Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ đảng viên của Tổng cục Chính trị, Bộ Công an Lào

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng đối với sự phát triển thịnh vượng và ổn định của đất nước, chính vì vậy, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào luôn quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đảng viên nói chung đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đảng viên trong Công an nhân dân nói riêng trên tinh thần quán triệt quan điểm của Đảng tại Đại hội lần thứ IX về “đột phá về phát triển nguồn lực con người” và thực hiện đúng Ngh quyết Đại hội Đảng lần thứ X, XI về tư duy trong quản lý và xây dựng nguồn lực con người.
Hội nghị tổng kết hợp tác, trao đổi lý luận và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Việt Nam – Lào, tháng 9/2021. Ảnh: qdnd.vn.
Công tác đào đạo, bồi dưỡng đội ngũ đảng viên của Tổng cục Chính trị, Bộ Công an Lào thời gian qua

Đứng trước yêu cầu đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay; đồng thời, triển khai nghiêm túc việc thực hiện Nghị quyết số 031/BCT ngày 03/01/2018 về công tác quản lý cán bộ và Nghị quyết số 032/BCT của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về quy hoạch cán bộ lãnh đạo – quản lý; Nghị định số 95/CP ngày 26/04/2016 của Chính phủ về chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, trong những năm qua, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công an Lào nói chung và Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục Chính trị công an nhân dân (CAND) nói riêng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) đội ngũ đảng viên (ĐNĐV) CAND đạt được nhiều thành tựu đáng kể về nội dung và phương thức, cụ thể:

Trong giai đoạn 5 năm (2018-2022), Đảng ủy Tổng cục đã tuyển chọn và kết nạp đảng viên với quân số 172 người (trong đó đảng viên dự bị 83 người; đảng viên chính thức 89 người1; cử cán bộ đi ĐTBD nâng cao dài hạn trong và ngoài nước 65 người (trong đó cao đẳng: 7 người; đại học: 12 người; thạc sỹ: 21 người; tiến sỹ: 5 người); lớp bồi dưỡng chuyên đề cả lý luận chính trị, nghiệp vụ và các chuyên môn khác ngoài ngành Công an có 175 người và đội ngũ này sau quá trình tham gia học tập ĐTBD đều chủ động áp dụng kiến thức được học vào thực tiễn trong công tác. Theo thống kê của Vụ Công tác chính trị, ĐNĐV của Tổng cục Chính trị cơ bản đã qua ĐTBD như sau:

Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công an nhân dân có 688 người (trong đó, sơ cấp: 9; trung cấp: 61; cao đẳng: 130; đại học: 344; thạc sỹ: 50; tiến sỹ: 1 và bồi dưỡng: 93). Về trình độ chuyên môn, khoa học – kỹ thuật ngoài ngành Công an có 252 người (trong đó, sơ cấp: 5; trung cấp: 36; cao đẳng: 81; đại học: 123; thạc sỹ: 5; tiến sỹ: 2). Về trình độ ngoại ngữ có 321 người (trong đó, tiếng Việt: 113; tiếng Nga: 23; tiếng Anh: 142; tiếng Pháp: 13; tiếng Trung Quốc: 22 và ngoại ngữ khác: 8)2. Qua thống kê của Cục Tổ chức Cán bộ, Tổng cục Chính trị về việc bố trí ĐNĐV vào các chức danh khác nhau từ chuyên viên đến cấp cục trưởng có 1.899 lượt người, cụ thể: luân chuyển đảng viên là chuyên viên 697 lượt; cấp phó trưởng phòng: 657 lượt người; cấp trưởng phòng: 251 lượt người; cấp phó cục trưởng: 217 lượt người; cấp cục trưởng: 77 lượt người3.

Những kết quả đó đã làm cho lực lượng CAND chuyển biến tích cực cả về chất lượng và số lượng, bảo đảmlực lượng CAND ngày càng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, thời gian qua, công tác ĐTBD ĐNĐV của Tổng cục Chính trị CAND vẫn còn tồn tại những hạn chế sau:

Một là, việc quy hoạch ĐTBD ĐNĐV của Tổng cục Chính trị cả về số lượng còn bất cập trong việc xét duyệt biên chế, sự mất cân đối giữa các chuyên ngành ĐTBD còn xảy ra. Số đảng viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có nhiều kinh nghiệm trong công tác nhưng lại sắp đến tuổi nghỉ hưu, thời gian cống hiến không còn nhiều. Mặt khác, số đảng viên trẻ, tuy được đào tạo bài bản nhưng kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều và tỷ lệ đảng viên nữ vẫn chiếm tỷ lệ cao…

Hai là, việc tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ để kết nạp đảng viên mới và sử dụng đảng viên của Tổng cục Chính trị vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, hạn chế, khó khăn như việc nhiều đảng viên được cử đi bồi dưỡng, đào tạo nhưng lại không được phân bổ trở về vị trí đơn vị công tác cũ hoặc chưa bố trí đúng người đúng việc, đúng các vị trí phù hợp.

Ba là, số lượng ĐNĐV tuy có tăng nhưng mức tăng chưa tương xứng với nhu cầu nhiệm vụ đặt ra. Công tác quy hoạch ĐTBD ĐNĐV vẫn chưa chi tiết, chưa rõ ràng và sát thực, chưa đúng với các tiêu chí, chuẩn đảng viên cần đào tạo. Phần lớn chỉ dựa vào kế hoạch và chỉ tiêu mà cấp trên phân cho. Điều này gây khó khăn, cản trở cho công tác bố trí, sử dụng ĐNĐV và tác động trực tiếp dẫn đến hiệu quả công tác.

Bốn là, cơ cấu độ tuổi, giới tính và thành phần dân tộc của ĐNĐV trong Tổng cục Chính trị chưa cân đối, chưa bảo đảm các thế hệ cán bộ theo ba cấp độ (trẻ, trung niên và cao tuổi); mặc dù có thực hiện công tác quy hoạch thường xuyên những vẫn còn bị hụt hẫng và chưa có sự kế thừa liên tiếp giữa các thế hệ. Số lượng cán bộ trẻ chiếm tỷ lệ cao nhưng cán bộ đến tuổi nghỉ hưu cũng tăng… tất cả những điều này đang đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho công tác tuyển chọn, đào tạo, bố trí đảng viên trẻ trong Tổng cục Chính trị để thay thế, nhất là trong cơ cấu thành phần dân tộc hiện chưa hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ chính trị đặt ra trước mắt và lâu dài.

Năm là, công tác tuyển sinh, cử tuyển đảng viên mặc dù đã đạt được kết quả đáng kể nhưng số lượng thí sinh trúng tuyển vào các trường CAND trong số đối tượng là đảng viên của Tổng cục còn ít so với chỉ tiêu và nhiệm vụ công tác đặt ra, dẫn đến nguồn đảng viên được ĐTBD chính quy trong các học viện, trường CAND còn rất thiếu.

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Tổng cục Chính trị, Bộ Công an Lào

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao nhận thức của chủ thể làm công tác ĐTBD đội ngũ đảng viên.

Để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng CAND, trong đó có ĐNĐV CAND vấn đề then chốt là phải xây dựng Đảng bộ Công an trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu để ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. Do đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, nguồn lực cho ĐTBD chất lượng cao, phù hợp với từng đối tượng cán bộ; tăng cường thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác cán bộ; đặc biệt là tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 03/BCH ngày 30/09/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng công tác cán bộ và các nghị quyết khác có liên quan… và làm cơ sở để xây dựng ĐNĐV các cấp.

Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị CAND các cấp nói chung, đảng ủy, lãnh đạo và ĐNĐV các đơn vị trực thuộc Tổng cục Chính trị nói riêng cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức tự học tập, rèn luyện, tu dưỡng; mỗi đảng viên phải biết chuyển hóa nhận thức thành chương trình hành động thiết thực, cụ thể, chi tiết trong việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng; kiên quyết khắc phục tình trạng tiêu cực, lười học, học qua loa, đối phó để lấy bằng cấp, mà không vì mục đích nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý.

Thứ hai, chủ động quy hoạch, tiêu chuẩn hoá đội ngũ đảng viên và chất lượng công tác ĐTBD ĐNĐV.

Quy hoạch ĐTBD ĐNĐV chủ động tham mưu, xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch ĐTBD ĐNĐV, trong đó hướng tới ĐNĐV có trình độ, chất lượng cao, gắn với sử dụng ĐNĐV tài năng và trí thức trẻ, làm cơ sở phát triển đội ngũ trí thức trong đảng ủy các cấp, bảo đảm tập trung, đồng thời đáp ứng tốt yêu cầu chính trị và yêu cầu trẻ hóa ĐNĐV CAND.

ĐNĐV Tổng cục Chính trị CAND có tính chuyên nghiệp cao, một phần có được là do phát triển từ chính các cục chuyên môn, người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược; xây dựng cơ chế, tạo động lực khuyến khích mỗi đảng viên tự học, hình thành một xã hội học tập, học tập thường xuyên. Tăng cường chỉ tiêu, hình thức ĐTBD tạo điều kiện để ĐNĐV được nâng cao trình độ, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm qua từng chức danh, cấp bậc hàm và nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả tuyển chọn, ĐTBD đảng viên.

Ngoài thực hiện đúng Điều lệ Đảng (khóa XI) và Nghị quyết số 02/ĐUBCA ngày 16/9/2021 của Đảng ủy Công an Trung ương quy định về phát triển đảng viên trong lực lượng CAND. Để bảo đảm việc tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ của Tổng cục Chính trị CAND kết nạp vào Đảng Nhân dân Cách mạnh Lào, cần tập trung một số nội dung, đó là:

(1) Phát triển đảng viên trong Tổng cục Chính trị CAND phải căn cứ các nguồn trong biên chế CAND nói chung, như học viên tốt nghiệp các trường CAND hoặc các trường ngoài ngành trong nước và ở nước ngoài; cán bộ, công chức nhà nước chuyển từ các bộ, ban, ngành khác vào công an do yêu cầu chính trị. Trong đó, cần chú trọng số cơ bản đáp ứng các tiêu chí về thành tích rèn luyện và học tập tốt, có kinh nghiệm công tác, sức khoẻ tốt và có thể làm việc trong điều kiện, hoàn cảnh khắc nghiệt… là người trong biên chế, chính sách ưu tiên.

(2) Về tiêu chí, tiêu chuẩn nhằm thu hút được những cán bộ, chiến sĩ có đủ tiêu chuẩn, điều kiện về lý lịch gia đình, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ chính trị, kỹ năng trong xử lý công việc, phù hợp với từng đặc điểm từng đơn vị, từng nhiệm vụ; tránh trường hợp thiên về số lượng, chỉ để đáp ứng về chỉ tiêu.

Để chất lượng hóa ĐNĐV của Tổng cục được nâng cao, quá trình ĐTBD cần phải đi đúng hướng ngay từ khâu giảng dạy tại các trường, đơn vị đào tạo, cụ thể:

(1) Quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, nội dung Văn kiện Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng ủy Bộ Công an lần thứ V về tập trung xây dựng lực lượng CAND. Cụ thể hóa các quan điểm, nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới về căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị định số 95/CP ngày 26/4/2016 của Chính phủ về Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn 2030; Quyết định số 2150/BCA ngày 23/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an Lào quy định về tiêu chuẩn – điều kiện cán bộ, chiến sĩ đi bồi dưỡng – đào tạo trong nước và ở nước ngoài… Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có tính chất chỉ đạo, hướng dẫn công tác giáo dục, đào tạo ngành Công an nói riêng.

(2) Hoàn thiện mục tiêu, nội dung, chương trình, đổi mới phương pháp ĐTBD phải bảo đảm hài hòa tri thức khoa học chuyên môn, kiến thức năng lực lãnh đạo, chỉ huy, năng lực quản lý, thực tiễn công tác và kỹ năng cần thiết để giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra; chú trọng ĐTBD kỹ năng xử lý những tình huống trong môi trường khó khăn, phức tạp và nhạy cảm nhằm nâng cao chất lượng, nền nếp, kỷ cương.

(3) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý, các cơ sở ĐTBD CAND trong cả nước phải chủ động, tích cực tổ chức nghiên cứu, biên soạn các chương trình, tài liệu, tư liệu phục vụ ĐTBD phù hợp với từng cấp độ, từng đối tượng, gắn với chức danh và vị trí, nhiệm vụ, việc làm của người học, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện giữa lý luận và thực tiễn, hài hòa đồng bộ giữa lý thuyết và thực hành. Đặc biệt chú trọng ĐTBD những đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục trẻ có tiềm năng; mạnh dạn giao việc, cử cán bộ tham gia các nhiệm vụ liên quan trong hợp tác đào tạo quốc tế, tạo cơ hội để đội ngũ cán bộ được chủ động làm việc trong môi trường quốc tế.

(4) Tăng cường phối hợp mở lớp ĐTBD cho ĐNĐV các cấp trong và ngoài phạm vi lực lượng CAND. Cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường hơn nữa các đơn vị chức năng liên quan cả trong và ngoài ngành CAND làm công tác ĐTBD để rà soát, xác định lại nhu cầu của từng đối tượng đảng viên, từng hệ lực lượng theo các loại hình, nội dung cần ĐTBD.

(5) Phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức đối với lãnh đạo công an các cấp khuyến khích việc tự ĐTBD chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ của mình phục vụ cho yêu cầu công tác ở địa phương. Nội dung này, Bộ Công an đã có Kế hoạch số 388/BCA ngày 21/07/2020 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 208/CP ngày 23/3/2020 của Chính phủ về “Học tập suốt đời” trong lực lượng CAND, xác định rõ phải thường xuyên quán triệt để mọi đảng viên luôn nâng cao ý thức tự giác về việc học tập và khuyến khích tự học tập, tự nghiên cứu.

(6) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm nghiệm chất lượng các chương trình ĐTBD, chất lượng đào tạo và tổ chức quản lí học viên, quản lý giáo dục, đào tạo trong CAND.

(7) Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện bảo đảm cho việc giảng dạy và học tập của hệ thống các cơ sở giáo dục ĐTBD CAND, trong đó chú trọng đưa các thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến vào phục vụ tổ chức giảng dạy cũng như thực hành, thực tập để học viên có điều kiện làm quen với công nghệ, thiết bị mới trong thực tế.

Thứ tư, bảo đảm hiệu quả sử dụng, đánh giá và phân loại đội ngũ đảng viên sau ĐTBD và đánh giá chất lượng công tác ĐTBD.

Trong đó, quan tâm xây dựng quy chế sử dụng ĐNĐV sau đào tạo một cách minh bạch, công bằng, hợp lý và dân chủ theo hướng khuyến khích người tài đức, có tài, phù hợp với chuyên ngành ĐTBD, yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện chính sách phát hiện, quy hoạch, bố trí, sử dụng ĐNĐV là trí thức trẻ, hăng hái, năng động, có tư duy đổi mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Quan tâm chăm lo ĐTBD ĐNĐV trên cơ chế bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực nổi trội; đẩy mạnh việc thu hút, tạo nguồn đảng viên từ khi còn là học sinh, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc trong nước và ở nước ngoài, cán bộ khoa học trẻ có kinh nghiệm, thành thạo tin học, ngoại ngữ chuyên ngành và hiểu biết sâu rộng có khả năng làm việc trong mọi hoàn cảnh, môi trường. Đồng thời, cần chú trọng đến bảo đảm hiệu quả đánh giá và phân loại ĐNĐV theo quy định về tiêu chí đã đề ra.

Thứ năm, chủ động rà soát, bổ sung và bảo đảm thực hiện tốt cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ và khen thưởng đối với ĐNĐV.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự quan tâm của đảng ủy các cấp, người đứng đầu cơ quan đơn vị đối với công tác chính sách đãi ngộ; thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, chính sách, đi đôi với tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm, hiện tượng tiêu cực; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tiêu cực trong thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ, góp phần ổn dịnh và nâng cao đời sống cán bộ, chiến sĩ. Cần tiếp tục kiện toàn và xây dựng bộ máy, cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách trong CAND theo hướng tinh gọn, chặt chẽ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, tham mưu, đề xuất nghiên cứu, rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chế độ, chính sách phù hợp với đặc điểm, điều kiên công tác, chiến đấu của lực lượng CAND.

Thứ sáu, chủ động tham mưu, phối hợp với các đơn vị liên quan trong quản lý ĐNĐV trong quá trình ĐTBD.

Theo ngành dọc, Phòng Công tác đảng và công tác quần chúng ngoài phối hợp với các đơn vị trong Cục Công tác chính trị, cần phải chủ động tham mưu, phối hợp với các đơn vị khác thuộc Tổng cục Chính trị như:

Lĩnh vực công tác chuyên môn, nghiệp vụ: phải chủ động tham mưu, phối hợp với Cục Xây dựng Đảng về công tác chuyên môn, nghiệp vụ để giải quyết tốt các vấn để nảy sinh phức tạp, nhạy cảm và nghiêm trọng liên quan đến ĐNĐV xảy ra trên các lĩnh vực, phạm vi TCCT.

Lĩnh vực công tác quản lý vĩ mô đội ngũ đảng viên: chủ động tham mưu, phối hợp với các đơn vị: (1) Cục Tổ chức Cán bộ về quản lý quân số, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, thăng cấp bậc hàm, luân chuyển, kỷ luật …; Cục Xây dựng lực lượng (Cục Đào tạo) về quy hoạch và thực hiện chính sách chiêu sinh, tuyển sỉnh, ĐTBD, cử tuyển, thi tuyển đảng viên, cán bộ, chiến sĩ đi học trong nước và nước ngoài…; Cục Chính sách về thực hiện chế độ, chính sách, khen thưởng, đãi ngộ…; Cục Bảo vệ lực lượng về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đều lệnh CAND; Cục Bảo hiểm xã hội về chính sách nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. (2)Các cơ sở ĐTBD trong CAND để tham mưu, đề xuất, xây dựng, hoàn thiện các chương trình, kế hoạch ĐTBD ĐNĐV theo chức danh; để chiêu sinh, tổ chức lớp học, quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá trước, trong và sau quá trình ĐTBD bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, tiến độ và hiệu quả cao. (3) Làm tốt mối quan hệ quản lý giữa các khâu trung gian nhất là các đơn vị trực tiếp quản lý đảng viên đang công tác, đơn vị cử đi học và đơn vị tiếp nhận ĐTBD trong việc kiểm tra giám sát quá trình ĐTBD và các hoạt động liên quan của đảng viên trong quá trình được cử đi ĐTBD đảm bảo hiệu quả.

Thứ bảy, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ ĐNĐV và đầu tư, nâng cao hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị khoa học kỹ thuật, công nghệ phục vụ quản lý và công tác ĐTBD.

(1) Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và các đơn vị các cấp; quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện các văn bản của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới căn cứ vào chương trình kiểm tra, giám sát của cấp trên và nghị quyết hằng năm, điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị đề ra chương trình kiểm tra, giám sát bảo đảm yêu cầu đặt ra.

(2) Cán bộ kiểm tra phải có phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu cao, có kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học, dân chủ, thận trọng, chặt chẽ; nắm vững và thực hiện đúng các nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình, thủ tục, cơ chế, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước về kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, hình thức, phương pháp ĐTBD cán bộ kiểm tra theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật cán bộ, chiến sĩ đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện.

(3) Ủy ban kiểm tra, giám sát các cấp tập trung kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, cơ quan đơn vị, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ có dấu hiệu tiêu cực trong công tác, trong các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận xã hội; qua kiểm tra, giám sát phát hiện thấy có sai phạm thì phải xử lý nghiêm theo quy định, chủ động giải quyết kịp thời đi đôi với cải cách chính sách, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển, tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, rèn luyện, toàn tâm, toàn ý với công việc.

(4) Thường xuyên nắm vững toàn diện những thông tin liên quan đến đảng viên, cán bộ, chiến sĩ nhất là về nguồn gốc, lý lịch hoạt động, trình độ kiến thức, năng lực, tư tưởng, đạo đức, ý thức trách nhiệm, phương pháp lãnh đạo, lề lối làm việc và mối quan hệ xã hội; quan tâm công tác bảo vệ lực lượng CAND đảm bảo tuyệt đối an toàn, phải làm chủ bản thân, tuyệt đối không để người xấu can thiệp vào nội bộ và lợi dụng ĐNĐV.

(5) Cần đầu tư, nâng cao hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị khoa học – kỹ thuật, công nghệ phục vụ công tác ĐTBD ĐNĐV, như xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đảng viên liên thông với các mảng quản lý vĩ mô và vi mô trong phạm vi, lĩnh vực toàn ngành CAND từ cấp bộ đến cấp cơ sở (cụm bản) bảo đảm an ninh, an toàn, đầy đủ và toàn diện. Trong đó, phải liên thông chặt chẽ với các mảng cơ sở dữ liệu của các đơn vị: Cục Xây dựng Đảng, Cục Tổ chức cán bộ, Cục Xây dựng lực lượng (Cục Đào tạo), Cục Chính sách, Cục Bảo hiểm xã hội, các cơ sở ĐTBD trong CAND. Xây dựng quy hoạch và quản lý chặt chẽ hồ sơ lý lịch đảng viên các cấp gắn với lý lịch cán bộ, chiến sĩ và quá trình hoạt động, công tác của đảng viên. Để thống nhất quản lý trong phạm vi ngành, bảo đảm việc khai thác, sử dụng một cơ sở dữ liệu về đảng viên CAND tập trung, thống nhất, không chồng chéo, phức tạp.

Chú thích:
1. Vụ Công tác chính trị, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân Lào. Tổng kết các năm 2018, 2019, 2020, 2021 và 2022.
2. Cục Xây dựng lực lượng, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân Lào. Tổng kết 5 năm (2016 – 2021).
3. Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân Lào. Tổng kết 5 năm (2018 – 2022).
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 01/BCT ngày 03/01/2018 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Dân chủ Nhân dân Cách mạng Lào về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.
2. Hướng dẫn số 2606/TCCT, ngày 16/8/2019 của Tổng cục Chính trị, Bộ Công an Lào về đánh giá, phân loại đảng viên Công an nhân dân.
3. Kế hoạch số 388/BCA ngày 21/7/2020 của Bộ Công an Lào về việc triển khai thực hiện Nghị định số 208/CP ngày 23/3/2020 của Chính phủ về “Học tập suốt đời” trong lực lượng Công an nhân dân.
4. Nghị quyết số 031/BCT ngày 03/01/2018 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Dân chủ Nhân dân Cách mạng Lào về công tác quản lý cán bộ.
5. Nghị quyết số 073/BCT ngày 14/5/2019 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Dân chủ Nhân dân Cách mạng Lào về quy hoạch đào tạo – bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý.
6. Quốc hội nước CHDCND Lào. Luật Công an nhân dân (sửa đổi, bổ sung). NXB Bộ Văn hóa Lào, 2017.
7. Quyết định số 2150/BCA ngày 23/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an Lào quy định về tiêu chuẩn – điều kiện cán bộ, chiến sĩ đi bồi dưỡng, đào tạo trong nước và ở nước ngoài (sửa đổi).
Thongsavanh Senouthay
Học viên K2 – Học viện Chính trị Công an nhân dân