Quản trị tài sản trí tuệ hiệu quả tại các trường đại học – nền tảng bền vững của đổi mới sáng tạo

(Quanlynhanuoc.vn) – Tài sản trí tuệ là kết quả của quá trình tư duy sáng tạo trong bộ não con người được biểu hiện dưới nhiều hình thức sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nguồn nhân lực, chiến lược – kế hoạch kinh doanh, bí mật thương mại, mô hình hữu ích, bản quyền tác giả, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý… Tài sản trí tuệ là một loại tài sản thuộc nhóm tài sản vô hình. Hầu hết trong nhiều trường hợp, có giá trị lớn hơn nhiều so với tài sản hữu hình. Tài sản trí tuệ muốn có được phải đầu tư tốn kém, nhưng đồng thời cũng là loại tài sản quan trọng nhất, quyết định nhất, có giá trị nhất, tạo động lực để xây dựng lợi thế cạnh tranh tạo khác biệt hóa và phát triển bền vững.
Ảnh minh họa (internet).
Những vấn đề chung về tài sản trí tuệ trong các trường đại học

Đổi mới sáng tạo có trong tất cả góc độ của nền kinh tế, điều này khẳng định đóng góp của đổi mới sáng tạo rất quan trọng. Trong nền kinh tế tri thức, đổi mới và sáng tạo có tầm quan trọng đặc biệt đối với tăng trưởng kinh kế. Ở góc độ khác, năng lực đổi mới, đặc biệt là năng lực đổi mới khoa học và công nghệ là yếu tố quyết định ưu thế cạnh tranh quốc gia. Trong những thập niên gần đây, các nước trên thế giới đều rất coi trọng việc thúc đẩy đổi mới kinh tế; đồng thời đề ra những chiến lược, chính sách và biện pháp để thúc đẩy đổi mới.

Hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) mang lại cho các chủ thể sáng tạo cơ hội để có thu nhập, tạo ra lợi ích về tài chính và tạo ra động cơ để thúc đẩy lặp lại quy trình sáng tạo và nâng chất lượng hoạt động nghiên cứu, triển khai, thúc đẩy tạo ra thành quả sáng tạo mới, thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư, hạn chế những kẻ hỡ của các hoạt động sao chép bất hợp pháp, chuyên nghiệp hóa hoạt động nghiên cứu phát triển, thương mại hóa, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện và cơ hội tiếp cận và tiếp nhận, hấp thụ được các công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ cho việc phát triển đất nước.

Hoạt động bảo hộ quyền SHTT thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, giúp đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm thay thế để lựa chọn, giúp gia tăng lợi ích về giá, giảm độc quyền thị trường cho người tiêu dùng, tạo động lực cho chủ sở hữu tiếp tục hoàn thiện, cải tiến các sản phẩm tạo ra các sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ

Các điều ước quốc tế.

(1) Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (Công ước Paris). Công ước được ký kết ngày 20/3/1883 qua nhiều lần xem xét sửa đổi. Tính đến tháng 01/2019, Công ước Paris đã có 177 quốc gia thành viên ký kết, trở thành một trong những điều ước quốc tế được áp dụng rộng rãi nhất trên thế giới, Việt Nam đã tham gia công ước từ ngày 08/3/1949.

(2) Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật (thường được gọi là Công ước Berne). Đây là một hội nghị quốc tế được tổ chức vào năm 1886 tại thành phố Bern của Thụy Sĩ bởi 10 quốc gia châu Âu với mục tiêu thống nhất một bộ nguyên tắc pháp lý để bảo vệ tác phẩm gốc.

(3) Hiệp ước hợp tác sáng chế PCT. Hiệp ước với hơn 145 thành viên tham gia. PCT giúp cho sáng chế có thể được bảo hộ cùng một lúc tại nhiều quốc gia chỉ với việc nộp 1 đơn đăng ký sáng chế quốc tế thay vì việc phải nộp nhiều đơn quốc gia riêng biệt với các cơ quan sáng chế từng quốc gia. Việc cấp bằng độc quyền sáng chế vẫn được thẩm định theo luật của từng quốc gia được chỉ định theo luật định của quốc gia đó. Việc thẩm định tại từng quốc gia được gọi là giai đoạn đơn được vào “pha quốc gia”.

(4) Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Marid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu. Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa được ký kết tại Thủ đô Madrid – Tây Ban Nha ngày 14/4/1891. Nghị định thư Madrid được thông qua tại thành phố Madrid, Tây Ban Nha ngày 27/6/1989 và được quản lý bởi Văn phòng quốc tế của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới. Nghị định thư Madrid và Thỏa ước Madrid đã tạo nên Liên minh Madrid, gọi chung là Hệ thống Madrid hay Hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu Madrid. Tính đến tháng 7/2019, hệ thống Madrid đã có 105 thành viên, đại diện cho 121 quốc gia/vùng lãnh thổ. Việt Nam tham gia Thỏa ước Madrid ngày 08/3/1949, và tham gia Nghị định thư Madrid ngày 11/7/2006.

(5) Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới UPOV. Công ước được thành lập trên cơ sở Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (Công ước UPOV) được ký tại Paris năm 1961. Công ước có hiệu lực năm 1968 và được sửa đổi lại qua các năm 1972, 1987 và 1991. Công ước năm 1991 có hiệu lực vào ngày 24/4/1998. Việt Nam gia nhập và trở thành thành viên của Công ước và Liên hiệp UPOV từ ngày 24/12/2006.

(6) Các công ước quốc tế về phân loại. Các hệ thống phân loại quốc tế hiện có: Hiệp định Stasbuorg về phân loại sáng chế IPC; Thỏa ước Nice về phân loại quốc tế hàng hoá và dịch vụ vì mục đích đăng ký nhãn hiệu; Hiệp ước Vienna thiết lập phân loại quốc tế về yếu tố hình của nhãn hiệu; Hiệp ước Locarno thiết lập phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp.

Hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam về SHTT.

Thời gian qua, hệ thống pháp luật về SHTT ở nước ta đã được xây dựng, sửa đổi, bổ sung ngày càng hoàn thiện, qua đó, tạo nền tảng pháp lý cơ bản điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT.

Luật SHTT được Quốc hội thông qua năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019. Luật số 07/2022/QH15 của Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, các văn bản quy định chi tiết, các nghị định, thông tư trong từng lĩnh vực, từng vấn đề liên quan đến quy định tại Luật SHTT là văn bản pháp luật với các quy định thống nhất, đồng bộ, minh bạch, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt – tài sản trí tuệ.

Những hạn chế, bất cập trong hoạt động quản trị tài sản trí tuệ hiện nay

Thứ nhất, bất cập trong quy định về chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng trong các hợp đồng chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan.

Thứ hai, bất cập ở quy định hiện hành khi chưa tạo được động lực khuyến khích các tổ chức, cá nhân vốn trực tiếp tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tham gia vào quá trình xác lập, khai thác và chuyển giao công nghệ, từ đó dẫn đến hoạt động thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bị hạn chế.

Thứ ba, bất cập về thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan và xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Đối với thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, chưa có quy định về thành phần hồ sơ để thực hiện đăng ký trực tuyến, chưa quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục. Đối với thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, một số quy định còn phức tạp và chưa hoàn toàn hợp lý, dẫn đến kéo dài thời gian thẩm định đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Thứ tư, bất cập trong việc bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Một số quy định hiện nay chỉ được đề cập về mặt nguyên tắc trong Luật hoặc chỉ được quy định chi tiết trong các nghị định hoặc thông tư hướng dẫn thi hành đã gây ra một số bất cập trong việc thống nhất áp dụng pháp luật.

Thứ năm, bất cập trong hoạt động hỗ trợ về SHTT. Quy định hiện hành về tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan chưa phù hợp với quy định về đại diện trong Bộ luật Dân sự và chưa theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, Luật SHTT cũng chưa quy định rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.

Thứ sáu, thực thi (bảo vệ) quyền SHTT chưa thực sự hiệu quả. Việc mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp thực thi hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT đã tạo ra gánh nặng không cần thiết cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, các quy định về thực thi quyền trong môi trường số, hay xử lý tên miền vi phạm pháp luật về SHTT chưa cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi trong việc xử lý các hành vi này.

Thứ bảy, các trường đại học, viện nghiên cứu còn thiếu, còn yếu và chưa có công cụ hiệu quả để thực hiện quản trị tài sản trí tuệ (TSTT). Hoạt động quản trị TSTT còn thực hiện manh mún, thủ công truyền thống, việc số hóa trong hoạt động quản lý chưa được triển khai.

Giải pháp nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về quản trị TSTT.

Thiết lập một khuôn khổ quy định tổng thể cho các hoạt động nghiên cứu khoa học làm cơ sở bảo đảm triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học tuân thủ các quy định hiện hành cũng như các quy định cụ thể của các trường đại học. Điều chỉnh, xây dựng và ban hành các quy định chính sách khuyến khích đăng ký SHTT cho trường đại học tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền SHTT.

Thứ hai, xây dựng và triển khai phần mềm quản trị TSTT.

Quản trị TSTT cần được thực hiện ngay từ giai đoạn tạo dựng, sáng tạo TSTT cần phải tiến hành quản trị mọi sản phẩm của hoạt động sáng tạo, vì TSTT là kết quả của hoạt động quá khứ liên quan đến chính nó và đồng thời là điều kiện để tạo ra TSTT. Do vậy, cần thực hiện quản trị TSTT một cách hiệu quả thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản trị TSTT, xây dựng và triển khai phần mềm quản trị TSTT tại các trường đại học. Trong đó, tính đến phương án hợp tác chuyển giao công nghệ từ kết qủa nghiên cứu của đề tài về phần mềm quản trị TSTT.

Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển TSTT tại các trường đại học, viện nghiên cứu.

Xây dựng hệ thống thông tin SHTT phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và quản trị TSTT. Cần thấy rằng, cơ sở dữ liệu về TSTT, trong đó thông tin SHTT đóng vai trò quan trọng trong hoạt động quản trị TSTT.

Hệ thống cơ sở dữ liệu về TSTT mạnh, đầy đủ, phong phú, đặc biệt là có tính liên thông, liên kết cũng như kết nối và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc tế liên quan đến hoạt động quản trị TSTT giúp các trường đại học tăng cường tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh, góp phần đem lại tính khả thi, khả năng thành công cao hơn trong việc đăng ký bảo hộ TSTT trong nước và quốc tế.

Thứ tư, tăng cường liên kết giữa trường đại học với doanh nghiệp và thúc đẩy thương mại hóa TSTT.

Việc gia tăng số lượng đơn đăng ký SHTT sẽ có ý nghĩa hơn khi các lĩnh vực được nghiên cứu có nhu cầu xuất phát từ doanh nghiệp. Điều này, giúp cho các nhà khoa học tiếp cận tốt hơn với nhu cầu thực tế, đồng thời, các bài giảng của chính các nhà khoa học trong trường sẽ sinh động hơn khi đưa các ví dụ thực tiễn từ doanh nghiệp.

Tiếp đó, việc tăng cường liên kết giữa trường đại học và cựu sinh viên sẽ đem lại nhiều cơ hội hợp tác nghiên cứu khoa học và tài chính. Nhiều cựu sinh viên của các trường, viện sau khi tốt nghiệp thường có những thành công nhất định, việc liên kết chặt chẽ với lực lượng này sẽ làm cho các nhà khoa học có nhiều tài trợ hơn từ các cựu sinh viên.

Thứ năm, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản trị TSTT.

Số hóa tối đa các quy trình quản trị TSTT tại đơn vị. Trong đó, xác định rõ đối tượng và mục tiêu chuyển đổi số của công tác quản lý. Đối tượng chính là toàn bộ các quy trình TSTT đi từ bước đề xuất, tạo lập, xác lập quyền, phát triển đến thương mại hóa TSTT.

Thứ sáu, vinh danh các tác giả có nhiều kết quả nghiên cứu tạo ra TSTT.

Cần có những quy chế vinh danh các tác giả, cụ thể đối với trường đại học là chủ sở hữu sáng chế cần có hình thức khen thưởng hoặc đề xuất các cơ quan cấp trên khen thưởng bằng nhiều hình thức trong quy chế khen thưởng hiện hành của Nhà nước.

Thứ bảy, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác quản trị TSTT, đội ngũ cán bộ nghiên cứu đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển.

Đầu tư xây dựng đội ngũ nhân lực KHCN trình độ cao; chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân đối với đội ngũ nhân lực KHCN tham gia thực hiện các nhiệm vụ cấp quốc gia; thúc đẩy thu hút và dịch chuyển nhân lực KHCN và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động quản trị TSTT và nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học.

Giao nhiệm vụ và đề cao trách nhiệm của đội ngũ nhân lực phục vụ hoạt động quản trị TSTT và nghiên cứu khoa học; xây dựng quy chế, cơ chế thông tin giúp đội ngũ này kịp thời nắm vững các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn của đất nước và địa phương cũng như tiềm năng, định hướng chiến lược và thực tiễn tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học để triển khai hoạt động quản trị TSTT hiệu quả.

Thứ tám, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về SHTT, nâng cao nhận thức về TSTT, bảo hộ TSTT và quản trị hiệu quả TSTT.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về SHTT, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về SHTT. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn về SHTT. Bên cạnh đó, tuyên truyền phổ biến để các tổ chức và cá nhân có liên quan tuân thủ các điều ước quốc tế đã tham gia và các hiệp định song phương đã ký kết.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đi đôi với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm SHTT. Cần tăng cường công tác ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, cập nhật quy định, kiến thức trong lĩnh vực SHTT nhằm nâng cao hiệu quả quản trị TSTT. Khẳng định và nâng cao vai trò của các CSGDĐH trong việc nâng cao hiệu quả các hoạt động trong lĩnh vực SHTT và các lĩnh vực khác có liên quan.

Kết luận

TSTT là một hình thức đầu tư khôn ngoan. Việc có được quyền SHTT có thể cải thiện mạnh mẽ vị thế, năng lực trình độ nghiên cứu khoa học của trường đại học, góp phần phát triển, mở rộng khối tài sản hiện có và nâng cao chất lượng, giá trị của trường đại học trong tương lai. Đặc biệt, đối với những nghiên cứu được cấp bằng độc quyền sáng chế cấp cho các công nghệ quan trọng, công nghệ lõi. Đầu tư vào xây dựng hệ thống quản trị TSTT tốt, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng nâng cao giá trị, chất lượng của các sản phẩm, kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, nâng cao khả năng thương mại hóa, chuyển giao công nghệ và khả năng sinh lợi cho phục vụ cho sự phát triển của các trường đại học, viện nghiên cứu cũng như đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Xuân Long, Chu Đức Dũng. Giải pháp phát triển hoạt động tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ ở Việt Nam. Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới , số 8 (160)/2009.
2. Trịnh Minh Tâm. Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng cơ chế chính sách về quản lý, hỗ trợ hình thành và hoạt động của các tổ chức định giá, đánh giá công nghệ, môi giới chuyển giao công nghệ. Đề tài cấp bộ của Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, 2014.
3. Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Trung Thành, Trịnh Minh Tâm. Thực trạng và giải pháp thúc đẩy dịch vụ chuyển giao công nghệ ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 6 (699) năm 2017.
4. Hoàng Xuân Long. Vai trò của tổ chức tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ đối với doanh nghiệp. Tạp chí Hoạt động khoa học, số tháng 3/2008.
Nguyễn Minh Huyền Trang
Trần Thị Phương Anh
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh