. C.Mác và Ph. Ăngghen. Toàn tập. Tập 40. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2020, tr.13.
12, 13. Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu. https://qdnd.vn, ngày 14/11/2021.
ThS. Bùi Xuân Chung
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng