Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục giá trị truyền thống dân tộc cho thanh niên

(Quanlynhanuoc.vn) – Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục những giá trị truyền thống dân tộc Việt Nam cho thanh niên hiện nay, đó là: yêu nước, bất khuất, anh hùng trong dựng nước và giữ nước; hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng dụng hiền tài; uống nước nhớ nguồn, đoàn kết, nhân hậu, thủy chung, bao dung, cần cù, lao động sáng tạo; hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình. Thanh niên cần phải hiểu rõ về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong tư tưởng của Người, từ đó, giữ gìn, phát huy các giá trị. Bài viết phân tích và làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục những giá trị truyền thống dân tộc Việt Nam cho thanh niên.
Ảnh: tuyengiao.vn.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về các giá trị truyền thống của dân tộc

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn, dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức và trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”1. Đặc biệt, đối với thanh niên, những chủ nhân tương lai của đất nước, hơn bao giờ hết, cần hiểu rõ, giữ gìn, phát huy các giá trị đó càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với sự trường tồn và phát triển của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến các giá trị truyền thống (GTTT) và sự cần thiết phải hiểu rõ cội nguồn, giữ gìn, phát huy các giá trị đã được lưu truyền và đúc kết. Người viết: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”2; “Lịch sử dân tộc ta đã có nhiều thời kỳ rất vẻ vang”3; “Cứ mỗi lần có những thử thách lớn thì nhân dân ta lại tỏ rõ khí phách, nêu cao phẩm chất tốt đẹp của mình”4. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam, Người đã chỉ rõ: “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hoá đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới”5.

Thứ nhất, yêu nước, bất khuất, anh hùng trong dựng nước và giữ nước. Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, Nhân dân ta đã hun đúc, bồi đắp nên truyền thống yêu nước. Đó là GTTT nổi bật nhất trong nền văn hóa Việt Nam, là chuẩn mực đạo đức cao nhất trong thang bậc giá trị đạo đức của con người Việt Nam. Người có tinh thần yêu nước đặt lợi ích của Tổ quốc, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân; luôn chăm lo xây dựng và bảo vệ đất nước; có ý thức giữ gìn và phát triển bản sắc dân tộc; luôn tự hào về dân tộc. Yêu nước là tình cảm, ý chí mãnh liệt của con người Việt Nam đối với Tổ quốc.

Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn. Lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam đã ghi những trang oanh liệt của nhân dân đấu tranh để xây dựng nước nhà và bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc mình”6; “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”7, “Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang, là dũng cảm kháng chiến”8; “truyền thống Diên Hồng vĩ đại, các cụ phụ lão cũng không vì tuổi cao tóc bạc mà hưởng thú thanh nhàn”9… “Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung”10.

Thứ hai, hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng dụng hiền tài. Quá trình xây dựng và phát triển đất nước, từ khi dựng nước ông cha ta luôn coi trọng vai trò của tri thức, từ đó hình thành nên truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng dụng hiền tài. Sự tôn vinh và trân trọng ấy được thể hiện thông qua những kỳ thi như: thi Hương, thi Hội, thi Đình để tìm kiếm, lựa chọn nhân tài nhằm quản lý xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong xã hội, người thầy luôn được tôn kính và trân trọng, đề cao và suy tôn “mồng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Vì vậy, vị thế của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ. Người có học mà thi đậu thì được đón rước long trọng về làng, không những bản thân được vinh dự, mà còn đem vinh dự về cho ông bà, cha mẹ và cả cho họ hàng, làng, nước. Về truyền thống này, Hồ Chí Minh viết: “Có con học giỏi là một vinh hạnh cho cha mẹ. Cho nên, dù có nghèo đói đến đâu, cha mẹ cũng cố tìm cách cho con cái được học hành. “Nửa bụng chữ bằng một hũ vàng” là một câu tục ngữ biểu hiện nhiệt tình ham muốn có học thức của dân tộc An Nam”11; “Người An Nam rất hiếu học. Trong các tầng lớp xã hội, người sĩ phu chiếm địa vị hàng đầu”12.

Thứ ba, uống nước nhớ nguồn, đoàn kết, nhân hậu, thủy chung, bao dung, cần cù, lao động sáng tạo. Các thành viên “trong gia đình trên kính dưới nhường, thờ phụng tổ tiên”13; “Thờ phụng những người đã quá cố” đã trở thành “một việc rất thiêng liêng và thiết tha của người An Nam”14, thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ mình. Trong hàng nghìnnăm lịch sử, cha ông ta đã có tinh thần cố kết cộng đồng để đấu tranh dựng nước và giữ nước,  đó là các anh hùng dân tộc: “Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám”15. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tinh thần đoàn kết là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh của dân tộc, quyết định đến sự tồn vong của đất nước. Người chỉ rõ: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”16.

Tiếp thu, giáo dục và phát huy truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây”, Người căn dặn: “Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”17. Trong lao động sản xuất, “Nhân dân ta sẵn có truyền thống tốt đẹp là lao động cần cù, sinh hoạt giản dị”18. Dù vất vả, khó khăn đến đâu nhưng Nhân dân ta vẫn luôn động viên, tương trợ, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau về cả vật chất và tinh thần để vượt qua hoạn nạn với phương châm “lá lành đùm lá rách”. Trong sinh hoạt, ứng xử cộng đồng, gia đình, nhân dân ta luôn thể hiện tính  nhân văn, kính trọng người già, thương yêu con trẻ, thờ cúng tổ tiên. Bởi: “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa như thế”19.

Thứ tư, hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, với truyền thống này có từ ngàn xưa đến nay “… yêu chuộng hòa bình”20 và trong cách ứng xử, Nhân dân ta luôn  sống hòa hiếu với láng giềng, với bạn bè. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Nhân dân Việt Nam yêu hòa bình nhưng quyết không bao giờ lùi bước trước bất kỳ một sự đe dọa nào của bọn đế quốc”21. Trong lịch sử, dân tộc Việt Nam đã phải nhiều lần chống lại sự xâm lược, thống trị và nô dịch của ngoại bang, các nước lớn. Mỗi lần chiến thắng, dân tộc Việt Nam đều nêu cao chủ nghĩa nhân đạo, giữ quan hệ hòa hiếu, thân thiện với những quốc gia đã từng xâm lược thống trị mình. Những GTTT đó được Hồ Chí Minh ca ngợi: “Chúng ta là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, công lý, nhân đạo”22, “Chúng ta phải tỏ cho họ biết rằng dân ta yêu tự do, độc lập, trọng hòa bình, tín nghĩa”23.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục giá trị truyền thống của dân tộc cho thanh niên

Là lãnh tụ thiên tài, có tầm nhìn xa trông rộng, Hồ Chí Minh thấu hiểu vai trò vô cùng to lớn của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hết sức quan tâm giáo dục, dìu dắt thanh niên, dành cho họ một sự quan tâm đặc biệt. Trong đó, giáo dục các GTTT của dân tộc là điều mà Người rất coi trọng. Ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lập ra tổ chức Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng để giáo dục, rèn luyện họ. Trước lúc đi xa, trong “Di chúc” thiêng liêng, Người ân cần căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, gian khổ có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm quan trọng và rất cần thiết. Theo Người, nội dung giáo dục thanh niên phải toàn diện, cụ thể ở một số nội dung chính như sau:

Một , giáo dục chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước là sản phẩm tinh thần cao quý nhất, giữ vị trí đứng đầu trong bậc thang giá trị văn hóa tinh thần, là chuẩn mực đạo lý của dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước là động lực nội sinh to lớn của dân tộc, tạo thành sức mạnh vô địch trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Vì vậy, trong số những vấn đề cần giáo dục cho thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu là vấn đề giáo dục chủ nghĩa yêu nước: “Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn”. Với tinh thần yêu nước được xác định là vốn quý, sức mạnh tuyệt vời đã bao lần giúp dân tộc ta đứng vững trước những thử thách nghiệt ngã của lịch sử.

Ngày nay, trong thời đại Hồ Chí Minh, hơn bao giờ hết, tinh thần ấy cần được khơi dậy mạnh mẽ hơn, cần được đề cao và phải tiếp tục tỏa sáng, dâng trào để đưa dân tộc ta bước qua đói nghèo, tụt hậu. Việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Bởi vì, nó góp phần quan trọng vào quá trình thức tỉnh một bộ phận thanh, thiếu niên đang sống thiếu lý tưởng, thiếu niềm tin, thiếu lòng tự hào và tự tôn dân tộc; đồng thời, sẽ tiếp thêm nguồn sức mạnh cho hàng triệu thanh niên đang ngày đêm thầm lặng cống hiến, học tập, lao động, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh trên mọi lĩnh vực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Để làm tốt vai trò là người làm chủ nước nhà trong tương lai, thanh niên phải có tình yêu nước nồng nàn, ý thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, với đồng bào. Nhiệm vụ của thanh niên không chỉ là học tập, rèn luyện mà còn phải biết cống hiến và hy sinh. Trong bài nói chuyện ngày 19/01/1955 tại buổi lễ khai mạc “Đại học nhân dân Việt Nam”, Hồ Chí Minh ân cần chỉ bảo: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà! Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?…”. Lời nói của Người tuy giản dị mà sâu sắc biết bao.

Hồ Chí Minh rất chú trọng tới vai trò giáo dục của nhà trường, của ngành Giáo dục và Đào tạo. Bởi vì, nhà trường là môi trường thuận lợi nhất để giáo dục thanh niên trên mọi phương diện. Nhà trường là môi trường để thanh niên trau dồi đạo đức, ý chí, luyện rèn những phẩm chất cần thiết cho một tương lai tươi sáng. Nhà trường là nơi tuổi trẻ tiếp thu những kiến thức, tích lũy những kinh nghiệm để chuẩn bị bước vào đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của nhà trường: “Cốt nhất là phải dạy học trò biết yêu nước, thương nòi, phải dạy cho họ ý chí tự lập tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”. Bên cạnh trường học, vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh rất quan trọng. Trong suốt hành trình cách mạng Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã đóng góp những đoàn viên thanh niên ưu tú, thông qua tổ chức Đoàn giáo dục, rèn luyện, giác ngộ hình thành nên những phẩm chất nhân cách tốt, sống có lý tưởng, hoài bão, góp phần cùng dân tộc lập nên những chiến công chói lọi. Đoàn vừa là tổ chức, vừa là môi trường cho thanh niên yêu nước rèn luyện và cống hiến.

Trong suốt cuộc đời của mình, Hồ Chí Minh đã dành cho tổ chức Đoàn những tình cảm đặc biệt quý mến. Người từng nhắc nhở: “Có số thanh niên tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay là trên trời rơi xuống, không biết sự gian nan cực khổ cũ. Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục thanh niên”24. Đối với những tấm gương anh hùng cách mạng, với những chiến công của các anh hùng đã lập nên trong công cuộc cứu nước và giữ nước, Hồ Chí Minh cũngnhắc nhở phải biết “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; vì đó là đạo lý, là lẽ sống quý báu của dân tộc đã được lưu giữ, gìn giữ từ ngàn đời nay.

Hai , giáo dục truyền thống đoàn kết, tinh thần nhân nghĩa, tương thân, tương ái. Trong các GTTT tốt đẹp của dân tộc, truyền thống đoàn kết, tinh thần nhân nghĩa, tương thân, tương ái là những nét đẹp đặc sắc của con người Việt Nam. Lòng nhân ái, bao dung của Nhân dân đã gắn chặt với vận mệnh, với sự tồn vong của dân tộc, với sự hùng cường của đất nước. Truyền thống của người dân Việt Nam còn là ý chí kiên cường, bất khuất, dám xả thân, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc; thoát khỏi đói nghèo, xây dựng đất nước cường thịnh.

Người Việt Nam gắn bó với nhau trong tình làng, nghĩa xóm và phát huy được sức mạnh của dân tộc: đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh. Cho nên, người Việt Nam từ lâu sống với nhau có tình có nghĩa. Tình nghĩa ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng lên thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà. Khi nghiên cứu, tiếp thu lý luận Mác – Lênin phải dựa trên nền tảng các GTTT của dân tộc. Người nhấn mạnh: hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu kinh sách mà sống không có tình nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin được… Tư tưởng đại nhân, đại nghĩa ở Hồ Chí Minh là phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của con người, là cứu nước, độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, tạo mọi điều kiện cho con người phát triển. Trong văn hóa đạo đức Việt Nam, chữ “Nghĩa” có ý là lẽ phải, ngay thẳng. Hồ Chí Minh nói: ai làm điều gì có lợi cho Nhân dân, cho Tổ quốc đều là bạn; ai làm điều gì có hại cho Nhân dân và Tổ quốc đều là kẻ thù.

Ba , khắc phục thói quen lạc hậu, hủ tục, khi đề cập tới phương châm giáo dục, Hồ Chí Minh xác định: “Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài”25. Theo Người, biện pháp giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên vừa là khoa học,vừa là nghệ thuật. Do vậy, trong giáo dục các GTTT cho thanh niên phải tuân thủ từ dễ đến khó và khéo léo kết hợp đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền giáo dục. Một trong những biện pháp quan trọng, có ý nghĩa thời sự đối với công tác giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên hiện nay là sự nêu gương của các thế hệ đi trước và của các nhà giáo dục. Muốn vậy, phải ra sức xây dựng đội ngũ thầy, cô giáo tốt, trường lớp tốt, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, mô phạm để thanh niên nhìn vào đó học tập và làm theo.

Nội dung, chương trình giáo dục cho thanh niên phải quán triệt quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển. Sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu cho rằng: sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, chỉ cần trang bị kiến thức chuyên môn, thao tác kỹ thuật nghiệp vụ mà không cần trang bị các kiến thức toàn diện. Do đó, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức chuyên ngành, phải trang bị các tri thức khác cho thanh niên; trong đó, phải quan tâm tới giáo dục các GTTT dân tộc. Người nói: “Bác không phản đối việc giáo dục cho thanh niên ta những hiểu biết về thế giới, về lịch sử các nước, về những cái hay của loài người. Nhưng ta phải phân biệt cái gì nên làm trước, cái gì làm sau cho thiết thực và có ích”26.

Trong quá trình giáo dục cần kết hợp giữa kế thừa và phát triển các truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ các hủ tục, lạc hậu: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”. Theo Người, phải “Học tập cách giáo dục của ông cha ta”27. Đối với những người làm công tác giáo dục GTTT, Người nêu quan điểm: “Nhân dân ta có truyền thống kể chuyện mà lại có duyên. Các chú phải học cách kể chuyện của nhân dân, nên kèm theo nhiều tranh vẽ dễ hiểu mà đẹp, nhưng đừng vì vẽ nhiều mà tính giá đắt quá”28. Cụ thể, trong khi viết và nói, chú ý sử dụng các khái niệm giản dị, thiết thực, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ nhưng văn phong phải trong sáng, ý tưởng phong phú và phù hợp với điều kiện cụ thể của người đọc, người nghe. Phong cách đó làm cho mọi tầng lớp, mọi người ở trình độ khác nhau đều hiểu. Do đó, Người chỉ rõ: “Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được”29.

Bốn , tăng cường giáo dục toàn diện mọi mặt. Người cho rằng, “Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo dục thế hệ trẻ về đức dục, trí dục và thể dục”; “thanh niên phải chuẩn bị làm người chủ nước nhà. Muốn thế phải ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa, trước hết phải rèn luyện và thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa, gột rửa cá nhân chủ nghĩa…”.

Theo tư tưởng của Người, để hoàn thành tốt vai trò người chủ nước nhà, thanh niên phải được giáo dục, đào tạo một cách chu đáo, phải được chuẩn bị đầy đủ các hành trang cần thiết nhất. Trước hết, họ phải được rèn luyện để trở thành những con người gương mẫu về đạo đức, có đầy đủ các phẩm chất, trình độ, năng lực, ý thức tổ chức, kỷ luật. Đồng thời, có sức khỏe cường tráng, mạnh mẽ. Có được những yêu cầu trên thì mới có thể vượt qua những khó khăn, thử thách, mới làm tròn được những nhiệm vụ vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề mà Đảng, Nhà nước, dân tộc và nhân dân giao phó. Đặc biệt, họ phải là những người có trí tuệ cao, thông minh, sáng tạo, có ý chí khám phá, tìm tòi “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, biết đi tắt đón đầu, vận dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốcViệt Nam.

Phấn đấu trở thành những con người phát triển hài hòa và toàn diện, con đường duy nhất của thanh niên là không ngừng ra sức phấn đấu, rèn luyện, học tập trên tất cả các lĩnh vực, phải ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa, phải thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Điều đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa và cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại. Thanh niên Việt Nam phải biết vươn lên làm chủ những công nghệ tiên tiến nhất để xóa bỏ nghèo đói, tụt hậu và rút ngắn khoảng cách với những quốc gia phát triển trên thế giới.

Định hướng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục giá trị truyền thống của dân tộc cho thanh niên

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu, rộng hiện nay, đất nước đang đứng trước những thời cơ và những thách thức lớn; hơn bao giờ hết, vai trò và trách nhiệm của thanh niên hiện nay rất vinh dự và nặng nề đối với tương lai của đất nước, vận mệnh của dân tộc. Đất nước ta có thể sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không; có thể đi tắt, đón đầu thời đại được hay không; có thể vượt ra khỏi đói nghèo, tụt hậu hay quốc gia giàu có, vững mạnh, phát triển trên mọi lĩnh vực được hay không?… Tất cả đang trông chờ vào ý chí, nghị lực và bản lĩnh của thanh niên; tất cả đang được quyết định bởi những việc làm, những hành động cụ thể của thanh niên hôm nay. Những điều đó phụ thuộc rất nhiều vào kết quả giáo dục những GTTT quý báu của dân tộc cho thanh niên Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Do vậy, cần làm tốt những định hướng cơ bản sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể trong công tác giáo dục truyền thống cho thanh niên hiện nay. Các cấp, các ngành, nhất là tổ chức đảng cần làm tốt công tác giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức trách nhiệm cho thanh niên đối với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho thanh niên nhận thức sâu sắc sự cần thiết phải học tập, rèn luyện theo những giá trị, chuẩn mực ấy cũng như nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện gắn với từng đối tượng, từng cương vị cụ thể. Việc làm này cần được tiến hành thường xuyên, bằng nhiều hình thức, phương pháp, phương tiện phù hợp, nhất là tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng hiệu quả các phương tiện tuyên truyền hiện có, đồng thời có kế hoạch bổ sung, nâng cấp các phương tiện hoạt động ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp đối với công tác giáo dục truyền thống cho thanh niên. Lãnh đạo, người đứng đầu các cấp cần quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục truyền thống cho thanh niên, tổ chức thực hiện đảm bảo sát với tình hình, phù hợp với từng đối tượng; bảo đảm mọi truyền thống của dân tộc, của Đảng, của địa phương được tuyên truyền, giáo dục đến mỗi thanh niên. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác giáo dục truyền thống, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót để xác định biện pháp khắc phục. Hình thành ở mỗi thanh niên nhu cầu tự học tập góp phần phát triển phẩm chất nhân cách và năng lực hoạt động thực tiễn, phát huy những GTTT tốt đẹp.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục truyền thống hiện nay. Tích cực rà soát, điều chỉnh, xây dựng chương trình, nội dung phù hợp với từng đối tượng; lựa chọn nội dung giáo dục truyền thống có trọng tâm, trọng điểm, không chung chung, dàn trải; tích cực bám sát các sự kiện trọng đại của đất nước và hướng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hình thức giáo dục truyền thống cần đa dạng, phong phú hơn, gắn với các hoạt động nhân kỷ niệm những cột mốc lịch sử trọng đại của đất nước như: Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7); Quốc khánh (2/9); Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4); Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2);… Phát huy những GTTT tốt đẹp thành nhận thức, niềm tin của thanh niên, kết hợp nhiều phương pháp giáo dục để giải quyết các nội dung tuyên truyền, giáo dục.

Thứ , phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, các phương tiện trong giáo dục truyền thống cho thanh niên. Trên cơ sở nắm chắc các chỉ thị, hướng dẫn các cấp về công tác giáo dục truyền thống; cấp ủy đảng các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn làm tốt công tác giáo dục, quán triệt, rèn luyện, trau dồi cho thanh niên những phẩm chất tốt đẹp, không ngừng phát triển qua thực tiễn. Đồng thời, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và các cuộc vận động lớn của thanh niên, với phong trào Thi đua yêu nước và các cuộc vận động, các phong trào khác, tạo điều kiện để thanh niên được thử thách, rèn luyện và hoàn thiện nhân cách.

Năm là, phát huy tính tích cực, chủ động tự rèn luyện của thanh niên để củng cố bản lĩnh, phát huy kết quả giáo dục truyền thống. Cần có cơ chế, tạo điều kiện để thanh niên tự giáo dục với mục đích, ý thức tự giác cao, hướng vào phát triển và hoàn thiện những phẩm chất, nhân cách, đạo đức cách mạng; đồng thời đấu tranh loại trừ những tính cách, những thói hư, tật xấu… có ảnh hưởng đến chuẩn mực xã hội, lý tưởng cao đẹp, không phù hợp với lý tưởng của người thanh niên, nâng cao trình độ nhận thức chính trị, củng cố và phát triển tình cảm cách mạng, rèn luyện ý chí quyết tâm cống hiến sức lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng trong thời kỳ mới. Tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 136.

2, 16. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 259, 256.
3, 9, 21, 29. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 621, 635, 520, 169.
4, 19, 26, 27, 28. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 15. H.NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 661-662, 668, 671, 673, 667.
5,7,8,10. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H.NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 40, 38, 339, 37.

6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H.NXB Chính trị quốc gia, 2011, tập 12, tr. 29.
11,12,13. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 1. H.NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 423, 423, 450.
14. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 2. H.NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr.397.
15. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H.NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 44.
17. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 172.
18. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tập 10, tr. 545.
20. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tập 9, tr. 158.
22,23. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 158, 236.
24,25. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 605, 605.
ThS. Nguyễn Kiều Bình – Trần Thị Lăng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng