Lực lượng sản xuất trong giai đoạn phát triển kinh tế số ở Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn)Hiện nay, lực lượng sản xuất đang có những biến đổi to lớn từ người lao động đến tư liệu sản xuất. Sự biến đổi của lực lượng sản xuất đã kéo theo sự thay đổi, cách vận hành của nền kinh tế. Nền kinh tế “truyền thống” đã được thay thế một cách phổ biến bằng “kinh tế số”. Không nằm ngoài tính quy luật đó, lực lượng sản xuất đã tác động đến cách thức vận hành nền kinh tế, hoạt động của các chủ thể mang nhiều thuận lợi, song cũng gây không ít những khó khăn. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế số của nước ta.
Ảnh minh họa (idea.gov.vn).
Kinh tế số và các khái niệm liên quan

Có nhiều định nghĩa về kinh tế số (KTS), theo Viện Đại học Orford (Anh): KTS là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet”1; KTS cũng được gọi là kinh tế internet (internet economy), kinh tế mới (new economy) hay kinh tế mạng (web economy)2.

Theo tác giả R.Bukht và R.Heeks đã đề xuất khung khái niệm KTS với 3 phạm vi: (1) KTS lõi (Core Digital Economy); (2) KTS phạm vi hẹp (Digital Economy); (3) KTS phạm vi rộng (Digitalised Economy) hay là KTS hóa. Hơn nữa, KTS lõi bao gồm chế tạo phần cứng, dịch vụ thông tin, phần mềm và tư vấn CNTT-TT; KTS bổ sung dịch vụ số (Digital Services) và kinh tế nền tảng (platform economy) vào KTS lõi. KTS phạm vi hẹp còn bao gói một bộ phận của kinh tế chia sẻ (sharing economy), kinh tế gắn kết lỏng (Gig economy); KTS hóa bổ sung kinh doanh điện tử, thương mại điện tử, công nghiệp 4.0…3.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, số hóa là “quá trình ứng dụng hàng loạt các công nghệ thông tin mới trong các mô hình kinh doanh và sản phẩm đang chuyển đổi nền kinh tế và các tương tác xã hội”4. Quá trình số hóa làm chuyển đổi nhanh chóng các doanh nghiệp (DN), đặc biệt khi quá trình này tích hợp các dữ liệu và internet vào các quy trình sản xuất.

Ở Việt Nam, theo báo cáo của Data61, nền KTS bao gồm tất cả các DN, dịch vụ có mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên việc mua bán hoặc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số hoặc các thiết bị và cơ sở hạ tầng hỗ trợ5.

Lực lượng sản xuất thời kỳ kinh tế số

Lực lượng sản xuất là toàn bộ năng lực thực tiễn dùng trong sản xuất của xã hội ở các thời kỳ nhất định. Về mặt cấu trúc, “lực lượng sản xuất bao gồm những tư liệu sản xuất và sức lao động dùng cho sản xuất. Tư liệu sản xuất bao gồm các công cụ lao động và đối tượng lao động”6. Từ khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển đã làm thay đổi chức năng của con người trong sản xuất. Xu hướng việc làm sẽ là sự dịch chuyển từ sản xuất sử dụng nhiều lao động sang sử dụng nhiều tri thức và công nghệ.

Bên cạnh đó, ngoài yêu cầu về kỹ thuật như trước đây, người lao động còn cần nắm bắt được công nghệ, kỹ thuật cao để điều khiển máy móc, thiết bị. Đồng thời, người lao động cũng cần phải có những kiến thức và kỹ năng chuyên biệt và những kỹ năng mềm riêng, như: khả năng tư duy sáng tạo và tính chủ động trong công việc, kỹ năng sử dụng máy tính, internet, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng an toàn và tuân thủ kỷ luật lao động, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tập trung…

Năm 2012, Việt Nam xếp thứ 8 về khoa học, thứ 17 về toán và 19 về đọc hiểu trên bảng xếp hạng PISA trên tổng số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát7. Đây là một trong những lợi thế cho thấy chất lượng giáo dục tại Việt Nam trong thời gian gần đây khá tốt, có đủ điều kiện để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cho nhu cầu của thị trường lao động đặc biệt là phát triển kinh tế số. Tính đến 2018, số lượng lao động trong ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam là 955.00 người với khoảng 30.00 DN ngành Công nghệ thông tin8.

Bảng: Số lượng lao động trong ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam 2015 – 2018

Lĩnh vực 2015 2016 2017 2018
Phần cứng 533.003 568.288 677.222 717.955
Phần mềm 81.373 97.387 112.004 127.366
Nội dung số 44.320 46.647 43.538 51.952
Dịch vụ 61.888 68.605 64.574 76.419
Tổng số lao động 721.584 780.926 897.338 973.692

Nguồn: Sách trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam 2019.

Ngoài ra, nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực viễn thông, internet trong năm 2017 là 68,094 người9.

Chính sự thay đổi của lực lượng sản xuất này đã có những biến đổi không chỉ đối với lao động mà còn cả với tư liệu sản xuất.

Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 250 cơ sở đào tạo ngành công nghệ thông tin – truyền thông bậc Đại học và Cao đẳng với 149 trường đại học, 412 trường cao đẳng nghề và trường trung cấp nghề10. Một số cơ sở đào tạo cung cấp một nguồn lớn nhân lực ngành Công nghệ thông tin chất lượng cao, như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học FPT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông,… cùng với đó, hàng loạt các học viện, trung tâm đào tạo trên khắp các tỉnh, thành phố.

Lực lượng sản xuất thời kỳ KTS bao gồm các yếu tố căn bản sau:

Một là, trí tuệ nhân tạo (AI) trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của KTS, Việt Nam xác định tập trung phát triển công nghệ, AI – một mũi nhọn được dự báo trở thành ngành công nghệ đột phá nhất trong những năm tới. Tại Việt Nam, AI đã và đang được ứng dụng và phát triển trong nhiều lĩnh vực, như: y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử… Cụ thể, ở lĩnh vực y tế, Viettel là đơn vị đầu tiên triển khai ứng dụng AI trong chẩn đoán nội soi qua hình ảnh, giúp tự động xác định, khoanh vùng và đánh giá mức độ tổn thương của hệ tiêu hóa vốn có nhiều căn bệnh phổ biến tại Việt Nam. Trong quản lý rừng, nông nghiệp, Viettel tiên phong ứng dụng giải pháp thống kê diện tích rừng, tình trạng rừng hoàn toàn tự động với độ chính xác 80%, phản ứng kịp thời gấp 5 lần11.

FPT gần đây đã công bố sẽ chi 300 tỷ đồng (13,16 triệu USD) cho nghiên cứu và phát triển AI trong 5 năm tới12. Đến nay, đã hình thành được một hệ sinh thái đa dạng các sản phẩm, giải pháp và nền tảng giúp DN khác tối ưu hóa hoạt động và cải thiện hiệu suất, phục vụ hơn 14 triệu người dùng thiết bị đầu cuối.

VNPT, một DN viễn thông xuất phát từ nhà nước, đang đẩy mạnh phát triển công nghệ AI liên quan đến thành phố thông minh và chính quyền điện tử. Hiện nay, VNPT đã triển khai trên 30 trung tâm điều hành và giám sát thông minh (IOC) ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 76/172 quốc gia về chỉ số sẵn sàng cho AI13. Ngày 26/01/2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Chiến lược này nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo cú huých cho sự phát triển AI của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, lĩnh vực AI của Việt Nam vẫn còn đối diện với một số khó khăn như đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, thiếu tập trung, hiệu quả chưa cao, đầu tư công của Việt Nam vào khoa học – công nghệ (KHCN) còn nhỏ (khoảng 0,4% GDP); chưa có chiến lược phát triển dữ liệu quốc gia, chưa có chính sách quốc gia và lộ trình phát triển AI, chưa có khung pháp lý riêng cho AI…

Hai là, hệ sinh thái internet kết nối vạn vật (IoT).

IoT tại Việt Nam đang là một lĩnh vực “nóng”, thu hút được nhiều công ty công nghệ tham gia nghiên cứu, sản xuất. Đơn cử, như: Mimosa Tech đã thương mại hóa giải pháp cho nông nghiệp chính xác, BKAV và Lumi là hai DN đứng đầu trong thị trường nhà thông minh, không chỉ sở hữu thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang các nước: Ốt-xtrây-li-a, Xinh-ga-po và Ấn Độ. Ngoài ra, nhiều ứng dụng khác đang ở giai đoạn thử nghiệm và đòi hỏi cần có nhiều thời gian hơn để cung cấp ra thị trường.

Ba là, điện toán đám mây (Cloud Computing).

Điện toán đám mây đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là thời điểm đại dịch Covid-19 đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, như: công nghệ thông tin, tài chính – ngân hàng, giáo dục, du lịch, khách sạn,… Nhiều cơ quan của Chính phủ đã lựa chọn mô hình điện toán đám mây để xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, như: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước… Tính đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 27 trung tâm dữ liệu (IDC) của 11 DN trong nước đầu tư, 270.000 máy chủ trên khắp cả nước. Những nhà cung cấp dịch vụ chủ yếu trên thị trường là VNPT, Viettel, FPT, VNG14.

Bên cạnh đó, điện toán đám mây còn gặp nhiều khó khăn thách thức, như: năng lực xây dựng hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ với hệ thống hiện đại, dịch vụ điện toán đám mây còn nhiều điểm trong ứng dụng trong hệ sinh thái đám mây để tối ưu chi phí và hoạt động cho khách hàng; cạnh tranh với các nhà cung cấp nước ngoài lớn, như Amazon, Google,… còn thiếu tính liên kết chặt chẽ giữa các nhà cung cấp…

Bốn là, dữ liệu lớn (Big Data).

Ở Việt Nam, nhiều lĩnh vực, đơn vị đã sử dụng dữ liệu này trong công tác quản lý nhà nước, trong quá trình sản xuất – kinh doanh. Một số đơn vị, như: FPT, VNG, VCCorp đã tham gia nghiên cứu và ứng dụng dữ liệu lớn trong phân tích hành vi khách hàng. Một số trang bán hàng điện tử áp dụng được một phần của kho dữ liệu lớn trong hoạt động thương mại (trang bán lẻ Sendo.Vn trực thuộc Tập đoàn FPT). Sendo.Vn đã vận dụng phân tích dữ liệu lớn trên 5 triệu sản phẩm được bán bởi 80.000 shop, đòi hỏi sự chuyên nghiệp trong quá trình xử lý nhằm bảo đảm loại trừ chính xác hàng giả, hàng nhái; kiểm tra độ tin cậy về giá bán cuối cùng của các shop trong lễ hội mua sắm trực tuyến.

Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nhiều ngân hàng đã dùng dữ liệu tiêu dùng, mua, vay, vị trí thanh toán của khách hàng để xác định giao dịch có hợp lệ hoặc có phải bị gian lận hay không.

Về ngành vận chuyển, có thể kể đến Hàng không Vietnamairlines (VNA). VNA là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên đã triển khai xong giai đoạn đầu của nền tảng dữ liệu mở Skywise được phát triển bởi Airbus và đối tác Big Data – Palantir. Skywise được đánh giá là “trái tim” của cuộc cách mạng số ngành Hàng không. Hiện nay, VNA đã và đang triển khai tích hợp các cơ sở dữ liệu vào hệ thống Skywise, như: thông tin lịch bay, kế hoạch bay (Netlines, FIM), dữ liệu cảm biến trên tàu bay (AGS), các cảnh báo kỹ thuật từ tàu bay (Airman)…

Về lĩnh vực cải cách hành chính, Công ty FSI với giải pháp số hóa tài liệu và công nghệ nhận dạng và bóc tách thông tin văn bản. Các công ty bán lẻ dựa trên dữ liệu về mua bán, tiêu thụ tại các cửa hàng, kết hợp với dữ liệu về vị trí cửa hàng, khoảng cách với cửa hàng của đối thủ cạnh tranh gần đó… để dự báo doanh thu, lợi nhuận hằng tháng. Ngoài ra, một số lĩnh vực khác ở Việt Nam, như: bất động sản, khám, chữa bệnh… đang dần tiếp cận và khai thác những giá trị mà dữ liệu lớn mang lại. Để có được những kết quả  trong việc ứng dụng dữ liệu lớn ở các lĩnh vực khác nhau, việc đầu tư, phát triển hạ tầng nhằm đón đầu sự lớn mạnh không ngừng của dữ liệu lớn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu.

Năm là, công nghệ chuỗi – khối (Blockchain).

Công nghệ này đã và đang dần trở thành cột trụ cho công nghệ ở Việt Nam với nhiều ứng dụng khá hấp dẫn như nền tảng lưu trữ văn bằng trong lĩnh vực đào tạo, thư tín dụng, bảo lãnh hợp đồng, thanh toán trong lĩnh vực ngân hàng… Số lượng các DN Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam hiện nay đã tăng gần 4 lần, từ 40 DN tại thời điểm cuối năm 2016, đến cuối năm 2021 đã tăng lên hơn 150 DN, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau… Trong đó, Ngân hàng BIDV tiên phong ứng dụng blockchain trong tài trợ thương mại, ngân hàng MBank, VPBank, Vietcombank… cũng đã công bố ứng dụng blockchain trong giao dịch tài chính. Một số DN khác cũng ứng dụng thành công blockchain vào kinh doanh, như: Masan Group, Bảo Việt, AIA… Bên cạnh đó, phát triển công nghệ blockchain ở Việt Nam cũng đang gặp nhiều thách thức do Việt Nam không có nhiều chuyên gia về blockchain, mức độ am hiểu của người dân về công nghệ này còn hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm, Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ một hành lang pháp lý cụ thể nào cho công nghệ này.

Một số khuyến nghị chính sách về phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp luật về CĐS, phát triển KTS. Để có thể ứng dụng những thành tựu của KHCN trong CĐS nói chung và phát triển KTS nói riêng, các cơ quan cần thường xuyên cập nhật, bổ sung hoàn thiện các quy chế, quy định, văn bản pháp luật trong lĩnh vực KHCN. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này có những hoạt động chính xác, hiệu quả, đúng quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, bảo đảm công tác an ninh mạng, tăng cường bảo mật thông tin. Đây là một trong những yếu tố cơ bản để việc ứng dụng và phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ số. Từ đó, có những quy định rõ ràng về cách thức bảo mật thông tin cá nhân, đồng thời, có chế tài xử lý thích đáng đối với các vi phạm về bảo mật thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, cần có hệ thống chính sách, pháp luật đầy đủ, đồng bộ đối với các lĩnh vực, như: danh tính số, định danh số, các dịch vụ thanh toán điện tử, quản lý thuế điện tử…, tạo sự yên tâm cho cá nhân, DN, các tổ chức tham gia vào việc số hóa nền kinh tế.

Thứ ba, phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng số. Đây là các công nghệ kỹ thuật số được sử dụng, là điều kiện quan trong để vận hành hiệu quả các hoạt động của quá trình CĐS của các DN, các tổ chức và của quốc gia. Việc phát triển và hoàn thiện hạ tầng số sẽ giúp quản lý chặt chẽ và hiệu quả các hình thức bán hàng và thanh toán trực tuyến, đặc biệt là các giao dịch trực tuyến.

Thứ tư, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực CĐS một cách đồng bộ. Trong quá trình CĐS nền kinh tế, các DN công nghệ thông tin luôn đi đầu trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng kỹ thuật số. Tuy nhiên, muốn CĐS nền kinh tế đạt hiệu quả cần có sự đồng bộ trong quá trình thực hiện, bởi các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế có quan hệ mật thiết với nhau. Đơn cử, như: ngành nông – lâm – ngư nghiệp không áp dụng số hóa thì ngành thương mại điện tử sẽ không thể truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong quá trình bán hàng trực tuyến, điều này không đáp ứng yêu cầu của người mua hàng trực tuyến, gây khó khăn cho các nhà quản lý và ảnh hưởng đến các bên liên quan.

Thứ năm, tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình CĐS. Hiện nay, Việt Nam đã có hệ thống các cơ sở đào tạo nhân lực cho quá trình CĐS ở nhiều bậc khác nhau với nhiều hình thức đào tạo khác nhau. Tuy nhiên, để có nhân lực chất lượng cao làm nòng cốt cho quá trình CĐS, cần có sự đầu tư thỏa đáng của Nhà nước, DN cũng như bản thân người lao động trong việc học tập, nghiên cứu và chuyển giao KHCN. Vì vậy, cần sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, đồng thời, tăng mức đầu tư từ ngân sách cho hoạt động KHCN, thực hiện xã hội hóa một số khâu trong nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN. Bên cạnh đó, cần có một số chính sách khuyến khích mang tính chất đãi ngộ về tiền lương và chế độ làm việc đối với lao động chất lượng cao thuộc lĩnh vực này.

Để có những khuyến nghị chính sách trên, cần nâng cao nhận thức của người dân về quá trình CĐS và vai trò của nó đối với sự phát triển kinh tế quốc gia. Và, chỉ có con người mới có khả năng tiếp thu tinh hoa trí tuệ nhân loại và đưa những giá trị đó vào phát triển lực lượng sản xuất (bao gồm cả người lao động và tư liệu sản xuất) để phát triển đất nước.

Chú thích:
1, 2, 4. Cameron A, Pham T H, Atherton J, Nguyen D H, Nguyen T P, Tran S T, Nguyen T N & Trinh H Y. Hajkowicz S (2019). Tương lai nền kinh tế số Việt Nam – Hướng tới năm 2030 và 2045. CSIRO, Brisbane, tr. 15, 18, 18.
3. Rumana Bukht and Richard Heeks (2017). Defining, Conceptualising and Measuring the Digital Economy. Development Informatics working pape. 68.
4. 7 xu thế chủ đạo ảnh hưởng tương lai kinh tế số của Việt Nam. https://giaiphapdientu.vn, truy cập ngày 04/02/2023.
5. Phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam trong bối cảnh mới. https://baodauthau.vn, ngày 16/11/2022.
7, 8, 9, 10.  Cameron A, Pham T H, Atherton J, Nguyen D H, Nguyen T P, Tran S T, Nguyen T N & Trinh H Y. Hajkowicz S (2019). Tương lai nền kinh tế số Việt Nam – Hướng tới năm 2030 và 2045. CSIRO, Brisbane.
11. FPT, Viettel: ứng dụng AI phát triển sản phẩm để thấy lợi ịch của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống. https://vietnamnet.vn, ngày 16/8/2019.
12. FPT dự kiến đầu tư 300 tỷ đồng trong 5 năm tới để đưa AI Việt Nam vươn tầm thế giới.https://mic.gov.vn, ngày 19/8/2021.
13. Phát triển AI tại Việt Nam: thực trạng, thành tựu, khó khăn. https://kienthuc.net.vn, ngày 09/12/2022.
14. Thực trạng phát triển điện toán đám mây tại Việt Nam. https://vnpt.com.vn, ngày 16/8/2021.
TS. Đặng Thị Hoài
Trường Đại học Thương mại