Lào Cai đẩy mạnh marketing điểm đến nhằm thu hút khách du lịch

(Quanlynhanuoc.vn) – Marketing điểm đến có vai trò quan trọng đối với phát triển bền vững của một vùng du lịch. Hiện nay, trên thế giới nói chung và từng vùng du lịch của Việt Nam nói riêng đều tập trung vào xây dựng marketing điểm đến. Nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp marketing điểm đến tại tỉnh Lào Cai, góp phần vào việc phát triển du lịch bền vững trong tương lai của địa phương.
Ảnh minh họa (internet)
Đặt vấn đề

Xu thế hội nhập tạo điều kiện cho ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đóng góp của kinh tế du lịch đã làm thay đổi đời sống của nhiều vùng cư dân. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của du lịch và những lợi thế của nó cũng tạo ra cạnh tranh giữa các vùng du lịch trên địa bàn hay khu vực. Các điểm đến du lịch ngày càng được khai thác hiệu quả, tạo điều kiện cho khách du lịch có nhiều sự lựa chọn. Tỉnh Lào Cai là vùng du lịch trọng tâm của miền Bắc, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước với nhiều địa danh lịch sử, hang động tự nhiên, đặc sản và là nơi mang đậm nét đặc trưng văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc anh em. Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã khẳng định: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đột phá, trong đó có phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội”. Theo đó, xây dựng chiến lược marketing là biện pháp quan trọng nhằm nghiên cứu để có những giải pháp hữu hiệu xây dựng hình ảnh điểm đến hấp dẫn, giúp cho du khách trong và ngoài nước có sự lựa chọn hợp lý, góp phần phát triển du lịch bền vững cho mỗi vùng và mỗi điểm du lịch.

Thực trạng hoạt động phát triển du lịch tỉnh Lào Cai

Lào Cai có tiềm năng lớn để phát triển ngành du lịch với các loại hình nghỉ dưỡng, sinh thái, leo núi, văn hóa. Thiên nhiên ban tặng cho Lào Cai nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng gắn với các địa danh, như: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương… Giai đoạn 5 năm (2017 – 2021), tỉnh đón trên 16 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế đạt trên 2 triệu lượt, khách nội địa đạt trên 14 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch đạt trên 53.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tác động đến mọi lĩnh vực, đặc biệt là ngành du lịch. Năm 2021 tổng lượt khách đến Lào Cai chỉ đạt 1.404.930 lượt khách, tổng thu khoảng 4.440 tỷ đồng (giảm 38,9% so với năm 2020, đạt 28.1% kế hoạch). Năm 2022, khách du lịch đến Lào Cai đạt trên 3,6 triệu lượt (trong đó khách quốc tế 34.000 lượt) đạt 91,8% so với kế hoạch năm, tăng 201% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 12.800 tỷ đồng, bằng 84% so với kế hoạch năm, tăng 232% so với cùng kỳ năm 20211.

Hệ thống cơ sở kinh doanh lưu trú của tỉnh Lào Cai phát triển với tốc độ nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng với nhiều loại hình như khách sạn, nhà nghỉ, nhà sàn, nhà nghỉ lưu trú tại gia tại các thôn bản (homestay)… Kinh doanh dịch vụ ăn uống, dịch vụ thương mại và dịch vụ vui chơi giải trí cũng được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Hệ thống các chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được quan tâm đầu tư, bước đầu đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân và khách du lịch; hệ thống cơ sở phục vụ hoạt động thể thao và vui chơi, giải trí được mở ra ở nhiều điểm đến như thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà…

Thực trạng hoạt động marketing nhằm thu hút khách du lịch đến Lào Cai đã có những kết quả đáng khích lệ, hoạt động nghiên cứu thị trường được coi trọng, đầu tư; chính sách marketing đã được áp dụng sử dụng một cách linh hoạt, xây dựng chiến lược marketing hợp lý, kết hợp một cách đồng bộ, hài hòa chính sách marketing và các công cụ marketing, từ đó đã xác định được tập khách hàng mục tiêu của mình. Sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng phát triển nhanh, khẳng định hướng đi đúng trong trong mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch nhưng trong quá trình thu hút khách, các doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn các hạn chế, như: khách du lịch chưa thực sự hài lòng với chất lượng dịch vụ tại cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển và vui chơi giải trí; các tiêu thức để phân đoạn và lựa chọn thị trường còn sơ sài; các hoạt động tìm kiếm sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù cho từng tuyến, điểm du lịch vẫn chưa rõ nét, chưa có tính mới, hấp dẫn khách du lịch; chưa thu hút được lượng khách có khả năng chi trả cao nhằm tăng doanh thu du lịch; việc đầu tư khai thác vào các tài nguyên tự nhiên và nhân văn còn nhiều hạn chế và chưa tương xứng. Sản phẩm du lịch ở một số điểm đến còn đơn điệu, nghèo nàn, nhất là việc khai thác các thế mạnh về văn hóa, dân tộc, các lễ hội và tiềm năng thiên nhiên. Hoạt động xúc tiến du lịch đạt hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý lữ hành tại khu vực cửa khẩu còn nhiều khó khăn, phức tạp. Cơ sở hạ tầng giao thông đến các điểm, tuyến du lịch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của khách du lịch và đi lại của người dân. Từ đó, cần đặt ra cho du lịch Lào Cai một chiến lược marketing cụ thể để khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút khách du lịch, hướng đến phát triển bền vững.

Giải pháp marketing thu hút khách du lịch đến với Lào Cai

Một là, tăng cường nghiên cứu thị trường và lựa chọn thị trường mục tiêu.

Việc nghiên cứu thị trường cần tập trung vào các nội dung: nghiên cứu khách du lịch, nghiên cứu năng lực cạnh tranh và nghiên cứu xu thế thị trường. Sử dụng phương pháp nghiên cứu khảo sát thực tế, như: điều tra trực tiếp từ khách hàng thông qua phiếu điều tra khách hàng; sử dụng điện thoại gọi trực tiếp phỏng vấn khách hàng. Trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá, so sánh để có kết quả chính xác.

Tiến hành phân khúc thị trường và lựa chọn thị trường mục tiêu bằng cách sử dụng kết hợp các tiêu thức phân đoạn thị trường. Đối với khách quốc tế cần có kế hoạch nghiên cứu kỹ kế hoạch mở rộng thị trường. Ngoài việc củng cố mối quan hệ với các đơn vị lữ hành quốc tế, ngành Du lịch Lào Cai cũng cần chú ý đến các thị trường khách du lịch tiềm năng trong nước để định hướng tương lai phát triển cho ngành. Phát triển thị trường khách du lịch quốc tế, khai thác có hiệu quả thị trường khách Trung Quốc và thị trường khách quốc tịch nước thứ ba từ Trung Quốc và Lào đến Sa Pa – Lào Cai. Tập trung khai thác đối tượng khách có thu nhập và khả năng chi trả cao; mở rộng thị trường khách, như: Trung Đông và Ấn độ… Đối với khách nội địa cần chú trọng khách nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá thu hút nguồn khách nội địa ở các thành phố lớn phía Nam, miền Trung.

Hai là, hoàn thiện hoạt động định vị trên thị trường du lịch.

Các doanh nghiệp du lịch phải xác định rõ tài nguyên du lịch nổi trội của từng điểm đến để làm căn cứ xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng. Định vị thị trường theo hướng tìm cách tăng tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường hoặc giúp cho các doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh. Sau khi định vị thị trường, cần phải lựa chọn các công cụ marketing tối ưu nhằm tạo dựng và duy trì vị thế đã chọn. Trên cơ sở tập hợp mục tiêu khách hàng đã lựa chọn, cần rà soát lại sản phẩm theo từng lĩnh vực kinh doanh để lên kế hoạch đổi mới, điều chỉnh chính sách sản phẩm cho phù hợp, góp phần giữ chân và hấp dẫn, lôi cuốn sự quay trở lại của khách du lịch.

Ba là, nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện các chiến lược marketing.

Hoàn thiện chính sách sản phẩm bằng cách xây dựng các sản phẩm du lịch mới, như: du lịch tâm linh, du lịch lịch sử, du lịch văn hóa và sản phẩm du lịch địa phương. Xây dựng và phát tiển các làng bản văn hóa thành các khu du lịch cộng đồng, mang đặc trưng riêng của vùng, của tộc người. Xây dựng các sản phẩm du lịch một cách đồng bộ để mang lại đầy đủ sự trải nghiệm cho du khách. Ví dụ: du lịch nghỉ dưỡng thì phải có các dịch vụ để du khách nghỉ ngơi và giải trí; du lịch cộng đồng thì phải cung cấp cho du khách cơ hội trải nghiệm một cách chân thật và đầy đủ cuộc sống của người dân địa phương; du lịch chợ phiên cần tạo ra các hoạt động để du khách được tham gia hoạt động giống như người trong cuộc chứ không phải là người quan sát…. Đẩy mạnh liên kết trong hoạt động phát du lịch với các tỉnh lân cận, như: liên kết nối tour, nối tuyến, nhằm tăng tính độc đáo và hấp dẫn du khách. Không ngừng mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, nâng cao chất lượng điểm đến thông qua các sản phẩm du lịch. Xây dựng thương hiệu du lịch cho các điểm tham quan chợ vùng cao.

Hoàn thiện chính sách giá bằng cách sử dụng mức giá hợp lý nhằm bù đắp chi phí tối thiểu để đạt mục đích lợi nhuận nhưng vẫn cạnh tranh được trên thị trường. Đối với dịch vụ lưu trú, đưa ra mức giá toàn phần với khách thương nhân, khách công vụ; giảm giá cho các đối tượng khách là khách truyền thống, khách lưu trú dài ngày, khách sử dụng dịch vụ đồng bộ, khách đi theo đoàn đông người. Đối với doanh nghiệp lữ hành, xác định giá trên cơ sở chi phí tối thiểu có tính đến các nhân tố, như: chất lượng dịch vụ; tính độc đáo của các sản phẩm du lịch; độ hấp dẫn của tài nguyên du lịch. Mức giá trên thị trường được tính sao cho giá trọn gói thấp hơn so với giá mua từng dịch vụ riêng lẻ; ưu tiên giảm giá cho các đối tượng là sinh viên, trẻ em, khách đi theo đoàn đông người; sử dụng chính sách giá khuyến mãi để thu hút khách.

Hoàn thiện chính sách phân phối tác động trực tiếp đến hiệu quả khai thác nguồn khách của doanh nghiệp.Với khách sạn quy mô lớn, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế nên sử dựng kênh phân phối gián tiếp, thông qua các hãng, chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài. Với doanh nghiệp có khả năng về tài chính và có văn phòng đại diện ở nước ngoài thì sử dụng kênh phân phối trực tiếp. Doanh nghiệp khách sạn quy mô nhỏ, không có khả năng tài chính mạnh nên sử dụng kênh phân phối gián tiếp, tăng cường mối quan hệ với hãng lữ hành thông qua việc bảo đảm chất lượng dịch vụ cung ứng. Với thị trường khách nội địa, doanh nghiệp nên sử dụng kênh phân phối trực tiếp hoặc thông qua mối quan hệ với các cơ quan, đoàn thể trong nước để thu hút khách tham quan. Các doanh nghiệp lữ hành cần nâng cao hiệu quả hoạt động, phối hợp lập kế hoạch với các doanh nghiệp lữ hành từ Hà Nội và các vùng lân cận để thu hút khách nội địa và đón khách quốc tế. Đồng thời, cần ký kết hợp đồng, đặt quan hệ với các khách sạn, nhà hàng, các cơ sở cung ứng dịch vụ tại các vùng, địa phương, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chương trình du lịch với chất lượng cao.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, nhắm vào thị trường mục tiêu, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch làm trọng tâm. Quảng bá du lịch gắn với quảng bá hình ảnh quốc gia. Xây dựng bộ công cụ xúc tiến quảng bá, gồm: sách, ảnh, bản đồ du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai cổng thông tin du lịch, ứng dụng du lịch,… Xây dựng và tổ chức các chương trình, kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước, với các hình thức linh hoạt theo từng thời kỳ, phù hợp với các mục tiêu đã xác định; gắn xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, đầu tư và ngoại giao, văn hóa.

Đổi mới hình thức tổ chức các sự kiện du lịch, lựa chọn địa phương luân phiên tổ chức lễ hội du lịch trọng điểm trong năm. Xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch thông qua các hoạt động đón các đoàn khảo sát của phóng viên báo chí và hãng lữ hành đến địa phương; tổ chức các sự kiện văn hóa; thiết kế, sản xuất và phát hành các ấn phẩm quảng bá du lịch, như: tờ rơi về các sự kiện du lịch, tập gấp về các tuyến, điểm du lịch, sách giới thiệu về du lịch tỉnh Lào Cai.

Kết luận

Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong kinh doanh dịch vụ sẽ là bài toán cho các doanh nghiệp du lịch cũng như chính quyền địa phương của mỗi vùng. Để thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai trong thời gian đạt tới, góp phần tích cực vào việc phục hồi, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử, phục hồi và phát triển các loại hình văn hóa dân gian, phong tục tập quán lễ hội… yêu cầu đặt ra cho chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp phải có chiến lược đúng đắn, táo bạo, trong đó có giải pháp hữu hiệu trong hoạt động marketing. Có như vậy mới phát huy được thế mạnh trong du lịch của tỉnh, đồng thời phát triển bền vững việc khai thác các nguồn tài nguyên du lịch, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm nâng cao giá trị đời sống vật chất, tinh thần của người dân các vùng du lịch của Lào Cai.

Chú thích:
1. Tỉnh ủy Lào Cai. Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Văn Mạnh. Marketing du lịch. H. NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2008.
2. Vũ Đức Minh. Tổng quan du lịch. H. NXB Thống kê, 2008.
3. Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
4. Quyết định số 2626/QĐ-UBND ngày 04/11/2022 của UBND tỉnh Lào Cai ban hành Khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
5. George Washington University, (2007), Tourism destination management.
6. Philip Kotler. Quản trị marketing. H. NXB Thống kê, 2003.
7. Philip Kotler, James C Marken, Jone T.Bowen (2008), Marketing for hospitality and tourism, Bourlervad, Langford land, Kidllington, Oxford.
8. UNWTO (2007). A practical guide to tourism destination management
ThS. Trần Thị Phương Thúy
Học viện Hành chính Quốc gia