Vận dụng tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong công cuộc đổi mới của Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 17/7/1966, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đang diễn ra hết sức gay go và quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước anh dũng tiến lên chống Mỹ, cứu nước. Thực tiễn lịch sử vinh quang và hào hùng được khẳng định bằng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, dân tộc ta đã chứng minh chân lý và sức sống mãnh liệt tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng này trở thành giá trị trường tồn cùng dân tộc và có ý nghĩa sâu sắc trong công cuộc đổi mới của Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa (internet)
Đặt vấn đề

Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 – 1965), đế quốc Mỹ rơi vào tình thế bị động, lúng túng, chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965 – 1968). Chúng ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân các nước chư hầu vào miền Nam của Việt Nam để trực tiếp tham chiến.Đồng thời, tăng cường đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN) bằng không quân và hải quân nhằm thay đổi cục diện trên chiến trường và có ý đồ làm lung lay quyết tâm kháng chiến giải phóng dân tộc của quân và dân ta. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cổ vũ, động viên cả dân tộc Việt Nam nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên trì kháng chiến, bảo vệ miền Bắc XHCN, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đồng lực, đồng tâm cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Bước vào thời kỳ mới, đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Với đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, công cuộc đổi mới vì độc lập dân tộc và CNXH ở Việt Nam vẫn đứng vững, tiếp tục giành những thắng lợi to lớn. Trong bối cảnh đó, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại càng có ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được đăng trên báo Nhân dân số 4484 (17/7/1966). Trong lời kêu gọi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm chiến đấu của Nhân dân ta ở cả hai miền Nam –  Bắc. Quân và dân miền Nam đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng đã thắng lợi vẻ vang, thực hiện mục tiêu quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà. Câu nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành bất hủ, không chỉ phản ánh ý chí, khát vọng của toàn dân tộc mà còn trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Để đúc kết thành chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mang ý nghĩa thời đại sâu sắc là cả một quá trình tìm tòi, khảo nghiệm, kiểm chứng bằng chính hoạt động thực tiễn của mình.Không phải đến khi viết ra Lời kêu gọi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới khẳng định giá trị của độc lập, tự do. Ngay từ khi còn niên thiếu, khi ngồi trên ghế nhà trường, động lực thúc đẩy Người quyết chí ra tìm đường cứu nước chính là để tìm lại độc lập, tự do cho dân tộc; “tìm ra con đường đúng đắn có thể đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân”1. Người đã lý giải cụ thể về sự chọn con đường cứu nước: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ ngữ tiếng Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái – đối với chúng tôi lúc ấy, mọi người da trắng được coi là người Pháp – thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”2.Ngay tại Hội Nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (06/01/1930 – 03/02/1930), trong “Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng” do Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh soạn thảo đã khẳng định: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”3.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”4. Trong Hội nghị chiến tranh du kích ngày 13/7/1952, một lần nữa Người nhấn mạnh: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”5. Đặc biệt, khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam, đồng thời sử dụng không quân và hải quân tăng cường đánh phá miền Bắc, lường trước khả năng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có thể còn lan rộng và vô cùng ác liệt, để khẳng định quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Trong lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một chân lý nổi tiếng làm cho lời kêu gọi ngày 17/7/1966 có sức lan tỏa rất xa và tạo nên sức mạnh đoàn kết rất mạnh mẽ, đồng thời khẳng định một niềm tin lớn vào ngày mai. Đó là chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do.” Và “đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”6. Có thể khẳng định, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là tư tưởng mang tính cách mạng sâu sắc và triệt để, gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, sự nghiệp vĩ đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phấn đấu, hy sinh cả cuộc đời để thực hiện.

Vận dụng tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong công cuộc đổi mới của Việt Nam hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Độc lập mà không có quân đội riêng, ngoại giao riêng, kinh tế riêng. Nhân dân Việt Nam quyết không thèm thứ thống nhất và độc lập giả hiệu ấy”7. Trong quá trình đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo cùng với xu thế mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường vẫn là yếu tố quyết định đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Do đó, trong tiến trình mở rộng hợp tác quốc tế, theo tinh thần Việt Nam là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Đảng ta phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết toàn dân, chủ động tự lực cánh sinh, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Vận dụng tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” vào công cuộc đổi mới của nước ta được thể hiện ở một số lĩnh vực, cụ thể như sau:

Trên lĩnh vực chính trị

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là: “Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng CNXH. Xây dựng nền dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ thực sự thuộc về Nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”8. Nền dân chủ và việc bảo đảm phát huy dân chủ không chỉ được khẳng định trong chủ trương, đường lối của Đảng mà còn được thể chế hóa và bảo đảm thực hiện thông qua Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các thế lực thù địch tranh thủ mọi sơ hở của ta để chống phá, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước càng phải được coi trọng. Đây là yếu tố quyết định sự thắng lợi của cách mạng, sự phát triển của chế độ XHCN ở nước ta. Để giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước trong quá trình hội nhập và phát triển, song song với kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, yêu cầu cấp thiết đặt ra cần tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; củng cố, tăng cường lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Trên lĩnh vực kinh tế

Trong quá trình lãnh đạo của Đảng, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của tiến trình cách mạng. Khát vọng độc lập dân tộc và phát triển luôn là nguồn mạch trong tư duy cũng như trong chỉ đạo thực tiễn của Đảng. Trong thời kỳ đổi mới, khía cạnh phát triển càng trở nên nổi bật, thể hiện trong hệ thống đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng về mặt tư duy và cách tiếp cận, coi việc xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ như một nội hàm chính thức của quá trình hiện thực hóa khát vọng phát triển, để Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là một nội dung trong ba nội dung cốt lõi của hoàn thiện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam bao gồm: (1) Thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; (2) Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; (3) Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia”9.

Cùng với đó, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ được đặt trong sự gắn bó mật thiết với nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, là mối quan hệ biện chứng, có ý nghĩa bổ sung, tạo tiền đề thúc đẩy lẫn nhau. Nền kinh tế nội lực mạnh sẽ thúc đẩy nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế được nâng cao sẽ tạo tiền đề để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế”10. Cách tiếp cận mới về xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện rõ nhất ở tinh thần chủ động, phát triển toàn diện, coi trọng bảo vệ lợi ích quốc gia lên trên hết, phù hợp với trình độ phát triển của đất nước cũng như các chuẩn mực quốc tế trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, để chủ trương đúng đắn trên được hiện thực hóa một cách hiệu quả trong phát triển nền kinh tế nước ta, nhiều vấn đề về thể chế cần được tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện đồng bộ.

Trên lĩnh vực đối ngoại

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”11. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ tiếp tục được giữ vững. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều đối tác quan trọng; đồng thời, tích cực, chủ động tham gia các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước. Công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có bước phát triển mới.

Nhận thức đúng về xu thế của thời đại, về cục diện thế giới và khu vực, Đảng đã có định hướng sáng suốt và Nhà nước đã có các chính sách đúng đắn và kịp thời trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc. Nhiều chủ trương, giải pháp xử lý các vấn đề quốc gia, dân tộc, quốc tế đã tạo được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân và được dư luận quốc tế ủng hộ. Tuy nhiên, hiện nay, các thế lực thù địch và những kẻ phản động, tay sai trong và ngoài nước dùng mọi thủ đoạn, lợi dụng toàn cầu hóa nhằm phá hoại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong bối cảnh đó,tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là chân lý của thời đại, nhắc nhở chúng ta càng phải đề cao cảnh giác, phát huy thế mạnh của đất nước để có thể tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời, giữ vững độc lập, chủ quyền dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Theo đó, Đảng ta chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam12.

Kết luận

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường, ngoài tiềm lực kinh tế, khát vọng phát triển của toàn dân tộc thì ý chí tự lực, tự cường chính là điều kiện cốt lõi để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế. Việc phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng độc lập, tự do vốn là nét đẹp trong truyền thống văn hóa Việt Nam, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển lên một tầm cao mới, tiếp tục phát huy giá trị và soi đường cho dân tộc Việt Nam trong hành trình tiến tới “sánh vai với các cường quốc năm châu” như khát vọng lớn lao mà Người đã ký thác lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Chú thích:
1. Song Thành. Hồ Chí Minh – nhà văn hóa kiệt xuất. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2015, tr. 106.
2. Côbêlép Épghênhi Vaxilêvích. Đồng chí Hồ Chí Minh. H. NXB Chính trị – Hành Chính, 2010, tr. 48.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 1.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2000, tr. 113.
5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 445.
6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 131.
7, 12. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 602, 162.
8. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 17/5/2021.
9, 10, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.135, 117 – 118.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2000, tr. 135.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
3. Hiến pháp năm 2013.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2011.
5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 15. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2011.
TS. Vũ Hồng Vận
Trường Đại học Giao thông vận tải

ThS. Hồ Đức Hiệp
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh