Góp ý dự thảo 3 nghị định của Chính phủ để phục vụ cho sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 24/3, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý kiến vào 3 dự thảo: Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; Nghị định quy định tinh giản biên chế; Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nội vụ chủ trì hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Hội thảo.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, 3 nghị định liên quan đến việc tạo điều kiện cho sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tới đây. Bộ trưởng cho rằng, nếu triển khai các nội dung của nghị định không đồng bộ thì việc tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách, quy định cụ thể cho việc thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị cũng như Kết luận 48 của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và sắp xếp các tổ chức hành chính, các đơn vị sự nghiệp gặp khó khăn và nhiều vướng mắc. Bộ trưởng lưu ý, việc xây dựng 3 nghị định vừa là quán triệt, vừa là thể chế hóa các nghị quyết của Đảng cũng như các bộ luật có liên quan để làm sao các nội dung thảo luận rõ, đạt và thuận lợi khi triển khai thực hiện thực sự khả thi, thiết thực, thúc đẩy cho phát triển chung của đất nước, địa phương, đơn vị và ngành Nội vụ.

Đồng chí Lê Quang Dũng, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng bộ tóm tắt về 3 dự thảo nghị định.

Trước đó, đồng chí Lê Quang Dũng, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng đã tóm tắt về 3 dự thảo nghị định. Theo đó, các ý kiến của các đại biểu về 3 nội dung dự thảo được nêu như sau:

Dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Theo các đại biểu, trong công tác cán bộ, Đảng luôn đề cao cán bộ dám đột phá vì lợi ích chung, đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Tuy nhiên, thực tiễn lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của không ít cán bộ còn nhiều khó khăn, trở ngại, vướng mắc do một số quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa hoàn thiện. Nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót. Điều này khiến cho cán bộ chưa phát huy được hết năng lực, thậm chí còn e ngại bị xem xét trách nhiệm hình sự hoặc xử lý kỷ luật khi có khuyết điểm, vi phạm. Do đó, bên cạnh cơ chế khuyến khích thì cần có cơ chế để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, đây là Nghị định khó nhất và nêu rõ: “Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá về lợi ích chung, là rất khó, nhưng đòi hỏi một tinh thần rất cấp bách. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang tích cực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khiến một bộ phận cán bộ còn chần chừ, giữ an toàn và sợ sai. Bởi vậy, rất cần có những cơ chế, chính sách để có thể dám nghĩ, dám làm, dám đột phá về lợi ích chung. Những việc có lợi cho dân thì chúng ta quyết tâm, còn có hại cho dân thì kiên quyết tránh”.

Theo yêu cầu của Chính phủ, Dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung sẽ phải hoàn thành trong tháng 4/2023.

Đồng chí Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo.

Về Dự thảo Nghị định quy định về tinh giản biên chế.

Tờ trình dự thảo Nghị định Quy định về tinh giản biên chế thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, cho biết: Kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015 – 2021 tuy đạt về chỉ tiêu số lượng, nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Việc tinh giản biên chế trong thời gian qua chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc, thậm chí giảm những người có đủ năng lực tham gia khu vực tư, mà chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc. Bên cạnh đó, có những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện muốn nghỉ hưu, thôi việc nhưng lại không thuộc đối tượng tinh giản biên chế, nên họ lựa chọn làm việc với hiệu quả thấp để “được” đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ nhằm thực hiện tinh giản biên chế. Trong khi đó, chính sách tinh giản biên chế được quy định tại 3 nghị định của Chính phủ, nhưng thông tư hướng dẫn đã hết hiệu lực mà chưa được thay thế cho nên khó khăn trong việc trích dẫn và triển khai thực hiện

Đồng chí Nguyễn Lâm Thị Tú Anh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng góp ý tại Hội thảo.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh, công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, thời gian qua vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến. Do việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng thực chất, cho nên việc triển khai áp dụng chính sách tinh giản biên chế ở nhiều nơi chưa đúng mục tiêu đưa ra khỏi đội ngũ những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đáp ứng được yêu cầu công việc nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của đội ngũ.

Vì vậy, việc ban hành Nghị định mới thay thế trên cơ sở kế thừa các chính sách hiện hành là cần thiết và cấp thiết, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương của Đảng, của pháp luật hiện hành.

Các ý kiến nhất trí việc bổ sung trường hợp trong thời gian bị kỷ luật, cán bộ chưa đến mức bị bãi nhiệm, công chức, viên chức chưa đến mức bị buộc thôi việc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, thì sẽ được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý, nhằm thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Thông báo số 20-KL/TW.

Đối với trường hợp cán bộ chưa đạt trình độ đào tạo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, thì trong nhiệm kỳ bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo nếu không đạt chuẩn trình độ đào tạo ở vị trí hiện đảm nhiệm, cá nhân có nhu cầu tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đồng ý; đồng thời, cơ quan, tổ chức có phương án bổ sung thay thế người có trình độ đạt chuẩn nhằm cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính nghỉ trong thời gian 6 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.

Để khuyến khích cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính, không đạt chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…, tinh giản biên chế nhằm cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ, dự thảo đề nghị bổ sung chính sách riêng đối với các đối tượng này. Tuy nhiên, việc ban hành chính sách cần phải đủ mạnh nhằm khuyến khích, hỗ trợ một cách thỏa đáng để họ ổn định cuộc sống và tự nguyện tinh giản biên chế ngay.

Đồng chí Trần Quốc Huy, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa góp ý cho các dự thảo.

Về dự thảo Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

Ở nội dung này, các ý kiến chủ yếu tập trung vào tăng phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và tổ dân phố do đây là công việc tưởng như “không tên” nhưng thực chất tốn nhiều thời gian và công sức. Nhiều địa bàn là vùng sâu, vùng xa, các cán bộ hoạt động không chuyên trách phải rất vất vả để tiếp cận hỗ trợ bà con trong mọi công việc cũng như sinh hoạt hằng ngày.

Còn về quy định của Bộ Nội vụ đã ban hành tại Thông tư số 04/2022/TT-BNV ngày 23/5/2022 sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 của Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, công chức cấp xã phải có đủ các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 3 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn, trong đó có quy định Trình độ chuyên môn nghiệp vụ là tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã thì đa phần ý kiến đồng tình với phần bổ sung so với trước đây là “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Có nghĩa là “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với công chức làm việc tại các xã: miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn”.

Sau các góp ý của đại biểu dự Hội thảo, lãnh đạo các Vụ: Tổ chức – Biên chế, Chính quyền địa phương, Công chức, viên chức đã tổng hợp các ý kiến của đại diện 28 Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố và hứa sẽ xem xét, đối chiếu và trình Bộ trưởng nhằm phục vụ công tác chỉnh sửa, bổ sung các ý kiến xác đáng, gắn với đòi hỏi thực tiễn công việc cũng như đời sống của Nhân dân vào 3 Dự thảo Nghị định.

Đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ công bố kết quả triển khai thực hiện Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ đã công bố kết quả triển khai thực hiện Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, sau khi khai trương hệ thống vào ngày 29/12/2022, tính đến ngày 22/3/2023, có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc, Đài Truyền hình Việt Nam và 14 địa phương đã kết nối trực tiếp với Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ. Hiện còn 74 bộ, ngành, địa phương chưa kết nối được với hệ thống. Đồng chí Vũ Đăng Minh cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu người đứng đầu các địa phương (trực tiếp là Giám đốc Sở Nội vụ) tập trung chỉ đạo quyết liệt việc cập nhật, đồng bộ dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm tiến độ đến ngày 30/6/2023 phải hoàn thành tiêu chí “đúng, đủ, sạch”; tới ngày 31/12/2023, bảo đảm các tiêu chí mà Thủ tướng đã giao “đúng, đủ, sạch, sống”.

                                                                                          Thu Hương