Tài liệu tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số

(Quanlynhanuoc.vn) – Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là một thực tế diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống ở một số vùng dân tộc thiểu số, đồng thời tác động đến các vấn đề kinh tế – xã hội khác của đất nước.

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hiện nay vẫn còn tồn tại trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho cá nhân, gia đình và xã hội. Ngoài những nguyên nhân xuất phát từ điều kiện cư trú, kinh tế, tập tục lạc hậu; còn do trình độ dân trí của người dân còn thấp, ít có điều kiện tiếp cận thông tin, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, chưa hiểu hết những hệ lụy từ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; một số nơi chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân và gia đình; việc xử phạt các trường hợp tảo hôn chỉ xem như chiếu lệ, chưa đủ sức răn đe…

Từ thực trạng nêu trên, cần xác định tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số đã tồn tại từ rất lâu đời, là tập tục đã ăn sâu vào quan điểm của mỗi cá nhân, cộng đồng. Việc xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là công việc khó khăn, đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn diện và hệ thống giải pháp đồng bộ, cũng như phải kiên trì thực hiện. Bên cạnh việc can thiệp bằng các biện pháp pháp luật và hành chính từ chính quyền, cần sử dụng các “giải pháp mềm”, như: đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức truyền thông phù hợp với tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy thiết chế xã hội truyền thống, các tập tục có lợi trong hôn nhân và gia đình của các tộc người nhằm gắn kết cộng đồng tham gia vào việc đẩy lùi và xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những giải pháp căn cơ, hiệu quả, ít tốn kém.

Cuốn “Tài liệu tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số được phát hành vào Quý I/2023. Tài liệu do Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông biên mục trên xuất bản phẩm của Thư viện Quốc gia Việt Nam, gồm những nội dung sau:

Phần I: Khái quát một số đặc điểm hôn nhân và gia đình dân tộc thiểu số.

Phần II: Cung cấp những thông tin về thực trạng, những hệ lụy, nguyên nhân, nhiệm vụ và giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Phần III: Nêu một số vấn đề chung đối với công tác truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (mục đích, yêu cầu, nội dung truyền thông, các hình thức và kỹ năng truyền thông).

Phần IV: Giới thiệu một số kinh nghiệm và giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở một số địa phương.

Tài liệu tuyên truyền hướng đến hai nhóm đối tượng sử dụng chính:

(1) Những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông (cán bộ, phóng viên các đài truyền thanh huyện, tỉnh ở vùng dân tộc thiểu số);

(2) Người làm trong các cơ quan chính quyền, đoàn thể địa phương (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh), giáo viên, bộ đội biên phòng, cộng tác viên dân số, người có uy tín trong cộng đồng (già làng, trưởng thôn/bản, buôn, ấp…) ở vùng dân tộc thiểu số.

Mục đích cung cấp những thông tin, kiến thức cơ bản, cùng một số kỹ năng cần thiết giúp những người làm công tác tuyên truyền cải thiện và nâng cao kỹ năng truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tạp chí Quản lý nhà nước trân trọng giới thiệu cuốn sách tới Quý bạn đọc.

Hoàng Trang
Học viện Hành chính Quốc gia