Hệ giá trị quốc gia – từ góc nhìn của hệ giá trị gia đình truyền thống Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó việc “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”1 và xác định đây là nhiệm vụ có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc – dịp sum họp của từng gia đình Việt Nam, tác giả xin được đề cập sâu về hệ giá trị gia đình truyền thống.
Hê giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam được hình thành bền vững qua hàng nghìn năm.
Hệ giá trị quốc gia

Việt Nam chúng ta có hệ giá trị nông nghiệp – nông thôn truyền thống được hình thành bền vững qua hàng nghìn năm, đến nay, hệ giá trị này đang có những biến động mạnh mẽ. Bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa do phương Tây mang đến; tiếp đến là sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa xã hội chủ nghĩa từ giữa thế kỷ XX đã tác động khá mạnh vào sự biến động này. Công cuộc đổi mới đất nước (từ năm 1986), rồi hội nhập quốc tế (từ năm 1990), tiếp đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đã đặt Việt Nam chúng ta đứng trước những cơ hội phát triển “xưa nay chưa từng có”; đồng thời, cũng đứng trước những thách thức không hề nhỏ khiến cho hệ giá trị truyền thống có những biến động mạnh mẽ trên nhiều góc độ.

Tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” được tổ chức ngày 29/11/2022, có những kiến giải khác nhau về nội hàm của hệ giá trị quốc gia (HGTQG), hệ giá trị văn hóa nhưng đa số các ý kiến đều đồng tình với những gợi ý trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về HGTQG, gồm các thành tố: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Những giá trị này cơ bản đã bám sát vào điều kiện thực tiễn của đất nước, bảo đảm sự cân đối, hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, đặc thù và phổ quát.

Việc xây dựng HGTQG đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập, khẳng định, như trong kháng chiến chống xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Người căn dặn: “Mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”2. Đồng thời, HGTQG được hình thành từ những chuẩn mực của con người rất cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đưa ra những “chuẩn” cho các đối tượng khác nhau, như với các cháu thiếu niên, nhi đồng có Năm điều Bác dạy: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/Học tập tốt, lao động tốt/Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/Giữ gìn vệ sinh thật tốt/Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”; với cán bộ, đảng viên phải: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính – Chí công, Vô tư”.

HGTQG được tiếp nối, bổ sung, hoàn thiện từng bước trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”3. Đồng thời, Cương lĩnh đã xác định mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng là: “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển”4. Như vậy, các giá trị cơ bản của quốc gia hiện nay có thể thống nhất với các mục tiêu mà Cương lĩnh nêu ra là xây dựng quốc gia thịnh vượng với các đặc trưng là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, những vấn đề này đã được nâng lên tầm nhận thức mới, được xem là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, góp phần tạo lập cơ sở vững chắc để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực nội sinh quan trọng của đất nước trên con đường phát triển nhanh và bền vững.

Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc là những giá trị cốt lõi của HGTQG, phản ánh khát vọng, mong mỏi, mục tiêu chung của cả dân tộc. Những giá trị được kết tinh từ quá khứ, phát huy vai trò trong hiện tại và có định hướng tới tương lai, làm nền tảng để điều tiết, dẫn đường cho sự phát triển của đất nước. Việc xây dựng và thực hiện HGTQG là góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nâng cao sự đồng thuận xã hội, tạo nên sức mạnh tổng lực của quốc gia.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại;… phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”5. Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, việc tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng HGTQG, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình (HGTGĐ) Việt Nam trong thời kỳ mới và xác định đây là nhiệm vụ có vai trò đặc biệt quan trọng.

Hệ giá trị gia đình truyền thống Việt Nam

Văn hóa Việt chúng ta hình thành và phát triển trên nền tảng của nền văn hóa nông nghiệp với nghề trồng lúa nước. Những đặc trưng của nền văn hóa lúa nước đặt dấu ấn trên mọi mặt của đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của con người Việt Nam. Trong xã hội nông thôn truyền thống, gia đình và gia tộc đóng vai trò rất quan trọng. Gia tộc được coi như tổ chức làng, có uy quyền với gia đình trong dòng họ đó, bảo vệ các gia đình trước các họ tộc khác. Từ đó sinh ra thứ bậc, tôn ti trong một dòng họ. Giá trị gia đình truyền thống được đánh giá từ tình làng, nghĩa xóm, trên thuận – dưới hòa, thủy chung, tính cố kết cộng đồng…

Sự ổn định, phát triển của mỗi gia đình góp phần duy trì sự ổn định, phát triển của xã hội. Những giá trị của gia đình truyền thống đã tạo không gian, môi trường văn hóa lành mạnh để điều chỉnh hành vi, suy nghĩ, nhận thức của con người theo hướng nhân văn, tốt đẹp; hạn chế những xung đột, bất đồng, mâu thuẫn, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái thấp hèn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”6.

Là thiết chế cơ bản của xã hội, gia đình có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi cá nhân và trong thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở nước ta, sự ổn định của gia đình chính là một trong những nhân tố quyết định của việc xây dựng và bảo vệ làng xóm, cộng đồng dân cư, quê hương, đất nước từ ngàn xưa đến nay.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Các dân tộc lại có cấu trúc gia đình đặc trưng riêng, như: nhóm có ngôn ngữ Việt – Mường thì theo chế độ phụ hệ, quan hệ huyết thống theo họ cha và điểm nổi bật là vai trò của người đàn ông trong gia đình; nhóm có ngôn ngữ Nam Đảo theo chế độ mẫu hệ với quan hệ huyết thống được tính theo dòng họ mẹ; một số tộc người nhóm Môn – Khơ me miền núi phía Bắc theo chế độ phụ hệ…, dẫn đến có các giá trị gia đình truyền thống với những văn hóa chung lại có những phong tục, tập quán riêng rất đa dạng, phong phú. Nhưng tựu trung lại thành một HGTGĐ Việt Nam đặc sắc.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững của đất nước. Nhận thức rõ về vấn đề này, Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nhấn mạnh đến việc phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc, làm cho mỗi gia đình thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã định hướng: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”7. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của HGTQG và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”8.

Sự phát triển của nhân loại hiện nay đã xuất hiện một số xu hướng mới ảnh hưởng đến HGTGĐ, đó là: những biến đổi xã hội cùng với sự tái định hướng các giá trị xã hội và sự gia tăng sự tham gia của phụ nữ trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ kinh tế đã thúc đẩy những thay đổi về chức năng và cấu trúc trong thiết chế gia đình. Thái độ của xã hội đối với phụ nữ từ đó cũng có sự thay đổi, quyền năng về kinh tế đối với phụ nữ tăng qua lao động, việc làm, thu nhập, tạo cho họ sự độc lập về kinh tế. Phụ nữ tự tin hơn trong việc chấm dứt mối quan hệ khi không còn phù hợp. Tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng những năm gần đây cũng hàm ý chỉ ra rằng, tỷ lệ gia đình đơn thân chỉ có bố (hoặc mẹ) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều kiện kinh tế – xã hội của gia đình có trẻ em, việc an ninh, giáo dục, phúc lợi của những trẻ em trong các gia đình này khó có thể đầy đủ như những gia đình có đủ bố, mẹ. Tình trạng sống thử của giới trẻ, chậm muốn sinh con sau khi đã kết hôn, ít con, dẫn đến già hóa dân số…, cũng là những xu hướng ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình truyền thống.

Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã kéo theo nhiều biến đổi về văn hóa – xã hội của làng, xã. Sự di cư nghề nghiệp, việc làm đã khiến nhiều người dân nông thôn phải tạm thời thoát ly gia đình, làng xóm, quê hương. Hoàn cảnh sống thay đổi theo hướng thuận lợi hơn, khiến cho sự liên kết giữa cá nhân từng người với nhau cũng có những khoảng cách nhất định so với trước đây. Trong không gian của nhiều gia đình ở đô thị hiện nay, mỗi người là một thế giới riêng, khép kín, dẫn đến tình trạng cha mẹ, con cái không thông hiểu nhau; cha mẹ thiếu sự quan tâm khiến các bạn trẻ rơi vào những cạm bẫy, cám dỗ, những hành động lầm lạc mà người lớn không thể lường trước để ngăn chặn. Gia đình mở rộng, bao gồm “tứ đại đồng đường”, “tam đại đồng đường” mất dần, thay vào đó là chuyển dần thành gia đình cách biệt, hạt nhân và tư nhân hóa.

Mặt khác, các gia đình hiện nay cũng còn có những hạn chế khác, như: bố, mẹ có thói quen bao cấp, nghĩ, nói và làm thay cho con mọi việc, kể cả việc học hành trên lớp, sinh hoạt, vui chơi của con với bạn bè đều tham gia với suy nghĩ “cho con đỡ mệt”. Từ đó tạo ra thói quen “được phục vụ” của con trẻ, sinh lười biếng, không biết làm những việc đơn giản trong sinh hoạt thường ngày… đã dẫn đến khi lớn lên trẻ sinh bệnh hẹp hòi, ích kỷ; khi đi làm dễ bị bệnh cục bộ, lợi ích nhóm, địa phương chủ nghĩa; bệnh coi thường kỷ cương, luật pháp; không có tình tương thân tương ái, hỗ trợ giúp đỡ người khác…, đã ảnh hưởng tiêu cực đến hệ giá trị chung của xã hội. Những hệ lụy này nếu không được chấn chỉnh kịp thời ngay từ trong gia đình sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường cho cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Xây dựng hệ giá trị gia đình truyền thống Việt Nam chính là bồi đắp căn bản cho hệ giá trị quốc gia.
Xây dựng hệ giá trị gia đình truyền thống Việt Nam chính là bồi đắp căn bản cho hệ giá trị quốc gia

Để việc xây dựng các hệ giá trị: HGTQG, hệ giá trị văn hóa, HGTGĐ và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới của Đảng được kết quả như mong muốn, chúng ta cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần tập trung vào xây dựng HGTGĐ truyền thống, với các nội dung:

Một là, phải xác định xây dựng HGTGĐ truyền thống là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Các cấp ủy đảng, chính quyền phải thực sự quan tâm, coi xây dựng HGTGĐ truyền thống Việt Nam là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Các cấp chính quyền cần ban hành các kế hoạch, chương trình, các quy định, quy chế và tạo điều kiện để thực hiện. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội phải thật sự quan tâm, vận động, tuyên truyền, thuyết phục, kiểm tra, đôn đốc thực hiện; đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trước tiên phải coi trọng gia đình, coi trọng con người thì mới có tác động lan tỏa thực sự.

Hai là, khích lệ lòng tự tôn dân tộc, khát vọng đất nước hùng cường của người dân.

Lòng tự tôn dân tộc, khát vọng đó hoàn toàn trở thành hiện thực khi toàn dân đoàn kết một lòng cùng hướng về mục tiêu khát vọng hùng cường của dân tộc, sự thịnh vượng của Nhân dân. Theo đó, báo chí, truyền thông với vai trò, chức năng của mình phải tổ chức tuyên truyền, khích lệ tinh thần cống hiến tận tâm, tận lực của người dân, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không ngại khó khăn, gian khổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; năng động, sáng tạo, cống hiến toàn bộ trí tuệ, sức lực, tâm huyết cho sự nghiệp chung; khơi dậy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại một cách khoa học, đúng lúc, đúng chỗ thì tất yếu sẽ huy động và sử dụng được một cách hiệu quả nhất các nguồn lực, mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho đất nước, đưa đất nước ngày càng phát triển.

Ba là, giáo dục đạo đức, lối sống cho lớp trẻ ngay từ trong gia đình.

Gia đình là nơi lưu giữ các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, là trường học đầu tiên để con người được dạy và học về đạo đức. Để giáo dục đạo đức cho giới trẻ, mỗi gia đình cần giữ gìn đạo đức, nền nếp gia phong, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, làm cho các giá trị đó ngày càng tỏa sáng, góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm tốt đẹp cho thế hệ con cháu. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái hơn trong mọi vấn đề, nhất là đạo đức; củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, tạo nên một môi trường thuận lợi cho việc giáo dục xã hội hóa thế hệ trẻ. Sự gương mẫu trong cách ứng xử, lối sống, trong làm việc của cha mẹ chính là phương pháp giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất tới con cái. Những bậc cha mẹ sống với nhau hòa thuận, chung thủy và có tình nghĩa với nhau là tấm gương sáng cho con cái noi theo.

Bốn là, chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở tất cả các vùng, miền.

Muốn chăm lo cho gia đình về mặt văn hóa thì phải phải chăm lo về đời sống. Việc chăm lo đến đời sống vật chất, những lợi ích chính đáng và hợp pháp của con người cũng chính là những yếu tố quan trọng để hiện thực hóa những giá trị này trong cuộc sống.

Đời sống vật chất, tinh thần được bảo đảm ổn định và tăng lên hằng năm sẽ là nền tảng căn bản cho từng gia đình yên ấm, hạnh phúc, nuôi dạy con cái tốt. Để được như vậy, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cả vi mô và vĩ mô. Đối với khu vực nông thôn, miền núi cần tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản. Cải thiện điều kiện sống, nhà ở, đổi mới tư duy, nếp sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn về chuyển đổi số, văn hóa, giáo dục, y tế, cung cấp nước sạch đạt quy chuẩn. Xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải, nước thải. Xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.

Đối với khu vực thành thị cần chú trọng giáo dục thực hiện nếp sống văn minh đô thị, chấp hành kỷ cương, pháp luật, tôn trọng người già, tương thân tương ái, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện.

Năm là, xây dựng HGTGĐ định hướng giá trị sống và hạnh phúc.

Gia đình trước hết và quan trọng nhất là môi trường sống lành mạnh, yêu thương, không có bạo lực, xâm hại. Gia đình là nơi  cân bằng tâm lý, tình cảm cho cá nhân trước áp lực cuộc sống. Gia đình đồng thời phải có khả năng phòng vệ, chống chịu trước những thách thức và rủi ro, như thiên tai, dịch bệnh, cũng như các tình huống bất ngờ. Xu hướng người dân tự an sinh cho gia đình và bản thân khá phổ biến. Vì thế, gia đình đang là nguồn lực an sinh xã hội quan trọng, chia sẻ gánh nặng an sinh xã hội với Nhà nước. Đồng thời, những hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách an sinh trực tiếp cho các thành viên gia đình, như: trợ cấp xã hội, lương, việc làm, xóa đói – giảm nghèo hay các chính sách an sinh xã hội gián tiếp, như: dịch vụ xã hội, giáo dục, y tế cần tiếp tục hoàn thiện, có tính bao phủ hơn.

Với vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ em, hình thành nhân cách trẻ em, góp phần quan trọng trong xây dựng chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội cũng như sự ổn định của các quan hệ gia đình, việc quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống là rất quan trọng. Hiện nay, giáo dục con cái trong gia đình vẫn chủ yếu hướng tới các giá trị cốt lõi và lối sống truyền thống, như: trung thực, hiếu thảo, thương yêu, tiết kiệm.

Sáu là, đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền giáo dục về gia đình.

Nội dung giáo dục về gia đình cần cung cấp các kiến thức, kỹ năng sống, như: kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và với cộng đồng… Tuyên truyền và vận động các gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh, không trọng nam, khinh nữ, không lựa chọn giới tính khi sinh. Vận động các gia đình tích cực tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, Quy chế dân chủ ở cơ sở; phát triển các hình thức tổ hòa giải, các câu lạc bộ gia đình tại cộng đồng; giữ gìn và phát huy văn hóa gia đình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ; xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Bảy là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến gia đình.

Cần xây dựng một trung tâm dữ liệu quốc gia về gia đình để phục vụ quản lý nhà nước về gia đình, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy về gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Triển khai những nghiên cứu khoa học về gia đình một cách hệ thống để có cơ sở đề xuất chính sách xã hội về gia đình. Tập trung nghiên cứu các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình cần gìn giữ, tiếp thu những giá trị mới, tiên tiến. Nghiên cứu xây dựng các mô hình gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; áp dụng các kết quả nghiên cứu để giải quyết những thách thức trong lĩnh vực gia đình và dự báo những biến đổi về gia đình trong thời kỳ mới.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 143.
2. Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. https://baochinhphu.vn, ngày 21/8/2014.
3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 70.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 325.
6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 300.
7, 8. Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. https://moit.gov.vn, ngày 24/11/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/12/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Nguyễn Hữu Minh. Gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập – Từ cách tiếp cận so sánh. H. NXB Khoa học và Xã hội, 2014.
3. Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
4. Trần Ngọc Thêm. Hệ giá trị Việt Nam – Từ truyền thống đến hiện đại. H. NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2021.
5. Hội thảo quốc gia: “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. http://tuyengiao.vn, ngày 29/11/2022.
TS. Nguyễn Quang Vinh
Học viện Hành chính Quốc gia
ThS. Trần Thị Hiền
Trường Chính trị tỉnh Hải Dương